18.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh…
ĐỪNG KHINH KHI CHÚA
22.1.2022 Thứ Bảy
Mc 3, 20-21
ĐỪNG KHINH KHI CHÚA
Tin Mừng kể lại lúc Chúa Giêsu đang giảng thì thân nhân của Ngài tìm đến, để bắt Ngài, vì nghe người ta nói là Ngài đã mất trí.
Đây không phải là lần duy nhất mà người ta cho là như thế. Chúng ta còn nhớ có lần người ta đã cho Ngài là người bỉ quỉ ám, là khùng điên, là một người nổi loạn.
Thực ra, Chúa cũng chẳng phải là một nhân vật dễ hiểu. Các tông đồ của Chúa ngày xưa dù đã được sống với Chúa cả mấy năm trời, vậy mà các ông ấy cũng chẳng hiểu được Chúa là ai.
Thế nhưng không phải vì thế mà Chúa buồn, Chúa bỏ cuộc. Phải nói rằng, Chúa có một thái độ rất cao thượng. Không những Ngài không buồn, không trách móc mà còn coi những chuyện đó chẳng đáng để Ngài phải bận tâm.
Cuộc đời của Chúa là như thế. Cuộc đời của mỗi người chúng ta chắc nhiều khi cũng như vậy.
Trong cuộc sống, chẳng thiếu gì những lúc chúng ta bị hiểu lầm, bị người ta ghét bỏ.
Những lúc như thế, chúng ta phản ứng lại thế nào? Cách tốt nhất tôi tưởng chúng ta hãy nhớ lại cuộc đời của Chúa Giêsu và bắt chước cách hành xử của Ngài.
Chúa Giêsu – ‘Kẻ mất trí’, khi Người quá say mê miệt mài để chăm sóc đoàn chiên không người chăn dắt, chạnh lòng thương đám dân khốn khổ, nghèo hèn, những kẻ bị gạt ra lề xã hội, cho dẫu lắm phen họ phản bội Người; Người lang thang trên mọi đường phố, làng mạc Palestina để mang Tin mừng cứu độ không giờ ăn ngủ nhất định, không cả hòn đá tựa đầu.
Chúa Giêsu – ‘Kẻ mất trí’, cúi xuống rửa chân cho môn đệ như một người nô lệ và bày tỏ tâm tình yêu thương cho dẫu biết rằng chỉ một lát nữa thôi họ sẽ bỏ Người mà trốn chạy trong cơn quẫn bách; Người tha thiết cầu xin ơn tha thứ cho kẻ vu cáo, lên án, hành hạ, cười nhạo và giết chết Người trên cây thập giá.
Trải qua hơn hai ngàn năm, tình yêu Giêsu vẫn còn mãi tiếp tục trải rộng nơi những con người biết đón nhận và tin tưởng vào tình yêu của Người. Tình yêu đó ngời sáng trong đêm tối của nhân loại như tình của các bậc quân vương (vua Luy), nữ hoàng (Elisabeth) đã không kể danh vọng địa vị để phục vụ người nghèo, hoặc tình của một Mac-ti-nô vị tông đồ bác ái không mệt mỏi, hay gần chúng ta nhất – tình của Têrêsa Cancutta mẹ của những người hấp hối cùng khổ và được cả thế giới gọi là mẹ…. và còn rất nhiều nữa những con người mang trong mình tình yêu Giêsu, sẵn sàng hiến cả cuộc đời để phục vụ và mang hạnh phúc cho tha nhân, cho thế giới đang quay quắt trong đau khổ, hận thù, ích kỷ và bị chìm đắm trong những đam mê dục vọng và giả dối sai lầm.
Ngày xưa, Chúa Giêsu cũng đã từng bị chính thân nhân của Người đánh giá Người theo kiểu bình thường và bất thường lộn ngược như thế. Việc Chúa rời gia đình rao giảng Nước Trời, chữa lành bệnh tật, lôi kéo mọi người về với Thiên Chúa để được ơn cứu độ. Nghĩa là dưới cái nhìn của người có đức tin, việc Chúa cứu giúp nhân loại là điều bình thường, lại bị coi là người bị quỷ nhập.
Cũng vậy, việc sống đạo của chúng ta hôm nay nhiều khi cũng dễ bị đảo ngược như thế. Có khi việc tuyên xưng đạo là điều bình thường của một người có đức tin, có lòng yêu mến Chúa, nhưng chính chúng ta lại sợ người khác biết mình có đạo. Chúng ta e dè, ngại ngùng, v.v. không dám tỏ một thái độ, hay bất cứ dấu chỉ nào là người Công giáo, vì sợ mọi người chê cười, sợ mọi người dòm ngó, v.v.
Lẽ ra đức tin Công giáo mà chúng ta đang mang, không chỉ được xem là bình thường, mà còn là niềm hãnh diện của chúng ta, lại bị chính chúng ta làm đảo lộn, chúng ta làm cho nó trở thành mất bình thường. Điều đó chứng tỏ, đức tin của chúng ta yếu kém, chúng ta thiếu ý thức mình là người có đạo. Cũng từ đó, người Công giáo thời nay dễ đánh mất chính mình, đánh mất chính niềm tin của mình.
Điều gì đã thôi thúc Chúa Giê-su tất bật như thế nếu không phải là vì Ngài “chạnh lòng thương” như các tác giả Tin Mừng vẫn thường ghi nhận? Chúa bận rộn, không phải để tìm kiếm tiền bạc, danh vọng hay quyền lực… hay điều gì cho Ngài; Ngài bận rộn chỉ vì yêu thương và để cứu độ cách riêng những người bé mọn khốn cùng. Trong sự bận rộn ấy của Chúa Giê-su, chúng ta thấy nguyên mẫu của điều mà ngày nay chúng ta gọi là đức ái mục tử.
Có lẽ vì Chúa quá yêu thương con người và những việc Ngài làm ngoài sức tưởng tượng của họ. Họ thấy bị mất nhiều hơn được. Họ thấy có hại nhiều hơn được lợi nên họ đã tránh né sự thật.
Số phận của Chúa Giêsu cũng chính là số phận của những người theo Ngài. Chúng ta gặp những chứng từ ấy nơi cuộc đời các thánh. Những người đương thời của họ cũng thường xem họ là những người mất trí. Nhiều người đã bị hành hình, và giáo hội đã tôn vinh họ là thánh tử đạo, họ là những chứng nhân niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Người gắn bó với Đức Giêsu Kitô nên biết rằng họ sẽ uống cùng một chén với Ngài.
Trong đời sống đạo hay trong ơn gọi của mình, nhiều lúc tôi cũng có những suy nghĩ và thái độ giống như những người bà con và họ hàng của Chúa Giêsu. Tôi cũng tính toán hơn thua. Tôi cũng so đo hẹp hòi vì không muốn mất mát hy sinh. Tôi cũng trốn tránh hay thoái thác những công việc hay những bổn phận mà lẽ ra tôi phải làm trong cuộc sống thường ngày.