skip to Main Content

MẸ LÊN TRỜI – NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

15.8  Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời

Ed 12:1-2; Tv 78:56-57,58-59,61-62; Lc 1,39-56

MẸ LÊN TRỜI – NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

Từ thuở ban đầu, các giáo đoàn tiên khởi đều tôn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Từ những đoạn Thánh Kinh Tân Ước, đến các giáo phụ, rồi Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431 đã tuyên bố “Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa”. Đã có những lễ nói đến lúc chấm dứt cuộc đời của Đức Ma-ri-a như: Lễ Đức Mẹ An Giấc (dormitio), Lễ Đức Mẹ Chuyển Biến (Transitus), Lễ Đức Mẹ Sinh Ra Trên Trời (Natalis), Lễ Đức Mẹ được Nâng Lên Trời (Assumptio).

Riêng Lễ Đức Mẹ An Giấc (Dormitio) đã được long trọng cử hành đó đây trong Giáo Hội Đông Phương. Nhất là từ sau Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 7, lễ này mới được du nhập vào Giáo Hội Tây Phương.

Từ đó về sau nhiều thư thỉnh nguyện của các giám mục, các dòng tu, các nhà thần học được gửi đến Đức Giáo Hoàng để xin Ngài định tín về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong Công đồng Va-ti-ca-nô I, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều đó, vì theo các ngài thì việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có liên quan mật thiết với đức đồng trinh và chức vụ làm mẹ Đấng Cứu Thế của Ngài. Hơn nữa, vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải được tôn vinh toàn diện như lời thánh Phao-lô: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến người, tức là cho những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28-29). Dựa theo các thỉnh nguyện thư đó, năm 1946, Đức Pi-ô 12 đã gửi đến mỗi giám mục một lá thư và yêu cầu trả lời như sau: “Đức cha và hàng giáo sĩ, giáo dân trong giáo phận của Đức cha, có xác tín và có muốn công bố việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời như một tín điều hay không?” Hầu hết các thư trả lời đều đồng ý và thỉnh nguyện như vậy. Thế là vào ngày 1.11.1950, Đức Pi-ô 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời cho toàn thể Giáo Hội tin kính và mừng chung vào ngày 15 tháng 8 hằng năm.

Đức Thánh Cha đã xác quyết: “Thế nên Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền định, đã được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô một cách huyền nhiệm, vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm Mẹ, cộng tác quảng đại với Đấng Cứu Thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân ngài đã được, Đức Trinh Nữ cũng đã gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ, để nên giống Con Mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài cũng được tôn vinh trên trời cả hồn lẫn xác, nơi Ngài được sáng láng làm Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của mọi thời”

Chúng ta long trọng cử hành lễ Đức Maria hồn xác về trời với lòng sùng kính, giúp chúng ta trả lời những vấn nạn trên. Trước hết niềm tin của Giáo hội đối với tín điều Đức Piô XII đã xác quyết năm 1950. Chúng ta tin Đức Maria, đã được đặc ân cả hồn lần xác về Trời. Điều đó muốn nói rằng sự chiến thắng con rồng trong sách Khải Huyền hoàn tất nơi Mẹ, Mẹ về ngự bên hữu Chúa để chuẩn bị chỗ cho chúng ta như Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.

Chúng ta tự hỏi, Đức Maria đã được rước lên Trời cả hồn lẫn xác có làm chúng ta thay đổi không?

Thánh Phaolô cho chúng ta câu trả lời: «Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc» (1 Cr 15, 20 ). Đức Giêsu sống lại, có người tin, người không tin. Nhưng, Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã sống lại thật, đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Việc Đức Maria hồn xác lên Trời là một thực tại khác: Đức Maria không phải là Thiên Chúa; Mẹ là nữ tử Israel, là một trong những thụ tạo như chúng ta, là người nữ giữa muôn vàn người nữ trên trần gian. Mẹ đã được tôn vinh, vinh quang của Mẹ liên quan đến chúng ta. Những đặc ân của Mẹ là kết quả cụ thể của ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho Mẹ và nhân loại (x. 1 Cr 15, 20-26). Mẹ được vinh hiển là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, Con của Mẹ. Việc Đức trinh Nữ được lên trời hồn xác là sự thông phần cá biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu (GLCG số 966).

Đức tin không nói cho chúng ta biết điều gì về cái chết của Đức Maria. Có người cho rằng Đức Maria không chết, nhưng Đức tin nói với chúng ta rằng sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria được Thiên Chúa tôn vinh. Nơi Mẹ, cũng như Đức Giêsu Con Mẹ, cái chết không phải là hết, sự chết đã bị đập tan. Trái đất không còn là nơi giam hãm con người trong số phận đau thương, các tầng trời mở ra để loan báo một tương lai sáng ngời cho nhân loại. Sự chết đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Đó là niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta!

Qua biến cố này, mặc khải cho chúng ta rằng: Mẹ Maria đã được đưa lên trời cả hồn lẫn xác, và nếu chúng ta theo chân Mẹ, sống như Mẹ và thực hành Lời Chúa cách yêu mến, trung thành thì mai ngày cũng được lên trời hiển vinh như Mẹ. “Cuộc Lên Trời của Đức Trinh Nữ rất thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự Phục sinh của Con mình và là việc thể hiện trước sự phục sinh của các Kitô hữu khác” (GLCG, số 966). Bởi vì “Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người” (x. 1Cr 15, 23-24) cũng sẽ được phục sinh như Người.

“Mẹ Lên Trời là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội về ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho mọi người chúng ta.  Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng trông cậy vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành” (LG. số 69). Mẹ Lên Trời, nhận lãnh vai trò Nữ Vương trời đất, nên hơn bao giờ hết, Mẹ trở nên gần gũi với mọi thành viên trong gia đình nhân loại, và như thế: “Trong Hội Thánh, Đức Trinh Nữ diễm phúc được kêu cầu bằng các tước hiệu là Trạng Sư, Đấng Cứu Giúp, Đấng Phù Hộ, Đấng Trung Gian” (GLHTCG. số 969).

Như vậy, việc Mẹ được đưa lên trời cả hồn lẫn xác đem lại niềm hy vọng phục sinh cho tất cả chúng ta.

Mầu nhiệm Mẹ được rước lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhắc nhở chúng ta cầu nguyện với Mẹ, mà còn hy vọng được trường sinh để cùng Đức Mẹ mãi mãi chúc tụng Thiên Chúa. Amen.

 

 

Back To Top