Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
NGÀY CÁNH CHUNG
12 08 Đ Thứ Sáu Tuần XXXII Thường Niên.
Thánh Giô-sa-phát, Giám mục, Tử đạo, lễ nhớ.
Kn 13,1-9; Lc 17,26-37.
NGÀY CÁNH CHUNG
Thánh Josaphat chịu tử đạo tại Vitebsk (Biélorussie) ngày 12 tháng 11 năm 1623, được phong thánh năm 1867 và được ghi vào niên lịch năm 1882. Lễ nhớ ngài làm chúng ta sống lại một trong những trang sử bi hùng nhất của lịch sử đại kết.
Thánh Josaphat tên thật là Jean Kuncewycz, sinh khoảng năm 1580 ở Wolodymyr (Ucraina) trong một gia đình quí tộc theo chính thống giáo, từ tuổi trẻ đã gắn bó với Giáo Hội Ucraina hiệp nhất với Rôma, sau khi ngài bỏ nghề buôn bán tại Vilna (Lituanie), trung tâm văn hóa và tôn giáo của dân tộc Ruthènes. Dân tộc này đã được rao giảng Tin Mừng bởi người Hi Lạp, nhưng sau cuộc ly khai của Photius (thế kỷ X) và của Michel Cérulaire (1054), họ bỏ Giáo Hội Rôma để theo phái ly khai phương Đông.
Jean Kuncewycz tin rằng chỉ có các tu sĩ khổ hạnh và những người thấm nhuần phụng vụ mới có thể đưa các anh em Ruthènes ly khai trở về hiệp nhất với người công giáo. Từ thế kỷ XIV, người công giáo đã thiết lập những giáo phận la-tinh ở Ruthènes.
Năm 1595, một thượng hội đồng miền đã diễn ra tại Brest-Litovsk (Biélorussie) và quyết định sự hiệp nhất của Giáo Hội Ruthènes với Rôma, với sự phê chuẩn của Đức giáo hoàng Clément VIII. Năm 1604, Jean gia nhập dòng thánh Basilius, tại tu viện Chúa Ba Ngôi ở Vilna, tại đây ngài lấy tên là Josaphat. Từ lúc đó, ngài hoàn toàn dấn thân vào việc dẫn đưa các anh em ly khai trở về hiệp nhất; ngài viết một khảo luận hộ giáo (1617), trong đó ngài thu thập những bản văn hoàn toàn bằng tiếng Slavơ có nội dung bênh vực sự hiệp nhất Hội Thánh. Đây là thời kỳ vùng đất Ruthènes bị phân chia thành ba Giáo Hội: Giáo Hội công giáo theo nghi lễ la-tinh, Giáo Hội ly khai Hy lạp với các thế lực liên minh được Constantinople và Mascơva ủng hộ, và sau cùng là Giáo Hội công giáo theo nghi lễ Hy lạp.
Thánh Josaphat là tập sinh đầu tiên của tu viện Chúa Ba Ngôi, là tu viện đầu tiên của dòng thánh Basilius gắn bó với sự tái thống nhất với Giáo Hội Rôma. Sau đó ngài trở thành tu viện trưởng của tu viện này. Được phong giám mục của Polotz (1617), ngài sống trong một xứ sở có rất đông người ly giáo. Vì thế trong nhiều năm, ngài dấn thân không mỏi mệt cho việc rao giảng, cải cách, tổ chức các thượng hội đồng và cũng ra những hình phạt chống lại những giáo sĩ bất xứng.
Nhưng tất cả những hoạt động này đã khơi dậy những phản ứng quyết liệt của giới quí tộc Ruthènes, vì họ thấy bị đe doạ mất hết những đặc quyền của giới quí tộc nhờ gắn liền với nghi lễ quốc gia, và họ chống đối việc du nhập các tập tục la-tinh; ngài cũng còn bị dân chúng chống đối, vì không thích có những thay đổi.
Cuộc tấn công chống lại thánh Josaphat khởi sự từ giáo chủ của Giêrusalem, người Byzantin, Théophane III; vị này đã đến Ucraina năm 1621 và đã truyền chức các giám mục ly giáo cho mọi giáo phận của Ruthènes. Tại Léon Sapieha, ông đã liên kết với thủ tướng của Lituanie chống lại thánh Josaphat. Thế là thánh nhân bị tố cáo là phá hoại hoà bình xã hội, bị sát hại một cách rất dã man đang khi ngài trở về nhà, sau khi tham dự phụng vụ ở nhà thờ lớn Vitebsk trong một cuộc kinh lý mục vụ. Thi thể ngài bị ném xuống sông Dvina.
Chúng ta đang sống trên trần thế, đang hoạt động, đang làm việc, đang vui chơi, đang nghỉ ngơi,… Những gì được gọi là “đang” ấy sẽ có ngày chấm dứt, kết thúc tất cả. Đó là ngày cánh chung.
Chúa Giêsu mô tả ngày chấm dứt cuộc sống trần thế của cuộc sống con người bằng câu chuyện thời ông Noe với trận lụt hồng thủy, hoặc câu chuyện lửa đỏ diêm sinh thiêu rụi tất cả thành Sôđôma vào thời ông Lót trong Cựu Ước…thật bất ngờ, ghê gớm và đáng sợ vào ngày Chúa tái lâm để xét xử con người trên trái đất.
Sự việc xảy ra thật bất ngờ đến độ người ta đang vui chơi, ăn uống, cưới vợ gả chồng,…thì lũ lụt xảy đến, mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống.
Sự việc thật bất ngờ khi mà hai người đàn bà đang xay cùng một cối bột, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hoặc hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.
Những điều đó sẽ xảy ra trong ngày Chúa quang lâm, hầu cảnh giác con người hãy tỉnh thức và sẵn sàng. Và số phận của con người tùy thuộc vào chính cuộc sống của họ trên trần gian : kẻ lành được chọn, kẻ dữ sẽ bị loại trong ngày quang lâm.
Ngày cánh chung sẽ đến, nhưng bao giờ xảy đến không ai biết. Nhưng Chúa cho sự việc xảy ra như thế nhằm đốc thúc con người đừng quá chăm lo cho cuộc sống hiện tại, đừng quá chểnh mảng, lơ là trong công việc chuẩn bị cho ngày cánh chung, mà cần phải biết chăm lo cho cuộc sống mai sau bằng thái độ chuẩn bị và sẵn sàng.
Hôm nay, Chúa cũng nhắc nhở chúng ta, dừng quá bám víu vào thế gian, hoặc vun quén cho sự sống thế tục của mình, nhưng phải lo đến cuộc sống đời đời của mình bằng việc sống đẹp lòng Chúa hơn.
Số phận của chúng ta được định đoạt trong ngày phán xét : được chọn hay bị loại. Tất cả tùy thuộc vào thái độ sống hiện tại của chúng ta : tin hay từ chối đức tin, yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân hay khước từ tình yêu với Chúa và với tha nhân.
Sự hiện của Chúa Giêsu trong cuộc sống mỗi người chúng ta, chính là Thiên Đàng mà chúng ta đang mong ước được vui hưởng.
Những người đã học hiểu về mầu nhiệm Nước Trời, họ sẽ nên những người môn đệ đích thực. “bất kỳ kinh sư nào đã học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”. Những ai đã được học hỏi về Nước Chúa, thì họ sẽ nên những thầy dạy cho người khác, kho tàng mà họ có không chỉ là những điều luật của Cựu ước (Thập giới) nhưng có cả tinh thần mới của Tân Ước.
Có kho tàng ấy, người thầy dạy không còn chất lên vai người khác những gánh nặng của lề luật, nhưng cùng với người khác sống tinh thần của luật, đó là thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa, điều mà chính Ngôi Hai Thiên Chúa đã nêu gương.
Trong tâm tình tạ ơn, chúng ta hạnh phúc được gọi là người con của Chúa. Mỗi người chúng ta trong niềm tin tưởng vào sự quan phòng yêu thương của Chúa. Chúng ta hãy mau mắn đáp trả Lời Chúa đang kêu mời chúng ta tiếp bước hành trình truyền giáo, đem Chúa đến cho mọi người chung quanh chúng ta. Để mỗi người, cùng tất cả anh chị em sẽ được các Thiên Thần sẽ chọn lựa đem về hưởng hạnh phúc đời.