Vì sao bạn mãi tầm thường! Trong khi bạn đang…
Suy ngẫm về một đức tính bị lãng quên: Sự trả thù
Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng sự trả thù chỉ đơn thuần là một thói xấu.
Với những ý định không phù hợp cùng với việc áp dụng thái quá hoặc sai lầm, sự trả thù (vengeance) thực sự có thể là một tội lỗi và một thói xấu. Tuy nhiên, như chúng ta đọc trong Kinh Thánh, “Chúa phán: Sự trả thù thuộc về Ta, Ta sẽ báo ứng.” (Rm 12,19) Hoặc một lần nữa, như Thánh Tôma Aquinô lưu ý, Kinh Thánh quả quyết rằng: “Chẳng phải Thiên Chúa sẽ không trả thù cho những ai được Người tuyển chọn, những người ngày đêm kêu cầu Người hay sao?” (Lc 18,7) Nhưng nếu sự trả thù chỉ là một thói xấu và một sự dữ, thì làm sao Thiên Chúa có thể trả thù cho chính mình? Thiên Chúa không làm điều ác. Do đó, trong sự trả thù hàm chứa khả năng của một đức tính tốt và sự thiện. Theo Thánh Tôma, trả thù là một đức tính đặc biệt để phục vụ công lý.
Chắc chắn rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới hoàn toàn đảm bảo cho việc trả thù luôn diễn ra theo cách tốt đẹp. Chúng ta đừng vội xem sự trả thù là một đức tính tốt giữa chúng ta với nhau, trừ những trường hợp rất rõ ràng và những khuynh hướng đúng đắn. Như thường lệ, Thánh Tôma đã làm rất tốt trong việc chỉ ra những phẩm chất và hoàn cảnh cần thiết để việc trả thù trở nên hợp pháp và hợp luân lý:
Sự trả thù bao gồm việc trừng trị một tội ác hình sự (tức là hình phạt) đối với một người đã phạm tội. Do đó, trong vấn đề trả thù, chúng ta phải xem xét chủ tâm của người trả thù. Vì nếu ý định của người đó chủ yếu hướng đến sự dữ cho đối tượng mà người đó trả thù và căn cứ vào đó, thì sự trả thù của người đó hoàn toàn là bất hợp pháp: bởi vìviệc lấy làm thích thú với sự dữ dành cho người khác chính là lòng căm thù, điều trái ngược với lòng bác ái mà chúng ta buộc phải có để yêu thương tất cả mọi người. Đó cũng không phải là cái cớ để người đó có ý định gây nên sự dữ dành cho kẻ đã làm điều ác với mình một cách bất công, cũng như một người không được bào chữa cho việc ghét kẻ ghét mình: vì một người không được phạm tội với người khác chỉ vì người đó đã phạm tội với mình, vì như thế là chịu khuất phục trước sự dữ, điều đã bị Thánh Tông đồ ngăn cấm khi dạy rằng: “Đừng để sự dữ giành phần thắng, nhưng hãy lấy sự thiện mà thắng sự dữ.” (Rm 12,21)
Tuy nhiên, nếu ý định của kẻ báo thù chủ yếu hướng đến một số điều tốt đẹp, vốn chỉ đạt được bằng cách trừng phạt kẻ đã phạm tội (ví dụ như để tội nhân có thể sửa đổi, hay ít là có thể bị ngăn chặn và những người khác không chịu ảnh hưởng xấu, để công lý có thể được duy trì và Thiên Chúa được tôn vinh), thì việc báo thù có thể là hợp pháp, với điều kiện phải tuân thủ các hoàn cảnh thích hợp khác. (ST II, IIae, 108.1)
Và dù những câu Kinh Thánh được trích dẫn ở trên thường đề cập đến sự trả thù của Thiên Chúa, nhưng Thánh Tôma cũng lưu ý rằng đôi khi những người có thẩm quyền cũng thay mặt Thiên Chúa để thực thi điều đó:
Người trả thù kẻ làm điều ác nhưng vẫn giữ chừng mực theo địa vị và chức vụ của mình thì không chiếm đoạt những gì thuộc về Thiên Chúa mà chỉ tận dụng uy quyền được Thiên Chúa ban cho mình. Vì như được viết (Rm 13,4) về bậc vua chúa trần gian rằng “họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống kẻ làm điều ác”. Tuy nhiên, nếu một người trả thù ngoài mệnh lệnh của Thiên Chúa, thì người đó chiếm đoạt những gì là của Thiên Chúa và do đó phạm tội. (Ibid.)
Một nét đặc trưng khác từ Thánh Tôma là việc chịu đựng sự bất công và gian ác nhắm vào cá nhân chúng ta thường là điều đáng khen ngợi. Tuy nhiên, khi những điều sai trái nhắm vào người khác và Thiên Chúa, thì những người có quyền áp dụng hình phạt hoặc sự trả thù có nghĩa vụ buộc phải sử dụng quyền đó nhiều hơn nữa. Ngài còn trích dẫn lời của Psudeo-Chrysostom rằng: “Thật đáng khen ngợi khi kiên nhẫn trước những lỗi phạm của chính mình, nhưng chẳng gì xấu hơn khi bỏ qua những lỗi phạm đến Thiên Chúa.” (Ibid.)
Có lẽ rõ ràng là ngày nay có quá nhiều người có quyền trừng phạt đối với những việc làm sai trái nhưng lại không muốn làm điều đó. Và điều này dẫn đến nhiều tệ nạn sinh sôi nảy nở trong nền văn hóa của chúng ta. Trẻ em ngày càng ra hư hỏng và không thể sửa chữa. Tội phạm tràn lan ở nhiều thành phố của chúng ta, nơi các công tố viên từ chối trừng phạt tội ác nhưng lại đưa những kẻ tái phạm trở lại đường phố. Điều này dẫn đến nhiều vi phạm nghiêm trọng đối với tính mạng, tài sản và nhân phẩm. Đây là một thiếu sót từ những người có quyền và nghĩa vụ thi hành sự trả thù thích đáng. Thánh Tôma liệt kê những tật xấu trái với sự trả thù:
Có hai thói xấu đối lập với sự trả thù: một cái là theo cách thức thái quá, đó là tội tàn ác hoặc hung bạo, vượt quá mức độ trong việc trừng phạt; trong khi cái kia là một tật xấu do thiếu sót và bao gồm việc không trừng phạt, vì vậy mới có lời viết (Cn 13,24): “Kẻ ghét con mình mới không dùng roi vọt.” Nhưng đức tính trả thù bao gồm việc tuân thủ mức độ phù hợp đối với mọi hoàn cảnh. (ST II, IIae 108.2)
Trong thời đại của chúng ta, sự tàn ác và thái quá không phải là không được biết đến, nhưng việc bỏ qua hình phạt cần thiết ngày càng phổ biến và, như đã lưu ý, gây ra tác hại to lớn do hậu quả là tội lỗi gia tăng. Trả thù là hợp pháp và hợp luân lý trong chừng mực nó có xu hướng ngăn chặn cái ác. Rõ ràng trả thù là một loại đức tính bị lãng quên, đúng hơn đó là một đức tính thường bị dán nhãn sai là xấu xa.
Vấn đề thiếu vắng hình phạt dành cho tội lỗi là một khía cạnh của tình trạng bất ổn chung liên quan đến quyền bính trong nền văn hóa của chúng ta. Mặc dù đúng là có sự phản kháng đáng chú ý đến mức căm ghét quyền lực, nhưng cũng đúng là những người có quyền lực lại quá miễn cưỡng sử dụng nó. Cha mẹ và giáo viên miễn cưỡng, thậm chí sợ hãi trong việc dạy dỗ, kỷ luật và, khi cần thiết, trừng phạt con cái họ. Các nhà lãnh đạo và người giám sát tại nơi làm việc lo lắng trong việc sửa sai nhân viên hoặc đòi hỏi chất lượng công việc cao hơn, lo sợ các hành động pháp lý, những lời cáo buộc phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính cũng như nhiều thứ “chủ nghĩa” và “chứng sợ hãi” khác theo bất kỳ hình thức nào vốn đang ngày càng gia tăng. Năng suất làm việc và tính ưu việt bị ảnh hưởng; các sản phẩm và dịch vụ dành cho nhau trở nên thiếu hụt. Như đã lưu ý, thật nguy hại khi các thẩm phán và công tố viên ở nhiều nơi đã chọn để bỏ qua những vi phạm pháp luật nghiêm trọng và lặp đi lặp lại của các cá nhân. Cảnh sát không được khuyến khích để thực thi pháp luật và công dân đang gặp nguy hiểm.
Tất cả đều là tội chống lại công lý. Nó không chỉ là tội phạm chống lại công ích, mà còn gây ra nhiều vi phạm mang tính cá nhân đối với các nạn nhân cũng như đối với những thủ phạm, những kẻ không bao giờ chịu sửa sai và chịu trừng phạt thích đáng có nguy cơ sa hỏa ngục đời đời.
Trả thù, chắc chắn, là một đức tính tế nhị và “nguy hiểm”. Sự tức giận và đam mê trả thù về những việc làm sai trái là phóng túng và dễ dãi cách thái quá. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã giao nhiệm vụ trừng phạt những việc làm sai trái cho những người có thẩm quyền cần thiết và làm như vậy vì lợi ích cho các linh hồn. Chúng ta phải thực hiện đức tính cần thiết này một cách hợp lý, thể hiện sự kiên nhẫn khi cần thiết nhưng cũng quyết tâm hành động khi sự kiên nhẫn đã bị vượt quá giới hạn và vì lợi ích của người khác như công lý của Thiên Chúa đòi buộc.
Tác giả: Msgr. Charles Pope
Chuyển ngữ: Phil. M. Nguyễn Hoàng Nguyên