skip to Main Content

ĐỨC KHÔN NGOAN CỦA THIÊN CHÚA

18.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh Năm

1 Cr 12:31; 1 Cr 13:13; Tv 33:2-3,4-5,12,22; Lc 7:31-35

ĐỨC KHÔN NGOAN CỦA THIÊN CHÚA

Để nói về thế hệ đương thời đón nhận như thế nào những dấu chỉ Thiên Chúa thực hiện nơi ông Gioan Tẩy Giả và một cách trọn vẹn và duy nhất nơi chính mình, Đức Giê-su so sánh họ với đám trẻ con chơi trò chơi đám cưới hay đám tang: một số thổi sáo, nhưng những đứa khác không nhảy múa; hoặc một số hát bài đưa đám, nhưng những đứa khác không khóc than.

Hình ảnh đám trẻ chơi trò chơi diễn tả một kinh nghiệm rất thường xảy ra trong cuộc sống của chúng ta :

Tôi đưa tay ra, nhưng người kia không bắt ; hay tôi kể chuyện cười mà không ai chịu cười.

Tôi cố giải thích một vấn đề, nhưng anh em hay chị em không hiểu ; và nếu có hiểu thì cũng hiểu sai. Hay sau một hồi cố gắng giải thích, anh em hay chị em lại đặt câu hỏi lạc đề !

Tôi bày tỏ những cử chỉ thiện cảm, nhưng anh em hay chị em không nhận ra, hay nghiêm trọng hơn, giải thích sai thậm chí ngược lại.

Tôi sống bình thường, thậm chí rất tích cực về mọi mặt (học tập, cộng đoàn, thiêng liêng, tông đồ…), vậy mà anh em hay chị em nhìn mình như thế, suy nghĩ về mình như thế, hiểu mình như thế. Và điều này làm cho chúng ta đau đớn tận đáy lòng.

Đó chính là vấn đề của cả một thế hệ đối với những sáng kiến, những thiện chí, những dấu chỉ mà Thiên Chúa quảng đại ban cho loài người chúng ta. Thế hệ của Đức Giê-su là như thế và chắc chắn thế hệ của chúng ta cũng vậy :

Gioan đến không ăn không uống, thì người ta cho là đồ bị quỉ ám.

Còn Đức Giê-su, có ăn có uống, lâu lâu đi ăn tiệc, hay ăn cơm khách, thì bị cho là tay ăn nhậu, bạn bè dây dưa với quân thu thuế và phường tội lỗi.

Vậy thì phải có những điều kiện gì để anh em, chị em nhận ra nhau ? Phải như thế nào để thế hệ của Đức Giêsu và thế hệ của chúng ta nhận ra Thiên Chúa nơi các dấu chỉ, và nhất là nơi « Dấu Chỉ Giêsu » ?

Đức Giêsu nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra bởi con cái của mình » (Lc 7, 35). Để nhận ra Đức Khôn Ngoan, vốn là chính Đức Kitô, chúng ta phải là con cái của Đức Khôn Ngoan, phải thuộc về Đức Khôn Ngoan, phải hướng về Đức Khôn Ngoan, phải trăn trở và đi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, phải có thiện cảm và ước ao Đức Khôn Ngoan.

Trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói : « Đức khôn ngoan được nhận ra ngang qua những hoa trái của mình » (Mt 11, 16-19). Và để nghiệm được sự thơm ngon của hoa trái, chúng ta không có cách nào khác, là liều mình nếm thử. Cầu nguyện với Lời Chúa (chẳng hạn theo phương pháp Linh Thao), chính là để « cảm và nếm » những gì thuộc về Đức Giê-su, nhất là Lời và Ngôi vị của Ngài.

Đức Giê-su phê phán sự cứng lòng và kiêu ngạo của người Do thái, đặc biệt các luật sĩ và biệt phái. Họ luôn tìm cách biện minh cho mình và trốn tránh sự thật. Ông Gio-an Tẩy Giả sống khắc khổ, họ bảo là quỷ ám. Còn Đức Giê-su sống giản dị, gần gũi, hòa đồng với dân, họ lại cho là một tay ăn nhậu, bê tha. Thế nhưng, sự hiện diện và yêu thương của Đức Giê-su càng chứng tỏ cho thấy họ thật ngoan cố và ác tâm. Nếu chúng ta cứng lòng không tin vào Đức Giê-su chúng ta cũng sẽ không nhận ra Người.

Đức Giê-su trách dân chúng thời đó, nhất là các biệt phái và luật sĩ thờ ơ lãnh đạm với Gio-an Tẩy Giả và đối với Ngài. Vì thế, Đức Giê-su dùng dụ ngôn lũ trẻ chơi ngoài đường phố để nói lên điều ấy. Cũng giống như ở Việt nam, trẻ em Do thái thường có những cuộc hát đối hơi khác Việt nam một chút. Các trẻ em thường chia làm hai phe: một bên xướng tiểu khúc hoặc vui hoặc buồn, còn bên kia họa lại điệu vui hay buồn với câu điệp khúc của những bài ca dao có sẵn. Nhưng nhiều khi gặp những kẻ nghịch ngợm, không cứ theo lệ quen, bên xướng, ca hát vui vẻ thì chúng lại phá đám bằng giọng bi ai, than khóc, hoặc ngược lại. Đôi khi có những đứa ương ngạnh đứng đấy mà không chịu làm theo. Thật là trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Đức Giê-su mượn hình ảnh nhóm trẻ chơi ngoài đường phố để nói lên thái độ trái nghịch của người Do thái. Chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Những người Do thái thời Đức Giê-su cũng có phản ứng  đối với Ngài không khác nào đám trẻ chơi ngoài đường phố này. Họ mong chờ Đấng Cứu Thế, Gio-an Tẩy Giả loan báo về Ngài, nhưng họ không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông, họ bảo ông bị quỷ ám; Đức Giê-su khai mạc thời cứu thế bằng yêu thương, phục vụ, tha thứ, thì họ lại cho rằng Ngài là tên ăn nhậu, hòa nhập với phường thu thuế tội lỗi (Mỗi ngày 1 tin vui).

Thói thường, con người ta dễ lấy mình làm trung tâm và muốn áp đặt tư tưởng và hành động của mình lên người khác. Vì thế mà qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy chúng ta đừng áp đặt người khác phải theo tư tưởng của mình.

Giống như bọn trẻ thổi sáo giả bộ đám cưới đòi người khác hát, ca bài đưa đám  giả bộ buồn bắt người khác khóc theo… với một hoàn cảnh không thực tế. Trong ý thức hệ của người Do thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu biệt phái giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Messia giầu sang  chứ không khắc khổ kiểu Gio-an Tẩy Giả và làm bạn với bậc đế vương, chứ không phải hòa đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ, kể cả Đức Giê-su (Hiền Lâm).

Lối sống của Gio-an Tẩy Giả và của Đức Giê-su thật khác nhau. Gio-an nhiệm nhặt, còn Đức Giê-su thông thoáng cởi mở. Buồn cười là cả hai đều bị người Do thái chỉ trích, do chính lối sống của mỗi vị. Vạch ra cái “buồn cười” ấy ở đây, Đức Giê-su không chỉ nhằm xác nhận một kinh nghiệm về nhân tình thế thái: Ở sao cho vừa lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê.Phải chăng Ngài còn hàm ý rằng không có một lối sống duy nhất tốt, mà có nhiều: mỗi người, theo ơn gọi của mình, sẽ đảm nhận một lối sống phù hợp với ơn gọi đó? Điều cốt yếu là cái động lực, cái hồn của lối sống mà mình đảm nhận (5 phút Lời Chúa).

Khi trò chơi Flappy Bird và tác giả của nó trở nên nổi tiếng, được giới truyền thông thế giới quan tâm, thì có hàng loạt ý kiến trái ngược như: ”ăn may chứ có gì hay” hoặc “game ngớ ngẩn thế mà sao lắm kẻ thích”;

Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy những người Do thái đã có thái độ ghen tị với Đức Giê-su. Họ không những từ chối sứ điệp Tin Mừng của Đức Giê-su, mà còn có những lời chê bai, nhận xét xấu xa về Ngài. Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng dễ xét đoán và đánh giá người khác theo cái nhìn chủ quan của mình. Tệ hơn nữa, lắm khi vì đố kỵ trước những thành công của người khác mà chúng ta tìm mọi cách để bôi nhọ và làm suy giảm danh tiếng của họ.

 

 

 

 

Back To Top