skip to Main Content

Tha thứ

14.3 Thứ Ba Thứ Ba trong tuần thứ Ba Mùa Chay

St 3:25,34-43; Tv 25:4-5,6-7,8-9; Mt 18:21-35

Tha thứ

Sau khi nghe Chúa Giêsu dạy về việc sửa lỗi cho anh em, ông Phêrô nhanh nhẩu hỏi Người về việc tha thứ. Vốn là người bộc trực, ông nghĩ rằng: Các Rabbi ngày xưa bảo có thể tha thứ cho kẻ khác đến bảy lần là đã quá nhiều rồi. Nào ngờ Chúa Giêsu đưa ra con số phải tha đến những bảy mươi lần bảy, tức là tha thứ luôn mãi không cùng. Biết thế nào rồi Phêrô và các môn đệ cũng ấm ức về chuyện này, Chúa Giêsu kể câu chuyện hai người mắc nợ để giúp các ông, cũng là giúp chúng ta có một cái nhìn sâu xa hơn về việc tha thứ.

Thông thường, khi bị người khác xúc phạm, chúng ta cảm thấy mình bị thương tổn ghê gớm. Trong bài dụ ngôn mà Chúa Giêsu kể ra trên đây, nhân vật đáng được để ý và đáng phải noi gương chính là vị vua nhân từ. Ông đã tha cho kẻ mắc nợ mình mười ngàn nén vàng.

Ðể nhấn mạnh đến lòng khoan nhân của vị vua, Chúa Giêsu đã đưa ra một con số khổng lồ, mỗi nén vàng là sáu ngàn quan, tương đương với sáu ngàn ngày công; mười ngàn nén vàng tức là sáu triệu ngày công. Mỗi năm chỉ có ba trăm sáu mươi lăm ngày, vậy làm sao y có thể và có đủ ngày giờ để trả được món nợ kếch sù kia. Thế mà nhà vua đã tha hết cho y. Còn người bạn chỉ mắc nợ y có một trăm quan, tương đương với một trăm ngày công; nếu ra sức làm, chỉ trong ba tháng mười ngày là có thể trả hết nợ. Thế mà y nhất định đòi ngay cho bằng được. Tấm lòng của đức vua thì quá bao la, còn tấm lòng của y thì hết sức hẹp hòi.

Tấm lòng của Thiên Chúa thì quá bao la còn tấm lòng của chúng ta thì hết sức hẹp hòi. Chúng ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và đến anh chị em không biết bao nhiêu lần, nhưng cũng ngần ấy lần Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Thiên Chúa vẫn nhẫn nại với chúng ta và Ngài sẽ còn nhẫn nại với chúng ta cho đến tận cùng, cho đến giờ phút cuối cùng của đời ta.

Câu chuyện người trộm lành trên thập giá cho ta thấy lượng từ ái tuyệt vời của Thiên Chúa, thế thì tại sao chúng ta lại khắt khe với anh chị em chúng ta, là những kẻ xúc phạm đến chúng ta ít hơn so với những lần chúng ta xúc phạm đến Chúa và đến anh chị em. Tại sao chúng ta vẫn nắm giữ vai trò quan tòa để tha bổng hay phạt tù người khác, trong khi chính chúng ta lại là một kẻ đúng ra phải chịu luận án chung thân nhưng lại được tha thứ. Tại sao chúng ta nại nỗi tự ái, không muốn tha thứ cho anh chị em, trong khi Thiên Chúa vẫn dằn cơn giận của Ngài đối với chúng ta. Chúng ta quên mất lời kinh Lạy Cha mà mình vẫn đọc trong đó có lời cầu xin: “Xin tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

“Thương thân thì dễ mà thương người thì khó”. Người ta thường hào phóng dễ dãi đối với mình và chặt dạ khắt khe với kẻ khác. Khi ông Phêrô hỏi Chúa là mình phải tha thứ cho anh em bao nhiêu lần, Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn người mắc nợ không biết thương xót để dạy các môn đệ của Người phải có lòng khoan dung với kẻ khác như Thiên Chúa Cha luôn khoan dung đối với họ.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tha thứ và tha thứ không ngừng nghỉ! Tha thứ như thế thì mới được Thiên Chúa tha thứ cho mình.

Tha thứ là một điều rất khó, nhưng nó là tuyệt đỉnh và cao quí nhất mà Đức Giêsu đã cống hiến cho con người.

Tha thứ còn là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, bởi vì nhờ tha thứ, con người trở nên giống Thiên Chúa, vì Thiên Chúa mà Đức Giêsu mạc khải cho loài người là Thiên Chúa của tha thứ không ngừng. Thế nên, chỉ có một mình Vị Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy, mới có thể đòi hỏi con người: “Ta không bảo con phải tha đền bẩy lần, nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy”, tức là tha không ngừng.

Nếu có khó khăn trong việc tha thứ, ấy là chúng ta vẫn nhìn vào sức nặng của sự xúc phạm mà đối phương đã gây ra cho ta, trong khi đó, lẽ ra chúng ta phải nhìn vào tình thương của Thiên Chúa đối với mình khi Ngài tha thứ tội lỗi cho ta.

Tha thứ là một điều rất khó, nhưng lại là một điều cao quí nhất mà Chúa Kitô đã cồng hiến cho con người. Tha thứ là tuyệt đỉnh của lòng yêu thương, bởi vì tha thứ  là yêu thương chính kẻ thù của mình.

Tha thứ còn là của lễ đẹp lòng Thiên Chúa nhất, bởi vì với việc tha thứ, con người trở nên giống Thiên Chúa. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mạc  khải cho loài người là thiên Chúa của tha thứ, tha thứ  không ngừng. Và vì thế, chỉ có một mình Thiên Chúa tha thứ không ngừng ấy, mới có thể đòi hỏi con người : “Ta không bảo con phải tha đền 7 lần, nhưng là đến 70 lần 7. Lối nói 70 lần 7 ở đây là lối nói phải tha thứ không ngừng.

Sau cùng, tha thứ còn là một nét cao đẹp nhất của con người, bởi vì càng tha thứ, con người càng trở nên giống Thiên Chúa.

Trong mùa chay, có thể chúng ta đã làm được nhiều việc hãm mình, cũng như những việc Bác Aỳi, và có lẽ chúng ta cũng đã giao hoà với Chúa rồi, nhưng không chừng chúng ta vẫn còn mang trong mình những đố kỵ. Có thể những vết thương lòng của chúng ta mà chúng ta không chịu chữa trị, vẫn cứ rỉ máu. Không chừng có những khúc mắc giữa chúng ta với người này người kia mà chúng ta chưa chịu tháo gỡ.

Trong mùa chay, chúng ta thường được nhắc nhở : “Đây là ngày cứu độ, đây là giờ thuận tiện”. Thuận tiện để làm gì nếu không phải là để giao hoà? Giao hoà với Thiên Chúa cũng như giao hoà với anh chị em

Nếu việc đó chưa được bắt đầu, thì hôm nay, ngay từ  giờ này, chúng ta hãy bắt tay vào công việc đó đi, đừng để thời cơ đó vuột mất mà sau này sẽ phải hối hận.

 

Back To Top