skip to Main Content

ĐỪNG ĐỘC ÁC

3.8  Thứ Bảy trong tuần thứ Mười Bảy Mùa Quanh Năm

Gr 26:11-16,24; Tv 69:15-16,30-31,33-34; Mt 14:1-12

ĐỪNG ĐỘC ÁC

Nghe danh tiếng của Đức Giê-su, nhất là về các phép lạ Người thực hiện, Vua Hê-rô-đê cho rằng Đức Giê-su là ông Gio-an Tẩy Giả đã từ cõi chết trỗi dậy. Đó là một sai lầm ; nhưng đối với chúng ta, sai lầm này lại mang nhiều ý nghĩa trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Vượt Qua rồi. Thật vậy :

Vua Hê-rô-đê loại trừ một Gioan Tẩy Giả, thì lại có một Gioan Tẩy Giả khác xuất hiện. Như thế, Sự Thiện, Ánh Sáng và Chân Lý không thể bị loại trừ bởi bạo lực, nghĩa là bởi Sự dữ, Bóng Tối và Dối Trá.

Vua Hê-rô-đê làm điều dữ và ông bị dày vò bởi điều dữ, cái nhìn của ông bị chi phối tất yếu bởi điều dữ ông đã làm. Như thế, không phải Sự Thiện dùng phương tiện của Sự Dữ chống lại Sự Dữ, nhưng Sự Dữ sẽ tự hủy diệt Sự Dữ, như lời Thánh Vịnh loan báo : « Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài, còn con đây, thì được thoát khỏi » (Tv 141, 10).

Đức Giê-su không phải là Gioan Tẩy Giả sống lại, nhưng Ngài là Đấng ông loan báo, Ngài là niềm hi vọng của ông, là sự sống lại của ông. Thật vậy, nơi mầu nhiệm Vượt Qua, Đức Giê-su sẽ bị giết chết cách bất công như Gioan, nhưng Ngài mạnh hơn sự chết, Ngài sẽ phục sinh và làm cho mọi người phục sinh, trong đó có Gioan.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy xuất hiện 4 nhân vật, mỗi nhân vật mang một nét đặc trưng riêng cả về nhân thân và lối sống. Các nhân vật đó là: Gioan Tẩy Giả; vua Hêrôđê; bà Hêrôđia; và, con gái bà Hêrôđia. 4 nhân vật đó như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

Thứ nhất là Gioan Tẩy giả:

Gioan Tẩy giả là ngôn sứ vĩ đại, đến để loan báo về Đấng Cứu Thế và chuẩn bị lòng dân đón nhận Ngài. Vì thế, ông đã biểu lộ vai trò ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức khiêm tốn, hy sinh, can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, cho dù phải chịu tù đày và chết tróc.

Thứ hai là vua Hêrôđê:

Ông được biết đến như một kẻ ác nhân. Ông đã lộng hành khi dùng quyền. Coi thường đạo lý và buông theo sắc dục mà bất chấp đúng – sai. Ông đã làm trái với lương tâm khi truyền lấy đầu ông Gioan để thỏa mãn điều thề hứa bất chính của mình.

Thứ ba là Bà Hêrôdia:

Vì ưa thích điều bất chính, nên đã không chấp nhận sự thật mà Gioan loan báo. Vì thế, lòng thù ghét nổi lên như nước thủy triều. Thay vì dạy dỗ con mình làm điều tốt, bà lại xúi con mình làm điều bất chính khi xin vua lấy đầu Gioan Tẩy Giả. Sự ác tâm này là con đẻ của hận thù và ghen ghét vì mối lợi trước mắt.

Thứ tư là con gái bà Hêrôdia:

Cô gái trẻ này được biết đến như một nhân vật có tài mà không có đức. Vì thế, thay vì sử dụng tài của mình để làm việc thiện, cô ta đã dùng nó như là một thứ mua vui thuần túy và phá hoại. Tệ hơn nữa là cô không hề áy náy khi biết rõ rằng việc mình làm chỉ là để thỏa nãm sắc dục của vua quan và phục vụ sự hận thù của mẹ cô với Gioan Tẩy giả.

Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu gì những hình ảnh của Hêrôđê đang hiện ra qua những hành động của những người chỉ thích ham mê sắc dục, bất chấp sự thật để làm những điều lỗi lầm ghê tởm.

Cũng vẫn còn đó nơi ta hình ảnh của bà Hêrôdia. Nhiều lúc, thay vì dạy con làm điều tốt, thì lại chỉ vẽ cho trẻ những điều sai trái, miễn sao đạt được điều bất chính nơi ta mà thôi. Và cũng không thiếu những sự ngộ nhận nơi ta như con gái bà Hêrôdia…

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang trong mình hình ảnh và đặc tính của Gioan Tẩy Giả. Luôn tìm mọi cách để Lời Chúa được loan báo mọi nơi, mọi lúc. Sẵn sàng chấp nhận hy sinh và ngay cả cái chết để làm chứng cho Thiên Chúa và sự thật về Ngài.

“Các con sẽ làm chứng về Thầy”, đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.

Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: “Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng”.

Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

 

 

 

 

Back To Top