skip to Main Content

THÀ MẤT MÀ ĐƯỢC CÒN HƠN KHÔNG!

23.5 Thứ Năm trong tuần thứ Bảy Mùa Quanh Năm

Gc 5:1-6; Tv 49:14-15,15-16,17-18,19-20; Mc 9:41-50

THÀ MẤT MÀ ĐƯỢC CÒN HƠN KHÔNG!

Trong cuộc đời sứ vụ của Chúa Giêsu, nhiều lần Ngài đã nói đến quy luật được và mất. Chẳng hạn như: hạt lúa mỳ có thối đi thì mới sinh bông hạt; muốn theo Chúa thì phải bỏ mình; con người có chịu đau khổ mới được vinh quang…

Thánh sử Máccô trình thuật bài huấn dụ của Chúa Giêsu về cái được và mất như sau: cái được mà Chúa Giêsu nói ở đây là Nước Trời; còn cái mất chính là tay, chân, mắt khi chúng gây dịp tội…

Chúa Giêsu nói: nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà vào cõi trường sinh, còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục; với con mắt, Ngài cũng nói như vậy…

Tại sao Chúa Giêsu lại cất lên lời dạy dỗ các môn đệ mạnh mẽ như vậy? Thưa là vì tới giờ này, các ông vẫn còn đang hoang tưởng về thân thế và sự nghiệp của Chúa Giêsu theo kiểu trần gian. Các ông không chú trọng đến cốt lõi của vấn đề và chẳng hề có cái nhìn Thiên Giới khi chứng kiến những dấu lạ của Chúa Giêsu.

Nếu cứ để các môn đệ bám víu vào những chuyện trần tục, thì viên ngọc quý là Nước Trời làm sao các ông có được nếu không chấp nhận đánh đổi bằng những hy sinh. Vì thế, thà mất tất cả mà được hạnh phúc đời đời thì hơn là có mọi thứ mà mất sự sống trường sinh.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu tay con làm cớ cho con sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt tay mà được vào cõi trường sinh, còn hơn có đủ hai tay mà phải sa hỏa ngục”. Ðiều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là cần phải sẵn sàng hy sinh những gì gần gũi thân thiết nhất, hơn là phạm tội mất lòng Chúa. Như thế, việc chặt chân, chặt tay, móc mắt, không thể hiểu theo nghĩa đen được. Chúa không có ý bảo chúng ta hủy bỏ một phần thân thể, nhưng qua cách nói ấy, Ngài có ý nói rằng Nước Trời đáng cho chúng ta hy sinh tất cả để chiếm hữu, cho dù phải đau đớn như việc chặt chân, chặt tay.

Chẳng hạn, hy sinh của cải vật chất cho sự sống và hạnh phúc của đồng loại, cũng đau đớn như hy sinh một phần thân thể, nhưng sẽ chiếm hữu được Nước Trời. Chính Chúa Giêsu đã nói: Ai cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ không nhà trú ngụ, người ấy sẽ được Nước Trời làm cơ nghiệp. Cũng vậy, chúng ta sẽ chiếm hữu Nước Trời, nếu chúng ta dám hy sinh của cải, sức lực để hỗ trợ Giáo Hội và phục vụ cho công cuộc truyền giáo.

Về vấn đề gương xấu, Chúa Giêsu tỏ ra một thái độ cương nghị hiếm có, nếu không phải nói là một sự tàn bạo khác thường: phải chết và chặt chân chặt tay. Ý niệm về gương xấu của Người khác với của ta: Đối với chúng ta, chúng ta nghĩ đó là một cử chỉ, một lời nói đụng chạm mạnh đến ý kiến chung, xúc phạm đến những người lành; còn đối với Người thì gương xấu là những gì gây nguy hiểm cho phần rỗi của người ta, chẳng hạn như làm cho những tâm hồn đơn sơ phải lo lắng bối rối về lòng tin của họ đối với Chúa Kitô. Kẻ nào gây một gương xấu như thế, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Cái chết thể lý đối với người ấy còn ít nguy hiểm hơn là đe dọa, làm hại đức tin của người khác. Chúa Giêsu dùng hình ảnh dữ tợn này không phải để chỉ sự kết án và hành hình như vậy, nhưng để diễn tả cái trách nhiệm nặng nề đáng sợ mà người gây nên gương xấu phải gánh lấy.

Chúa Giêsu nói về gương xấu của bản thân mỗi người, nghĩa là sự đe dọa, làm hại cho phần rỗi do chính những phàn thân thể của mình gây nên như: tay, chân, mắt… Ở đây lệnh truyền vẫn còn mạnh mẽ: “Hãy chặt, hãy móc”. Tuy nhiên ai cũng biết những phần thân thể này quan trọng như thế nào đối với cuộc sống. Mất một chân, một tay, một mắt, đối với một người là mất đi một phần con người của mình, điều mà ai cũng cảm thấy rất xót xa. Phải mất mát, thiệt thòi sự sống như vậy, chỉ đến nước cùng, người ta mới đành phải chịu vậy mà thôi. Và y khoa góp phần xoa dịu nỗi đau phần nào cho con người kém may khi dự liệu những bộ phận giả thay thế.

Vậy mà Chúa lại lệnh cho phải bỏ đi phần mình gây gương xấu. Chắc chắn là tính cách triệt để này không thể được hiểu theo nghĩa đen, bởi lẽ những tín hữu chúng ta sẽ không muốn được liệt vào hàng những kẻ què cụt, đui mù.

Nhưng Chúa chỉ muốn chúng ta ghi tâm khắc cốt điều này là những thái độ nửa vời, không kiên quyết, khi sự sống Nước Trời bị đe dọa, đều là ngoài đề và không thể chấp nhận được.

Chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta, Ngài không chỉ hy sinh một phần nào thôi, mà là dâng hiến toàn thân Ngài. Mỗi ngày trong Thánh Lễ, chúng ta cử hành việc hy hiến của Chúa Giêsu, chúng ta hãy xin Ngài ban sức mạnh để chúng ta cũng biết trao ban chính mình để làm vinh danh Chúa và đem lại hạnh phúc cho đồng loại.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chú trọng đến sự sống mai hậu. Được lợi lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích gì? Ta lấy gì để bù lại? Bởi vì sự sống đời đời mới là nơi mối mọt không thể đục khoét. Còn danh dự, chức quyền, giàu có… chỉ là phương tiện, khi ta chết, nó chào và tiễn ta ngay tại nấm mồ, để lại nơi chúng ta hai bàn tay trắng!

 

 

 

Back To Top