Một thực tế vẫn xảy ra trong Thánh lễ là thừa tác viên phụng vụ (thầy phó tế / linh mục đồng tế) hay chính vị chủ tế Thánh lễ thường xuyên đi đến nhà tạm để lấy Mình Thánh cho rước lễ. Đây là một thói quen có thể nảy sinh vì lý do thuận tiện khi nhà tạm được đặt ở trong cung thánh cũng như phát xuất từ lập luận rằng: Mình Thánh mới được truyền phép và Mình Thánh lưu giữ trong nhà tạm cũng là Thân Mình Chúa Kitô.
Thật ra, không nên lấy Mình Thánh từ nhà tạm để cho rước lễ trong Thánh lễ vì những lý do sau:
1] Thứ nhất, theo thực hành cổ xưa của Giáo Hội, việc lưu giữ Mình Thánh trong nhà tạm là nhằm kéo dài hoa trái của bàn tiệc Thánh Thể cho những ai vắng mặt vì lý do bệnh tật hay bị giam tù. Ngày nay, nhà tạm là nơi lưu giữ Mình Thánh với hai mục đích rõ rệt: i] Để cho các tín hữu tôn thờ Thánh Thể (chầu / viếng Thánh Thể) ngoài Thánh lễ; ii] Để cho bệnh nhân và người nguy tử hiệp lễ.1 Mặc dù vậy, nếu tổ chức chầu Thánh Thể ngay sau Thánh lễ, cũng nên sử dụng Mình Thánh vừa được truyền phép trong chính Thánh lễ đó [để đặt vào hào quang], chứ không lấy Mình Thánh từ trong nhà tạm;2 Thêm nữa, ngay sau Thánh lễ, thật lý tưởng nếu một số thừa tác viên Thánh Thể đem Mình Thánh vừa được truyền phép đến trực tiếp cho các bệnh nhân không thể tham dự. Qua những thực hành này, Giáo Hội muốn nhấn mạnh rằng cử hành Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu cũng như cộng đoàn tín hữu được Chúa dưỡng nuôi từ bàn thờ.
2] Thứ hai, tác giả James A. Field xác quyết rằng truyền thống của Giáo Hội với những giáo huấn của các Đức giáo hoàng hàng trăm năm qua, với nền thần học Thánh Thể, với những luật phụng vụ và công ý, tất cả đều chống lại thực hành rước lễ trong Thánh lễ từ Mình Thánh lấy trong nhà tạm.3
Thật vậy, thời Giáo Hội sơ khai tại Giêrusalem, các tín hữu rước lễ hàng ngày (x. Cv 2,46) và sau đó tại Troas hay những nơi khác, họ rước lễ hằng tuần (x. Cv 20,6-11; 1Cr 16,2) ngay trong Thánh lễ cử hành. Thời các giáo phụ, các tín hữu có thể rước lễ mỗi tuần hay thường xuyên hơn vì họ được phép đem Mình Thánh về nhà và rước lễ tại gia, nhất là các vị ẩn sĩ, những người sống trong đan viện mà không có linh mục hay những người sống quá xa nhà thờ. Cho đến thời của hoàng đế Charlemagne, các tín hữu đạo đức vẫn lãnh nhận Thánh Thể hằng tuần. Nhưng vào thời Trung cổ, hầu như dân chúng không còn rước lễ trong Thánh lễ nữa.4 Bởi vậy, vào thế kỷ XII, các vị thánh và các nhà thần học bắt đầu thúc bách dân chúng trở lại thực hành hiệp lễ.5 Thế là hình thành việc rước lễ bất cứ lúc nào trong Thánh lễ cho những ai muốn hiệp lễ. Thể thức cử hành bấy giờ giống như cho bệnh nhân rước lễ hiện nay.6 Để thuận tiện hơn, các tư tế ngày càng gia tăng thực hành cho rước lễ sau khi Thánh lễ kết thúc với Mình Thánh lấy từ nhà tạm. Đến thế kỷ XVI, Sách lễ của Đức Piô V đã sửa chữa xu hướng này khi yêu cầu tín hữu hãy tiến đến bàn thờ để lãnh nhận Mình Thánh thực sự trong chính Thánh lễ họ tham dự chứ không chỉ rước lễ cách thiêng liêng.7 Thế nhưng, đòi hỏi này thường bị làm ngơ. Dân chúng vẫn có thói quen rước lễ sau Thánh lễ từ Mình Thánh của nhà tạm hay bí mật rước lễ trước khi tham dự Thánh lễ với cộng đoàn.8
Theo Đức Bênêđictô XIV (thế kỷ XVIII), thực hành lấy Mình Thánh trong nhà tạm cho rước lễ dễ gây hiểu lầm, vì nó tách biệt sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô với bữa tiệc hy tế, tách biệt Thánh Thể với bàn thờ. Mục đích của Thánh lễ là làm cho Đức Kitô hiện diện cách bí tích trên bàn thờ, nhưng nếu Ngài đã hiện diện ở đó rồi trong nhà tạm thì mục tiêu của Thánh lễ đang cử hành bị lu mờ đi. Vì thế, để tránh sự hiểu lầm này, ngài đã ra sắc lệnh Certiores effecti (năm 1742) yêu cầu phải cho các tín hữu rước lễ từ chính Mình Thánh được truyền phép trong cùng Thánh lễ họ tham dự.9
Ngoài sắc lệnh Certiores effecti vừa nói, huấn quyền Hội Thánh còn nhiều lần bày tỏ cách mạnh mẽ ý hướng nghiêng về “hình thức tham dự Thánh lễ hoàn hảo hơn trong đó các tín hữu sẽ lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô sau khi linh mục rước lễ, từ chính Thánh lễ đó” nhằm tái nối kết hai chiều kích hy tế và bữa tiệc trong cử hành Thánh Thể.10 Chẳng hạn:
i. Trong Thông điệp Mediator Dei năm 1947, Đức Giáo hoàng Pio XII truyền rằng: “Phải khen những ai khi dự lễ, đã muốn chịu chính Mình Thánh truyền trong Thánh lễ… Dù vậy, biết bao lần người ta viện ra cớ này cớ khác để cho chịu lễ trước hay sau ván lễ – hoặc cho chịu ngay sau khi thầy cả chịu, nhưng lại cho chịu những Mình Thánh truyền trong các hôm trước.”
ii. Hội Thánh nhắc lại vấn đề này trong Hiến chế Phụng vụ Thánh năm 1963: “Rất đáng khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh lễ cách toàn hảo hơn, bằng cách, sau khi linh mục rước lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Chúa trong cùng một Hy lễ đó” (số 55).
iii. Trong Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma năm 2002:
● Công đồng Vatican II đã khuyên “Giáo dân tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo hơn bằng cách rước Mình Thánh Chúa, được truyền phép trong cùng một Thánh lễ sau khi vị tư tế rước lễ rồi”. Làm như vậy Công đồng đặc biệt thúc đẩy thực hiện một ước nguyện khác của các nghị phụ Công đồng Triđentinô là, để tham dự Mầu nhiệm Thánh Thể cách đầy đủ hơn, thì “trong mỗi Thánh lễ, các tín hữu tham dự phải thông hiệp, không những bằng tâm tình thiêng liêng, mà còn bằng việc lãnh Bí tích Thánh Thể nữa (số 13).
● Như chính vị tư tế buộc phải làm thì ước mong các tín hữu rước Mình Thánh Chúa với những bánh thánh được truyền phép ngay trong chính Thánh Lễ, và trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh Chúa để nhờ cả những dấu chỉ, họ thấy rõ việc hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành (số 85).11
Những gì vừa trình bày ở trên cho thấy, lý do chủ yếu khuyến khích các tín hữu rước lễ với Bánh Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ ấy là nhằm giúp họ tham gia một cách “trọn vẹn, ý thức và tích cực” vào hiến tế đang được cử hành.12
Như chúng ta đã biết, thực hành này đã bắt đầu khởi sự ít là từ năm 1742 bởi Đức Bênêđictô XIV.13 J. Leben đã ví von bằng cách nói như sau: “Khi vị chủ tế rước lễ một mình xong, ngài đi đến nhà tạm, dù có lòng cung kính, đương nhiên ý nghĩ xảy ra trong trí là, ông chủ sau khi một mình ăn xong bữa mà ông vừa nấu, ông nói với khách: ‘Các vị đợt một chút’, tôi đi mở tủ đựng đồ ăn để lấy những thứ đã nấu còn lại từ hôm qua đây.” 14
Như vậy, hết sức bao nhiêu có thể, các tín hữu nên rước lễ từ Bánh Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ đó và hạn chế hết sức bao nhiêu có thể rước Mình Thánh được lấy từ nhà tạm ngoại trừ vì lý do mục vụ khi xảy ra những trường hợp không thể lường trước được.15 Chắc chắn rằng những trường hợp như thế là họa hiếm chứ không thường xuyên.16 Cho nên, đừng bao giờ đến nhà tạm trong Thánh lễ trừ phi để cất Mình Thánh còn lại sau khi đã cho rước lễ xong, như chỉ dẫn của Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma: “Cho rước lễ xong, vị tư tế rước hết rượu thánh hiến còn lại ngay tại bàn thờ; Bánh Thánh còn dư thì hoặc rước hết tại bàn thờ hay đưa cất trong nhà tạm”.17 Nên biết rằng, trong khi cử hành phụng vụ thì nhà tạm không có chức năng, điểm hướng về của phần Phụng vụ Thánh Thể là bàn thờ chứ không phải nhà tạm.18
Dĩ nhiên, thực hành này đòi hỏi các linh mục và những người hỗ trợ ngài trong việc chuẩn bị cử hành Thánh Thể phải cố gắng rất nhiều. Tức là, họ phải dự đoán được lượng người lên rước lễ thông thường, đều đặn trong từng Thánh lễ là bao nhiêu để chuẩn bị bánh lễ cho vừa đủ. Họ cũng nên biết số lượng Mình Thánh được lưu giữ trong nhà tạm bao nhiêu để bảo đảm đừng bao giờ ai đó không được rước lễ do việc chuẩn bị Thánh lễ cẩu thả và thiếu sót. Chỉ đôi khi mới cần lấy Mình Thánh từ nhà tạm cho rước lễ nhằm mục đích thay thế Mình Thánh lưu giữ trước đó bằng Mình Thánh mới.
Lm. Giuse Phạm Đình Ái
_______________________________________________________
1 Xc. Eucharisticum Mysterium (25-05-1967), số 63; Hiệp lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ “Eucharistiae Sacramentum” (21-06-1973), số 5.
2 Xc. Peter Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius, 2004), số 694.
3 Xc. James A. Field, “Altar or Tabernacle? The Source of Communion” trong Michael R. Prendergast (ed), Full, Conscious and Active Participation (Oregon: Catholic Press, 2003), tr. 219.
4 Công đồng Laterano yêu cầu tín hữu rước lễ ít là một lần trong năm; Luật dòng Clara quy định chị em rước lễ 6 lần/năm; Dòng Nữ Đaminh, 15 lần/năm; Dòng Đaminh, 4 lần/năm; Thậm chí các thánh cũng hiếm khi rước lễ.
5 Xc. Thomas Scannell, “Frequent Communion”, The Catholic Encyclopedia, Vol. 6, New York: Robert Appleton Company,1909. 7 Jun. 2015 <http://www.newadvent.org/cathen/06278a.htm>.
6 Bao gồm đọc kinh “Tôi thú nhận…”, thừa tác viên giơ Mình Thánh lên và đọc “Đây Chiên Thiên Chúa…” và mọi người lặp lại 3 lần câu “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa…” (Lc 7,6)
7 Công đồng Trento, session 22, cap. 2.
8 Xc. James A. Field, “Altar or Tabernacle? The Source of Communion”, tr. 224.
9 Xc. Kevin W. Irwin, Models of the Eucharist (New Jersey: Paulist Press, 2005), tr. 181-182; James A. Field, “Altar or Tabernacle? The Source of Communion”, tr. 224.
10 Xc. Kevin W. Irwin, Models of the Eucharist, tr. 231-233.
11 Xc. Eucharisticum mysterium, 25/5/1967, các số 31,32: A.A.S. 59 (1967), tr. 558-559; Immensae caritatis, 29/1/1973, số 2: A.A.S. 65 (1973), tr. 267-268; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (1975), số 56h.
12 Hiến chế Phụng vụ Thánh, số 14.
13 Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), tr. 72.
14 J. Leben, Để Sống Phụng vụ (Edition du Cerf, 1986), tr. 125.
15 Xc. Edward Foley, “The Structure of the Mass, Its Elements and Its Parts” trong Edward Foley (ed), A Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Minnesota: A Pueblo, The Liturgical Press, 2007), tr. 187.
16 Xc. Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal, tr. 70.
17 Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (2002), số 163; Dennis C. Smolarski, Q & A: The Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 2002), tr. 116-117.
18 Xc. James A. Field, “Altar or Tabernacle? The Source of Communion”, tr. 223-228.