Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Sám hối để được thứ tha
16.7 Thứ Ba trong tuần thứ Mười Lăm Mùa Quanh Năm
Is 7:1-9; Tv 48:2-3,3-4,5-6,7-8; Mt 11:20-24
Sám hối để được thứ tha
Tin Mừng của ngày hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu lên tiếng khiển trách các thành dọc bờ hồ Galilê là Khôradin, Bếtsaiđa và Cáphácnaum. Các thành này đều chứng kiến “phần lớn các phép lạ” Đức Giêsu đã làm. Thế nhưng họ không hối cải. Tại sao vậy? Xin thưa, vì họ kiêu căng. Ta cũng nên biết rằng so với các thành khác, những thành này có trình độ kiến thức Thánh Kinh cao hơn. Khi thấy sự kiêu căng đã khép lòng họ, Đức Giêsu nghĩ tới những kẻ “bé mọn” nhờ khiêm tốn mà nhận được mặc khải của Thiên Chúa. Bởi thế, trong đoạn tiếp liền sau, Đức Giêsu sẽ cảm tạ Thiên Chúa “Vì đã giấu không cho những bậc thông thái biết điều này, nhưng lại mặc khải cho những kẻ bé mọn”.
Sám hối là điều kiện để được cứu độ. Chính vì thế mà ngay ở khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã đưa ra lời kêu gọi: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng. Thật vậy, cho dù là dân ngoại như dân của thành Tia và Xiđôn, cho dù là dân tội lỗi nặng nề như dân thành Xơđôm, nhưng nếu biết ăn năn sám hối, họ vẫn được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ và cứu độ. Ngược lại nếu không sám hối và hoán cải tâm hồn, thì cho dù là dân riêng được tuyển chọn dân Do Thái, chẳng những không được cứu độ, mà còn bị xét xử nghiêm ngặt hơn.
Tin Mừng hôm nay ghi lại lời quở trách nặng nề của Đức Giêsu đối với một số thành thị ven biển hồ Galilê là Khôradin, Bếtsaiđa và Caphácnaum. Tại đây, Đức Giêsu đã rao giảng và làm nhiều phép lạ, đồng thời Ngài cũng đưa ra lời kêu gọi sám hối, nhưng đâu đâu người ta cũng dành cho Ngài sự dửng dưng, chống đối; đâu đâu người ta cũng bịt tai trước lời mời gọi sám hối của Ngài.
Tin Mừng còn cho chúng ta thấy, Đức Giêsu luôn luôn tỏ ra bao dung đại lượng với những kẻ tội lỗi. Làm như thế, không phải là vì Đức Giêsu muốn dung túng cho sự dữ hay tạo dịp cho những kẻ tội lỗi tiếp tục lún sâu vào con đường hư mất, nhưng là để cho họ có cơ hội sám hối trở về với Ngài và được chữa lành. Mặt khác, họ cũng còn được kéo ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi, ngõ hầu được sống trong sự tự do của con cái Thiên Chúa.
Đức Giêsu nhắc tới thành Xơđôm và cho biết sở dĩ nó bị hủy diệt vì đã không tin nhận những sứ điệp của Chúa, cũng như phớt lờ những cảnh báo của Ngài. Tuy nhiên cũng nên biết rằng, thành Xơđôm còn nổi tiếng hơn về một thứ tội khác. Sở dĩ nói như vậy là vì danh xưng của nó được đặt tên cho một thứ tội mà hiện nay rất đỗi quen thuộc với chúng ta: Tội đồng tính luyến ái nam. Sodomy (Sodomia, peccatum Sodomiticum hay sin of Sodom) đều dùng để nói về một thứ tội đã xuất hiện từ rất lâu đời trong lịch sử loài người, mà tên gọi của nó gắn liền với địa danh Xơđôm. Thánh Phaolô ít nhất hai lần nói đến thứ tội này trong các thư của ngài (1Cr 6,9 và 1Tm 1,10) và cả hai đều nói đến tội đồng tính nam.
Tiếc rằng, trong bản dịch Kinh Thánh Việt ngữ đã làm giảm bớt sự nổi tiếng của nó. Quả vậy, trong các bản dịch trước đây, Nhóm Phiên dịch Các giờ kinh Phụng vụ đã dùng chữ “kê gian” để chuyển ngữ thứ tội này. Tôi cho rằng, cách dùng thuật từ này để dịch Sodomy là rất hay. Bởi lẽ, theo lối trình bày của thánh Phaolô, thì “Kê gian” là một thuật ngữ để chỉ những tội lỗi của hành vi tính dục được cho là phi tự nhiên, tức là những hành vi tính dục không tạo ra sự sinh sản, cụ thể hơn là những hành vi quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
Dẫu thế, khi dùng “kê gian” thì cũng khiến nhiều người không hiểu hoặc hiểu sai về nó. Nói một cách khác, khi nhìn thấy khái niệm này trong Tân ước, chắc chắn là nó không hề có ý gì liên quan tới gian thương, tức buôn gian bán lận; càng không dính dáng gì tới chuyện thống kê gian dối.
Thiên Chúa sẽ xét xử con người, không chỉ dựa vào tội lỗi của họ mà còn dựa vào chính thái độ của họ trước lời kêu gọi sám hối của Đức Giêsu. Nếu con người thành tâm sám hối, thì dù tội lỗi nặng nề đến đâu thì Thiên Chúa vẫn tha thứ; trái lại, nếu con người nhất mực từ chối, họ sẽ bị xét xử cách không khoan nhượng. Còn chúng ta, chúng ta cũng sẽ bị xét xử nghiêm hơn dân thành Xơđôm, hơn cả những thành mà hôm nay Đức Giêsu đã kết án, nếu chúng ta không sám hối trở về với Ngài. Bởi vì, chúng ta không chỉ có lời cảnh cáo của các ngôn sứ, cũng không chỉ được nghe các phép lạ Đức Giêsu đã thực hiện, mà còn biết cả cái chết và sự phục sinh của Ngài, vốn được coi là bằng chứng lớn nhất về lòng thương xót và nhẫn nại của Thiên Chúa dành cho con người ở mọi thời. Như thế, nếu chúng ta khước từ sám hối, chúng ta sẽ tự chuốc lấy án phạt.
Thiên Chúa là Đấng yêu thương và giàu lòng thương xót. Bởi đó, Ngài luôn nhẫn nại đợi chờ con người sám hối trở về để được tha thứ, để được cứu độ. Nhưng chúng ta đừng quên, Thiên Chúa cũng là Đấng rất mực công bằng. Bởi đó, những ai có công sẽ được ân thưởng xứng đáng, còn những kẻ tội lỗi và nhất mực từ chối sám hối sẽ chịu sự xét xử hết sức nghiêm minh.
Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng, sở dĩ Chúa còn để chúng ta sống đến ngày hôm nay là vì Ngài muốn dành cho chúng ta một cơ hội để sám hối, trở về với Ngài không? Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình và đừng để Thiên Chúa phải chờ đợi chúng ta thêm nữa.