Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Con Người làm chủ ngày Sa-bát
7.9 Thứ Bảy Thứ Bảy trong tuần thứ Hai Mươi-Hai Mùa Quanh Năm
1 Cr 4:9-15; Tv 145:17-18,19-20,21; Lc 6:1-5
Con Người làm chủ ngày Sa-bát
Khi ban bố Lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng các kinh sư và Biệt phái thì lại vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện giữ Luật của Chúa, thì họ chỉ giữ vì Luật buộc phải giữ và Luật lại trở thành gánh nặng đè trên vai của họ.
Sự xuất hiện của Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng Cứu độ đã đem lại luồng sinh khí mới cho xã hội Do Thái lúc bấy giờ. Người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì Người dạy dỗ với uy quyền của Thiên Chúa đã khuất phục quyền lực ma quỉ cũng như biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đứng về phía con người. Ngài không dùng luật pháp để o ép con người. Đó cũng là điểm nhấn mà bài Tin mừng hôm nay đề cập đến.
Trong thế giới hôm nay. Có khi luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến quyền lợi của thiểu số mà thôi. Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để đè bẹp con người. Chúa Giêsu luôn lên tiếng cảnh báo thái độ như thế. Thật ra Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ Ngài không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng đến để kiện toàn.
Tin Mừng hôm nay tường thuật lại việc những người Pha-ri-sêu, khi nhìn thấy các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa, có lẽ là đòng đòng rồi vò trong tay để ăn, vì lúc đó các ông đang đói. Nên họ gặp Đức Giê-su và trách móc rằng: “Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát?”. Nhân dịp này Đức Giê-su giải thích cho họ biết việc giữ luật không câu nệ ở hình thức, không câu nệ trên mặt chữ, mà nó phải phát xuất từ tinh thần cầu tiến, từ việc thực tiễn nhằm thăng hoa cho con người. Luật để mang lại sự sống chứ luật không nên câu nệ để rồi dẫn đến sự chết. Khi đói thì con người phải tìm kiếm cái gì đó để có thể ăn nhờ đó giữ lấy mạng sống mình, đó là luật tự nhiên, chứ không thể vì giữ luật ngày sa-bát để rồi không được làm gì, dẫn đến đói khát sao? Đức Giê-su đã dẫn chứng: Vua Đa-vít và các thuộc hạ vì đói bụng nên đã phải ăn bánh tiến, thứ bánh mà các ông không được phép ăn chiếu theo luật, để đả thông tư tưởng cho họ hiểu.
Trong cuộc sống xã hội hàng ngày, chúng ta không thể không va chạm, tiếp xúc với nhiều thành phần, trong đó nhiều người có lối suy nghĩ phóng khoáng, nhưng lại có người ưa thích soi mói nhỏ nhen, bới lông tìm vết, hình như họ cứ chực chờ sẵn để nếu ai đó phạm lỗi là lên tiếng chê bai, thậm chí mạt sát, họ chất lên vai anh em mình gánh nặng thay vì vác đỡ thập giá cho anh em. Đối với họ, dường như việc làm cho người khác đau khổ là thú vui. Đối với hạng người có tâm địa như vậy thì cách ứng xử tốt nhất là chúng ta nên tránh xa để khỏi bị họ làm tổn thương và đề phòng nhưng rắc rối có thể xảy ra khi chúng ta không kiềm chế được mình và sau hết là hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện.
Đối với luật Chúa và luật Giáo Hội chúng ta phải có tâm tình yêu mến, thì việc tuân giữ lề luật sẽ trở nên nhẹ nhàng, bởi lẽ, Luật Chúa cũng như của Giáo Hội chỉ để làm cho chúng ta nên tốt nên đẹp. Tóm lại: Luật Chúa và luật Hội Thánh được lập ra nhằm để cho chúng ta nhờ việc tuân giữ mà sau này được hưởng phần thưởng Nước Trời mà thôi.
Sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn hướng chúng ta đến việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa bằng lòng kính mến chứ không phải bằng cách giữ luật một cách câu lệ máy móc, vô hồn. Vì giữ luật như vậy thì có khác chi những chiếc máy rô-bốt đã được lập trình, cài đặt sẵn. Và việc giữ lề luật như thế sẽ khiến cho đời sống con người gò bó, ngột ngạt, chẳng khác gì như luôn mang bên mình một gánh nặng!
Một giáo dân nọ. Trước đây, khi ông chưa cảm nhận được tình Chúa yêu thương ông như thế nào, lúc đó ông chưa có lòng kính mến Chúa, thì ông sống đạo rất khô khan. Một tuần ông đi đến Nhà Thờ một lần vào ngày Chúa Nhật, ông là người đến dự lễ sau hết, ông không vào trong nhà thờ mà ngồi ở ngoài, đến khi vừa hết lễ thì ông chính lại là người rời Thánh Đường trở về nhà trước hết, ông đi lễ chỉ vì luật buộc, chỉ vì sợ tội mà thôi,
Nhưng sau nhiều biến cố xảy ra, ông đã cảm nhận được tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho ông và gia đình, nên từ đó ông đã thay đổi cách sống đạo. Ông đi tham dự thánh lễ mọi ngày trong tuần, ông cảm thấy vui sướng vì được đến với Chúa, qua Thánh lễ để được tham dự vào Bàn Tiệc Lời Chúa và Bàn Tiệc Thánh Thể. Và ông đã cảm nhận một cách sâu sa lời Chúa Giê-su nhắn nhủ rằng: “Ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.” (Mt 11, 30).
Lề luật của Chúa và của Hội Thánh ban ra là nhằm để phát triển, thăng tiến con người, nó tựa như đôi cánh để con người nhờ đó mà bay lên để vượt lên chính mình mà đến được gần Chúa và gần với tha nhân. Nhưng động lực cốt lõi trong việc tuân giữ lề luật của Thiên Chúa phải phát xuất từ lòng mến Chúa, và từ lòng mến đó việc tuân giữ các giới luật sẽ trở nên nhẹ nhàng và êm ái.