Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Chỗ nước sâu” thời đại 4.0
Chỗ nước sâu” thời đại 4.0
Lời mời gọi “hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”[1] của Thầy Giê-su vẫn vang lên mỗi ngày, như thôi thúc mọi tâm hồn nhiệt thành, can đảm dấn bước trên cánh đồng truyền giáo cũng như trong sứ vụ lưới người của toàn thể giáo hội, nhất là trong thời đại mới với nhiều thời cơ, phương tiện, nhưng cũng đầy thách đố cùng nhiễu nhương, nhất là khi một thế giới ảo đang lên ngôi, ngày càng chi phối con người và làm lung lay nhiều thực tại. Mang nơi mình bản chất truyền giáo với tinh thần đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho muôn dân, việc loan báo tin mừng chưa bao giờ là một nhiệm vụ lỗi thời, dẫu không bao giờ dễ dàng nhưng cũng chưa bao giờ là một rào cản khiến giáo hội chững lại hay bỏ cuộc.
Trái lại, lệnh truyền này luôn là động lực để giáo hội và những con người trong giáo hội hăng say bước tiếp con đường của Thầy mình. Nước càng sâu, những mẻ cá sẽ càng lớn nếu lưới đủ chắc và người thả lưới lành nghề, biết bám lấy Chúa, đủ kiên trì và đủ năng lực. Nhìn vào thân mình đầy thương tích của Chúa Ki-tô nơi Giáo hội, chúng ta biết giáo hội vẫn còn đó những vết thương cần được chữa lành, vẫn còn đó những chỉ thể cần được tái hợp nhất, còn đó những “tế bào” cần đào thải dù đau đớn, nhưng vẫn còn rất nhiều “tế bào” đang chờ đợi, khát mong được tháp nhập vào thân mình của Đức Ki-tô.
“Hãy đến mà xem”[2]. Trong một xã hội đang phát triển và thay đổi không ngừng không phải theo ngày mà hằng giờ, hằng phút, dường như tư tưởng, não trạng và thị hiếu của con người cũng không ngừng đổi thay. Những thành quả của công nghệ, khoa học cùng những phát minh vượt bậc của nhân loại là không thể phủ nhận bởi ngày càng giúp cuộc sống con người thêm tiện lợi và thoải mái. Nhưng những thành quả đó chỉ còn hữu ích khi và chỉ khi nó là phương tiện và đầy tớ phục vụ con người.
Thế mà, khi tưởng chừng nó có thể thỏa mãn mọi nhu cầu, thậm chí biến con người thành siêu nhân và hoàn tất “giấc mơ dang dở nơi vườn Địa Đàng – bằng Thượng Đế”[3] thì cũng là lúc con người giật mình nhận ra còn quá nhiều lũng sâu trong tương quan giữa con người với Thượng đế, với vũ trụ, với người khác và với chính mình không thể lấp đầy bằng vật chất hay những những thú vui chóng qua mau tàn của kiếp người. Không ít người đã nhận thức được những giới hạn cùng những cạm bẫy của những phát minh khoa học, công nghệ, ý thức nó là con dao hai lưỡi, để rồi thay vì để nó chi phối, họ sử dụng nó như một công cụ, một đầy tớ hữu ích phục vụ và mang lại ý nghĩa cho cuộc đời và thành công trong cuộc sống.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những con người, không chỉ giới trẻ, nhưng ở mọi lứa tuổi, biết đâu có chúng ta hay những người thân của chúng ta, ngày càng coi những phát minh, những thành tựu ấy là tất cả, thờ ơ với thế giới thực, buông mình nổi trôi trong thế giới ảo, nơi họ nghĩ sẽ được đáp ứng mọi khát vọng. Nhưng thật ra, họ lại dập tắt hy vọng của chính mình. Khi nhiều người chấp nhận trở thành những “thành viên thường trực” thậm chí “công dân ưu tú” của thế giới ảo, họ không còn là chính mình, không còn quan tâm đến người khác và ngay cả bản thân. Internet, trí tuệ nhân tạo hay công nghệ số, từ những tên đầy tớ ngoan ngoãn, ngày càng lấn sân, chi phối, thậm chí trở thành những ông chủ thống trị con người. Thế giới ảo lên ngôi lấn át, trở thành một tôn giáo của không ít tín đồ cuồng tín; và thật nực cười chính máy móc do con người tạo ra lại đang biến con người thành những người máy vô cảm, dửng dưng trước mọi thực tại, mất định hướng và ý nghĩa cuộc đời. Đây là một thực tế và một tương lai mà ai cũng biết, ai cũng thấy, nhưng dường như có vẻ nhiều người ngày càng bất lực trong việc thay đổi nó để rồi chỉ biết chép miệng chấp nhận nó như một thực tại vô phương cứu chữa. Nhưng thật ra, đây là vấn đề lớn của thời đại cần được giải quyết trước khi quá muộn.
Nhìn vào thực tế, chúng ta không lạ khi bắt gặp những khuôn mặt, không chỉ là những cu cậu choai choai, nhưng còn những cụ ông cụ bà, thậm chí những đứa trẻ vài ba tuổi hay đôi khi là chính chúng ta, hết sức tập trung và tỉnh táo khi dán mắt vào màn hình điện thoại, nơi họ quên đi thực tại để vùi mình nơi những trò chơi hấp dẫn, lướt web cùng những video, những hình ảnh, những thước phim hay bất cứ một thứ gì có thể mang lại cho họ sự thú vị mà họ coi là ý nghĩa, là tất cả cuộc sống. Nắm bắt nhu cầu đó, những tập đoàn, những công ty, những cơ quan hay công ty truyền thông tạo ra những trò chơi, những video, những phần mềm cùng những luồng tư tưởng để thỏa mãn thị hiếu, chi phối, áp đặt và định hướng tư tưởng của không ít người thuộc mọi thành phần…và còn nhiều lắm những thủ thuật, chiến lược đang được tạo ra để “biến thế giới ảo thành thế giới thật”, để định hướng và “nô lệ hóa” con người…
Tất cả những điều trên dù tốt hay xấu dường như vẫn là một hình thức thể hiện khát vọng vô biên của con người dù ở bất cứ thời đại nào. Con người vẫn miệt mài trong cuộc kiếm tìm câu trả lời cho câu hỏi về hạnh phúc và ý nghĩa cuộc đời: sống để làm gì? chết rồi sẽ đi đâu? … để rồi từ đó con người dùng trí khôn và tự do của mình để làm tất cả những thứ có thể để trả lời cho những câu hỏi của kiếp nhân sinh. Thế nhưng, càng tìm kiếm, con người càng đẩy mình và đồng loại vào ngõ cụt khi bám lấy tôn sùng những thực tại chóng qua, bởi sau tất cả chỉ còn lại một tâm hồn trống rỗng, nhất là khi loại trừ, coi Thiên Chúa đã chết[4] hay có tồn tại thì sự hiện hữu của Ngài là phi lý[5], không liên qua đến con người…. Và sâu thẳm nơi những tâm hồn vẫn là một khát vọng vô biên và khôn nguôi về một thứ gì đó siêu việt – Thiên Chúa. Trước những áp lực của cuộc sống và kiếp người, như một luật bù trừ, nhiều người, goài công việc, họ chôn mình trong thế giới ảo, nơi mà họ có thể gặp những thực tại ảo, những con người ảo, chả cần gặp gỡ, nhưng mang lại cho họ chút gì ý vị để tiếp tục tồn tại vì họ không còng thấy cuộc sống còn ý nghĩa và những con người xưng quanh không còn gì thú vị hay giá trị để họ níu kéo hay bám víu. Thật ra, nơi họ vẫn còn đó khao khát giải thoát, trở về với thế giới thực và tìm lại ý nghĩa của cuộc đời. Họ tìm kiếm những thứ có thể làm họ thỏa mãn hay giải tỏa những áp lực trong cuộc sống. Thay vì tìm được những điều ý nghĩa, giúp cuộc sống tăng tiến, thì những trò chơi, những hình ảnh bạo lực, những thước phim nhảm nhí, cùng bao thứ vô bổ tưởng có thể giúp họ tạm thời quên đi những lắng lo và gánh nặng cuộc đời, lại đang âm thầm nhấn chìm và hủy hoại sự hiện hữu của họ khiến họ đánh mất mình lúc nào mà không hay biết…
“Chính anh em hãy cho họ ăn”[6]. Nhận thức được những dấu chỉ của thời đại, cũng như những cơ hội và thách đố trong công cuộc truyền giáo thời đại mới, Giáo hội không hề né tránh hay phủ nhận thực tại này, bởi Giáo hội nhận ra đây chính là chỗ nước sâu mà Chúa đang mời gọi mỗi người can đảm dấn thân “thả lưới”. Đây cũng như là nơi nhiều tâm hồn đang đói khát, hoặc đã đánh mất niềm tin mà chính các môn đệ của Chúa phải cho họ ăn, ăn no nê và được ơn cứu độ nhưng bằng những phương tiện mới trong thời đại mới – thời đại kĩ thuật số, công nghệ 4.0 và hơn thế nữa. Nhận thức được thực trạng này, Thánh Công đồng Vaticanô II đã thể hiện những ưu tư và thao thức canh tân tận căn Giáo hội qua việc trở về nguồn và đối thoại với thế giới bằng rất nhiều văn kiện đáng kinh ngạc đến nỗi Công đồng được ví như một Lễ Hiện Xuống mới[7] của Giáo hội. Cách đặc biệt, Công đồng đã dành riêng Hiến chế mục vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes)[8], Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (Ad Gentes)[9] và Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội[10], để trình bày thực trạng con người và sứ mệnh của Giáo hội, nhất là trước một thế giới đang đổi thay không ngừng. Từ đó, dưới ánh sáng của Công đồng, Giáo hội đã không ngừng thúc đẩy mọi thành phần tiếp tục sứ mạng truyền giáo của mình trong thế giới ngày nay. Các Đức Giáo hoàng qua các thời cũng như các vị chủ chăn tại các Giáo hội địa phương không ngừng kêu gọi mọi người chung tay góp sức cho công việc truyền giáo không chỉ bằng lời rao giảng nhưng còn hơn nữa qua việc trở thành những “chứng nhân” trong một thế giới đang cần những “chứng nhân hơn thầy dạy”[11], bằng những phương tiện trong thời đại mới. Gần đây nhất, Đức thánh cha Phan-xi-cô cũng thể hiện thao thức của mình với những dòng status ngắn, những bài giảng, những lời kêu gọi, các tông huấn, nhất là tông huấn Niềm vui Tin Mừng, cùng với đó là những chuyến tông du, những cuộc viếng thăm những vùng ngoại biên … Và như để cụ thể hóa những nỗ lực của mình, Ngài đã phong thánh cho thánh Carlo Acutis[12], vị thánh trẻ đã dùng công nghệ làmphương tiện truyền giáo hữu hiệu, như một lời khẳng định, một lời động viên đầy xác tín mỗi người đều có thể trở thành các nhà truyền giáo dù là ai hay trong hoàn cảnh nào…
Chỗ nước sâu và cơn đói khát mỗi thời mỗi khác, nhưng dù ở thời đại và hoàn cảnh nào, con người vẫn đang đói, đang khát một thực tại mang tên Thiên Chúa bởi chỉ nơi Ngài, con người mới có thể thỏa mãn mọi nhu cầu và sống hạnh phúc, đúng như Russell đã nói: “Chỉ có Thiên Chúa mới có hạnh phúc tuyệ đối vì chính Ngài “là Thiên Quốc, là Quyền Năng, là Vinh Quang”… Những ai chỉ có một chút quyền lực và danh vọng hay nghĩ là được thêm chút nữa họ sẽ thỏa mãn, nhưng họ đã lầm: những ước muốn này vô tận và chỉ trong vô cùng của Thiên Chúa, họ mới tìm được nơi an nghỉ”[13]. Các nhà truyền giáo ngày xưa phải đối diện cùng vượt qua muôn vàn khó khăn – rào cản về mặt vật chất, địa lý, chính trị hay ngôn ngữ cùng những phương tiện để tiếp cận con người. Ngày nay, dẫu vẫn còn những nơi mà các nhà truyền giáo thiếu thốn, khó khăn và bị ngăn cản đủ đường, thì có lẽ chỗ nước sâu thời đại mới gọi mời không chỉ các các giáo sĩ, tu sĩ lên đường, mà còn là mọi thành phần dân Chúa, trong đó có mỗi chúng ta, tay cầm vũ khí là sự thật[14], là Lời Chúa, trở thành những nhà truyền giáo không phải chỉ trong thế giới thật nhưng là nơi thế giới ảo, thế giới của internet, thế giới của mạng xã hội. Mỗi nhà truyền giáo thời đại 4.0 không chỉ rong ruổi trên những con đường để lôi kéo mọi người và giảng dạy mọi người biết Chúa, nhưng là đi vào thế giới ảo để truyền giáo và tái truyền giáo cho những tâm hồn đang khao khát Chúa nhưng đang lạc bước và lang thang nơi thế giới ảo. Trong khả năng của mình, mỗi nhà truyền giáo thời đại mới can đảm, kiên trì làm những gì có thể, cùng với một đời sống chứng tá để giúp họ trở về với thực tại, về với Giáo hội, về với Chúa, nhất là nhận ra thế giới ảo mãi chỉ là ảo và đang mà thôi. … Công việc loan báo tin mừng thời đại công nghệ là một thách đố nhưng cũng là một cánh đồng lúa chín vàng đang đợi những thợ gặt lành nghề đến để làm công việc của Chúa mà trong đó không loại trừ chính mỗi chúng ta…
Chỗ nước sâu vẫn chờ mỗi người Ki-tô hữu, trong đó có tôi, có bạn và mỗi Ki-tô hữu không phân biệt thành phần, những nhà truyền giáo đầy tiềm năng, những ngọn lửa tông đồ đang âm ỉ mà chỉ cần một cơn gió thổi bùng lên, để dấn bước lan tỏa, như thánh Augustino đã quyết tâm: “ông nọ bà kia làm thánh, tại sao tôi không?” Có thể mỗi chúng ta không để mình bị cuốn trôi trong làn sóng của mạng xã hội hay bị trở thành những công dân ưu tú của thế giới này, nhưng chắc chắn hầu hết chúng ta, nhất là những người trẻ không xa lạ với việc dùng mạng xã hội hay dạo chơi trong thế giới này. Chúng ta không thể phủ nhận sức hấp dẫn của nó cũng như những tiện ích của nó mang lại, nhưng chúng ta cần vượt lên không để mình bị nó kiểm soát hay nô lệ hóa. Từ đó, cùng với giáo hội, chúng ta nhận ra đây chính là mảnh đất màu mỡ của việc truyền giáo. Chắc chắn không ít lần nhiều người, trong đó có chúng ta cảm thấy ấm lòng và cuộc sống có ý nghĩa khi vô tình hay hữu ý bắt gặp hay dừng lại nơi những hình ảnh của các bạn giới trẻ hay giáo lý viên đang vui vẻ trong sứ vụ, hay một thánh lễ cưới công giáo, một lễ truyền chức, một lễ khấn, hay những “status trạng thái” đơn sơ tự hào là người công giáo cùng những hình ảnh đi làm bác ái, vệ sinh môi trường, một video cảm động, một bài thánh ca, một trang web công giáo hữu ích hay những hội nhóm trên mạng được lập ra để giúp nhau giải tỏa phần nào áp lực cuộc sống cũng như lan tỏa Lời Chúa… Mỗi chúng đều có thể truyền giáo mỗi ngày, những thao tác đơn giản, những công việc đơn sơ nhưng có thể chạm đến tận trái tim của nhiều người đang thất vọng giúp khơi dậy nơi họ nghị lực sống. Mỗi Ki-tô hữu, không loại trừ ai, có thể trở thành những nhà truyền giáo nhiệt thành của Chúa và Giáo hội mỗi khi lên mạng hay dùng mạng xã hội mỗi ngày: một câu Lời Chúa, một status tích cực, một video, một bài thánh ca, một bức tranh hay một câu chuyện cảm động về con người và cuộc sống, một kinh nghiệm về một cuộc gặp gỡ nơi đó có Chúa…
Lòng nhiệt thành luôn cần sự khôn ngoan và tỉnh thức. Nhiệm vụ của những nhà truyền giáo thời đại mới có nhiều thuận lợi khi có đầy đủ phương tiện và điều kiện để đi vào thế giới ảo, tìm kiếm những công dân của thế giới ảo để mang Chúa đế với họ, giúp họ ra khỏi thực tại ảo mà họ đang mắc vào. Tuy nhiên, thế giới hiện đại đầy biến động, đầy cạm bẫy, thách đố đang giăng đón không loại trừ ai, nhất là trong thế giới ảo. Vì thế, mỗi ki-tô hữu phải tỉnh táo, dựa vào Chúa để không bị lôi kéo biến thành những công dân gương mẫu của thế giới ảo, hay bị chết đuối trong những thứ phù du chóng qua mau mất. Để được như vậy, mỗi tín hữu cần được trang bị những hành trang cần thiết, nhất là một đời sống đức tin vững vàng cùng một lòng yêu mến Chúa và giáo hội tha thiết và một đời sống trưởng thành, để có thể thuyết phục và lôi kéo những tâm hồn đang khao khát Chúa trở về với Ngài. Hơn nữa, mỗi nhà truyền giáo thời đại mới cần can đảm cùng nhau làm tất cả những gì có thể, dù nhỏ nhất với tâm thế “đừng sợ” những gì mình làm trở thành vô ích, bởi vì chính Chúa sẽ làm cho mọi sự sinh lợi ích, như chính Phao-lô đã quả quyết: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, Nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”[15].
[1] Cf. Lc 5, 1-11
[2] Cf. Ga 1, 38-39
[3] Cf. St 3, 5-6
[4] Friedrich Nietzsche
[5] Albert Camus
[6] Cf. Mt 14,16
[7] Cf. http://conggiao.info/vai-net-ve-cong-dong-vaticano-ii-d-11105 truy cập ngày 29/09/2022
[8] Cf. Thánh Công đồng Chung Vatticanô II, Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện thánh Pi-ô X, Đà Lạt, tr. 721
[9] Cf. Ibid, tr. 601
[10] Cf. Ibid, tr. 121
[11] Đức Thánh Cha Phao-lô VI
[12] https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-10/le-phong-chan-phuoc-carlo-acutis.html truy cập ngày 29/09/2022
[13] Cf. Bertrand Russell, Quyền lực, Nxb Nhã Nam, tr. 15
[14] Cf. Rm 13,12
[15] Cf. 1Cr 3,6
Hạ Trắng