skip to Main Content

HỌC MÃI ĐỂ NHẬN RA DẤU CHỈ

22  17  X  Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên.

(Tr) Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II.

Rm 7,18-25a; Lc 12,54-59.

HỌC MÃI ĐỂ NHẬN RA DẤU CHỈ

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị, tên khai sinh của Ngài là Karol Józef Wojtyła. Ngài sinh ngày 18 tháng 5 năm 1920 tại Wadowice, miền nam Ba Lan, cách Kraków 50 cây số. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo Hội Công Giáo Rôma và là người lãnh đạo tối cao của Vatican kể từ ngày 16 tháng 10 năm 1978. Cho đến khi qua đời, triều đại của Ngài đã kéo dài hơn 26 năm và trở thành triều đại Giáo Hoàng dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo, sau triều đại Giáo Hoàng của Thánh Phêrô trải dài 34 năm và triều đại Đức Giáo Hoàng Piô IX trải dài 32 năm.

Cho đến hiện tại, Ngài là vị Giáo Hoàng duy nhất người Ba Lan và là Giáo Hoàng đầu tiên không phải người Ý trong gần 500 năm, kể từ Đức Giáo Hoàng Ađrianô VI vào năm 1520. Ngài được tạp chí TIME bình chọn là một trong bốn người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20. và cả những năm đầu thế kỷ 21.

Trong triều đại của mình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không ngừng mở rộng ảnh hưởng của Giáo Hội Công Giáo trong Thế giới thứ ba. Ngài đã thực hiện rất nhiều chuyến tông du hơn 129 quốc gia, Ngài có thể nói được hơn 10 ngôn ngữ, ngoài tiếng Ba Lan còn có tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và một chút tiếng Việt.

Trong suốt triều đại của mình, Ngài đã lên tiếng phản đối chiến tranh và kêu gọi hòa bình, phản đối chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa cộng sản, chế độ độc tài, chủ nghĩa duy vật, các phương pháp phá thai, thuyết tương đối, chủ nghĩa tư bản và cách thức chết êm dịu. Đức Giáo Hoàng cũng được coi là một trong những nguồn lực dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Ba Lan và Đông Âu.

Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo Hội trong quá khứ. Ngài cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra hòa giải với Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo và Anh giáo. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên đứng ra tổ chức cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo của các tôn giáo khác như Phật Giáo, Khổng Giáo, Chính Thống Giáo Đông Phương, Do Thái Giáo, Cao Đài và Hồi Giáo. Ngài còn là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm một ngôi đền Hồi Giáo ở Syria, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên tổ chức ra Ngày Giới Trẻ Thế Giới hằng năm, và cũng là vị Giáo Hoàng đầu tiên đến thăm vùng Thánh Địa Jerusalem.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã được Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI phong là Đấng Đáng Kính vào ngày 19 tháng 12 năm 2009 và phong Chân Phước vào ngày 1 tháng 5 năm 2011. Mặc dù chưa chính thức được phong thánh nhưng vì Ngài là người sáng lập ra Đại hội Giới Trẻ Thế Giới nên Ngài được chọn là một trong những vị Thánh Quan Thầy bảo trợ cho ba kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới liên tiếp tại Sydney năm 2008, Madrid năm 2011, và tại Rio de Janeiro năm 2013. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ được phong thánh vào ngày 27.4.2014 tại Roma.

Ông bảy mươi còn phải học ông bảy mốt. Dân gian đã nói như thế. Kinh nghiệm, tuổi tác, thời gian như là những bài học quý giá và sự kiện thực tế, bổ ích của con người. Nhờ kinh nghiệm mà con người có thể khám phá ra sự thay đổi của thời tiết, đất trời. Ví dụ khi tiên đoán về thời tiết, người ta vẫn thường nói: “cơn đàng đông vừa trông vừa chạy, cơn đàng nam vừa làm vừa chơi”. Và kinh nghiệm này được truyền miệng từ thời này sang thời khác, từ con người này sang con người kia. Thật thế, từ thời xa xưa, người Do thái cũng đã cho thấy kinh nghiệm sống, khả năng nắm bắt quy luật đất trời, đọc ra các dấu chỉ của thời cuộc. Họ rất giỏi thiên văn và những vấn đề liên quan tới kinh nghiệm sống thường ngày.

Hôm nay, trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu cũng đã khen ngợi họ về sự lanh lợi, sự hiểu biết và mau lẹ ứng dụng kinh nghiệm sống của mình trong đời sống hàng ngày. Và Chúa Giêsu cũng mong muốn họ áp dụng, thích ứng những kinh nghiệm dân gian đó vào đời sống đức tin, đọc ra được những dấu chỉ của thời cuộc. Tuy nhiên, kinh nghiệm sống, giỏi thiên văn của người Do thái dường như đã và đang chôn vùi họ trong sự tự tôn, trong sự ích kỷ, trong sự thiển cận của mình. Chúa Giêsu đã mời gọi họ đi xa hơn những kinh nghiệm thường ngày mà họ đang cảm nhận. Ngài gọi mời họ khám phá, đi ra khỏi sự hạn hẹp và dám tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Thế nhưng, mặc cho sự gọi mời, mặc cho chân lý vẫy gọi, người Do thái, những kinh sư, những luật sĩ, họ vẫn cứng lòng, chai dạ trước sự thật, trước đức tin.

Ngày nay, có lẽ nhiều người Ki-tô hữu chúng ta cũng đang mang tâm trạng, đi vào vết xe đổ của những người Do thái và luật sĩ xưa. Chúng ta đã lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy. Chúng ta là những người Ki-tô hữu chính danh. Chúng tin tin vào Chúa, chúng ta có Chúa ở trong mình. Thế nhưng chính đời sống của chúng ta lại không phản ánh, chiếu tỏa ánh sáng của Chúa cho anh chị em mình. Là người tin có Chúa, thế nhưng khi gặp những nghịch cảnh trong đời sống như ốm đau, thất bại… chúng ta dễ dàng tìm đến thầy bói toán. Là người mang trong mình dòng máu Ki-tô hữu, thế nhưng khi phải đối diện với thử thách, với chủ nghĩa trần tục, chúng ta dễ dàng chao đảo và buông xuôi…

Lời Chúa ngày hôm nay gọi mời chúng ta biết dùng những khôn ngoan, kinh nghiệm của thời cuộc để khám phá, đào sâu và đọc ra được những dấu chỉ của thời đại. Đứng trước trào lưu trần tục hóa, người Ki-tô hữu cảm nhận được tình yêu vĩnh cửu của Chúa dành cho trần gian. Đối diện với sự tha hóa về đạo đức, người Ki-tô xác tín rằng chỉ nơi Chúa sự thật, công lý mới trường tồn, hằng bất biến. Cuối cùng, người Ki-tô hữu luôn được gọi mời sống tâm tình tạ ơn, xác tín vào lòng Chúa xót thương. Dám tin và đọc ra những dấu chỉ, sự gọi mời mà Chúa đã và đang gửi đến cho nhân loại chúng ta. Có như thế, cuộc đời người Ki-tô hữu luôn là một bản trường ca vang xa, tán tụng hồng ân Chúa như lời thánh vịnh đã nói lên rằng: “Ví như Chúa chẳng xây nhà. Thợ nề vất vả cũng là uổng công”(Tv 126).

Ta thấy mọi dân tộc đều trân trọng truyền thống, kinh nghiệm sống của cha ông ví dụ như những bài học áp dụng từ lao động, từ thiên nhiên, người Do Thái thời Chúa Giêsu cũng vậy, họ đón nhận kinh nghiệm từ cha ông họ, biết nhìn cảnh sắc đất trời để có những cách đối phó, ứng xử: Nhìn mây đoán được mưa, thấy gió đoán được trời sẽ oi bức…

Nhưng họ lại không nhận biết được dấu chỉ của thời đại: Không nhận ra Chúa Giêsu, Đấng phải đến loan báo Tin Mừng, chữa lành bệnh tật cho người đau yếu, trừ quỷ cho người bị quỷ ám và làm cho kẻ điếc được nghe, kẻ què đi được, người mù được thấy… như lời các ngôn sứ loan báo, nhưng họ lại không nhận ra đó là dấu chỉ của nước Thiên Chúa đang đến.

Cho nên, Chúa Giêsu đã khiển trách họ chỉ biết “nhận xét cảnh sắc đất trời” trong vũ trụ tự nhiên, nhưng lại không nhận biết những dấu lạ của Con Người đang hiện diện.

Chúa Giêsu kêu gọi hãy nhận ra dấu chỉ thời đại qua sự hiện diện của Ngài, mà tỏ lòng sám hối. Khi bất hòa với anh em, phải biết đi tìm sự hòa giải với anh em trước khi đến với tòa xét xử của Thiên Chúa, vị Thẩm Phán Tối Cao, Ngài sẽ xét xử chúng ta theo tình yêu thương mà chúng ta đối xử với anh em.

Thật thế, chúng ta, những môn đệ của Chúa Kitô trong thời đại hôm nay, cần phải tỉnh táo để nhận ra những dấu chỉ, những ý định của Chúa qua từng biến cố hằng ngày để sám hối, canh tân biến đổi chính mình mỗi ngày.

Back To Top