Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
LỜI TUYÊN XƯNG
8.8 Thánh Đa Minh, Lm
Gr 31:31-34; Tv 51:12-13,14-15,18-19; Mt 16:13-23
LỜI TUYÊN XƯNG
Thánh Đaminh sinh tại Calaruega miền Castilien, nước Tây Ban Nha khoảng năm 1172-1173. Sau khi học triết và Thần học, ngài trở thành Kinh sĩ ở Osma. Thời trai trẻ Ngài đã yêu sự khó nghèo cũng như người nghèo, thích cầu nguyện và ham học, hai lần phải dọc ngang Châu Âu đã giúp Ngài mở rộng tầm mắt và quyết định cuộc đời tương lai của mình. Trước nhất, Ngài nhìn thấy và bắt đầu hiểu sự nguy hiểm của nhiều lạc thuyết đang đe dọa Hội Thánh.
Cùng với người bạn tên là Didacus thành Acebedo, ngài bắt đầu đi rao giảng, giúp cải hối những người theo rối Albigeois. Khi Didacus qua đời, ngài lãnh đạo cơ quan truyền giáo do Didacus lập ở Toulouse miền nam nước Pháp. Ngài cùng với anh em giảng thuyết thực tập sám hối, đi chân không, tổ chức nhiều buổi đối thoại kéo dài ngày. Thế nhưng thất bại, nhóm Albigois cùng nhóm Catare đã không chấp nhận lý luận, họ đòi canh tân Hội Thánh và ly khai, thế là Đức Innocence III đã quyết định dùng binh lực để truy lùng lạc giáo. Cuộc chiến tiêu diệt bè Albigeois kéo dài từ 1208 đến 1213 gây biết bao tang tóc cho cả miền nam nước Pháp.
Năm 1215 Đaminh sang Rôma để xin công nhận dòng Giảng Thuyết do ngài thành lập, mục đích là với lời rao giảng và mẫu gương đời sống khó nghèo, tập thể theo tu luật thánh Âu Tinh có thể cải hối những người theo bè rối. Đức Thánh cha Honorius III đã châu phê luật dòng ngày 22.10.1216. từ đó dòng trở thành một sức lực canh tân mạnh mẽ trong Hội Thánh. Thánh Đaminh qua đời tại Bologna ngày 6.8.1221. Ngày 3. 7. 1231 Ngài được Đức Thánh Cha Gregonio IX, bạn than của thánh nhân, tuyên phong ngài lên hàng hiển thánh.
Nhìn vào bối cảnh dân Israel trướcĐức Giêsu, chúng ta thấy toàn dân đang trông chờ một Đấng Mêsia, để giải phóng họ khỏi kiếp sống lầm than và đưa dân tộc họ lên bá chủ thế giới. Đến khi Chúa Giêsu xuất hiện với những lời giảng dạy mới mẻ, đầy quyền năng, thì dân chúng lầm tưởng Ngài là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hoặc là một ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Đức Giêsu không quan tâm đến việc dân chúng nghĩ gì về mình mà chỉ nhằm đến các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô liền tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời đúng như Chúa Giêsu muốn, nhưngNgài cho biết, không phải tự ông biết điều đó, mà do Chúa Cha mạc khải.
Sự kiện trên lại xảy ra trong giai đoạn cuối của thời kỳ Đức Giêsu ở trần gian. Chính lúc đó, Ngài biết rằng đã đến lúc Ngài phải khởi đầu việc đặt nền móng xây dựng một tòa nhà thiêng liêng, nên đã tuyên bố Phêrô là Tảng Ðá để xây Hội Thánh của Ngài, và trao cho ông chìa khóa Nước Trời. Một quyết định xem ra bất ngờ, và làm mọi người ngỡ ngàng, vì Phêrô cũng chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học, chỉ có sự nhiệt tình, nhưng lại không vững vàng, bị Thầy khiển trách nhiều nhất.Nhưng vì hiểu được Ý Cha trong biến cố này, nên Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội, đại diện cho Ngài là Đá Tảng duy nhất.
Nhìn lại cuộc trắc nghiệm của Chúa Giêsu, chúng ta thấy niềm tin của đám đông rõ ràng còn phiến diện, nhưng niềm tin của các tông đồ cũng chưa hoàn chỉnh. Niềm tin ấy dường như còn bám rễ vào mộtquan niệm Thiên Sai ái quốc và duy quốc gia. Vì vậy mà Đức Giêsu “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô”, bởi vì mộtlời tuyên xưng đúng đắn vẫn không đảm bảo cho mộtđức tin trung thực. Và điều này được chứng minh ngay sau đó, qua phản ứng của Phêrô khi nghe Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó. Ông tỏ vẻ tài khôn khuyên can Thầy đừng làm như vậy, và đã bị Thầy quở trách nặng nề, gọi ông là Satan vì đã cản bước đường Ngài.
Tin Mừng cho chúng ta xác tín sâu xa về Giáo Hội trần thế mà Chúa Giêsu đã thiết lập, là con đường đưa tới Nước Trời. Nếu ai nói rằng, mình có thể đạt tới Đức Kitô hay có thể hòa nhập với Ngài mà không cần đến Giáo Hội, là đi tới nguy cơ lầm đường lạc lối. Làm như vậy là dựng nên một Đức Kitô theo tầm mức của mình, là tưởng tượng ra một Đức Chúa cho vừa vặn với suy nghĩ và ý muốn của mình, là từ khước một Đức Kitô như Ngài đã tự mạc khải cho chúng ta.
Tuy nhiên, cũng có một số người dị ứng với quyền bính trong Giáo Hội. Chúng ta biết rằng, quyền chìa khóa được ban cho các mục tử là để phục vụ việc đi theo Đức Kitô, là giúp người ta đến với Ngài và trở thành môn đệ của Ngài, chứ không phải là quyềnép buộc đoàn chiên đi theo sở thích hoặc ngẫu hứng của mình. Quyền này được trao để phục vụ sự sống, chứ không phải quyền sinh sát trên đoàn chiên. Trong tiếng La Tinh, quyền bínhlà “auctoritas”, do động từ “augere” có nghĩa là “làm cho lớn lên”. Quyền bính trong Giáo Hội là phương tiện chỉ để phục vụ cho sự tăng trưởng mà thôi. Cho dù có những cá nhân lạm dụng quá đáng quyền bính này, nhưng không vì thế mà Giáo Hội rơi vào sai lạc, hay đánh mất vai trò và bản chất đích thực của mình.
Quả thực, Hội Thánh là thực tại nhỏ bé nhất, nghèo hèn nhất, yếu đuối nhất, vì qui tụ quanh mộtmáng cỏ và mộtcây thập giá. Nhưng Hội Thánh cũng là thực tại cao cả nhất, giàu có nhất, vinh hiển nhất, mạnh mẽ nhất, bởi vì Đấng sinh ra trong máng cỏ cũng là Đấng chịu đóng đinh trên đồi Sọ, và là chính Đấng đã sống lại, và đang hiển trị trên muôn loài muôn vật.Cuối cùng, bài Tin Mừng đặt ra cho mỗi người chúng ta hai câu hỏi hết sức quan trọng:
– Chúa Giêsu là ai và có ý nghĩa gì trong cuộc đời tôi?
– Tôi là ai và như thế nào dưới cái nhìn của Chúa Giêsu?
Mỗi người phải tự trả lời cho mình. Đây là cuộc khám phá cá nhân mà mỗi người chúng ta phải thực hiện cho chính mình. Phêrô đã khám phá ra được chân lý quan trọng, nên ông đã được trao ban đặc đặc ân và trách nhiệm lớn lao. Chúng ta cũng vậy, muốn được vinh dự góp phần với Chúa thì tự mình phải khám phá ra Ngài sâu hơn mỗi ngày. Nếu ta thực sự muốn kiện toàn đời mình, muốn trở nên trọn vẹn là chính mình, muốn nhận ra sứ mạng của đời mình, thì không chỉ tuyên xưng Đức Kitô, mà còn tuyên xưng cả lòng yêu mến thẳm sâu, nghĩa là để Chúa chiếm hữu hoàn toàn cuộc đời mình như thánh Phêrô xưa.