Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
CHẠNH LÒNG THƯƠNG
6/2 Thứ Bảy Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo
Dt 13:15-17,20-21; Tv 23:1-3,3-4,5,6; Mc 6:30-34
CHẠNH LÒNG THƯƠNG
Ngày 6-2-1597, 26 Kitô hữu bị đóng đinh tại Nagasaki (Nước Nhật). Trong số đó có các nhà truyền giáo châu Âu, các tu sĩ dòng Tên và dòng Phan Sinh, kể các các tu sĩ Nhật, như LM Phaolô Miki và 17 giáo dân: Gồm các giáo lý viên, các thông dịch viên, hai bác sĩ và cả các trẻ em. Tất cả đều tươi cười, nhiều người còn ca hát.
Thánh Phaolô Miki sinh ra tại đất nước Nhật Bản vào thế kỷ XVI giữa lúc nước Nhật cấm cách, bắt bớ đạo Công giáo một cách thật gắt gao. Thánh nhân là một tu sĩ Nhật Bản rất hăng say, nhiệt thành với công việc loan báo Tin Mừng. Điều mà sử gia Tertullien đã viết quả thực được thể hiện nơi Phaolô Miki và các bạn. Vì hăng say với công việc truyền giáo, ngày 5/2/1597 trên một chuyến tàu, Phaolô Miki và 25 người bạn đã bị quan quân Nhật Bản bắt nhốt, bị lên án tử bằng hình phạt treo Phaolô và các bạn của ngài trên những cây Thập giá đối diện với bờ biển.
Bị cực hình, bị treo lên những cây Thập tự giá, nắng, gió, đau đớn, nhưng với ơn Chúa giúp thánh Phaolô Miki và các bạn vẫn tươi vui, phấn khởi, không hề sợ sệt và vẫn hăng hái, sốt sắng giảng đạo, khuyên răn các người đến xem ăn năn hối cải, trở về với Thiên Chúa. Thánh nhân tha thứ cho những kẻ sỉ nhục, hành hạ và kết án ngài cùng các bạn. Quan quân Nhật Bản quá tức giận vì thái độ bình tĩnh và không sợ sệt của các ngài, nên đã đâm chết Phaolô Miki và các bạn của ngài.
Lời Thánh vịnh viết: “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng. Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười”. Thánh Phaolô Miki và 25 người bạn đã được diễm phúc tử vì đạo với hình phạt nặng nề như Thầy của mình là bị đóng đinh trên Thập tự giá. Thiên Chúa và Giáo hội đã tôn vinh các ngài.
Sau khi đi loan báo Tin Mừng theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, các tông đồ trở về với niềm vui hớn hở, họ vây quanh Thầy mình và đua nhau kể thành tích đã thâu lượm được trong sứ vụ. Chắc chắn Thầy Giêsu vui lắm, nhưng Ngài đã nhìn thấy những vất vả, nhọc nhằn vẫn còn in trên khuôn mặt các đồ đệ của mình và quan trọng hơn nữa: Ngài muốn các môn sinh có thời gian nghỉ ngơi phần xác, giống như sau sáu ngày làm việc Thiên Chúa đã nghỉ ngơi. Còn về phần hồn, thì “các trò” có giờ nghiền ngẫm lại những gì Thiên Chúa đã thực hiện cho người trần qua bàn tay và tiếng nói của họ.
Vì thế, Chúa mới ân cần nói: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng.( Mc 6, 31- 32).
Thậy thế, người tông đồ thực thụ của Chúa dù ở bậc nào cũng luôn nhìn thấy sứ mạng để chu toàn. Bởi đó, họ luôn bị cám dỗ lao vào các công việc phục vụ đến nỗi không còn thời giờ chăm lo cho mình và quan trọng hơn là dành những giây phút riêng tư cho sự trợ giúp thiêng liêng của Thiên Chúa bằng cầu nguyện, xét mình, hồi tâm, đọc Lời Chúa… nếu thiếu sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta có thể ví mình như chiếc xe máy hết xăng giữa đường trường vắng vẻ. Người ta thường nói: “Ăn cơm nhà Chúa, múa cả ngày” điều đó rất đúng, vì việc nhà Chúa lúc nào cũng có và đều mang tính “khẩn”. Chúng ta “múa” mà có Chúa múa cùng thì điệu múa đó mới đẹp, mới hay và mới có ý nghĩa; còn múa một mình, không mời Chúa giúp, thì e rằng điệu múa đó coi chừng bị rớt nhịp, trơ trụi, lúng túng và thiếu chiều sâu tâm linh.
Trở về với bài Tin Mừng, tôi thấy: chiếc thuyền chở Thầy trò Giêsu hôm nay sao ấm cúng lạ thường! Phải chăng vì Thầy Giêsu luôn ở bên họ và cùng đồng lao cộng khổ với họ trong cuộc đời mà con thuyền này chỉ là một hình ảnh thu gọn! Được ở bên Thầy mỗi ngày, các môn sinh đều cảm nhận sâu hơn niềm vui, sự yêu thương, quan tâm, săn sóc mà Thầy Giêsu đã dành cho mình cũng như cho đoàn môn đệ. Các ông là những người được vinh dự đại diện cho mỗi người chúng ta hôm nay, cũng đang được Thiên Chúa yêu thương chăm sóc như vậy!
Tin Mừng lại trình bày tiếp: “Ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Rõ ràng, tình yêu của Thiên Chúa không dừng nơi sự mệt nhọc thể lý của con người mà lại tiếp tục nhân rộng tình thương đến vô tận. “Chạnh lòng thương” ở đây không còn là từ ngữ nữa, nhưng là cái đụng chạm đến con tim, một con tim của Thiên Chúa đã vì yêu thương xuống thế làm người, ở với con người, dạy dỗ con người để cứu độ con người. Hỏi trên đời này, có ai quan tâm đến chúng ta hơn Thiên Chúa đã yêu thương, chăm sóc chúng ta không? Và đã có bao nhiêu người để ý tới điều đó để nhận ra cả cuộc đời mình đều là hồng ân của Chúa.
Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng vì “Họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Họ không được qui tụ trong một đàn, họ tản mác, họ tự lo kiếm ăn và họ tự bảo vệ lấy mình. Họ không có bình an, hạnh phúc. Chúa Giêsu thương họ, Người muốn qui tụ họ. Nhưng trước hết, Người dạy dỗ họ nhiều điều. Chắc có lẽ Chúa Giêsu sẽ dạy họ về sự đoàn kết, về việc phải qui tụ nhau lại thành một. Muốn có được sự qui tụ, sự hiệp nhất, phải có chung điều gì đó. Điểm chung đó chính là Tình Yêu thương nhau, là cùng chung một niềm Tin và cùng tuân theo một sự hướng dẫn.
Chúa Giêsu đã qui tụ tất cả chúng ta trong Giáo Hội toàn cầu, mà cụ thể là Giáo xứ hay nơi gia đình. Quả thật, trong Giáo Hội, Giáo xứ và ngay trong gia đình, tất cả mọi người đều có chung một Niềm Tin: tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, nhờ đó chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả mọi người.
Từ việc nhận biết Tình yêu Thương của Thiên Chúa qua Đức Kitô, chúng ta được dạy phải yêu thương nhau, và cho tới ngày sau hết, Thiên Chúa vẫn tỏ lộ và dạy chúng ta về Tình Yêu qua sự hướng dẫn của Đấng thay mặt Ngài, đó là những người hướng dẫn chúng ta.
Tin Mừng hôm nay, thánh Maccô như tóm tắt tất cả dung mạo của Chúa Giêsu trong câu nói: “Chúa Giêsu thấh đông đảo dân chúng thì chạnh lòng thương”. Ðây là tất cả mạc khải về tình yêu Thiên Chúa đối với con người: thay cho một Thiên Chúa ở trên cao, thưởng phạt chí công, lạnh lùng nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã bày tỏ cho chúng ta một Thiên Chúa đi vào lịch sử con người, một Thiên Chúa sinh ra như một em bé, một Thiên Chúa có trái tim cảm thông và tha thứ, một Thiên Chúa gần gũi với con người, có mặt trong từng nhịp thở của con người.
Chiêm ngắm một Thiên Chúa như thế qua con người Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng nhận ra được một chân lý về con người, bởi vì như Công Ðồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” đã nói: Chỉ trong ánh sáng của Ngôi Lời Nhập Thể, chân lý về con người mới được sáng tỏ. Con người bởi đâu mà đến? sẽ đi về đâu? chúng ta nhận ra điều đó trong Chúa Giêsu đã đành, mà trong Ngài, chúng ta còn phải biết sống thế nào cho phải đạo làm người.
Qua cung cách của Ngài, chúng ta thấy phải đối xử thế nào với người đồng loại. Qua cuộc sống yêu thương và yêu thương đến chết trên Thập giá, chúng ta hiểu được rằng hiến thân cho tha nhân là ơn gọi của con người, chỉ có con người mới được mời gọi để sống cho tha nhân mà thôi.