skip to Main Content

Trương Vĩnh Ký: Ông tổ nghề báo Việt Nam

Trương Vĩnh Ký: Ông tổ nghề báo Việt Nam

Ngày nhỏ thường chạy xe đạp qua giao lộ Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng, tôi rất ngạc nhiên khi thấy một ngôi nhà mồ nằm trên một khu đất rộng ngay mặt tiền đắc địa. Mãi đến sau này đi làm báo mới biết đó là nhà mồ của nhà bác học người Công giáo Petrus Trương Vĩnh Ký, người khai sinh ra tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ: Gia Định Báo.

Khuôn viên rộng 2.000 m2 vẫn được giữ nguyên nét cổ kính hoang sơ như cả trăm năm trước. Những hàng cây tán rộng, những mảng sân xi măng loang lổ tróc vữa. Gần giữa trưa nhưng khuôn viên vẫn râm mát do cây me ngay cửa ra vào tỏa bóng rộng.

Nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Ngôi nhà mồ cổ hiu quạnh

Tôi vào một ngôi nhà kiểu cổ, bên trong vẫn mang nét kiến trúc cổ điển đậm chất Việt để tìm ông Trương Minh Đạt là hậu duệ đời thứ tư của cụ Petrus Ký, cũng là người được giao nhiệm vụ trông coi quản lý đất hương hỏa.

Ông Đạt lấy chìa khóa để mở cổng nhà mồ cho tôi vào tham quan, đồng thời giải thích thắc mắc. Đây nguyên là phần đất của gia đình, do đích thân cụ Trương Vĩnh Ký tổ chức xây dựng. Đường Trần Hưng Đạo trước đây là đại lộ Gallieni vốn là một con kênh bị lấp đi thành đường để nối Sài Gòn và Chợ Lớn.

Từ khu đất này nhìn qua thấy rạch Bến Nghé cách đó không xa. Nhà xây ngoài mục đích để ở còn là nơi để dạy học, tiếp khách và làm việc trong những năm cuối đời của cụ Trương Vĩnh Ký. Bên ngoài căn nhà gỗ mái âm dương, phía trước nhà đặt một hòn non bộ lớn, thú tiêu khiển đặc trưng của nhà vườn Nam Bộ xưa.

Sau khi cụ Trương mất, thi hài được mai táng trong căn nhà mồ đã được xây dựng ngay từ lúc cụ còn sống. Một phong cách rất Việt, người già thường sắm sửa trước cỗ áo quan cho ngày ra đi của chính mình. Trên nhà mồ còn ghi rõ ngày hoàn thành là tháng 12-1898, tức là năm cụ Trương mất.

Đến năm 1937, nhân dịp giỗ lần thứ 39 của cụ, con cháu trùng tu lại di tích, xây thêm tường gạch kiên cố bên ngoài, còn mọi thứ vẫn giữ nguyên.

Ngôi nhà mồ không quá to lớn, hình bát giác, nhìn trên cao xuống như hoa thị. Bên trong thiết kế bằng phẳng với lớp gạch bông Hoàng Hậu cũ vẫn còn nguyên, kể cả ba ngôi mộ đều theo phong cách Tây không đắp cao mà phẳng với nền nhà.

Ngôi mộ cụ Trương đặt ở giữa, hai bên là mộ của người vợ được ghi tên theo phong cách xưa là Maria Trương Vĩnh Ký (nhũ danh Vương Thị Thọ) và người con trai cả Trương Vĩnh Thế. Bia mộ trang trí rất đơn giản, chỉ có viền hoa văn hình lá ở ngoài. Bia mộ cụ Trương được làm bằng đá trắng, còn của vợ và con thì làm bằng đá hoa cương đỏ, bị nứt nẻ khá nhiều.

Mặc dù bia mộ theo phong cách Tây nhưng trần nhà mồ lại vẽ một con kỳ lân cùng các hoa văn cách điệu ngọn lửa giống trong chén đĩa cổ. Ngôi nhà mồ là một kiến trúc kết hợp phong cách Đông-Tây, Á-Âu rất hài hòa dù diện tích chỉ vẻn vẹn chưa đầy 50 m2.

Trong khuôn viên còn độ 60 ngôi mộ nữa là con cháu của cụ. Các ngôi mộ được đặt sát cạnh nhau và đều không có nhà mồ.

Ông Đạt cho biết nhà mồ cụ Trương mới được trùng tu năm năm trước, gia đình không sửa chữa thay thế gì cả, chỉ sơn quét lại và tô vẽ các hoa văn đã bị mờ y như cũ. “Thỉnh thoảng mới có người lại viếng cụ, cô hiệu trưởng Trường Lê Hồng Phong (Petrus Ký cũ) cũng mang hoa lại đây” – ông Đạt kể lại.

Ngôi nhà mồ cụ Trương Vĩnh Ký. Ảnh: PTG

Thần đồng ngôn ngữ

Lịch sử Việt Nam từng có nhiều thần đồng kiệt xuất như Mạc Đĩnh Chi, Lê Quý Đôn… nhưng giai đoạn cận đại mới có một người đặc biệt như Trương Vĩnh Ký. Sinh ra trong một gia đình quan lại, cha là Lãnh binh Trương Chánh Thi mất sớm khi nhậm chức tại Nam Vang, cậu Ký sống với mẹ và đã bộc lộ khả năng sáng dạ, nghe hay đọc qua một lần là thuộc.

Ba tuổi, cậu học thuộc sách Tam Tự Kinh, đến sáu tuổi đã thông hiểu Minh Tâm Bửu Giám, thuộc nhiều bài thơ đời Đường, đời Tống, kể cả các bài ca dao dài mà người lớn không nhớ nổi… Cậu đọc cả Tứ Thư, Ngũ Kinh và trích dẫn trong các tình huống ứng xử hằng ngày khiến mọi người đều kinh ngạc.

VỚI KHẢ NĂNG SỬ DỤNG 26 NGOẠI NGỮ, TRONG ĐÓ CÓ 15 NGÔN NGỮ CHÂU ÂU VÀ 11 NGÔN NGỮ PHƯƠNG ĐÔNG, TRƯƠNG VĨNH KÝ ĐƯỢC XEM LÀ MỘT TRONG 18 BÁC HỌC NỔI TIẾNG Ở THẾ KỶ XIX.

Gia cảnh khó khăn, cậu sớm được các linh mục chú ý nhận nuôi dưỡng, cho theo đạo, đặt tên là Petrus Ký rồi dạy tiếng Latin và chữ quốc ngữ. Đến khi triều đình cấm đạo gay gắt, cậu được một linh mục người Pháp tên là Bouilleaux (tên Việt là Cố Long) đưa sang Chủng viện Pinha-lu bên Cao Miên để lánh nạn.

Chủng viện Pinha-lu tập hợp 25 chủng sinh xuất sắc từ các chủng viện khác, tuổi 13-15. Khi ấy cậu Ký chỉ mới 11 tuổi nhưng biết tiếng Latin xuất sắc nhất. Trong quá trình giao tiếp với các chủng sinh nước ngoài, cậu Ký nhanh chóng học luôn các thứ tiếng Nhật, tiếng Hán, tiếng Thái của các bạn cùng lớp.

Qua năm sau, cậu nói được tiếng Lào, tiếng Miên, tiếng Ấn Độ… khiến mọi người đều sửng sốt. Ban đầu cậu học qua bạn học và từ điển, rồi sau đó tự tìm ra quy luật ngữ pháp để học ngoại ngữ nhanh chóng hơn.

Đứng đầu lớp, cậu Ký được sang học ở Chủng viện Dulalma ở Penang, Mã Lai. Trong khoảng thời gian theo học tại đây, cậu học thêm các thứ tiếng khác như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Mã Lai, Hy Lạp, Pháp…

Giữa hai dòng nước và nỗi oan trăm năm

Mặc dù được các cha tạo điều kiện sang La Mã học để làm linh mục nhưng thầy Petrus Ký quyết định trở về nước để chịu tang mẹ. Ông được giới thiệu làm thông ngôn cho Pháp và dạy tại trường thông ngôn do Pháp mở.

Ông được gọi theo phái đoàn Pháp bàn nghị hòa với triều đình rồi được đại thần Phan Thanh Giản gọi theo làm phiên dịch trong chuyến sang Pháp xin chuộc ba tỉnh miền Đông. Sau này ông lãnh nhiều chức vụ khác liên quan đến việc dạy ngôn ngữ cho người Pháp cũng như triều đình.

Petrus Ký được phong danh hiệu viện sĩ của Viện Hàn lâm Pháp và chức hàn lâm viện thị giảng học sĩ. Ngoài viết hơn 120 quyển sách, một con số khổng lồ, Trương Vĩnh Ký còn xin phép xuất bản tờ Gia Định báo, tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam vào năm 1865 và được xem như ông tổ nghề báo Việt Nam.

Mộ Petrus Ký bên cạnh vợ và con. Ảnh: PTG

Ông chỉ làm công việc phiên dịch và dạy ngôn ngữ, góp phần vào việc kết nối Việt Nam với văn hóa các nước nhưng lại bị nghi ngờ từ cả hai phía. Mặc dù làm việc cho Pháp nhưng ông không chịu nhập quốc tịch Pháp. Đã vậy trong sách của ông viết, ông vẫn gọi Pháp là “giặc”.

Do vậy, ông bị Pháp nghi ngờ, không tin tưởng. Mặt khác, việc ông theo đạo Công giáo cũng bị phía triều đình nghi ngờ. Pháp xem ông như một người “hai mang”, còn người Việt xem ông là Việt gian.

Lúc cuối đời, ông bị cả hai bên ghẻ lạnh, thậm chí trù dập.. Những năm tháng cuối đời ông sống trong cảnh buồn bã và nghèo khó.

Cuộc đời ông Trương Vĩnh Ký như đứng bên hai dòng nước, có nhân sĩ viết sách lên án ông nhưng cũng có những người vận động đúc tượng ông để ghi công. Nỗi oan của ông kéo dài cả trăm năm sau khi chết. Những con đường hay ngôi trường mang tên ông đã bị đổi tên, tượng của ông bị tháo dỡ, cất trong bảo tàng…

Cảm thấy mình bị oan ức, ông chỉ biết than thở qua những vần thơ lúc lâm chung, có hai câu cuối:

Cuốn sổ bình sanh công với tội, Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.

Các nhà ngôn ngữ học của nước Pháp vô cùng ngạc nhiên
Tất cả nhà ngôn ngữ học của nước Pháp vô cùng ngạc nhiên trước cuốn Khảo luận về các ngôn ngữ phương Đông bởi tính độc đáo của nó. Lần đầu tiên, một người bản xứ như Trương Vĩnh Ký lại có cái nhìn về “bác ngữ học” nhằm bày tỏ cho những nhà ngôn ngữ học châu Âu nhiều tư liệu và đánh giá rất khoa học. Cuốn khảo luận này chắc chắn mau chónnâng bạn lên hàng những nhà ngôn ngữ học thế giới. Và các nhà ngôn ngữ học của Pháp sẽ coi bạn là niềm tin tự hào của chính mình…
Nhà văn hóa Pháp LITTRÉ

PHẠM TRƯỜNG GIANG

Back To Top