skip to Main Content

Thực Hành Lời Chúa

23.7  Thứ Ba trong tuần thứ Mười Sáu Mùa Quanh Năm

St 7:14-15,18-20; Tv 85:2-4,5-6,7-8; Mt 12:46-50

Thực Hành Lời Chúa

Mỗi tác giả Tin Mừng đều có một lối giải thích về thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình của Ngài, và sự khẳng định về tình liên đới của Ngài đối với gia đình thiêng liêng gồm những ai thực thi ý Chúa. Ðối với thánh Marcô, thái độ của Chúa Giêsu được tỏ ra sau khi Chúa chọn Nhóm Mười Hai. Trong Nhóm Mười Hai đã có một cuộc tranh cãi sôi nổi về chuyện ai sẽ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa Giêsu; những người có họ hàng với Ngài dĩ nhiên nuôi nhiều hy vọng hơn. Chính trong bối cảnh đó, Chúa Giêsu khẳng định trong Nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin; gần gũi với Ngài không đương nhiên là bà con ruột thịt, mà chính là những ai thực thi ý Chúa.

Trong Tin Mừng Luca, thì thái độ của Chúa Giêsu đối với gia đình ruột thịt của Ngài được ghi lại như một kết luận của toàn bộ những lời giảng dạy của Ngài về Nước Chúa, cũng như những điều kiện để thuộc về Nước Chúa. Như vậy, đối với Luca, chỉ có việc lắng nghe và thực thi Lời Chúa mới thực sự làm cho con người được đi vào quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu.

Ðoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.

Thánh Giacôbê so sánh Thánh Kinh như một cái gương. Khi chúng ta đọc Lời Chúa, hoặc khi chúng ta nghe Lời Chúa được công bố trong Thánh Lễ, chúng ta thường nhìn thấy chính chúng ta trong những câu chuyện và những giáo huấn mà Thánh Kinh chứa đựng. Thánh Kinh giúp chúng ta “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người”, cả những tư tưởng tốt cũng như tư tưởng không tốt (Hr 4,12). Thánh Kinh có thể vạch trần sự kiêu hãnh của chúng ta, chạm trán với sự căm phẫn của chúng ta, hoặc phơi bày sự dối trá, tính tham lam hoặc ghen tương của chúng ta. Nhưng đồng thời, Thánh Kinh cũng bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa đã sáng tạo chúng ta theo hình ảnh của Người. Nó thuyết phục chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta và rằng ân sủng của Người không chỉ đủ mà con dư tràn để biến đổi chúng ta.

Không quan trọng biết bao ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng thánh Giacôbê nói rằng chỉ nghe Lời Thiên Chúa thôi thì không đủ – không phải nếu chúng ta muốn nhìn thấy bất cứ sự thay đổi ý nghĩa nào trong những lĩnh vực tội lỗi của cuộc sống chúng ta. Tương tự, chỉ nghe Lời của Thiên Chúa thôi sẽ không dẫn đến sự lớn lên trong ân sủng và trong các nhân đức của chúng ta. Chúng ta phải vừa là “người lắng nghe” vừa là “người thực hành” Lời Thiên Chúa (Gc 1,22).

Thánh Giacôbê cho chúng ta một hình ảnh tuyệt vời để giúp chúng ta thực hành điểm này: người lắng nghe mà không thực hành Lời Thiên Chúa “thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào” (Gc 1,23-24). Ở đây thánh Giacôbê không đang nói về trí nhớ kém. Thánh nhân đang nói về những ưu tiên nghèo nàn. Người ta “quên” Thánh Kinh bởi vì họ đã đặt những mối ưu tiên khác trước cả việc đi theo Chúa.

Lời Thiên Chúa có sức mạnh để giúp chúng ta – nhưng mức độ tùy theo sự cộng tác của chúng ta với Lời ấy. Vì thế hãy chắc chắn đọc Thánh Kinh mỗi ngày. Nhưng cũng hãy chắc chắn để quyết tâm một bước hành động mà bạn có thể thực hiện dựa trên những gì bạn đã đọc. Rồi, bạn hãy dâng ngày sống của bạn để nhận lấy một bước khác bất cứ khi na có cơ hội. Hãy để cho Lời Chúa giúp bạn nói không với tội lỗi và thưa vâng với Thiên Chúa hôm nay. Nếu bạn thực hành, bạn sẽ được “chúc lành” ngoài sự mong đợi của bạn (Gc 1,25)!

Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.

Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình. Cộng đoàn xã hội, nhất là xã hội gia đình là môi trường cần thiết giúp con người đón nhận và phát huy đức tin.

Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.

 

 

 

 

Back To Top