skip to Main Content

Thánh giá, thập giá… 

Thánh giá, thập giá…

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Phêrô Nguyễn Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Lê Kim Ngọc Tuyết.
_______

1. Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, tôi hay bị chia trí khi đọc đến câu “chịu đóng đinh trên cây Thánh giá”. Tôi thường nghĩ quan Phongxiô Philatô lấy đâu cây Thánh giá để đóng đinh Chúa Giêsu? Cây giá đó đã là Thánh thì làm sao gây đau khổ cho Chúa Giêsu? Làm sao lại là một hình phạt được? Cây giá đó trong tiếng Việt có nhiều cách gọi. Chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của các thuật từ chỉ về cây giá đó: thập tự giá, thập giá, Thánh giá, khổ giá và thập ác.

2. Nghĩa của những chữ thập, tự, giá, thánh, khổ, ác.

2.1 Thập.
Có những chữ Hán này: 十, 什, 拾. Trong thuật từ thập tự giá là chữ 十 (thập), nghĩa là: (dt.) (1) Tên số một cộng chín: thập nhân (mười người); (2) Một trong 214 bộ của chữ Hán. (tt.) (3) Số nhiều: thập mục sở thị (ai ai cũng thấy). (pt.) (4) Rất, hết mức: thập phân, thập nhị phân (ngoại hạng); (5) Hoàn toàn: thập toàn thập mỹ.

2.2 Tự.
Có nhiều chữ Hán: 字, 似, 佀, 寺, 自, 叙, 敘, 嗣, 序, 姒, 嶼, 屿, 祀, 禩, 牸, 緒, 緖, 飴, 饴, 飼, 饲,飤, 漵, 溆, 鱮, 沮. Ở đây là chữ 字 (tự), nghĩa là: (dt.) (1) Chữ, ký hiệu ghi ngôn ngữ: văn tự; tự điển; (2) Biệt danh (tự là tên được đặt khi đủ 20 tuổi làm lễ đội mũ và công khai gia nhập xã hội người lớn): Đức Khổng Tử có “tự” là “Trọng Ni”; (3) Họ Tự. (đt.) (4) Người con gái đã hứa hôn.

2.3 Giá.
Có nhiều chữ Hán: 架, 這, 这, 嫁, 價, 価, 价, 柘, 駕, 驾, 鷓, 稼, 蔗, 假, 仮, 叚. Trong trường hợp này là chữ 架, nghĩa là: (dt.) (1) Khung để treo: y giá (khung áo); (2) Gác (để đặt đồ vật): thư giá (kệ sách); (3) Cấu trúc của vật: cốt giá; (4) Giàn: đậu giá (giàn đậu); (đt.) (5) Bắt cóc: cường hành giá tẩu (dùng sức mạnh bắt đi); (6) Xây dựng cầu, bắc cầu: giá kiều; (7) Đánh lộn: đả giá; (8) Chống lại: giá bất trú (đấu không lại; không chịu nổi); (9) Tranh cãi: khuyến giá (can đôi bên); (10) Làm điệu, ra vẻ ta đây: bài giá tử. (lt., lgt.) (11) Cỗ, chiếc: nhất giá phi cơ (một chiếc máy bay).

2.4 Thánh[1] (聖).
Có những nghĩa sau đây: (dt.) (1) Người tu dưỡng nhân cách tới cõi cùng cực; (2) Phàm cái gì mà tới tột bực đều gọi là thánh; (3) Lời nói tôn kính nhất; (4) Người hiểu thấu mọi việc; sáng suốt, cái gì cũng biết rõ; (5) Họ Thánh; (6) Tôn xưng ông vua; (7) Người học thức hoặc đạo đức thâm cao; (8) Nhân vật được tôn thờ hoặc thần linh; (9) Đấng tạo ra trời, đất, chúa tể của muôn loài, theo một số tôn giáo. (tt.) (10) Cái gì thuộc về nhà vua thời phong kiến; (11) Chữ trong Kitô giáo dùng để gọi Chúa Giêsu và những gì thuộc về Chúa (Ví dụ: tượng thánh, chén thánh, nước thánh, Toà Thánh…).

2.5 Khổ.
Khổ chỉ có hai chữ Hán: 苦, 楛. Trong trường hợp khổ giá là chữ 苦, nghĩa là: (dt.) (1) Trà; (2) Đắng, một trong ngũ vị: điềm 甜 (ngọt), toan 酸 (chua), khổ 苦 (đắng), lạt 辣 (cay), hàm 鹹 (mặn); (3) Khó chịu đựng: đồng cam cộng khổ. (đt.) (4) Lao lực; (5) Ghét; (6) Cảm thấy không đủ: xuân tiêu khổ đoản nhật cao khởi (Đêm xuân chưa thấy gì thì mặt trời đã mọc lên). (tt.) (7) Gian lao; (8) Vị đắng; (9) U sầu; (10) Buồn sầu; (11) Làm cho người ta buồn. (pt.) (12) Cố gắng: mai đầu khổ đọc (cắm đầu cố gắng học).

2.6. Ác.
Có nhiều chữ: 惡, 恶, 堊, 垩, 喔, 幄, 渥, 握, 齷, 龌, trong thuật từ thập ác là chữ 惡, nghĩa là: (dt.) (1) Việc xấu: vô ác bất tác (không việc xấu nào mà không làm); (2) Người chuyên làm việc xấu: thừa thiên tru ác (thừa lệnh trời giết người ác); (3) Bệnh tật; (4) Vấy bẩn; (5) Cứt (phân); (6) Tà khí; (7) Kém hèn. (tt.) (8) Hung dữ; (9) Không lương thiện; (10) Xấu xa; (11) Thô thiển. (pt.) (12) Rất.

3. Nghĩa của thuật từ thập tự giá, thập giá, thánh giá, khổ giá và thập ác.

3.1. Thập tự giá (十 字 架).
Thập là mười; tự là chữ; giá là đồ dùng để treo cái gì lên. Như vậy thập tự giá là cái giá có hình chữ thập. Chữ “thập” là chữ thập của chữ Hán, gồm hai nét ngang và dọc: 十, chỉ số 10. Số mười thường viết là 10. Đây là điểm quan trọng cho thấy muốn hiểu tiếng Việt không thể không biết chữ Hán. Đối với những ai không muốn dùng chữ Hán, có lẽ phải nói là “giá dấu cộng” (+) chứ không thể nói “thập tự giá”.

Thập tự giá là một dụng cụ hành hình tàn nhẫn thời xưa, thịnh hành nhất tại Persia, Đamas, Giuđêa, Israel, Carthage, Rôma. Thông thường dùng để xử tử những người phản nghịch, dị giáo, nô lệ và những người không có quyền công dân của Đế quốc Rôma.

Thập tự giá tiếng Anh là cross, bắt nguồn từ chữ Latinh crux. Trong Tân Ước dùng chữ Hy Lạp là stauros, chữ này có hai nghĩa: khúc cây bình thường và cây thập tự giá đóng đinh Chúa Giêsu. Một số giáo phái Tin Lành, như “Chứng nhân Yehowa”, thì chỉ dịch là khúc cây và họ từ chối nhìn nhận thập tự giá của Chúa Giêsu. Trong tiếng Anh cổ xưa cũng dùng chữ rood (thập tự giá) hay rod (cây). Sách Bách Khoa Berry kể ra đến 385 loại thập tự giá.

Trong văn học phương Tây, coi thập tự giá như tượng trưng cho sự đau khổ, nhưng đối với Kitô hữu, đó là thể hiện ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

3.2. Thập giá (十 架).
Thập là mười; giá là khuôn treo. Thập giá: là mười cái khuôn treo hay mười chiếc, không có nghĩa là cái giá hình chữ thập. Thập tự giá nói tắt thành “thập giá” thì không đúng chút nào, cũng như chúng ta không thể rút ngắn thuật từ “chữ thập đỏ” thành “thập đỏ”, hay “hồng thập tự” thành “hồng thập”. Thuật từ “thập giá” thay cho thuật từ “thập tự giá” đã có từ lâu và sử dụng quá phổ biến, nên đã trở thành thuật ngữ chuyên biệt của Kitô giáo, đạo Cao Đài thì chỉ dùng thuật từ “thập tự giá”. Đối với Kitô hữu, ai ai cũng chấp nhận “thập giá” đồng nghĩa với “thập tự giá”, cho nên khi ban đầu dùng sai rồi, nay kể như là đúng, mà cũng không ai thắc mắc, được kể như một thuật từ chuyên dùng. Đây là một trong những trường hợp ngoại lệ. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các thuật từ dùng sai rồi, đã phổ biến, thì đương nhiên trở thành thuật từ đúng, đổi trắng thay đen được. Cũng vậy thuật từ “tạo vật” nghĩa là Đấng “Tạo Hoá”, không thể vì không hiểu mà trở thành “thụ tạo” được. Về phương diện nghiên cứu, không nên chỉ theo cảm tính, mà phải theo lý trí.

3.3. Thánh giá (聖 架).

Thánh nghĩa là thuộc về Chúa, dâng hiến cho Chúa; giá: đồ dùng hay khuôn để treo lên. Thánh giá nghĩa là khuôn được thánh hiến. Thuật từ thánh giá không nói đến “giá” có hình dáng gì, mà chỉ nói đến cái giá được thánh hiến mà thôi.

Chúng ta biết Chúa Kitô đã bị đóng đinh vào cây giá (Lc 24,39; Ga 20,25), nhưng không biết cây giá đó có hình chữ T hay có phần trồi lên trên thanh ngang như hình chữ “thập” (十), truyền thống Giáo Hội thì thường là hình chữ thập. Tuy nhiên cũng có lưu truyền loại hình chữ T (gọi là crux commissa hay là thánh giá của Thánh Antôn).

Thánh giá cũng có nghĩa là xe của vua[2]. Vì là chữ 駕 (giá) này, là xe cộ.

Đây cũng là một trường hợp thuật từ thánh giá được sử dụng quá phổ biến mà trở thành một thuật từ riêng biệt của Kitô giáo.

Nếu chúng ta muốn dùng thuật từ thánh giá để chỉ cái giá có hình chữ thập theo truyền thống Công giáo, thì thuật từ thập tự thánh giá mới đúng hơn. Bằng không thì thuật từ thánh giá cũng rất hay, vì không cần tranh luận cái giá đóng đinh Chúa có hình dáng gì.

3.4. Khổ giá.
Nghĩa là cái giá đau khổ, gây đau khổ cho Chúa Giêsu. Chính vì Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên cái giá đó, nên trở thành khổ giá. Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và sự chết một ý nghĩa lớn lao nhờ chia sẻ sâu xa thân phận bi đát của con người. Đau khổ và sự chết của Đức Giêsu trở thành cần thiết cho một mùa màng lớn lao tức là ơn cứu chuộc muôn dân.

Để cho rõ nghĩa hơn, nên nói “thập tự khổ giá”, nhưng chúng ta cũng quen dùng khổ giá để chỉ thập tự khổ giá.

3.5. Thập ác.
Thập là mười, ác là việc xấu, thập ác là mười việc xấu hay mười tội ác. Nguyên từ này có hai nghĩa:

(1) Mười tội ác theo đạo Phật, do thân, khẩu, ý gây ra:

  • Thân (thân thể) gây ra ba tội ác: sát sanh (giết hại sinh vật), du đạo (trộm cướp), tà dâm (lấy vợ hay chồng người).
  • Khẩu (miệng) gây ra bốn tội ác: vọng ngữ (nói dối), ỷ ngữ (nói nhơ nhớp, tục tĩu), lưỡng thiệt (hai lưỡi, nói đâm thọc), ác khẩu (nói điều ác độc).
  • Ý (tư tưởng) gây ra ba tội ác: tham (tham lam), sân (giận hờn), si (mê muội, tà kiến).

(2) Mười tội ác theo pháp luật Trung Quốc ngày xưa: Mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, ác nghịch, bất đạo, đại bất đạo, bất hiếu, bất mục, bất nghĩa, nội loạn[3]. Cho nên tục ngữ Trung Quốc có nói: “Thập ác bất xá” (mười việc ác không được tha thứ).

Nhưng sau này một số người dân ngoại dùng chỉ cây thập tự, với ý khinh miệt các Kitô hữu[4], nên chúng ta không thể dùng thuật từ này để chỉ thập tự giá hay thập giá. Chính Gs. Nguyễn Lân cũng nói “thập ác: (dt.) Từ mà người không theo đạo Thiên Chúa gọi cái Thánh giá: Ở địa phương, muốn bảo đảm đoàn kết, không nên gọi cây thánh giá là thập ác[5]”.

4. Khác biệt của thập giá và thánh giá.

4.1. Thập giá.
Trước khi Chúa Giêsu chịu khổ hình trên cây thập tự thì cây thập tự chỉ được gọi là cây THẬP TỰ GIÁ, là một cái giá hành hình có kiểu dáng chữ thập, là một cực hình của thế giới phương Tây.

Biểu tượng của cây thập tự giá đối với những người không có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô là một biểu tượng của sự chết, là sự ô nhục, điên rồ và ngu xuẩn (1 Cr 1,23).

Thập tự giá cũng là biểu tượng của việc hy sinh hãm mình của Kitô hữu: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo!” (Lc 9,23).

4.2. Thánh giá.
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết, lên trời vinh hiển thì cây THẬP TỰ GIÁ trở thành một báu vật của nhân loại và được gọi là THÁNH GIÁ bởi vì cây thập giá ấy đã được diễm phúc làm nơi cho Thánh Tử Giêsu yên nghỉ. Đối với những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô thì cây thập giá biến thành cây THÁNH GIÁ và là biểu tượng của niềm tin. Khi dâng thánh lễ, trên bàn thờ phải có cây thánh giá.

5. Kết luận.

Kitô hữu luôn kính mến cây giá đóng đinh Chúa Giêsu là thánh giá, bất kể vật chất hay phi vật chất. Ví dụ chúng ta thường nói làm dấu thánh giá, hay khi chúc lành, giáo sĩ cũng dùng tay làm dấu thánh giá.

Không chỉ trong Kinh Tin Kính ghi là Chúa Giêsu “chịu đóng đinh trên cây thánh giá[6]”, mà các kinh xưa của Giáo Hội tại Việt Nam, khi nhắc đến cây thập giá đều dùng thuật từ thánh giá. Như khi ngắm Năm Sự Thương “Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu vác cây thánh giá “. Hay chặng đàng thánh giá, chặng thứ hai: “Đức Chúa Giêsu xê vai lại mà vác lấy thánh giá”; chặng thứ năm: “Quân dữ bắt ép ông Simon vác đỡ thánh giá với Chúa[7]”.

Đây là một ý nghĩa hay của Giáo Hội tại Việt Nam, nhưng nên chăng chúng ta cần phân biệt cái giá trước và sau khi đóng đinh Chúa, tức là thập giá và thánh giá.

______________________

[1] x. nghĩa chữ thánh ở các trang 265, 411, 564, 574, 580, 584, 589, 593.

[2] Lê Văn Đức, TỪ ĐIỂN VIỆT NAM, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.

[3] Đào Duy Anh, HÁN VIỆT TỪ ĐIỂN, in lần thứ ba, nxb. Trường Thi, Sài Gòn, 1957.

[4] Lm. Eugène Gouin, MEP, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANÇAIS, D’Extrême Orient, Sài Gòn, 1957.

[5] Nguyễn Lân, TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ HÁN VIỆT, nxb. TP.HCM, TP.HCM, 1989.

[6] MỤC LỤC NHỰT KHOÁ,  nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2004, tr. 94.

[7] sđd. tr. 190, 193.

 

Cha Stêphanô Huỳnh Trụ

Back To Top