18.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh…
Khiêm tốn
07 04 Tr Thứ Ba Tuần II Mùa Vọng.
Thánh Am-brô-xi-ô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
Mt 18, 1-14
Khiêm tốn
Thay vì mừng lễ thánh Ambroise vào ngày mất của ngài (4 tháng 4 năm 397), thường rơi vào các ngày lễ Phục sinh, Giáo Hội mừng vào ngày 7 tháng 12, là ngày kỷ niệm ngài thụ phong giám mục (394). Tại Rôma, từ thế kỷ XI, người ta đã mừng lễ ngài vào ngày này, cũng như trong các Giáo Hội Byzantin và một số nhà thờ chính toà hay tu viện thời Trung cổ. Cùng với thánh Augustin, Hiêrônimô và Grégoire, thánh Ambroise là một trong bốn thánh giáo phụ và tiến sĩ lớn của Giáo Hội la-tinh, và là một trong những vị thánh được yêu mến nhất.
Thánh Ambroise sinh tại Trèves (Augusta Trevirorum) khoảng năm 339, trong một gia đình Kitô giáo thuộc giới quí tộc Rôma, vào thời kỳ cha ngài làm pháp quan của tỉnh Gaules. Khi cha mất, mẹ của ngài về sống tại Rôma cùng với ba người con: hai trai và một gái, Marcellina, cô em gái này sẽ nhận khăn choàng trinh nữ từ tay Đức giáo hoàng Libère. Sau khi hoàn tất các môn văn chương và luật, Ambroise đã hành nghề một cách xuất sắc, đưa ngài tiến mau đến tận Milan, tại đây ngài được bổ nhiệm làm tổng trấn tỉnh Ligurie và Émilia của Rôma.
Năm 374, khi giám mục Auxence thuộc phe lạc giáo Arius qua đời, quan tổng trấn Ambroise tới nhà thờ lớn Milan để giữ trật tự vào dịp bầu tân giám mục. Nhưng, tuy mới chỉ là một dự tòng, chính ngài lại là người được chọn làm giám mục trước sự phấn khởi của toàn dân. Họ la to: “Ambroise giám mục!” Ngài miễn cưỡng chấp nhận, và tám ngày sau, ngài được rửa tội, được truyền chức và tấn phong. Lúc đó ngài khoảng ba mươi tư tuổi. Sau khi trở thành người đứng đầu Giáo Hội ở Milan, thánh Ambroise học tập thừa tác vụ đến độ ngài trở thành một trong những vị mục tử hoàn hảo nhất trong lịch sử Hội Thánh.
Việc đầu tiên ngài làm là phân phát tài sản của mình cho người nghèo và chọn một nếp sống khổ hạnh. Rồi, dưới sự hướng dẫn của một cha Simplicien, một linh mục giàu kinh nghiệm, ngài dấn thân miệt mài vào việc học Kinh Thánh và các tác giả Ki-tô giáo. Ngài học nhằm phục vụ trước hết cho việc rao giảng và thi hành tác vụ huấn giáo. Bị lôi cuốn bởi Tin Mừng Luca, ngài đã viết một bình luận về Tin Mừng này, còn truyền lại tới chúng ta ngày nay. Chúng ta cũng còn giữ được một sưu tập các khảo luận của ngài về các nhân vật và chủ đề Kinh Thánh: Abel, Cain, Nôê, Abraham, Isaac, thiên đàng, tạo dựng. . .
Thánh Ambroise không ngừng quan tâm tới việc dạy giáo lý cho dân chúng, nhất là trong việc khai tâm đức tin và chuẩn bị phép rửa. Trong khảo luận Các Mầu Nhiệm và các Bí Tích, thánh giám mục Milan cắt nghĩa cho các tín hữu về các bí tích và phụng vụ. Nhưng ngài không chỉ giới hạn vào việc giảng thuyết. Nhằm giúp các tín hữu tham dự tích cực vào phụng vụ, ngài đã sáng tạo ra nhạc bình dân – thể loại đầu tiên ở phương Tây – và ngài đưa các bài hát xen vào các thánh vịnh. Cũng vậy, ngài soạn ra các thánh thi và các ca vãn, và một số sáng tác của ngài ngày nay vẫn còn được dùng để cầu nguyện hay hát trong phụng vụ thuộc nghi lễ Ambroise ở giáo phận Milan.
Trong một xã hội mà Kitô giáo chưa thấm nhuần hoàn toàn, thánh Ambroise quan tâm canh tân các phong tục với mục đích Kitô hoá chúng; ngài cống hiến cho phương Tây khảo luận đầu tiên về đạo đức học Kitô giáo (De Officiis), lấy hứng chủ yếu từ Cicéron. Nhiều khảo luận bàn về đề tài trinh khiết, trong đó có một tác phẩm ngài viết cho em gái ngài là Marcellina, lúc đó đã qui tụ được một số chị em thành một cộng đoàn trinh nữ. Một tiểu luận khác ngài viết cho các bà góa.
Viết đã giỏi, ngài còn là nhà hùng biện lỗi lạc; chính nhờ ngài mà chàng thanh niên Augustin ở Tagaste đã hoàn tất hành trình hoán cải của mình. Cuối đời, bị suy yếu và biết giờ chết sắp tới, ngài đọc cho người ta viết bình luận về thánh vịnh 43 (44). Ở câu 24, ngài nói: “Thật khó khăn khi phải kéo lê lâu dài một thân xác mà bóng tử thần đã che phủ. Lạy Chúa, xin đứng lên. Tại sao Người vẫn ngủ? Người sẽ xua đuổi con mãi sao?” Sự vĩ đại và thánh thiện của thánh Ambroise được diễn tả trong tiếng kêu la cuối cùng này, mà Chúa đã nghe vào một ngày thứ sáu tuần thánh, 4 tháng 4 năm 397.
Suốt ba năm đi theo Chúa Giêsu, các môn đệ cũng có cao vọng muốn được trở thành người lớn nhất trong Nước Trời nên đã đặt câu hỏi với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”.Hiểu được tâm tư ấy, Chúa Giêsu liền dạy các ông một bài học thật ý nghĩa đó là “Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời.Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.
Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh rất cụ thể đó là trở nên khiêm tốn đơn sơ như trẻ thơ. Khiêm tốn là một đức tính cao quý của con người. Người người có tâm hồn trẻ thơ thì tin tưởng vào tình thương Thiên Chúa,khiêm tốn không cậy dựa sức riêng nhưng biết nhìn nhận những giới hạn của mình.
Thiên Chúa dựng nên mỗi người một vẻ khác nhau, chính sự khác biệt đó càng diễn tả quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa.Hình dáng bên ngoài của một người dù đẹp hay xấu, cao hay thấp, trắng hay đen…đối với Chúa không có gì là xấu.Điều quan trọng nằm ở tâm hồn và thái độ sống của mỗi người. Dù nhỏ bé xấu xí nghèo hèn đến đâu, con người đều có phẩm giá và nhân vị vì họ được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nhận biết được điều này, chúng ta được mời gọi phải tôn trọng người khác với tất cả sự khác biệt của họ.
Ông Gerandy, nhà tư tưởng người Mỹ đã từng nói: “Chúng ta cần giống nhau một chút để hiểu nhau, nhưng cần phải khác nhau một chút để yêu thương nhau”. Chính sự khác biệt nơi mỗi người mà chúng ta được chia sẻ đắp đổi cho nhau, cùng cộng hưởng làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa.
Giá trị của cuộc sống không căn cứ trên số đo chiều cao của một người, chất lượng của cuộc sống không tính bằng sự hơn thua về nhan sắc hay hình thức bên ngoài nhưng dựa vào thái độ chúng ta đối xử với mọi người. Chúng ta không sống như một ốc đảo nhưng là sống cùng và sống với người khác. Chúng ta không thể tự thỏa mãn với chính mình nhưng luôn cần sự chia sẻ, nâng đỡ và an ủi của người khác. Người kiêu căng tự cho mình là đầy đủ nên Thiên Chúa không thể ban thêm điều gì, trái lại người khiêm tốn như một chiếc ly còn trống rỗng sẽ dễ dàng đón nhận được nhiều ân sủng của Thiên Chúa.
Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa đặc biệt yêu thích người có tâm hồn khiêm tốn. Chúa sẽ không mạc khải cho những bậc khôn ngoan thông thái biết về mầu nhiệm Nước Trời nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải đón nhận người khác như đón nhận chính Chúa, vì “Ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Ga 13,20).
Vì thế mỗi người chúng ta cũng đừng tự mãn cho mình là người có đầy đủ mà không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Trái lại chúng ta là một thụ tạo với đầy khuyết điểm và tính hư nết xấu. Mang trong mình di chứng của tội nguyên tổ, chúng ta luôn bị cám dỗ chiều theo sự xấu. Nhận ra điều này để chúng ta biết cậy nhờ vào ơn Chúa giúp mà hoàn thiện chính mình.
Và để minh chứng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giêsu còn đưa ra một ví dụ về người chủ chăn đã bỏ 99 con chiên mà đi tìm một con chiên lạc. Sứ mạng của Chúa Giêsu đến trần gian không phải để kêu gọi người công chính nhưng là kêu gọi người tội lỗi.
Ai khiêm tốn nhận mình là yếu hèn tội lỗi thì Thiên Chúa càng ban ơn giúp sức. Thánh Phaolô tông đồ có nhiều kinh nghiệm về điều này, thánh nhân đã khiêm tốn nhận mình là tôi tớ yếu đuối chẳng có gì để vênh vang.Chúng ta có là gì thì cũng nhờ bởi ơn Chúa. Còn thánh Augustinô thì xác quyết: “Chúa là Đấng cao cả, nếu con hạ mình xuống, Người cũng hạ mình xuống kết hợp với con; nhưng nếu con nâng mình lên, Người sẽ tránh xa con”.