Vì sao bạn mãi tầm thường! Trong khi bạn đang…
Nhặt Cá
Nhặt Cá
Cuộc đời là những rượt bắt không ngừng. Chính vì thế có nhiều người cứ bước nhanh, bước vội, bước hối hả, bước gấp gáp để kịp thả được nhiều mẻ lưới cuộc đời mà không nghĩ cần phải ngồi xuống để nhặt cá. Công việc nhặt cá xem ra vất vả quá, mất giờ quá, và vô ích quá. Ai cũng sợ ngồi bên bờ nhặt cá và chỉ biết hối hả thả lưới. Người ta nghĩ rằng hạnh phúc giống như chiếc lưới thả xuống biển rồi kéo lên tất cả chứ không hệ tại việc ngồi bên bờ, nhặt cá xấu, rác rưởi vứt đi. Thực chất, công việc nhặt cá có mất giờ một cách vô ích không? Hạnh phúc có như người ta nghĩ không?
Người phụ nữ trong đoản khúc “Nhặt Cá” mà Linh mục Nguyễn Tầm Thường đã viết trong quyển sách “Đường Đi Một Mình” là một người rất chăm chỉ thả lưới, miệt mài thả lưới. Lưới của bà ta có nhiều thứ cá. Tưởng chừng như bà ta rất thành công. Nhưng đáng tiếc bà ta lại là một phụ nữ thất bại hoàn toàn. Chỉ vì quá bận rộn, không có thời giờ, chỉ vì sợ thua trễ người ta mà bà đã để lẫn lộn những gì bà kéo lên từ cuộc đời. Thời gian cứ trôi xuôi lạnh lùng, bà ta cứ thả lưới và nặng nề kéo lên. Bà ta có nghe mùi tanh của cá ươn, biết có rác, có đỉa, có củi mục trong những mẻ cá bà kéo lên, nhưng cũng không ngồi xuống để nhặt cá. Rồi đến một ngày không thấy bà ta bước hối hả, vội vã, gấp gáp nữa mà chỉ còn những tiếc thở dài của sự mệt mỏi, tiếc nuối. Xem ra công việc nhặt cá lúc này đã là muộn màng. Bà ta đã nghiệm ra: hạnh phúc không hệ tại ở tất cả những gì kéo lên ở chiếc lưới mà hệ tại ở việc ngồi bên bờ nhặt cá xấu vứt đi.
Không chỉ có người phụ nữ trong đoản khúc “Nhặt Cá” bị rơi vào tình trạng như thế, nhưng chuyện miệt mài thả lưới cuộc đời còn xảy ra với biết bao nhiêu con người trong thế giới này. Người ta bận rộn thả lưới, chẳng mấy ai có giờ ngồi bên bờ xem mẻ lưới đời mình. Lưới rách, lưới bẩn, lưới đầy cá ươn và rác cũng không quan tâm và nếu biết cũng làm lơ. Chính vì thế, trong đời sống hôn nhân gia đình cũng như đời sống tu trì vẫn có những tiếng thở dài mệt mỏi, chán nản, và có nhiều người đã phải bỏ cuộc.
Khi nhặt cá người ta cũng bị mất giờ, nhưng chính cái mất lại là cái được và còn được nhiều hơn. Nếu cứ miệt mài làm việc mà không dành giờ để nhìn đời, nhìn người, nhìn chính mình, nhìn công việc mình làm, thì sẽ chẳng bao giờ thấy được những cái tốt, cái xấu, cái hay cái dở của mình để sửa đổi và để thăng tiến. Như thế, công việc nhặt cá không làm mất giờ một cách vô ích mà đem lại hiệu quả đáng kể.
Trong đời sống Thánh hiến, nếu biết dừng lại trong những phút xét mình, những giờ suy gẫm, những phút thinh lặng, những buổi tĩnh tâm, linh thao thì người tu sĩ sẽ dễ dàng thấy những gì đang không thấy và kín múc được sức mạnh, nghị lực cũng như sự bình tâm để giải quyết công việc. Ngược lại, nếu cứ mải mê với những công việc mục vụ, học hành,…mà không dành giờ để ngồi với Chúa, người tu sĩ sẽ dễ dàng chán nản, mệt mỏi và không tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Thực vậy, những khó khăn trong đời sống cộng đoàn, trong công việc sẽ dễ dàng hạ gục một người tu sĩ không có đời sống cầu nguyện, không biết dừng lại. Ngày nào trí lòng cũng chỉ biết đầu tắt mặt tối với công việc mà không có phút nội tâm thì sẽ không biết mình, không thấy được những điều cần sửa, cần thay đổi, cần phát huy, đến một lúc sẽ chẳng thấy Chúa, chẳng thấy ý nghĩa cuộc đời ở đâu và cảm thấy đuối, cảm thấy bất hạnh.
Những giây phút thinh lặng tưởng như vô ích, nhưng lại tạo ra một sức mạnh nội tâm tuyệt vời. Cho dẫu cuộc đời là một cuộc chạy đua, một cuộc rượt bắt, nhưng biết dừng lại một ít phút để nghỉ mệt, để xem xét thì sẽ có đủ sức, đủ nghị lực để chạy tiếp. Nếu không sẽ chết vì đuối, vì sức cùng lực cạn.
Đoản khúc “Nhặt cá” là một đoản khúc buồn, nhưng lại là một bài học quý giá cho tất cả mọi người: người sống đời hôn nhân lẫn người tu sĩ. Công việc nhặt cá không mất giờ một cách vô ích. Hạnh phúc không hệ tại ở việc chạy nhanh hay rượt đuổi được người khác, nhưng hệ tại vào việc biết dừng lại trong những khoảnh khắc đời thường. Hãy biết ngồi với Chúa, biết thinh lặng nội tâm thì sẽ chẳng có những giọt nước mắt nuối tiếc trên khuôn mặt mỗi người.
Nt. Maria Ngọc Yến