skip to Main Content

Lễ Kính Thánh Danh Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?

Lễ Kính Thánh Danh Chúa Giêsu có ý nghĩa gì?
 
Ngày 3 tháng 1, phụng vụ sẽ kính Danh thánh Chúa Giêsu. Lễ này có ý nghĩa gì?
 
 
 
Thiết tưởng nên biết rằng với cuộc cải tổ lịch phụng vụ sau công đồng Vaticanô II, lễ kính Danh thánh Chúa Giêsu bị bãi bỏ, nhưng gần đây, với việc phát hành Sách lễ Rôma lần thứ ba (vào tháng 2 năm 2002), thì lễ này lại được du nhập như lễ nhớ nhiệm ý. Để tìm hiểu ý nghĩa của lễ này, chúng ta cần phân biệt ba khía cạnh. Thứ nhất là khía cạnh thần học: Danh thánh Chúa Giêsu có ý nghĩa gì? Thứ hai là khía cạnh lịch sử: lòng tôn kính Danh Thánh Chúa Giêsu trải qua thời đại. Khía cạnh thứ ba là lễ phụng vụ kính Danh Thánh Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ lần lượt đi từng điểm một.
 
 
Dưới khía cạnh thần học, Danh Thánh Giêsu có ý nghĩa gì?
 
Trong nguyên ngữ Do Thái, Giêsu – Jeshua là tiếng tắt của Jehoshua có nghĩa là “Giavê (Thiên Chúa) cứu chữa”. Theo Mt 1,21 và Lc 1,31, đây là tên mà thiên sứ truyền đặt khi Đức Maria bắt đầu mang thai. Thực ra tên này không phải là hoàn toàn mới lạ trong lịch sử Do Thái. Trước đó nhiều người đã mang tên đó rồi, chẳng hạn như ông Giosua (hay Giosuê), người kế vị ông Môsê lãnh đạo dân tộc Israel trên đường vào Đất hứa. Trong gia phả của Đức Giêsu được ghi lại ở Luca 3,29, ta thấy trong hàng tổ tiên cũng đã có người mang tên này. Tuy nhiên, nơi Đức Giêsu Nadarét danh hiệu này biểu lộ ý nghĩa trọn vẹn là “Thiên Chúa cứu chữa” bởi vì Người cứu nhân loại khỏi tội lỗi, đặc biệt nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh. Đức Giêsu được siêu tôn là Chúa, vì vậy khi nghe danh của Người mọi gối đều bái quỳ thờ lạy (Pl 2,10). Dù sao, danh Giêsu không chỉ gợi lên lòng tôn kính nhưng còn được kêu cầu cứu chữa. Thực vậy, chính Người đã khuyến khích các môn đệ hãy dùng danh của Người để cầu xin Chúa Cha (Ga 14,13; 15,16; 16,23): đây chẳng phải là lời bùa chú gì đâu, nhưng trong tục lệ Do Thái, tên gọi tượng trưng cho chính nhân vật mang danh đó. Cầu nguyện nhân danh Đức Giêsu có nghĩa là chính Đức Giêsu sẽ hiện diện với các môn đệ để dẫn họ đến với Chúa Cha. Một cách tương tự như vậy, Người cũng hiện diện với các môn đệ trong bước đường truyền giáo để chuyển ban ơn cứu độ cho những ai tin vào Người nhờ lời giảng dạy (Cv 4,11-12). Vì thế các tín đồ được gọi là “Kitô hữu” có nghĩa “thuộc về Đức Kitô”, hoặc là “những người kêu cầu danh Đức Kitô”.
 
 
Đó là khía cạnh thần học. Bây giờ sang khía cạnh tu đức: lòng sùng kính Thánh Danh có từ bao giờ?
 
Có thể nói được là lòng tôn kính Danh thánh Chúa Giêsu đã xuất hiện ngay từ những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, như ta thấy chứng tích trong các tác phẩm của các giáo phụ, nhưng chỉ trở nên rầm rộ từ thời Trung Cổ. Sự phát triển việc tôn kính Danh Chúa Giêsu nằm trong bối cảnh của phong trào sùng kính nhân tính của Người, chú ý đến việc chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Cứu thế, từ lúc Nhập thể, đến lúc Giáng Sinh, thời thơ ấu, lúc giảng đạo cũng như cuộc Thương Khó, với những cảnh tượng đau thương trên Thập giá. Các nhà thần học và giảng thuyết đã để lại nhiều văn phẩm giải thích ý nghĩa danh Giêsu là Chúa Cứu Chuộc, và từ đó, nhiều lời kinh được sáng tác để cầu xin Người cứu chữa chúng ta khỏi tội lỗi, và các sự dữ. Cách riêng, Thánh Bênađô dựa theo sách Diễm Ca, nói đến “Danh Người như dầu tỏa lan” để giải thích các công hiệu của việc suy gẫm và kêu cầu Danh thánh, đó là nó có sức chiếu sáng nhờ đức tin, có sức nuôi dưỡng tinh thần mỗi khi chúng ta nhớ đến, và có sức chữa trị mỗi khi chúng ta kêu cầu. Không lạ gì mà một bài thánh thi “Jesu, dulcis memoria” được gán cho Thánh Bênađô. Sang thế kỷ XIII, với sự ra đời của hai dòng Đaminh và Phan sinh, việc tôn kính danh Chúa Giêsu được phổ biến trong dân gian nhờ công cuộc giảng thuyết, cách riêng kể từ sau công đồng Lyon năm 1274. Công đồng này truyền phải tỏ lòng tôn kính đối với danh Chúa Giêsu, một cách cụ thể trong phụng vụ phải cúi đầu khi đọc danh cực trọng này. Đức Thánh Cha Grêgôriô X đã ủy thác cho Chân Phước Gioan Vercelli, tổng quyền dòng Đaminh việc chấp hành lệnh của công đồng nhờ các tu sĩ giảng thuyết và cổ động tập tục đó. Dù sao, các nhà giảng thuyết – Đaminh cũng như Phan sinh – không chỉ khuyến khích các tín hữu cúi đầu khi nghe danh thánh Giêsu, nhưng còn cổ động lòng yêu mến danh thánh qua việc khắc tên thánh Giêsu trên thân mình, trên cửa nhà, trên các tường thành, dưới ký hiệu JHS – ba chữ đầu tiên trong tiếng Hy-lạp Jesus nhưng được tán ra tiếng La-tinh là viết tắt của “Jesus hominum salvator” (Giêsu cứu chuộc nhân loại). Trong số những nhà giảng thuyết thời danh phải nhắc đến Thánh Bernardinô Siena (1380-1444). Bên cạnh việc tôn kính qua cử chỉ cúi đầu hoặc khắc tên thánh, nhiều kinh đọc cũng được sáng tác, đứng đầu phải kể Kinh cầu kính Tên Chúa Giêsu.
 
 
Dòng Tên có liên hệ gì với việc kính Danh Chúa Giêsu không?
 
Danh hiệu chính thức của Dòng này là Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu, viết tắt là SJ), nhưng ở Việt Nam được gọi là Dòng Tên. Lịch sử của Dòng này liên hệ mật thiết với việc tôn kính Danh Chúa Giêsu. Thánh Inhaxiô chọn ba chữ JHS làm ấn triện cho dòng mình, và chọn ngày 1 tháng giêng làm bổn mạng của Dòng, bởi vì ngày hôm ấy, người con của Mẹ Maria chịu cắt bì và được đặt tên là Giêsu. Ngôi nhà thờ lớn nhất của Dòng tại Rôma được mang tước hiệu là nhà thờ Chúa Giêsu. Các sử gia ghi nhận rằng vào thời Cải Cách, các nhà thần học Tin Lành thích dùng tước hiệu Kitô; đối lại, các cha Dòng Tên thích nói đến Đức Giêsu. Dù sao, chúng ta đừng nên lẫn lộn giữa Dòng Tên (Societas Jesu, trong tiếng Anh là Company of Jesus) với Hiệp Hội Kính Danh Chúa Giêsu (Confraternitas Sanctissimi Nominis Iesu), một hiệp hội giáo dân cổ động lòng sùng kính danh thánh, do các tu sĩ dòng Đaminh thành lập vào khoảng năm 1401 bên Đức, và một thế kỷ sau đó đã được truyền bá sang Tây ban nha và Bồ đào nha. Năm 1571, hiệp hội này được Đức Thánh Cha Piô V ủy thác cho dòng Đaminh điều khiển. Hội này sớm theo chân các cha truyền giáo Đaminh sang Trung hoa, Nhật bản. Tuy nhiên, nơi mà hội phát triển mạnh mẽ nhất là Hoa kỳ kể từ hậu bán thế kỷ XIX. Năm 1913, Đức Hồng Y Farley ra lệnh rằng mỗi giáo xứ trong tổng giáo phận New York đều phải thành lập một chi nhánh của hiệp hội, và năm 1917, hiệp hội đã có 1 triệu rưỡi hội viên trên toàn lãnh thổ Hoa kỳ, và tăng lên 5 triệu vào năm 1950. Mục tiêu của hội này (Holy Name Society) không chỉ giới hạn vào việc sùng kính danh thánh Chúa Giêsu, nhưng còn tham gia vào công tác tông đồ truyền giáo qua việc truyền bá đạo lý công giáo nữa. Nãy giờ, chúng ta đã nói đến lòng tôn kính Danh Chúa Giêsu nơi dân gian. Bây giờ chúng ta bước sang lãnh vực phụng vụ.
 
 
Lễ kính Danh Chúa Giêsu được ghi vào lịch phụng vụ từ bao giờ?
 
Các Sách Lễ xuất bản vào thế kỷ XV đã có một thánh lễ ngoại lịch kính “danh thánh rất ngọt ngào Chúa Giêsu”, nhưng chưa xác định một ngày lễ kính Danh Chúa. Cha Bernarđinô Busti dòng Phan-sinh (1450-1513) xin Giáo Hoàng Sixtô IV và Innocentê VIII thiết lập một lễ riêng, và cha tự ý soạn bản văn phụng vụ (xuất bản tại Milan năm 1492), nhưng cha không được toại nguyện trước khi qua đời (năm 1513). Mãi đến năm 1530, Đức Clêmentê VII mới cho phép dòng Phan-sinh cử hành lễ kính Thánh Danh hằng năm vào ngày 14 tháng giêng. Từ đó, nhiều dòng tu khác cũng xin phép Toà thánh được mừng lễ đó trong lịch riêng. Non hai thế kỷ sau (vào năm 1721), do lời thỉnh cầu của hoàng đế Đức quốc Karl VI, Đức Thánh Cha Innocentê XIII mới mở rộng lễ này cho toàn thể Hội Thánh, ấn định vào chúa nhật thứ hai sau lễ Hiển linh. Năm 1913, Đức Piô X chuyển sang chúa nhật giữa ngày đầu năm và lễ Hiển linh; năm nào không có thì mừng ngày 2 tháng giêng. Cuộc cải tổ lịch phụng vụ năm 1970 đã dẹp lễ kính danh thánh Chúa Giêsu, bởi vì cho rằng lễ này đã được nhớ đến vào ngày 1 tháng giêng rồi, nghĩa là 8 ngày sau lễ Giáng Sinh, khi phụng vụ đọc đoạn Phúc Âm theo Thánh Luca “Khi Hài nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài nhi là Giêsu: đó là tên mà sứ thần đã đặt, trước khi Hài nhi thành thai trong lòng mẹ” (Lc 2,21). Tuy vậy Sách lễ Rôma vẫn duy trì một thánh lễ ngoại lịch kính Danh Thánh Giêsu. Không hiểu vì lý do gì khi Sách lễ Rôma được phát hành năm 2002 thì lại có lễ kính Danh thánh Chúa Giêsu, được ấn định vào ngày 3 tháng giêng (bởi vì ngày mồng 2 đã được dành kính hai thánh Basiliô và Grêgôriô Nazianzênô). Các lời nguyện được soạn lại hoàn toàn chứ không lấy từ lễ ngoại lịch. Lời nguyện chính như sau: “Lạy Chúa, Chúa đã thiết lập ơn cứu rỗi cho nhân loại nơi Ngôi Lời của Chúa Nhập thể, xin thương ban ơn lân tuất cho những ai kêu cầu, ngõ hầu họ nhận biết rằng không có danh nào phải kêu cầu ngoại trừ Danh của Con Một Chúa”. Ta thấy vang lên tư tưởng của Tông Đồ Công Vụ 4,12. Lời nguyện trên lễ vật thì dựa trên Phil 2,10, khi nhắc lại rằng cũng như Đức Kitô đã vâng phục cho đến chết và được ban tặng danh hiệu mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người, thì xin cho chúng con được hưởng nhờ công hiệu của hồng ân đó. Sau cùng, kinh nguyện tạ lễ thì xin cho tên của chúng con được viết trên trời nhờ kết hiệp với Chúa Kitô. Như vậy việc kính Tên của Chúa Kitô Đấng Cứu thế cũng mang công hiệu cho tên của chúng ta, đó là nó được viết vào sổ trường sinh trên trời.
 
 
Lm. Phan Tấn Thành, O.P.
Back To Top