Hành động khôn khéo Ðể nói về mầu nhiệm của…
Chọn Nhóm Mười Hai
10.9 Thứ Ba Thứ Ba trong tuần thứ Hai Mươi-Ba Mùa Quanh Năm
1 Cr 6:1-11; Tv 149:1-2,3-4,5-6,9; Lc 6:12-19
Chọn Nhóm Mười Hai
Lịch sử ơn cứu rỗi đã khởi đầu và tiếp diễn bằng những cuộc tuyển chọn. Ở khởi đầu lịch sử này, từ trong đám dân du mục vô danh tại miền Lưỡng hà địa, Thiên Chúa đã chọn Abraham; trong những người con của ông, Ngài chỉ chọn Isaac; và trong những người con của Isaac, Ngài chỉ chọn Yacob làm người cha của mười hai chi tộc Israel. Ðể thực hiện cuộc giải phóng con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Ngài đã chọn Môsê làm thủ lãnh. Sau khi Israel đã được Ngài chọn làm dân riêng và qua đó thực thi chương trình cứu rỗi, Thiên Chúa cũng tiếp tục một đường hướng: Ngài chọn lựa một số người và trao cho họ một trách vụ đặc biệt: Ngài đã chọn Ðavít làm vua, thay thế cho Saul; Ngài đã chọn một số người làm ngôn sứ cho Ngài.
Tất cả những chọn lựa của Thiên Chúa đều bất ngờ, nghĩa là vượt lên trên những tiêu chuẩn chọn lựa thông thường của con người. Từ Abraham qua Môsê, đến các ngôn sứ và Ðavít, tất cả đều được chọn lựa không phải vì tài năng đức độ riêng của họ: Môsê chỉ là một người ăn nói ngọng nghịu; Ðavít là cậu bé kém cỏi nhất trong số anh em mình, Yêrêmia, Isaia đều nhận ra nỗi bất lực yếu hèn của mình khi được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ.
Tiếp tục đường lối của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cũng đã chọn các môn đệ của Ngài theo những tiêu chuẩn bất ngờ nhất. Mười hai Tông đồ được Ngài chọn làm cộng sự viên thân tín nhất và đặt làm cột trụ Giáo Hội, không phải là bậc tài ba xuất sắc, cũng không phải là thành phần ưu tú thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội; trái lại họ chỉ là những dân chài quê mùa dốt nát miền Galilê; có người xuất thân từ hàng ngũ thu thuế tức là hạng người thường bị khinh bỉ.
Thánh Luca đã ghi lại một chi tiết rất ý nghĩa trong việc lựa chọn của Chúa Giêsu: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm. Không ai biết rõ nội dung, nhưng sự liên kết với Thiên Chúa trong cầu nguyện và việc chọn lựa cho thấy tính cách nhưng không của ơn gọi: Thiên Chúa muốn gọi ai tùy Ngài và sự lựa chọn đúng không dựa vào tài đức của con người. Chúa Giêsu đã cầu nguyện, bởi vì Ngài biết rằng tự sức riêng, con người không thể làm được gì. Phêrô đã cảm nghiệm thế nào là sức riêng của con người khi ông chối Chúa ba lần; sự đào thoát của các môn đệ trong những giờ phút nguy ngập nhất của cuộc đời Chúa, và nhất là sự phản bội của Yuđa, là bằng chứng hùng hồn nhất của sức riêng con người. Bỏ mặc một mình, con người chỉ chìm sâu trong vũng lầy của yếu đuối và phản bội.
Đức Giêsu đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha trước khi chọn các Tông đồ. Điều này chứng tỏ việc tuyển chọn các Tông đồ rât quan trọng, vì các ngài tiếp tục sứ mệnh của Đức Giêsu. Chúa gọi và chọn họ chứ họ không cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế điều kiện đầu tiên để trở thành Tông đồ là do Chúa chọn. Các môn đệ lại với Ngài, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi, họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn.
Từ mười hai người dân chài thất học, Chúa Giêsu đã xây dựng Giáo Hội của Ngài. Nền tảng của một Giáo Hội không phải là sức riêng của con người, mà là sức mạnh của Ðấng đã hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chính sự hiện diện sinh động và ơn thánh của Ngài mới có thể làm cho Giáo Hội ấy đứng vững đến độ sức mạnh của hỏa ngục không làm lay chuyển nổi. Thánh Phaolô, người đã từng là kẻ thù số một của Giáo Hội cũng đã bất thần được Chúa Giêsu chọn làm Tông đồ cho dân ngoại. Ngài luôn luôn cảm nhận được sức mạnh của ơn Chúa: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”, hoặc “Nếu phải vinh quang, thì tôi chỉ vinh quang về những yếu đuối của tôi mà thôi, vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”.
Ðọc lại đoạn văn, chúng ta có thể lưu ý đến hai đặc điểm chính của cộng đoàn quanh Chúa Giêsu, tiêu biểu cho cộng đoàn Giáo Hội Chúa trong tương lai. Trước hết, có thể nói đây là một cộng đoàn phổ quát, vượt ra bên ngoài ranh giới của dân tộc Do Thái. Sự độc quyền nhờ ân sủng Chúa nơi một dân tộc đã chấm dứt. Mọi người, mọi dân Chúa đã mời gọi gia nhập vào cộng đoàn này.
Ðặc tính thứ hai là trật tự mới của cộng đoàn được thiết lập qui về Chúa là trung tâm và có mười hai tông đồ được Chúa Giêsu chọn riêng ra, được Người huấn luyện và trao cho sứ mạng, chăm sóc, hướng dẫn cộng đoàn mới.
Tông đồ Phêrô được nhắc đến trong đoạn văn là kẻ đứng đầu nhóm Mười Hai: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con”. Các tông đồ và cộng đoàn theo Chúa đã nghe lời Ngài nhiều hơn sau những biến cố vượt qua của Chúa, khi Giáo Hội được khai sinh. Chúa Giêsu đã chuẩn bị để nhóm Mười Hai tông đồ này trở thành nền tảng cho toàn thể Giáo Hội mới của Chúa. Hơn nữa, con số mười hai tông đồ là biểu hiện thứ nhất có ý nghĩa nhắc đến mười hai chi tộc của toàn dân Do Thái trong thời Cựu Ước. Dân mới của Chúa thời Tân Ước được mở rộng đón nhận toàn thể nhân loại không ai bị loại ra khỏi chương trình cứu rỗi của Chúa.
Khi chọn muời hai tông đồ, Người hướng về Đấng đã sai Người mà cầu nguyện xin ơn soi sáng và sức mạnh. Rồi xuống với các môn đệ và chọn mười hai người, ai sẽ chối Người và ai sẽ phản bội Người. Một đội quân biệt động! vô học thức, vô giáo dục, vô trường lớp, chẳng ai biết tiếng tăm họ. Họ thuộc loại phó thường dân, quá tầm thường, phần đông là dân chài. Chính trên đó Đức Giêsu xây Giáo Hội. Thật nghịch lý! một ông thầy sau khi đã dạy như điên về thập giá, sẽ chịu đóng đinh treo trên thập giá. Và các tông đồ cũng chẳng có vẻ gì nổi, họ tiếp tục cuộc mạo hiểm mâu thuẫn, vẫn kéo dài và sẽ kéo dài vô cùng.
Suy niệm về việc Chúa Giêsu tuyển chọn mười hai Tông đồ của Ngài, chúng ta được mời gọi nhận ra thân phận yếu đuối bất toàn của chúng ta, đồng thời nói lên niềm tín thác của chúng ta vào tình yêu của Ngài. Chỉ có một sức mạnh duy nhất để chúng ta nương tựa vào, đó là sức mạnh của ơn Chúa. Với niềm xác tín đó, thì dù phải trải qua lao đao thử thách, chúng ta vẫn luôn hy vọng rằng tình yêu của Chúa sẽ mang lại những điều thiện hảo cho chúng ta.