Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
ĐỪNG TRANH LUẬN
19.1.2022 Thứ Tư
Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mùa Quanh Năm
1 Sm 17:32-33,37,40-51; Tv 144:1,2,9-10; Mc 3:1-6
ĐỪNG TRANH LUẬN
Tin Mừng hôm nay là một trong 5 cuộc tranh luận gay gắt giữa Chúa Giêsu và người Do Thái về việc giữ luật trong ngày Sabát. Khởi đầu công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ngài đã gặp những cuộc phản ứng chống đối bằng những hành vi và lời nói công khai của nhóm Pharisêu, đại diện cho tầng lớp những người sống “vị luật” thời bấy giờ. Trong ngày sa bát người không được làm bất cứ việc gì kể cả việc đi bộ cũng có giới hạn. Vì vậy, trong cuộc tranh luận thứ 5 này, chúng ta sẽ nhận ra cao điểm của cuộc “chạm trán” ấy, như mở đầu con đường Thập giá mà Chúa Giêsu sẽ đi qua.
Bầu khí lúc này khá căng thẳng, ngột ngạt. Trong hội đường, duy chỉ một mình Chúa Giêsu lên tiếng, những người còn lại hoàn toàn im lặng. Đến ngay người bại tay cũng chẳng mở miệng xin Chúa chữa lành cho mình. Đám đông dân chúng mọi khi trầm trồ trước những lời nói và việc làm đầy uy quyền của Chúa, nhưng lúc này họ cũng im bặt. Nhóm Pharisiêu mọi khi lên tiếng chỉ trích Chúa, nhưng bây giờ cũng chỉ chăm chăm chú chú, soi mói xem Chúa làm gì.
Khi phải đối diện với một sức mạnh ghê gớmm của thế gian ngay trong chính hội đường vốn biểu trưng cho môi trường tâm linh – tín ngưỡng, Chúa không thoái lui, đầu hàng, nhưng Ngài chính thức công bố tình thương ơn cứu độ thời cánh chung của Thiên Chúa cho thế gian tăm tối, mịt mờ này. Việc Ngài chữa lành cho người bị bại tay cho thấy lời loan báo của ngôn sứ Isaia về thời của Đấng Thiên Sai đã thành hiện thực (Ngôn sứ Isaia loan báo rằng khi vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện thì “những bàn tay rã rời nên mạnh mẹ” – Is 35, 3).
“Chúa Giêsu lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay”. Trong câu 1, Thánh sử Maccô đã giới thiệu nơi chốn và nội dung của sự kiện. Một ngày như mọi ngày, Chúa Giêsu vào hội đường để đọc hoặc để nghe và giải thích Sách Thánh. Đó là thói quen tốt lành của người Do Thái ngoan đạo. Vậy mà, nơi “ được rao giảng” việc sống đạo lại chính là nơi “hành đạo” không được thực hiện. Tại hội đường, cũng có những người Do Thái, họ vào hội đường với mục đích khác, đó là để “rình và tố cáo” Chúa Giêsu ( x. c.2). Họ đã biến việc nghe và sống Lời Chúa thành việc sẵn sàng “ khử trừ” những ai diễn giải Lời Chúa khác với quan điểm của họ.
Trong cuộc sống hàng ngày đôi lúc chúng ta cũng có thái độ như người Do Thái khi đến nhà thờ hoặc khi làm những công việc đạo đức. Lúc đó thay vì chúng ta tìm ý Chúa, chúng ta lại dò xét và bình phẩm lẫn nhau. Thay vì kết tình thân ái giữa mọi người, chúng ta lại gây chia rẽ bằng việc “ xuyên tạc” lời nói và hành vi của người khác. Thay vì để tâm suy gẫm Lời Chúa, để Lời Chúa thấm vào tâm hồn, thì chúng ta lại âm mưu toan tính sao cho mình có lý hoặc luôn tìm phần thắng, phần lợi về cho mình. Chúng ta hãy xem thái độ của Chúa Giêsu như thế nào trước tâm địa độc ác của họ.
Chúa Giêsu gọi anh bại tay ra giữa đứng ( x. c.3). Ngài muốn người Do Thái nhìn thẳng và nhận ra vấn đề vì thế Ngài hỏi họ: “ Ngày Sabát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi ?” ( c.4). Câu hỏi của Ngài như một lời chất vấn lương tâm, dẫn họ lần bước trở về tính thiện ban đầu mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người. Tác giả mô tả tình trạng của họ : “ làm thinh”. Họ làm thinh có lẽ không dám trả lời trái với lẽ lương tâm, nhưng cũng là cách phản đối, từ chối con đường yêu thương mà Chúa Giêsu đặt ra trong ngày sa bát giữa “ lành – dữ; cứu mạng – giết đi”. Thánh sử nói rõ : lòng họ đã chai lì trước lời mời lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu vì thời đó, người Do Thái quan niệm bệnh tật là do ma quỉ và tội lỗi gây ra nên Chúa Giêsu muốn trải rộng nguyên tắc đem lại sự sống giải phóng con người khỏi ách nô lệ của Satan là ngày được cứu người, được phép làm điều tốt điều lành. Đó là ngày Thiên Chúa thi ân giáng phúc cho dân Người, nhất là những người nghèo.
Với sự lặng thinh cứng lòng của người Do Thái, chúng ta thấy thái độ của Chúa Giêsu “ giận dữ rao mắt nhìn và buồn khổ”. Đây là tấm lòng của một Thiên Chúa yêu thương gần như bất lực trước tự do của con người. Khi thấy họ cố “ bịt mắt bưng tai” trước lời mời cứu độ và hành vi yêu thương của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đón nhận thái độ ấy trong sự cương quyết bày tỏ tình yêu Cứu độ : Người bảo anh bại tay “ giơ tay ra!” ( x.c.5) và tay anh được chữa lành.
Khi Tình Yêu được bày tỏ thì quyền lực chống lại nó cũng lộ ra “ Người Pharisêu bàn tính với phe Hêrôđê để tìm cách giết Chúa Giêsu” (c.6).
Nơi Chúa Giêsu. Người có cái nhìn và thể hiện hành động đầy yêu thương trước những con người bị đau khổ, dù rằng, chung quanh Người đang có nhiều ánh mắt không thiện cảm và họ đang im lặng chăm chú theo dõi không phải là để hiệp thông, nhưng là để tìm cớ hãm hại Người. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã lên tiếng phá vỡ sự im lặng đáng sợ này: “Trong ngày Sabát được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?” (Mc 3,4). Qua đó, Chúa Giêsu cho thấy mục đích lề luật là hướng đến hạnh phúc và sự sống cho con người, nên Người đã không ngần ngại chữa lành cho người bị tay khô bại tay ngay trong ngày Sabát.
Nơi người Biệt phái. Họ nhân danh lề luật để thực hiện ý đồ đen tối của mình, nên họ không có cái nhìn cảm thông, nhưng lại có cái nhìn vô cảm trước nỗi đau khổ của đồng loại và vì thế, sau khi chứng kiến Chúa Giêsu chữa lành cho người bị bại tay trong ngày Sabát, thì “ngay lập tức, họ đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người” (Mc 3,6)
Con người hợp nhau để chống lại Thiên Chúa. Cái ác đồng lòng phá đổ sự thiện tội lỗi hợp lực, bóng đen bao trùm để dập tắt ánh sáng. Nhưng khi tội ác lên đến đỉnh điểm là Thập Giá thì Tình Yêu Thiên Chúa cũng được mở ra cho nhân loại qua trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên đồi Canvê.