Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Ðề phòng thái độ giả hình
21 14 Tr Thứ Bảy Tuần XX Thường Niên.
Thánh Piô X, Giáo hoàng, lễ nhớ.
Thánh Giuse Đặng Đình Viên, Linh mục (U1838), Tử đạo.
R 2,1-3.8-11;4,13-17; Mt 23,1-12.
Ðề phòng thái độ giả hình
Giáo hoàng Piô X tên là Giuseppe Sarto, sinh tại làng Riese, miền Venice nước Ý.
Piô X là một người rất thông minh, cần mẫn và sáng trí. Ngài xuất thân từ một gia đình bình dân sinh sống tại Venexia nước Ý và là con trai thứ hai trong gia đình gồm mười anh chị em.
Thân phụ ngài là một nông dân nghèo và đồng thời kiêm thêm nghề đưa thư, và mẹ ngài là một thợ may quần áo nữ.
Ngay khi còn nhỏ, cũng giống như cha mẹ, ngài rất đạo đức và luôn ước ao được làm Linh Mục. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh kinh tế của gia đình quá eo hẹp thiếu thốn, ước muốn thánh thiện đó hầu như chỉ là một giấc mơ bất thành mà thôi.
Khi được mười một tuổi, Beppo – cái tên cúng cơm người ta thường dùng để gọi ngài – hằng ngày phải đi bộ bảy cây số đến học tại trường La-tinh ở Castelfranco để kết thúc được chương trình trung học phổ thông và để theo học triết và thần học, mãi cho tới khi ngài được nhận vào Chủng Viện ở Padua. Ngài học tiểu chủng viện Pađua và thụ phong linh mục vào năm 1858. Ngài được bổ nhiệm làm cha phó giáo xứ Tomholo.
Sau đó, linh mục Sarto được đề cử làm linh mục quản xứ nhà thờ chính tòa, tổng đại diện và làm giáo sư tại Đại Chủng Viện Treviso. Ngài làm kinh sĩ tại nhà thờ chính tòa Treviso năm 1875.
Sau 5 năm liền làm cha tổng đại diện ở Treviso, Giáo hoàng Lêô XIII đã chọn và tấn phong linh mục Sarto làm Giám mục Mantua vào năm 1884. Giám mục Sarto điều khiển giáo phận Mantua mãi cho tới năm 1893.
Với những cố gắng phục vụ Giáo Hội, lo lắng cho tha nhân, ngày 15 tháng 6 năm 1893, ngài được phong làm Hồng Y Giáo Chủ Venice. Triều đình Ý trước tiên đã từ chối chuẩn nhiệm (exequatur) ngài với lý do là việc bổ nhiệm ngài là việc của triều đình Áo–Hung. Đức Cha Sarto phải đợi đến 18 tháng sau mới nhận được giáo phận mới của mình.
Trong cơ mật viện được mở ra ngày 1 tháng 8 năm 1903, Hồng y Giuseppe Sarto đã trở thành Giáo hoàng, lấy tông hiệu là Piô X.
Trong lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma, Giáo hoàng Piô X là một trong những Giáo hoàng vĩ đại đã canh tân Giáo Hội nhiều nhất, đúng với khẩu hiệu của ngài đã chọn khi lên ngôi Giáo hoàng: “Đổi mới tất cả trong Đức Kitô”.
Ngay từ đầu, Giáo hoàng Piô X đã quan tâm một cách đặc biệt đến chương trình mục vụ trong Giáo Hội. Ngài tìm cách quân bình giữa thế giới tân tiến và truyền thống Kitô giáo. Nhưng trước hết, ngài chăm lo đến việc canh tân nội bộ Giáo Hội, đúng với khẩu hiệu của ngài: “Đổi mới tất cả trong Đức Kitô”.
Thật khó có thể kể ra đây hết những việc Đức Pio X đã làm trong cuộc đời của Ngài. Tuy nhiên sau khi đọc lại cuộc đời của Ngài người ta không thể không lưu ý đến những bài học thật sống động làm cho mọi người phải để tâm suy nghĩ:
Trước hết ngài được sống trong một gia đình đạo đức và chính ngài cũng rất yêu quí gia đình của mình. Chính gia đình này đã làm nên một người con thánh thiện cho Giáo Hội.
Đức Piô X là người luôn để lòng chăm lo cho đời sống Giáo Hội đặc biệt là các linh mục. Theo ngài, trước hết các Linh Mục phải lo sống thế nào để có được Chúa Giêsu trong chính mình, nếu họ muốn mang Chúa đến cho những kẻ khác.
Tin Mừng hôm nay không phải là một bản án trút xuống một vài thành phần nào đó trong Giáo Hội, mà phải là một lời mời gọi sám hối cho mọi người. Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ kết án thái độ giả hình của những biệt phái, mà còn kêu gọi mọi người hãy đề phòng thái độ giả hình ấy. Giả hình là căn bệnh chung của tất cả những ai mang danh Kitô. Thật thế, nếu giả hình là tách biệt giữa niềm tin và cuộc sống, thì có ai trong chúng ta dám tự phụ mình không rơi vào một thái độ như thế? Giả hình vẫn là cơn cám dỗ cơ bản và triền miên trong cuộc sống người Kitô hữu.
Khi căn tính Kitô chỉ là một danh xưng mà không được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, khi sinh hoạt tôn giáo chỉ đóng khung trong bốn bức tường nhà thờ, khi lòng đạo đức được thúc đẩy bởi khoe khoang, tự phụ, khi cuộc sống đạo không là lối sống về niềm tin, mà là trở ngại cho nhiều người đến với Chúa và Giáo Hội, phải chăng đó không là một cuộc sống giả hình?
Câu hỏi mà chúng ta không ngừng đặt ra là cuộc sống đạo của tôi có thực sự là một đóng góp vào việc cải tạo một xã hội đang băng hoại về đạo đức và những giá trị tinh thần không? Giáo Hội mà tôi là thành phần, có xứng đáng là điểm tựa đạo đức cho nhiều người không?
Ngôn hành bất nhất, hữu danh vô thực, đạo đức giả hình, thật-giả trong xã hội hiện nay đang là một vấn nạn khẩn thiết và rất đáng lo ngại cho xã hội và cũng như cuộc sống của giáo hội. Những biểu hiện của những vấn nạn trên là dùng những lời hay ho, hình ảnh đẹp đẽ bên ngoài để che đậy những gì không tốt, không đúng với bản chất nó là.
Cuộc sống hôm nay, người người phải đương đầu với một thách đố và hoang mang rất lớn là “đồ giả”. Nhiều sự vật, với một cái võ bọc thật đẹp đẽ bắt mắt che đậy cái không thật chất bên trong của rất nhiều sự vật: bằng giả, thuốc giả, thức ăn giả, người giả…Đời sống nội tâm cũng thế, tâm hồn trống rỗng, không có chiều sâu, kinh nghiệm sống thiêng liêng hời hợt, người ta thường tìm cách khỏa lấp những yếu kém nội tâm của mình bằng những lối sống giả hình, bằng những lời nói khoác lác phô trương. Thường vì thiếu tự tin và không đủ khẳng định thực chất bên trong, người ta thường có khuynh hướng tạo một lớp võ đạo mạo bên ngoài:“ làm cốt để cho người ta thấy, nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo, thích ngồi chỗ nhất ưa bái chào…”
Sống giả hình là tự đánh mất dần nhân cách là mình, và sống vong thân vì không tự tin thể hiện là chính mình, mà chỉ sống gượng và che đậy chính mình và như thế đánh mất niềm tin, sự quý trọng của mọi người dành cho mình. Sống giả hình không chỉ làm ảnh hưởng đến cá nhân, mà còn làm lẫn lộn những giá trị đạo đức, khiến cho thật giả bất phân, làm suy đồi văn hóa xã hội và gây nhiều hậu quả khôn lường khác.
Xin Chúa soi sáng hướng dẫn chúng ta để chúng ta không ngừng nhìn lại bản thân và nhận ra những thiếu sót lầm lỡ trong cuộc sống đạo, ngõ hầu từ đó chúng ta quyết tâm vươn lên mỗi ngày trên đường theo Chúa.