Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
GIỚI THIỆU CHÚA CHO MỌI NGƯỜI
24 17 Đ Thứ Ba Tuần XXI Thường Niên.
THÁNH BA-TÔ-LÔ-MÊ-Ô, TÔNG ĐỒ, lễ kính.
Kinh Tiền Tụng các Thánh Tông đồ.
Không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.
Kh 21,9b-14; Ga 1,45-51.
GIỚI THIỆU CHÚA CHO MỌI NGƯỜI
Lễ thánh Bartôlômêô được cử hành từ thế kỷ thứ VIII trong các xứ Francs, đến thế kỷ thứ IX-X thì lan sang Roma. Lễ cử hành vào ngày 24 hoặc 25 tháng tám; với người Byzance, ngày 25 trùng lễ kính chuyển hài cốt của Người, còn lễ chính là ngày 11 tháng 6, chung với thánh Banabê. Lịch thánh Piô V đã ấn định lễ này vào ngày 24 tháng tám.
Bartôlômêô (có nghĩa là con của Tolamai) là một trong Nhóm Mười hai, các phúc âm thường nhắc chung với Philipphê (Mt 10,3). Người ta thường cho rằng Bartôlômêô cũng là Nathanael, nhưng điều này không có cơ sở. Nếu phải là Nathanael, chắc hẳn người có gốc ở Cana (Ga 21,2) và đã được Philipphê đem đến trình diện Chúa Giêsu (Ga 1,45). Một số tài liệu ngụy thư cho rằng thánh Bartôlômêô đã sang giảng Phúc âm ở Tây An (theo Eusèbe) hoặc các vùng gần Ethiopie (theo Rufin và Socrate), hoặc thậm chí còn tới Đại Arménie (theo kinh nghiệm các Tông đồ).
Hình như Ngài đã bị lột da sống, theo luật hình Ba Tư, sau đó bị chặt đầu rồi đóng đinh thập giá. Người ta cho rằng hài cốt của Ngài được tôn kính ở Roma, nơi đảo Tibérine, và ở Francfort nước Đức. Thánh Bartôlômêô được coi là người bảo vệ các bệnh nhân, các ông bà bán thịt, thợ thuộc da và thợ đóng sách. Lời nguyện trong ngày ca ngợi “đức tin ngay thực” của thánh Bartôlômêô. Hiển nhiên điều này muốn liên hệ đến lần Nathanael gặp Chúa Giêsu được Phúc âm Gioan kể lại (1,45-49). Theo lời Chúa nói: “Đây là một người Israen đích thực không giả dối”, và Nathanael đáp lại : Rabbi, Thầy là con Thiên Chúa, là vua Israen. Người môn đệ mới đã hào hứng nhận ra nơi Chúa Giêsu : Thầy, Con Thiên Chúa và vua Israen.
Câu kết của lời nguyện trên lễ vật xin Chúa cho Giáo hội “trở nên bí tích cứu rỗi muôn dân”. Bài giảng của thánh Gioan Kim Khẩn -Phụng vụ bài đọc trích dẫn- nhấn mạnh rằng, để loan truyền phúc âm ra khắp thế giới, Chúa đã muốn dùng “mười hai con người ngu dốt, nhát đảm, sợ sệt, hầu chứng tỏ rằng sự yếu đuối của Chúa còn mạnh hơn mọi người”. Từ đó, cũng như mọi tông đồ trong Phúc âm, Giáo hội có thể cùng lặp lại với thánh Phaolô : Tôi có thể làm tất cả mọi điều trong Đấng bổ dưỡng tôi. Trong yếu đuối, chửi bới, áp bức, bách hại cũng như lo lắng. Khi tôi yếu là lúc tôi mạnh (2 Co 12,10 -đáp ca Phụng vụ bài đọc).
Thánh Bartôlômêô, với tên gọi là Nathanael trong bài tin mừng hôm nay, được Philiphê giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ thế gian đến với mình. Ông chưa biết nhiều về Chúa Giêsu, nhưng, Người đã biết rõ về ông là người trung thực, bản tính chất phác, ngay thẳng, có thiện chí tìm gặp Chúa, nên Người nói: “Đây đích thực là một người Israel, lòng dạ không có gì gian dối” (Ga 1,47).
Khi Philipphê nói với Nathanaen rằng Đức Giêsu chính là Đấng Messia, Natanaen tỏ vẻ hoài nghi, bởi vì theo ông, Đấng Messia không thể xuất thân từ một nơi mà Thánh Kinh không bao giờ nói tới như Nagiarét. Quả thực, sự tương phản giữa quan niệm về một Đấng Messia vinh quang với nguồn gốc hèn hạ của Chúa Giêsu chính là một sự vấp phạm của mầu nhiệm nhập thể. Đức tin phải vượt qua cớ vấp phạm này để nhận ra Chúa Giêsu xuất thân từ Nagiarét tầm thường ấy chính là Đấng Messia. Một số người Do Thái đã không thể vượt qua như vậy, họ nói: “Ông này không phải là con của Giuse đấy ư ? Chúng ta há không biết cha mẹ của ông ta sao ? Thế mà tại sao bây giờ ông ta lại tuyên bố rằng ta từ trời xuống ?
Chúa Giêsu nói với Nathanaen “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh”: Trong Tin Mừng Ga, Chúa Giêsu thường tỏ ra am tường các biến cố và con người (2,25 6,61 13,1). Hình ảnh cây vả hơi mơ hồ: có người hiểu đó là nơi các rabbi thích ngồi để nghiên cứu Thánh Kinh; có người nghĩ đến cây biết tốt xấu trong vườn diệu quang. Có lẽ ý nghĩa ở đây là: Nathanaen là người thích suy gẫm Thánh Kinh để biết về Đấng Messia, và Đức Giêsu cho ông hay rằng những lời tiên báo về Đấng Messia ấy đã được thực hiện nơi Ngài.
Lời của Chúa Giêsu khiến Nathanaen xúc động đến nỗi ông gọi Ngài bằng 2 tước hiệu “Con Thiên Chúa” và “Vua Israel”.
Trong Ga, tước hiệu “Vua Israel” đồng nghĩa với tước hiệu Messia nhưng ít màu sắc chính trị hơn tước hiệu “Vua dân do thái” được nhắc tới trong cuộc chịu nạn của Ngài (18,33.39; 19, 3.21). Khi Ngài vào thành Giêrusalem, dân chúng cũng tung hô Ngài bằng tước hiệu “Vua Israel” (12, 13).
Còn tước hiệu “Con Thiên Chúa” chính là tước hiệu được gán cho Ngài khi Ngài đăng quang làm Messia (2Sm 7, 14).
Nathanaen sẽ “được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa”: bấy giờ Chúa Giêsu chỉ mới mạc khải với ông bằng lời, sau này Ngài sẽ còn dùng dấu chỉ để loan báo tương lai, nhất là dấu chỉ Cana trong đó Ngài sẽ “biểu lộ vinh quang của Ngài”.
Chúa Giêsu có nhắc tới việc “thiên thần Chúa lên xuống”. Có thể có liên hệ với chiếc thang Giacóp trong St 28, 12 “Này đây được dựng từ đất một chiếc thang mà đầu kia chạm tới trời; các thiên sứ lên xuống trên thang đó”. Như thế, chi tiết này muốn nói rằng trong tư cách là “Con Người”, Chúa Giêsu chính là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa trời và đất.
Nathanaen đã được biết Chúa Giêsu và được Ngài kêu gọi nhờ sự giới thiệu của Philipphê. Tôi cũng được biết Chúa và được Ngài gọi nhờ sự giới thiệu của nhiều người. Nhưng ít khi tôi nhớ ơn họ và cầu nguyện cho họ. Hôm nay tôi hãy cầu nguyện cho những ân nhân đó; và nguyện sẽ giới thiệu Chúa cho những anh chị em khác của tôi nữa.
Nathanaen hỏi “Làm sao Ngài biết tôi ?” Chúa Giêsu đáp “Trước khi Philipphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi”: Chúa cũng biết con từ lâu và biết rất rõ. Con xin phó thác đời con cho Chúa.
Ngày nọ, một người bạn đến tìm nhà giảng thuyết Mc-Leod Campbell và hỏi: “Này anh, xin anh nói cho tôi hay; làm thế nào mà anh luôn tìm thấy Chúa ?” Nhà giảng thuyết trầm ngâm một lúc rồi nói: “Làm thế nào mà tôi luôn tìm thấy Chúa ư ? Không đâu, tôi không luôn tìm thấy Chúa đâu, nhưng tôi biết là Chúa luôn tìm thấy tôi!”
Ba-tô-lô-mê-ô đã được Chúa Giêsu nâng đỡ, và ông đã dứt khoát lựa chọn bước theo ơn gọi làm tông đồ cho Chúa: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên-Chúa, chính Thầy là vua Ít-ra-en” (Ga 1,49). Nên, Chúa Giêsu đã đưa ra lời mọi và tuyển chọn Bartôlômê làm môn đệ, và cho ông thấy nhiều việc cao trọng hơn thế nữa (Ga 1,50).
Ngày lễ thánh hôm nay, Chúa gọi mỗi Kitô hữu với những ơn gọi khác nhau. Bổn phận của chúng ta là giới thiệu Chúa đến với mọi người bằng đời sống đạo đức, thánh thiện, biết chia sẻ, yêu thương, biết sống hòa thuận với anh chị em trong gia đình, xứ đạo, anh chị em lương dân, và những người đang đau khổ bất hạnh trong cuộc sống, và giữa cơn đại dịch Covid 19 đang gây nỗi đau thương mất mát cho cộng đồng nhân loại và xã hội đường thời ngày nay.
Đó là trách nhiệm và bổn phận của mỗi Kitô hữu chúng ta thể hiện căn tính người môn đệ của Chúa bằng đời sống chứng nhân và hành động của mình, để giới thiệu Chúa cho mọi người.