Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Cần lòng Chúa thương xót hơn
- 1
Thứ Bảy trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm
Dt 4:12-16; Tv 19:8,910,15; Mc 2:13-17
CẦN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT HƠN
Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: “Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi”.
Câu chuyện Chúa Giê-su gọi Lê-vi và thái độ đáp trả của ông là một câu chuyện thật đẹp, đầy tình người, đầy tính nhân bản và đầy tình xót thương của Thiên chúa – một vị Thiên Chúa yêu thương, tôn trọng phẩm giá và coi trọng nhân vị mỗi con người; bởi vì mỗi người là độc nhất vô nhị trước mặt Thiên Chúa. Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người, Người biết sự quí giá của mỗi con người, Người biết sứ mạng của Người là đến trần gian để giải thoát và cứu vớt, đem về cho Thiên Chúa những con người còn đang bị bóng đêm tội lỗi khiến cho lầm lạc và bị ách đau khổ đè nặng; Người đến để loan báo cho con người biết tình thương và ý định của Thiên Chúa là muốn cho họ được hạnh phúc.
Ta thấy Chúa Giêsu đã nhìn Lê-vi không phải như nhìn một khúc gỗ mục bỏ đi, nhưng là một viên ngọc lấm bùn, chỉ cần chùi rửa, mài dũa là sáng lên lấp lánh ánh hào quang rực rỡ. Người cũng nhìn mỗi người chúng ta như vậy.
Và như thế, chúng ta đừng bao giờ thất vọng về những yếu đuối của bản thân, nhưng hãy can đảm chạy đến với Chúa để được ơn chữa lành. Mặc dù không được như Lê-vi, người đã mau mắn và triệt để đáp lại tiếng gọi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy cố gắng đáp lại tiếng Chúa mời gọi chúng ta mỗi ngày trong cuộc sống. Có thể Chúa mời gọi chúng ta tha thứ cho một ai đó, là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng hay là một thành viên trong gia đình của mình. Cũng có thể Chúa mời gọi chúng ta bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ cho tha nhân, người đang gặp đau khổ, đang lâm cảnh khó khăn, bế tắc…. Mỗi một lời đáp trả trong yêu thương là một bước chúng ta đến gần với Chúa Giêsu và gắn bó với sứ mạng của Người trong cuộc sống.
Trình thuật Tin mừng hôm nay cũng là một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở chúng ta phải luôn biết cảnh giác và hồi tâm tự kiểm. Bởi vì, rất thường khi nghe nói đến những người tội lỗi, chúng ta hay nghĩ đến những kẻ phạm tội công khai, lỗi tầy đình mà lại không hề nghĩ đến chính mình. Chúng ta dễ ‘nhìn thấy cái rơm trong mắt anh em mà không nhìn thấy cái xà trong mắt của mình’. Chúng ta dễ dàng đứng trong vai thẩm phán để lên án, xét đoán tha nhân mà không biết rằng chỉ có Chúa mới có quyền xét xử (Gc 4,12). Chúng ta muốn người khác khoan dung với những yếu đuối của mình, nhưng chúng ta lại khắt khe với những lầm lỡ của tha nhân, nhất là khi những lỗi lầm ấy xúc phạm đến chính chúng ta, làm tổn thương chúng ta….
Do đó, để có thể cảm thông và tha thứ chúng ta còn cần rất nhiều ơn Chúa; cần phải chiêm ngắm lòng nhân hậu và thương xót Chúa luôn luôn và xin Chúa giúp chúng ta nên giống Người trong tình yêu và lòng thương xót.
Ngày hôm nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên.
Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.
Mỗi người chúng ta đều cần đến tình yêu, lòng thương xót và ơn cứu độ của Chúa Giêsu. Có lời một bài hát: “Khi tôi lầm lỡ mới biết sớt chia với người lỡ lầm”; nếu chúng ta cứ đứng trên phương diện cho mình là người công chính thì chúng ta thường dễ dàng lên án những lầm lỗi, yếu đuối của tha nhân, điển hình như những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu trong trình thuật Tin mừng hôm nay. Nhưng nếu biết tự kiểm bản thân, chúng ta sẽ thấy rằng mình cũng chỉ là tội nhân, là người có nhiều lầm lỗi, mắc nhiều căn bệnh trầm kha trong tinh thần. Tuy nhiên, thật hạnh phúc thay, chúng ta không bị ruồng rẫy, từ bỏ; nhưng có một thầy thuốc luôn tìm kiếm và sẵn lòng chữa trị cho chúng ta, đó là chính Thiên Chúa của chúng ta – Đức Giêsu Ki-tô. Do đó, tới lượt chúng ta, chúng ta cũng phải biết cảm thông với những yếu đuối của tha nhân.