Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Gương tuyệt vời của Mẹ Maria
GƯƠNG TUYỆT VỜI CỦA MẸ MARIA
Khi Mẹ Maria tới thăm người chị họ là bà Elizabeth, ngay giờ phút đầu tiên mới gặp nhau, bà Elizabeth đã cất lời ca ngợi Mẹ là Người có phúc nhất trong giới phụ nữ; Mẹ Maria đã hân hoan vui sướng ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa vì Mẹ đã cảm nghiệm sâu sắc tình thương Thiên Chúa dành cho Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi.”
Bài ca ngợi khen Đức Chúa bật ra trên môi Maria sau khi bà Êlisabét cất tiếng ca ngợi Mẹ. Êlisabét ca ngợi Maria là người được chúc phúc hơn mọi phụ nữ vì Mẹ đang cưu mang trong dạ Đấng Cứu Tinh. Bà còn ca ngợi Maria có phúc vì đã dám tin vào lời Chúa phán, và dám liều để cho lời ấy dẫn dắt đời mình. Nhờ được tràn đầy Thánh Thần, Êlisabét mới biết được Tin Vui mà Maria tưởng rằng đó là bí mật chỉ riêng mình biết. Khi đứng trước bà chị cao niên đang mang thai, Maria xác tín hơn vào những lời sứ thần nói, và vào mầu nhiệm đang âm thầm lớn lên nơi cung lòng mình.
Và ta thấy bài ca ngợi của Mẹ Maria cũng là bài ca ngợi của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa qua bài Thánh ca Tin Mừng trong giờ kinh chiều hàng ngày. Những gì Chúa để cho xảy đến với Mẹ, dù Mẹ không hiểu, dù gây cho Mẹ nhiều khổ đau, nhưng Mẹ vẫn không than trách, không bi luỵ, không tuyệt vọng. Trái lại Mẹ dâng lời tạ ơn Chúa, và nhận ra đó là việc Chúa làm. Mẹ đã đón nhận tất cả như quà tặng ân ban của Chúa từ khi đón nhận lời Thiên sứ truyền tin cho đến khi Mẹ đứng dưới chân thập giá.
Khi bà chị Êlisabét ca ngợi Mẹ, thì Mẹ hân hoan ca ngợi Thiên Chúa. Maria nhìn nhận Ngài là Đấng Cứu Độ của Mẹ (c. 47). Nếu Mẹ được đầy ân sủng, được Chúa ở cùng và được đẹp lòng Ngài, nếu Mẹ được thụ thai Con Đấng Tối Cao nhờ Thánh Thần (Lc 1, 28-35), thì đó không phải là do công của Mẹ, nhưng là ơn của Chúa. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả” (c. 49). Maria không có một sự khiêm nhường giả tạo về mình. Khiêm nhường thực sự là nhìn nhận sự thật. Mẹ nhìn nhận những điều độc nhất vô nhị Chúa làm cho đời mình. Ngài đã nhìn xuống đời Mẹ, cuộc đời thấp hèn của một tỳ nữ. Và cái nhìn cúi xuống của Ngài đã nâng Mẹ lên cao, khiến cho muôn thế hệ phải ngợi khen, tôn kính (c. 48).
Mẹ đã vui mừng hớn hở vì Mẹ cũng như mọi người thời đó đang hết sức chờ mong “Đấng Cứu Thế”. Không vui sướng sao được vì nay không những Đấng Cứu Thế đã đến, mà còn đến ngay trong cung lòng của Mẹ. Mẹ tuyệt vời vui sướng, nhưng không phải vì thế mà Mẹ tỏ ra vênh vang, lên mặt với mọi người, ngược lại với lòng khiêm nhượng thẳm sâu, Mẹ nói mình không xứng đáng được ơn trọng đại này (ơn làm Mẹ Đấng Cứu Thế) qua lời : “Phận Nữ tỳ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới”. Người mẹ của một vị vua trần thế, họ tỏ vẻ sang trọng và cung cách của họ tỏ ra quí phái biết chừng nào thế nào. Mẹ Maria thì ngược lại, Mẹ suy nghĩ : ơn trọng đại này là hoàn toàn do tình thương của Thiên Chúa ban cho Mẹ: “Đấng Toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại”.
Nhìn vào cuộc đời Mẹ, ta thấy suốt cuộc đời Mẹ luôn là bài ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa. Còn chúng ta, khi được ai khen ngợi một chút đã vênh vang và coi đó là tài năng của mình. Chúng ta thường quên những gì chúng ta có được là hoàn toàn do lòng thương yêu Thiên Chúa dành cho mình. Chúng ta cần học nơi Mẹ lòng khiêm tốn thẳm sâu, nhất là những khi được người khác khen ngợi; để chúng ta luôn khiêm tốn ca tụng Thiên Chúa vì những ơn huệ đó.
Mẹ Maria còn giới thiệu cho chúng ta lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người, nếu mỗi người trong chúng ta biết tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa : “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”. Chúng ta tỏ lòng kính tôn Thiên Chúa qua việc chúng ta tuân giữ Lời Chúa và các giới răn cũng như các huấn lệnh Chúa truyền qua Giáo Hội.
Một tấm gương nữa chúng ta học được nơi Mẹ là Mẹ luôn quan tâm đến nhu cầu của những người chung quanh, như việc Mẹ đến thăm bà Elizabeth và còn ở lại giúp đỡ bà ba tháng nữa; Cũng như trong tiệc cưới tại Cana, Mẹ đã can thiệp kịp thời khi chủ tiệc hết rượu, mà duy chỉ mình Mẹ nhận ra, Mẹ nói với Chúa Giesu: “Họ hết rượu rồi”.
Chúng ta cần học nơi Mẹ sự quan tâm đến nhu cầu của những người sống chung quanh và sẵn sàng đưa tay giúp họ với một tình yêu vô vị lợi. Xã hội ngày nay người ta chỉ phục vụ khi có lợi nhuận hay chức quyền chứ khó tìm thấy người phục vụ một cách vô vị lợi.
Maria đã ở lại với bà chị họ độ ba tháng mới trở về nhà. Ba tháng mang thai đầu tiên của một người mẹ trẻ đâu có dễ. Maria đã ở lại để phục vụ cho bà Êlisabét gần ngày sinh. Mẹ quên gánh nặng của mình để mang gánh nặng của người khác. Êlisabét hẳn là vui vì được hầu hạ bởi Thân Mẫu Chúa. Gioan trong bụng mẹ sung sướng vì được gần Đấng Thiên Sai. Ít khi ta suy niệm chuyện Đức Maria mang thai hơn chín tháng. Thai Nhi Giêsu lớn dần lên từng ngày trong dạ mẹ, chờ ngày chào đời. Tình Mẹ-Con cũng lớn lên, thân thiết, gần gũi. Mang thai và sinh con là niềm vui, nhưng đòi bao hy sinh nhọc nhằn, nhất là vào thời xưa, khi vệ sinh và tiện nghi không có. Để sinh Đức Giêsu cho thế giới hôm nay, vẫn cần có những Maria chấp nhận cưu mang, chấp nhận vượt cạn, chấp nhận kiên nhẫn chờ đợi để sinh những Giêsu cứng cáp cho thế giới.
Thiên Chúa thường thực hiện những điều đi ngược với ý nghĩ của loài người: “Chúa giơ tay biểu dương quyền lực, diệt trừ hạng kiêu căng, đề cao kẻ khiêm nhường”. Mỗi người hãy cảm nghiệm tình yêu thương Thiên Chúa đã, đang thực hiện trong cuộc đời mình và học nơi Đức Maria tâm tình ca ngợi tạ ơn Chúa và luôn phó thác cuộc đời mình cho bàn tay Chúa quan phòng: “Kẻ đói nghèo Chúa ban của đầy dư”.
Và mỗi người chúng ta sau khi đã cảm nghiệm được tình thương Chúa dành cho mình, chúng ta hãy vui tươi, phấn khởi và luôn nhớ rằng chúng ta có Mẹ là mẫu gương và là Người dẫn dắt cuộc đời chúng ta.