skip to Main Content

Các Mối Phúc Thật

11.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Ba Mùa Quanh Năm

1 Cr 7:25-31; Tv 45:11-12,14-15,16-17; Lc 6:20-26

Các Mối Phúc Thật

Khao khát và đói khát đều nói lên tình trạng thiếu thốn và muốn được đầy đủ hơn, nhưng khao khát thì nghiêng về tinh thần nhiều hơn, còn đói khát thì nghiêng về tình trạng vật chất nhiều hơn. Tuy nhiên, hai điều này lại có liên hệ với nhau chặt chẽ và nhiều khi người ta từ bên này chạy qua bên kia mà không biết.

Con người luôn khao khát hạnh phúc. Vì Thiên Chúa tạo dựng để con người được hạnh phúc. Con người luôn khao khát. Vì hạnh phúc là có thật. Nhưng con người lại chưa từng gặp được. Cứ mòn mỏi chờ mong. Cứ miệt mài tìm kiếm. Hôm nay Con Chúa xuống thế làm người chỉ cho con người đường đến hạnh phúc. Và vạch rõ những nẻo đường dẫn đến bất hạnh.

Đường đến hạnh phúc ngược với suy nghĩ của phàm nhân. Vì hạnh phúc thật không có ở trần gian. Chỉ có trong Nước Chúa. Ai càng gắn bó với đời này càng thất vọng. Ai càng bám víu vào những giá trị đời này càng bất hạnh. “Khốn cho các người, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than”. Chỉ có người biết dứt bỏ tham, sân, si mới đạt tới hạnh phúc. Chỉ có người vượt lên trên những ham muốn tầm thường ti tiện của loài người mới đạt tới Nước Trời. “Phúc cho anh em là kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em”. Hạnh phúc thật chỉ có trong Chúa. Là chính Chúa. Ai dứt bỏ mọi cám dỗ vì Chúa sẽ tìm được Chúa. Nhất là ai dám liều mạng sống vì Chúa sẽ được phần thưởng là chính Chúa. Đó là hạnh phúc thật, viên mãn, vĩnh cửu. “Ngày đó anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên tời thật lớn lao”.

Hạnh phúc thật không có ở đời này. Chỉ có ở đời sau. Nên thánh Phao-lô khuyên nhủ ta đừng bám víu vào đời này. Hãy hướng lòng về đời sau. Coi mọi sự đời này như không có. Vì chúng rất mau qua. “Tôi xin nói với anh em điều này: thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi”

Nhiều người cho rằng tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng, là những sức mạnh chống lại sự tiến bộ và phát triển của nhân loại. Lời cáo buộc này xem ra được củng cố hơn khi người ta đọc những lời chúc phúc của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay.

Thật thế, trong quan niệm thông thường của con người, dù ở đâu và ở bất cứ thời đại nào: có tiền của là có tất cả. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại tuyên bố: Phúc cho những người nghèo khó, phúc cho những kẻ bây giờ phải đói khát, phúc cho những kẻ bây giờ đang phải than khóc, phúc cho những kẻ đang bị oán ghét. Phải chăng Chúa Giêsu không là kẻ lừa bịp đang cười cợt trên những đau khổ của nhân loại? Phải chăng đó không phải là sứ điệp cổ võ sự bần cùng, đói khổ, lạc hậu, đi ngược với tiến bộ và phát triển của nhân loại?

Chúa Giêsu quả thực đã sống như một người nghèo giữa những người nghèo; đã tuyên bố: Phúc cho những kẻ nghèo đói, phúc cho những kẻ đang khóc lóc, phúc cho những kẻ bị bách hại, Chúa Giêsu hẳn phải là người hạnh phúc nhất, vì Ngài đã đi đến tận cùng sự nghèo đói, bách hại ấy. Chúa Giêsu đã không làm phép lạ cho trái đất luôn chảy sữa và mật, Ngài đã không đem lại một giải pháp chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể nào; thế nhưng, cuộc sống, lời nói và cái chết của Ngài lại là chìa khóa giúp giải quyết các vấn đề của con người. Quả vậy, vấn đề cơ bản của con người là gì, nếu không phải là được sống hạnh phúc; tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của mọi thời chính là nghĩ rằng càng có nhiều tiền của, quyền bính, danh vọng thì càng được hạnh phúc.

Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu không hề có ý muốn biến thế giới thành một thế giới nghèo đói, bần cùng. Của cải vật chất là phương tiện cần thiết để cho con người được sống xứng phẩm giá con người; Thiên Chúa đã tạo dựng con người để nó thống trị và hưởng dụng mọi sự trong vũ trụ. Khi tuyên bố: “Phúc cho những kẻ nghèo khó”, Chúa Giêsu nhắc nhở cho con người bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống. Của cải vật chất là phương tiện, chứ không phải là cứu cánh của cuộc sống. Người nghèo khó như Chúa Giêsu đã từng sống là người sống theo bậc thang giá trị ấy. Người sống nghèo khó như Chúa Giêsu là người biết sống cho những giá trị vĩnh cửu, là yêu thương, quảng đại, liên đới, tình người.

Ðược lời Chúa soi sáng hướng dẫn, người Kitô hữu chúng ta phải là người luôn tìm kiếm và sống cho những giá trị vĩnh cửu. Giữa những vất vả vì chén cơm manh áo từng ngày, xin cho chúng ta luôn tìm kiếm Nước Chúa, nhờ đó chúng ta sẽ là người hạnh phúc nhất, vì chúng ta biết mình sống đê làm gì và sẽ đi về đâu.

Chúa đã trình bày chân lý mạc khải này qua dụ ngôn ông Ladaro và người phú hộ keo kiệt. Ở đây Ladaro mới là người có phúc đời đời, có phúc thật. Cái phúc của người keo kiệt kia đến nấm mồ là hết. Vậy ai có phúc hơn ai?
Khi loan báo “Phúc cho anh em là những người nghèo khó”, Chúa đã thêm “vì Nước Trời là của anh em”.Cho nên khi loan báo bốn mối phúc cho kẻ nghèo, người khóc lóc, người đói khát, người bị bách hại. Chúa cũng nói đến cả cái vô phúc của người giàu mà vô tình, người no nê ích kỷ, người đi tìm khoái lạc trên đời, người lợi dụng quyền hành áp bức kẻ khác.

Loan báo Tin mừng này, Chúa đang cổ vũ cho một thế giới biết yêu thương chia sẻ, đầy tình người, yêu hòa bình, đề cao phục vụ, quan tâm đến những người bất hạnh, bệnh tật, rủi ro, thiếu may mắn.

Mỗi khi đứng trước đám đông nghèo nàn bệnh tật, là Chúa cảm thấy đau lòng xót dạ, và Ngài không rời xa họ được. Chúng ta có chia sẻ tâm tình đó với Chúa được không?
Chúng ta có đặt cho mình câu hỏi: “Tôi phải làm gì để phục vụ họ” được không?
Chúa dựng nên con người trong một địa đàng cực lạc, Chúa ban cho bao ân huệ dư đầy. Nhưng Satan đã phá hoại hạnh phúc đó bằng cách làm cho con người quay mặt về với chúng để lây nhiễm  bao kiêu căng, ích kỷ, thù hận…vì thế mà mặt đất trở nên thung lũng khổ đau.

Chúa đang đến xây dựng lại tình thương cho mặt đất. Hơn bao giờ hết nhân loại đang cần đến tình thương.

 

 

Back To Top