skip to Main Content

5.6 Thánh Boniface, Gmtđ

2 Tm 1:1-3,6-12; Tv 123:1-2,2; Mc 12:18-27

TIN VÀO SỰ SỐNG LẠI

Thánh Boniface, vị tông đồ của người Ðức, là một đan sĩ người Anh thuộc Dòng Biển Ðức, đã hy sinh vinh dự khi được chọn làm đan viện trưởng để tận hiến cuộc đời trong việc hoán cải các sắc tộc ở Ðức. Ngài có hai đặc tính nổi bật: Kitô Giáo chính truyền và trung thành với đức giáo hoàng ở Rôma.

Thánh Boniface, tên thật là Wilfrith, sinh ở Anh Quốc. Ngay khi còn nhỏ, hình ảnh cao quý của các đan sĩ truyền giáo đã in sâu trong tâm khảm của ngài, do đó, khi bảy tuổi ngài đã nài nỉ xin theo học trường dòng, dù rằng cha ngài mong muốn cho con một sự nghiệp ở ngoài đời.

Lớn lên, ngài làm giám đốc một trường học ở Nursling, Winchester, tại đây ngài là người đầu tiên viết về văn phạm Latinh bằng tiếng Anh, cũng như sáng tác nhiều bài diễn giảng được nhiều người sao chép và phổ biến.

Năm ba mươi tuổi, ngài được thụ phong linh mục và đi rao giảng ở Friesland (thuộc Hòa Lan bây giờ), nhưng không bao lâu ngài phải trở về Nursling vì cuộc chiến giữa vua ngoại giáo của Friesland và Charles Martel của Pháp.

Sau cái chết của đan viện trưởng, các đan sĩ ở Nursling tìm cách giữ chân ngài bằng cách bầu ngài làm đan viện trưởng, nhưng ngài đã từ chối để tận hiến cho công cuộc truyền giáo.

Năm 718, ngài đến Rôma để gặp Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô II, là người sai ngài đi truyền giáo cho người Ðức ở Hesse và Bavaria.

Ở Hesse, trước sự hiện diện của đám đông người ngoại giáo rất tin dị đoan, ngài đã chặt cây Sồi Thần Linh ở Geismar to lớn và già nua, được dân ngoại dâng cúng cho thần Thor. Người ta kể chỉ sau vài nhát rìu, cây sồi đã lung lay và sụp đổ, tách ra làm bốn cho thấy sự mục nát bên trong. Ðó là khởi đầu của một công cuộc truyền giáo rất thành công của Thánh Boniface và cũng là hạt giống đức tin cho một giáo hội đầy sinh lực ở Ðức, mà sau này Thánh Boniface được tấn phong làm giám mục ở đây. Ngài xin các Kitô Hữu ở Anh hỗ trợ công cuộc truyền giáo của ngài và họ đã đáp ứng với tài chánh, sách vở, vật liệu, và nhất là thường xuyên cung cấp các đan sĩ để giúp đỡ ngài trong việc giảng dạy.

Thánh Boniface không chỉ hạn chế hoạt động ở nước Ðức. Ngài còn giúp hình thành sự tương giao giữa Ðức Giáo Hoàng và các vua ở Ý cũng như ở Pháp. Ngài thúc giục các thái tử kế vị vua Charles của Pháp triệu tập công đồng để cải tổ giáo hội trong các phần đất của họ, là nơi chức giám mục được bán cho những người trả giá cao nhất.

Ngài không bao giờ quên sự thất bại ở Friesland, do đó khi về già, ngài từ chức giám mục và trở về hoạt động ở đây với sự thành công đáng kể. Vào một ngày trong tháng Sáu năm 754, khi ngài đang chuẩn bị cho người Friesland chịu phép Thêm Sức thì tất cả bị tấn công và bị giết chết bởi các chiến sĩ ngoại giáo.

Câu trả lời của Chúa Giêsu trước vấn nạn kẻ chết sống lại của nhóm Sađốc cho thấy, cái nhìn của họ về cuộc sống đời sau còn quá hạn hẹp. Họ không hiểu ý nghĩa của sự phục sinh hàm chứa trong câu Kinh thánh: Thiên Chúa là Chúa của các tổ phụ, Người là Thiên Chúa của kẻ sống. Nếu tin Thiên Chúa hằng hữu, thì phải tin con người có cuộc sống đời sau. Họ không chấp nhận sự kiện con người sẽ sống lại, vì họ không chịu tìm hiểu Kinh thánh.

Tin mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên của Chúa Giêsu và nhóm Sađốc. Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quý tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn xâm lược. Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Đối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có trong năm cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng hạn việc kẻ chết sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên, khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề này.

Nhóm Sađốc đã tranh luận với Chúa Giêsu về sự sống lại. Để chế nhạo sự sống lại, nhóm Sađốc bịa ra câu chuyện tưởng tượng là có 7 anh em trai, người thứ nhất kết bạn, nhưng chết mà không trối hậu, người thứ hai lấy người góa phụ đó, rồi cũng chết không con, người thứ ba cũng vậy. Cả 7 người lấy người vợ góa đó đều chết cả và đều không có con, thế thì ngày sống lại, người góa phụ đó sẽ là vợ của ai?

Đáp lại, Chúa Giêsu đã mạc khải một chân lý tràn trề hy vọng: Sau cuộc sống trần gian chóng qua này con người sẽ được phục sinh, được biến đổi thành như các thiên thần và vẫn tiếp tục sống. Đó là nền tảng của giá trị con người. Giá trị ấy được Chúa Giêsu nêu bật khi nói: “Thiên Chúa là Chúa của kẻ sống”.

Vì họ không tin có việc kẻ chết sống lại nên họ đặt ra một câu chuyện (một phụ nữ lấy 7 anh em trai theo tục lệ “thế huynh”) để cho thấy sống lại là một sự lố bịch. Trả lời họ, Chúa Giêsu không những chứng minh có việc sống lại, mà còn cho biết cuộc sống sau khi sống lại sẽ như thế nào. Trước hết, cuộc sống đời sau không giống cuộc sống hiện tại, cho nên không cần lưu truyền nòi giống và bởi thế không cần có vợ có chồng. Tiếp theo, cuộc sống ấy “giống như các thiên thần” : nghĩa là không quan tâm đến gì khác ngoài việc yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa. Chúng ta thấy những người phái Sa-đốc tuy là tư tế nhưng không quan tâm tới những việc đạo đức cho bằng tới những đặc quyền đặc lợi của họ.

Để bảo vệ những quyền lợi ấy, họ sẵn sàng ủng hộ bất cứ chế độ nào đang cầm quyền, cho dù đó là chính quyền đế quốc Rôma đang xâm lược đất nước họ. Chính vì thế, họ không tin sự sống lại và không tin đời sau là phải, bởi vì ai càng coi trọng đời này và những giá trị đời này thì càng coi nhẹ đời sau và các giá trị đời sau. Càng thiên về xác thịt thì càng yếu về tinh thần. Đức tin dạy chúng ta rằng cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống “như các thiên thần” nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa không để cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quý hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khoẻ và mọi thứ của cải trên thế gian.

Chúa Giêsu cũng đã dùng Kinh Thánh để minh chứng cho giáo lý của Người: “Các ông đã không đọc trong sách Môsê sao: Ta là Chúa của Abraham. Chúa của Ixaac và Chúa của Giacóp. Người không phải là Chúa của kẻ chết. Nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to” (Mc 12,26-27). Họ đề cập đến Kinh Thánh, Đức Giêsu lật ngược lý chứng của họ, bằng cách trích dẫn một đoạn trong Ngũ Kinh (Xh 3,6), là sách Thánh duy nhất được Nhóm Xa-đốc thừa nhận. Một lần nữa, chúng ta khám phá ra một Chúa Giêsu hiểu biết Kinh Thánh rất tinh tường và Người có thể trích dẫn theo trí nhớ từng câu một để chống lại mọi cuộc tranh luận.

Kiểu nói “giống như các thiên thần” có ý khẳng định rằng: việc kẻ chết sống lại không phải là trở lại đời sống trần thế, nhưng là một sự tái tạo dựng, không thể tưởng tượng được, một biến đổi tận căn của hữu thể nhân linh. Giáo huấn này dạy về tình trạng của những kẻ sống lại được kết thúc bằng sự khẳng định: “Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại” (Lc 20, 36), điều này làm cho họ sinh ra trong tình trạng thiên quốc, là tình trạng của các thiên thần (St 6, 2).

Thiên Chúa muốn con người được sống và sống dồi dào, tức là được tham dự sự sống vĩnh cửu của Ngài. Sự sống ấy chính là lời đáp cho những khắc khoải, khát vọng không ngừng của con người. Chính vì thế mà sự sống lại trong ngày sau hết phải là sức đẩy của đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo.

Cuộc sống đời này chỉ là chuẩn bị cho cuộc sống đời sau, vốn là cuộc sống thật. Mà sống thật là sống “như các thiên thần”, nghĩa là không quan tâm gì khác ngoài yêu mến và phụng thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa không để cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này, bởi vì còn có một cuộc sống đáng quý hơn, đó là cuộc sống vĩnh cửu. Có những giá trị cao cả gấp bội phần so với sự sống, sức khỏe và mọi thứ của cải trên thế gian. Sống thật chính là dệt nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng khoảnh khắc trong cuộc sống tại thế.

 

 

 

Back To Top