Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Ý Nghĩa Của Lề Luật
04 28 X Thứ Bảy Tuần XXII Thường Niên.
Thứ Bảy đầu tháng. Ngày đền tạ trái tim vô nhiễm Đức Mẹ.
(Tr) Lễ Đức Mẹ ngày thứ Bảy.
Cl 1,21-23; Lc 6,1-5.
Ý Nghĩa Của Lề Luật
Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để triệt hạ và chối bỏ người khác. Truyện được ghi trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình cho biết bao trường hợp nhân danh pháp luật để đè bẹp con người. Chúa Giêsu đã thách thức cho đến cùng thái độ như thế. Thật ra, Chúa Giêsu không phải là một con người sống ngoài luật pháp, Ngài đến để kiện toàn lề luật. Nhưng sở dĩ Chúa Giêsu chống lại luật pháp là bởi vì luật pháp đó phi nhân hoặc chối bỏ con người. Các môn đệ vì đói nên bứt bông lúa mà ăn, thật ra không phải là vi phạm ngày Hưu lễ. Không có khoản luật nào trong các sách luật xem một hành động như thế là vi phạm ngày Hưu lễ; nếu có thì chỉ là vi phạm một trong 39 hành động mà các nhà chú giải Do thái đã thêm vào qui định của ngày Hưu lễ mà thôi.
Hơn nữa, Chúa Giêsu đã dẫn chứng hành động của Vua Ðavít và Ngài khẳng định: hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Ðó là ý nghĩa của luật pháp mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những Biệt phái. Khi luật pháp chống lại con người, nghĩa là chối bỏ phẩm giá và quyền lợi cơ bản của con người, thì luật pháp đánh mất ý nghĩa và không còn lý do để hiện hữu nữa; trong trường hợp đó, dĩ nhiên không tuân hành luật pháp là một thái độ thích đáng.
Bộ luật của người Do thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Maisen chỉ có 10 điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong sách Lêvi và Đệ Nhị Luật thành hơn 500 điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ sabát, thuộc giới răn thứ ba trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần dà, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ, luật sĩ, biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Thật ra, khi luật pháp chối bỏ hoặc chà đạp những quyền cơ bản của con người, thì luật pháp đó cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Thánh Phêrô và thánh Gioan đã hành động một cách cương quyết khi dõng dạc tuyên bố trước Công nghị Do thái: “Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người”. Chẳng hạn, khi luật pháp một quốc gia cho phép phá thai, nghĩa là tước đoạt quyền sống của con người, thì chống lại luật pháp đó là một nghĩa vụ. “Thà vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người”. đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu trong các quan hệ xã hội của họ. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ của Ngài một thái độ dứt khoát tận căn: không thể vừa vâng lời Thiên Chúa, vừa chạy theo những gì chống lại Thiên Chúa.
Sự xuất hiện của Chúa Giêsu rao giảng Tin mừng Cứu độ đã đem lại luồng sinh khí mới cho xã hội Do Thái lúc bấy giờ. Người ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, vì Người dạy dỗ với uy quyền của Thiên Chúa đã khuất phục quyền lực ma quỉ cũng như biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa luôn đứng về phía con người. Ngài không dùng luật pháp để o ép con người. Đó cũng là điểm nhấn mà bài Tin mừng hôm nay đề cập đến.
Trong thế giới hôm nay. Có khi luật pháp được làm ra không phải là để phục vụ mọi người, mà chỉ nhắm đến quyền lợi của thiểu số mà thôi. Vào thời Chúa Giêsu, không thiếu những người nhân danh luật pháp để đè bẹp con người. Chúa Giêsu luôn lên tiếng cảnh báo thái độ như thế. Thật ra Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ Ngài không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng đến để kiện toàn.
Tin mừng hôm nay nói đến cuộc tranh luận giữa những người Biệt phái và Chúa Giêsu về luật lệ ngày Hưu lễ khi các môn đệ đi qua đồng lúa đã bứt vài bông lúa vò ra mà ăn cho đỡ đói. Trước thái độ gây hấn của những người Biệt phái, lần nào cũng vậy Chúa Giêsu luôn đối đáp điềm tĩnh và hợp lý. Trường hợp người ta đến gài bẫy hỏi Chúa Giêsu có nên nộp thuế cho César không. Ngài cũng đã điềm tĩnh khôn ngoan trả lời: của Chúa thì hãy trả cho Chúa, của César hãy trả cho César. Lần khác, trường hợp người phụ nữ bị kết án tử hình phải ném đá chiếu theo luật, người ta cũng hỏi Chúa đồng thời cũng là cái bẫy. Chúa Giêsu cũng điềm tĩnh trả lời: Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá người này trước đi.
Và lần này về luật hưu lễ. Chúa Giêsu cũng dẫn chứng hành động của vua Đavít, và Ngài khẳng định hành động của các môn đệ không hề vi phạm ngày Hưu lễ. Lề luật vì con người, chứ không phải con người vì lề luật. Đó là ý nghĩa lề luật mà Chúa Giêsu nêu bật trong cuộc tranh luận với những người Biệt phái. Họ đã quên rằng chính Chúa Giêsu hiện diện giữa họ là mục đích, là chủ ngày Hưu lễ. Tuy nhiên trong tâm thức hẹp hòi và không tin vào sứ mạng của Chúa Giêsu, những người biệt phái lấy việc tuân giữ các chi tiết phức tạp của ngày hưu lễ làm tiêu chuẩn để xét giá trị của Chúa Giêsu và giáo huấn của Ngài.
Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu những người chúng ta hôm nay rơi vào lỗi lầm này. Khi chúng ta chúng ta muốn dùng sức mạnh, địa vị, lời nói, phán đoán của riêng mình để đàn áp, phê phán thiếu công minh, nhân hậu thì rất dễ rơi vào sai lầm.
“Thà vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời loài người” đó là nguyên tắc nền tảng hướng dẫn người Kitô hữu trong các mối tương trong xã hội. Chúa Giêsu luôn đòi hỏi các môn đệ Ngài một thái độ dứt khoát rõ ràng : không thể vừa vâng lời Thiên Chúa lại vừa chạy theo những gì chống lại Thiên Chúa.