skip to Main Content

Buổi thường huấn dành cho giáo dân thuộc Giáo tỉnh Huế năm 2023

Buổi thường huấn dành cho giáo dân thuộc Giáo tỉnh Huế năm 2023

 

BUỔI THƯỜNG HUẤN DÀNH CHO GIÁO DÂN THUỘC GIÁO TỈNH HUẾ NĂM 2023

Ban Thư ký

Sáng ngày 25.05.2023, Ủy ban Giáo dân (UBGD) sáu giáo phận thuộc giáo tỉnh Huế: Ban Mê Thuột, Kontum, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn và Nha Trang tề tựu đông đủ tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Nẵng, để tham dự hai ngày thường huấn do UBGD trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức với chủ đề: “Củng cố sự hiệp thông để loan báo Tin mừng”.

Thành phần tham dự có 65 tham dự viên gồm: Các cha trưởng và phó đặc trách Ban Giáo dân các giáo phận và đại diện Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và các Đoàn hội Tông đồ. Về tham dự buổi thường huấn có Đức Cha Giuse Trần Văn Toản – Chủ tịch UBGD, Giám mục Giáo phận Long xuyên. Cha Giuse Lê Quốc Thăng – Phó Chủ tịch UBGD, đặc trách Hội đồng Mục vụ Giáo xứ, Cha Antôn Hà Văn Minh, Tổng thư ký UBGD.

Vào lúc 11g15, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận Đà Nẵng đã đến Trung tâm Mục vụ để chào thăm và gửi lời khích lệ cho buổi thường huấn. Đức cha nhấn mạnh việc thường huấn cho anh chị em tín hữu giáo dân trong giai đoạn này thật là khẩn thiết, bởi hơn lúc nào hết Giáo hội ra sức kêu mời anh chị em tín hữu giáo dân hiểu rõ vai trò và chỗ đứng của mình trong Giáo hội để cùng cộng tác với hàng giáo sĩ, cụ thể là các chủ chăn trực tiếp của mình trong việc thi hành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã giao phó cho Giáo hội. Cho nên, việc thường huấn này rất cần thiết và bổ ích.

Đúng 2 giờ chiều ngày 25.05.2023, Đức cha Giuse Trần Văn Toản, Chủ tịch UBGD khai mạc buổi thường huấn. Ngài hướng tham dự viên vào chủ đề của buổi thường huấn: “Củng cố sự hiệp thông để loan báo Tin mừng” với ba bài thuyết trình được trình bày xuyên suốt theo chủ đề:

– Sự liên đới linh mục thừa tác và linh mục cộng đồng trong Giáo hội

– Giáo dân sống Bí tích Thanh tẩy trong việc xây dựng một Giáo hội hiệp hành

– Linh đạo hiệp hành của người giáo dân tông đồ

Vì lý do công việc riêng, buổi thường huấn được bắt đầu với bài thuyết trình thứ II: “Giáo dân sống Bí tích Thanh tẩy trong việc xây dựng một Giáo hội hiệp hành” do cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng trình bày.

Cha Giuse nói về ân sủng của Bí tích Rửa tội, và từ Bí tích này mỗi người tín hữu giáo dân đều nhận được sứ vụ của Giáo hội là loan báo Tin mừng. Người tín hữu giáo dân thực thi sứ vụ này ngay chính trong môi trường sống và làm việc của mình. Công đồng Vatican II đặc biệt đề cao vai trò của giáo dân trong xã hội trần thế. Giáo dân phải dấn thân vào các sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Bổn phận chính đáng của tín hữu giáo dân là công bố Tin mừng bằng lời chứng gương mẫu của đời sống được ăn rễ sâu trong Đức Kitô và được sống động qua những thực tại trần thế như gia đình. Cha Giuse nhấn mạnh đến chỗ đứng của người giáo dân trong thế giới như là “linh hồn của thế giới”, theo ngôn ngữ của Công đồng Vatican II trong hiến chế Lumen Gentium số 38. Vì thế, người tín hữu giáo dân cần phải biểu tỏ tinh thần Tin mừng ngay trong cuộc sống trần thế của mình, được gọi là sống chứng nhân giữa đời.

Sau khi nghỉ giải lao, Cha Antôn Hà Văn Minh trình bày đề tài về thần học giáo dân, qua việc khai sáng Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium). Ngài nhấn mạnh đến tư tưởng của Công đồng về Dân Chúa. Theo Công Đồng Vatican II, Dân Chúa bao gồm linh mục và giáo dân. Vì thế, vấn đề về sự liên đới giữa hai thành phần đó trong Giáo hội được đặt ra: Nhiệm vụ (officium) của mỗi một thành phần là gì? Hiến chế “Lumen Gentium” số 10 đã minh định: “Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn cả về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô theo cách thức riêng của mình” (LG, số 10).

Cha Antôn nhấn mạnh: Giáo hội được Chúa Kitô thánh hoá, hướng dẫn và dạy dỗ, nên các thành phần trong Giáo hội liên kết với nhau thành một cộng đoàn hiệp thông và trở thành sứ giả của Chúa Kitô trong nhân loại. Cho nên, linh mục và giáo dân có yếu tính riêng tùy theo nhiệm vụ mà mỗi một thành phần có được. Sự phân biệt hai thành phần: linh mục và giáo dân là vì đặc tính cốt yếu của hai thành phần đó. Mỗi một thành phần hiện hữu là vì thành phần kia. Sự đa dạng phong phú của cương vị các nhiệm vụ trong Giáo hội thuộc về bản chất của Giáo hội. Vì thế, giữa giáo sĩ và giáo dân tuy có phân biệt, nhưng cả hai đều có chung một sứ vụ, đó là loan báo Tin mừng, cho nên cả hai luôn cần có nhau để hoàn tất sứ vụ. Việc loan báo Tin mừng sẽ không đạt tới mục đích nếu giáo sĩ và giáo dân không chung tay cùng tiến bước trên con đường hiệp hành.

Kết thúc ngày thường huấn đầu tiên là một cuộc hành trình hành hương về Đức Mẹ Trà Kiệu. Đến bên Mẹ Trà Kiệu để nhận ra tình mẫu tử của Mẹ dành cho dân Việt cách chung và cách riêng cho giáo dân vùng Trà Kiệu đang trong cơn nguy khốn vì tình hình bắt bớ đạo Chúa; để khám phá Mẹ hiện diện trên mảnh đất Trà Kiệu là một sự hiện diện không phân biệt đạo đời, Mẹ đến với mọi người, và nhất là nhận ra sự quan tâm của Mẹ về tình cảnh nghèo khó của dân Việt, Mẹ không yêu cầu xây một đền đài, mà chỉ biết giơ tay đỡ nâng con cái đang cơn túng cực.

Một ngày thường huấn khép lại sau cuộc hành hương Đức Mẹ Trà Kiệu là lời khẩn cầu bên Đền thánh Anrê Phú Yên tại Giáo họ Phước Kiều, Quảng Nam.

Ngày thường huấn thứ hai 26.05.2023 được tiếp tục với bài chia sẻ của Đức cha Giuse, Chủ tịch UBGD, với chủ đề: “Linh đạo hiệp hành của người giáo dân tông đồ”. Trong bài thuyết trình, Đức cha Giuse nhấn mạnh tính hiệp hành trong Giáo hội và ngài mời gọi mỗi người khám phá sự hiệp hành này qua năm mầu nhiệm Mân Côi được rút ra từ các mầu nhiệm: Sự Vui, Sự Sáng, Sự Thương và Sự Mừng:

– Người tín hữu giáo dân tông đồ sẽ là hiện thân của Đức Giêsu Emmanuel – Hiệp hành để Chia sẻ kiếp sống làm người, từ trong cung lòng của Mẹ Maria, đến gia đình Nazareth, đến cộng đoàn Do Thái giáo, đến lịch sử nhân loại. Ngài hiện diện trong lòng của một người phụ nữ, Ngài được dìm mình vào hoàn cảnh xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo địa phương, để trở thành hiện thân của Chúa Kitô xây dựng sự hòa điệu.

– Khi chiêm ngắm Đức Giêsu nhập thể nơi anh chị em mình trong hoàn cảnh xã hội, kinh tế, chính trị và tôn giáo địa phương đặc thù và người tín hữu giáo dân tông đồ là hiện thân của Chúa Giêsu giữa gia đình nhân loại, Hiệp hành để Phục vụ, điển hình là Bữa Tiệc ly: Rửa chân và trao ban chính mình cho con người.

– Đức Kitô mà người tín hữu giáo dân tông đồ là hiện thân là Người Tôi tớ đau khổ, Hiệp hành để Tự hiến cuộc sống này cho anh chị em chung quanh “được sống và được sống dồi dào”. Con đường thánh giá, từ phòng tiệc ly đến đồi Calvario là điển hình cho sự hiện diện để tự hủy và tự hiến cho anh chị em mình.

– Người tín hữu giáo dân tông đồ là hiện thân của Chúa Giêsu sống tinh thần ngày Lễ Ngũ Tuần, ở đó mọi ngôn ngữ đều có thể lắng nghe, hiểu và công bố Thiên Chúa tình yêu. Kết quả là một cộng đoàn được hình thành và phát triển như mầm giống của Hội thánh và của Nước Thiên Chúa. Người tín hữu giáo dân tông đồ là hiện thân của Chúa Giêsu, Hiệp hành để quy tụ được Chúa Thánh Thần với hình lưỡi lửa trên đầu, ra đi để xây dựng Nước Thiên Chúa, trở nên mọi sự cho mọi người.

– Người tín hữu tông đồ giáo dân là hiện thân của Chúa Giêsu sống gắn bó với Đức Mẹ, trong biến cố truyền tin, tại tiệc cưới Cana, trong cuộc khổ nạn, trong cộng đoàn Giáo hội, và trên đường tiến về Nhà Cha, để sẽ được lên trời như Mẹ Maria. Tầm nhìn về 4 sự sau: chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục, sẽ là định hướng cho sinh hoạt hiệp hành của người tín hữu tông đồ giáo dân. Đây là Hiệp hành tiến vào quê hương Nước Trời.

Những lời trên cho thấy các kitô hữu giáo dân tông đồ hiệp hành với Thiên Chúa và với nhau trong Giáo hội (là giáo sĩ, là tu sĩ, là giáo dân) để xây dựng sự HÒA ĐIỆU trong cộng đoàn.

Người kitô hữu giáo dân tông đồ, hiệp hành với Chúa, với nhau để cùng hiệp hành với con người thời đại, với những người đang thực hành đức tin, với những người có nguy cơ mất cảm thức đức tin, và với những anh chị em chưa được nghe Tin mừng Chúa Kitô, để xây dựng cộng đoàn “thành gia đình của Thiên Chúa”.

Sau bài thuyết trình là buổi hội thảo với các ý kiến của tham dự viên. Buổi hội thảo thật sôi nổi vào hào hứng, nhưng vì thời gian có hạn, nên ban tổ chức đành phải cho ngưng buổi thảo luận, làm mọi người thấy thật tiếc!

Hai ngày thường huấn khép lại qua Thánh lễ tạ ơn được cử hành tại Nguyện đường Trung tâm Mục vụ Giáo phận Đà Nẵng. Đức Cha Giuse, Chủ tịch UBGD đã nhắn nhủ mỗi người tín hữu phải nhận ra căn tính của mình: tôi là ai? Là tín hữu giáo sĩ, là tín hữu tu sĩ, là tín hữu giáo dân, phải nhận ra rõ căn tính của mình để khám phá ra vai trò và nhiệm vụ của mình trong Giáo hội, mới có thể cùng nhau tiến bước trên con đường hiệp hành.

Kế đến, từng người tín hữu khi khám phá căn tính của mình, thì cũng phải nhận ra ân huệ của từng người nhận lãnh trong Bí tích Rửa tội, nhận ra sự bình đẳng về phẩm giá của mỗi người trong cộng đoàn Dân Chúa, để từng người nỗ lực sống thánh thiện theo đúng bản chất mà ân sủng Bí tích Rửa tội trao ban.

Khi sống ân sủng này, cũng có nghĩa là mỗi người được mời gọi trở thành người tông đồ, và trong công việc tông đồ không ai đơn độc một mình, nhưng tất cả cùng hiệp thông với nhau, cùng làm việc với nhau trong vườn nho của Chúa tùy theo ơn gọi và bậc sống của từng người, nhưng tất cả chung chia một sứ vụ duy nhất là làm mọi người trở thành môn đệ của Chúa theo lệnh truyền mà Người đã trao ban trước khi Người về trời.

Back To Top