Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Sự chết làm trổ sinh hoa trái
Thứ Bảy Thánh Lôrensô, Tstđ
St 1:12; St 2:4; Tv 9:8-9,10-11,12-13; Mt 17:14-20
Sự chết làm trổ sinh hoa trái
Nguyên tổ của con người là Adam và Eva khi phản bội Thiên Chúa đã đưa tội lỗi và sự chết vào thế giới. Thiên Chúa đã đã phán xử công minh. Nhưng ngay lúc luận phạt thì Thiên Chúa đã Thương Xót con người và với Tình yêu bao la, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu chuộc cho con người.
Đức Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, vì vâng phục Chúa Cha và để thực hiện kế hoạch cứu độ loài người của Chúa Cha, Ngài đã xuống thế mặc lấy xác phàm, cùng chịu chung số phận của người phàm là phải chết, hơn nữa lại chịu một cái chết nhục nhã đau đớn của một tử tội.
Sự tự nguyện vâng phục Chúa Cha của Chúa Giêsu đã làm cái chết của Ngài nên giá cứu chuộc loài người, giải thoát loài người khỏi tội lỗi và án phạt là cái chết đời đời, để loài người được giao hoà trở lại với Thiên Chúa, với nhau và với vũ trụ. Tình yêu của Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi, hận thù và sự chết để phục sinh, dẫn đường cho các Kitô hữu cùng sống lại một sự sống đời đời như Ngài. Sự vâng phục đó đối nghịch với sự bất tuân của Adam.
Cái chết của Chúa Giêsu đã khai sinh ra Hội Thánh của Ngài. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Hội Thánh của Chúa có bổn phận tiếp tục sứ mạng của Ngài ở trần gian này. Lời Chúa Giêsu không chỉ nói về chính Ngài là hạt lúa gieo vào lòng đất phải chết đi để sinh những hạt mới, mà còn nói về các môn đệ của Ngài, vì môn đệ đích thực của Chúa thì phải đồng hình đồng dạng như Ngài, cũng phải chết vì tội lỗi, chết đi phần riêng con người của mình để sống cho Thiên Chúa, như Thánh Phaolô nói “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Từ hạt lúa Giêsu, sau khi chết đi, hạt lúa ấy đã trổ sinh một Hội Thánh phát triển và hoạt động mạnh mẽ để quy tụ loài người về một mối. Và giống Chúa Giêsu, ngay từ thời khai đạo, các Kytô hữu đã trở thành những hạt lúa được gieo vào lòng đất và đã chết đi để Hội Thánh của Chúa từ một nhóm người tại Giêrusalem, hơn hai ngàn năm sau, dù luôn bị ngăn cản, phá phách, bắt bớ, bách hại rất tàn bạo, Hội Thánh vẫn lớn mạnh phát triển như ngày nay. Hội Thánh đã gieo những tư tưởng yêu thương, tôn trọng sự sống, nhân ái, đạo đức thánh thiện và bình an vào mọi khía cạnh của văn minh, văn hoá, đời sống, xã hội… của nhân loại, để biến đổi thế giới này ngày càng tốt đẹp hơn.
Các hạt giống của Thiên Chúa, đặc biệt là các hạt giống là máu các Thánh Tử Đạo còn tiếp tục sinh sôi muôn vàn Kytô hữu nhiệt thành với Đức Tin.
Thánh Phó tế Lorensô mà Giáo Hội mừng kính hôm nay là một tấm gương sáng chói về tình yêu với Thiên Chúa và với đồng loại, là hình ảnh điển hình của hạt lúa gieo vào lòng đất đã chết để sinh nhiều hạt mới. Ngay cả với kẻ thù là hoàng đế Valêrianô của Rôma và các thuộc hạ, những kẻ đang ra sức hành hạ tra tấn thánh nhân một cách cực kỳ dã man, ngài cũng xin Chúa “ban cho những người có mặt đây được trở lại cùng Chúa. Xin Chúa hãy an ủi họ trước toà phán xét”. Hạt giống Lorensô ngay lập tức đã sinh một hạt giống khác cũng vì yêu Chúa mà cam chịu tử đạo, đó là anh Rômano, một người trong toán lính đang tra tấn Thánh nhân. Anh cảm phục sự hân hoan và can trường đón nhận những cực hình và cái chết vì yêu Chúa của Thánh nhân, nên đã đến xin Thánh nhân rửa tội và cũng chịu tử đạo.
Cái chết anh dũng của Phó tế Lorensô đã là nguồn khích lệ lớn lao cho các Kitô hữu đang trốn tránh sự bắt bớ trong các hang động cùng thời, để họ kiên tâm giữ vững Đức Tin làm cho Hội Thánh vẫn mãi tồn tại và phát triển.
Cuộc sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa, chỉ có giá trị khi chúng ta biết sống quên mình, biết nghĩ đến anh chị em đang sống chung quanh chúng ta, để yêu thương và phục vụ mọi người một cách vô vị lợi. Ước gì cuộc đời của mỗi người chúng ta là hạt lúa được chôn vùi – chôn vùi chính mình, để nẩy sinh nhiều bông hạt yêu thương cho Chúa và cho tha nhân.
“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 25-26). Đức Giêsu quả quyết: “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Cái được-mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh bằng luật tự nhiên: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”.
Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”. Ai chăm lo tìm kiếm lạc thú ở đời này thì sẽ mất đời sống vĩnh cửu. Còn ai dám từ bỏ bản thân vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ được hưởng sự sống đời đời mai sau. Người môn đệ- “kẻ phục vụ Thầy” cũng phải đi cùng một con đường như Đức Giêsu để đạt tới vinh quang. Như hạt lúa, chúng con cũng phải chết đi cho tội lỗi để sinh nhiều bông hạt.
Với Kitô hữu ngày nay, cái chết không phải chỉ là chết về phần xác, mà còn là chết về tội lỗi, như từ bỏ những đam mê trần thế, những thói quen tổn hại Đức Tin và đạo đức của một Kitô hữu. Việc này không dễ chút nào vì “mưu ma chước quỷ” rất tinh khôn, khéo léo, với những hình thức đáng yêu, rực rỡ, ngọt ngào khiến người Kitô hữu khó thoát được nếu không luôn cầu nguyện, năng chịu các bí tích Hoà giải, Thánh Thể, chăm chỉ học và sống Lời Chúa, sống kết hợp với Chúa Giêsu để được Ngài che chở, bổ sức cho, vì “không có Thầy thì anh em chẳng làm được gì hết” (Ga 15,5)