Âm nhạc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trải nghiệm của con người về thiên nhiên, tâm linh và cuộc sống. Vì vậy, âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc thờ phượng ở các cộng đồng dân Chúa. Đó như là một cách để đến gần Thiên Chúa và diễn tả niềm vui vì sự hiện diện của Người.
Nhận thức của Giáo hội về vai trò của thánh nhạc đã tiến những bước khá xa. Đức Giáo hoàng Pi-ô X từng gọi thánh nhạc là “nữ tỳ”. Đến Công đồng Vaticano II thì gọi thánh nhạc là “thành phần không thể thiếu” của phụng vụ.
Trong Cựu ước
KHI LÊN NGÔI, VUA ĐA-VÍT VẪN THAM GIA, THẬM CHÍ TỔ CHỨC, HƯỚNG DẪN CHI TIẾT CHO NHÓM CÁC THẦY LÊ-VI CÁCH DÙNG ÂM NHẠC ĐỂ NGỢI CA THIÊN CHÚA.
Trong thời kỳ dân Do Thái rời khỏi đất Ai Cập, nữ tiên tri Mi-ri-am, chị của ông Mô-sê, đã cầm trống con dẫn đầu đoàn phụ nữ vừa múa vừa hát. Họ xướng lên bài hát Xuất hành nổi tiếng do ông Mô-sê sáng tác để ca tụng chiến công của Thiên Chúa trước dân Ai Cập.
Sách tiên tri Gio-suê, đoạn 6, từ câu 1 đến 21, ghi lại trận chiến phá hủy thành Giê-ri-cô với đầy dấu ấn của thanh nhạc lẫn khí nhạc: Tường thành sụp đổ trong tiếng reo hò của quân dân Do Thái sau bảy ngày rước Hòm Bia Giao Ước đi vòng quanh thành, vừa đi vừa thổi kèn và hát.
Khi thay mặt Thiên Chúa tấn phong cho ông Sa-un, tiên tri Sa-mu-en báo trước ông sẽ gặp một đoàn ngôn sứ đang nói tiên tri với phần đệm của đàn, sáo và trống. Tiên tri I-sai-a đã sáng tác nhiều bài hát ca ngợi Thiên Chúa, trong đó có bài thánh thi tạ ơn nổi tiếng (Is. 26, 1–6). Lời giảng của tiên tri Ê-zê-ki-en được xem là rất có hiệu quả bởi ông có một “giọng hát đẹp với phần tự đệm nhạc hay”.
Nổi tiếng nhất trong các “tiên tri nhạc sĩ” có lẽ là vua Đa-vít. Ông không chỉ là một chiến binh giỏi mà còn là một nhạc sĩ có tài. Người đã dành cho âm nhạc một chỗ đặc biệt trong việc phụng thờ Thiên Chúa.
Khi lên ngôi, vua Đa-vít vẫn tham gia, thậm chí tổ chức, hướng dẫn chi tiết cho nhóm các thầy Lê-vi cách dùng âm nhạc để ngợi ca Thiên Chúa. Vua còn chỉ định ông A-xáp chịu trách nhiệm chính về thánh nhạc phụng vụ và phân công cho các thành viên khác. Ông còn được coi là tác giả của bộ Thánh vịnh gồm 150 bài.
Trong Tân ước
Trong giai đoạn đầu của Tân ước, phụng vụ Ki-tô giáo dùng lại những hình thức, đặc điểm âm nhạc đã có từ nhiều đời trước trong phụng vụ Do Thái giáo.
Câu chuyện Kinh thánh bắt đầu với một bài tụng ca (hymn) của các thần sứ trong ngày Đức Ki-tô giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao”. Sau đó là các bài thánh ca có hình thức gần giống Thánh vịnh, gồm: bài ca vịnh Ngợi khen (Magni cat) của Đức Mẹ, bài ca Chúc phúc (Benedictus) của ông Zacaria, bài ca An bình ra đi (Nunc dimittis) của ông già Si-mê-ôn.
Tin mừng Mát-thêu ghi lại việc Chúa Giê-su cùng các môn đệ hát thánh vịnh sau bữa tiệc ly, trước khi lên núi Cây Dầu. Có lẽ đó là bài ca Tạ ơn (Thánh vịnh 113 – 118) mà theo truyền thống, người Do Thái hay hát vào cuối bữa ăn trong lễ Vượt qua.
TRONG THỜI KỲ DÂN DO THÁI RỜI KHỎI ĐẤT AI CẬP, NỮ TIÊN TRI MI- RI-AM, CHỊ CỦA ÔNG MÔ-SÊ, ĐÃ CẦM TRỐNG CON DẪN ĐẦU ĐOÀN PHỤ NỮ VỪA MÚA VỪA HÁT.
Bài vinh tụng ca (hymn) Hosanna mà đám đông hò reo đón mừng Chúa Giê-su cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem đã trở thành một phần của cử hành phụng vụ Thánh thể trong lịch sử Ki-tô giáo.
Sách Công vụ Tông đồ kể lại việc hai ông Phao-lô và Xi-la hát thánh vịnh trong tù ở Phi-lip-pi. Ngay lúc đó một trận động đất diễn ra là bứt tung xiềng xích. Trong lúc rao giảng, Thánh Phao-lô khuyến khích giáo dân thành Ê-phê-xô và Cô-lô-xê hãy dùng thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần khí linh ứng để ca ngợi Thiên Chúa.
Nhiều đoạn trong các thư của Thánh Phao-lô được trích từ các bài vinh tụng ca của các Ki-tô hữu thời kỳ sơ khai dùng để ca tụng Đức Ki-tô, như các đoạn: Thư gửi các tín hữu Phi-líp- phê đoạn 2, câu 6–11; Thư gửi các tín hữu Cô-lô-xê đoạn 1, câu 15-20 và Thư thứ nhất gửi Ti-mô-thê đoạn 3, câu 16.
Diễn cảm âm nhạc của việc thờ phượng Ki-tô giáo đạt đến đỉnh cao ở Tân ước với các bài hymn trong sách Khải huyền của thánh Gio-an. Các bài vinh tụng ca này ca ngợi Đấng Tạo hóa nêu cao giá trị của Con Chiên, tán dương Cha và Con, ca tụng chiến thắng của Thiên Chúa trước kẻ thù của dân Người và công bố công lý của Người.
Tuy Tân ước không cung cấp đủ chi tiết để tái tạo chính xác các nội dung âm nhạc đã được sử dụng trong việc thờ phượng tại các cộng đoàn Ki-tô hữu ở những ngày đầu, thế nhưng có nhiều chứng cứ cho thấy âm nhạc đóng vai trò trọng yếu trong phụng vụ của cộng đoàn Ki- tô hữu đang dần phát triển.
Vì âm nhạc là một phần quan trọng cho cuộc sống, nên không có gì ngạc nhiên khi Kinh thánh đã nói nhiều về âm nhạc. Chính cuốn sách dài nhất trong Kinh thánh là một tuyển tập các bài ca:Thánhvịnh.