skip to Main Content

Vài điểm quan trọng cho việc chuẩn bị và cử hành bí tích hôn nhân (P1)

Vài điểm quan trọng cho việc chuẩn bị và cử hành bí tích hôn nhân (P1)

CHUẨN BỊ CHO NGÀY LỄ

Những người sắp kết hôn chắc chắn phải trải qua những bước chuẩn bị và sắp xếp cần thiết (xa, gần, ngay trước lễ cưới) trước khi tiến vào nhà thờ để cử hành phép hôn phối hầu có thể đón nhận một cách trọn vẹn hơn ân sủng của bí tích này (GLCG 1632; FC 66).

1] Về phía đôi hôn nhân

Là người giữ vai trò thừa tác trong cử hành mầu nhiệm hôn nhân, đôi hôn phối phải tiếp cận và làm quen với những lễ nghi, những kinh nguyện và các bài đọc Sách Thánh để họ có thể cử hành cách ý thức và hữu hiệu (NTHN 17). Chẳng hạn:

• Có thể dành ra một thời gian trước ngày cử hành thánh lễ hôn phối để tĩnh tâm, cầu nguyện, ăn chay, xưng tội, thường xuyên rước lễ để luôn được sống trong tình trạng ân sủng;

• Chọn hai vị nhân chứng cần thiết cho nghi lễ (GLCG 1108);

• Thực tập nghi lễ hôn nhân sẽ cử hành;

• Chọn những Bài đọc Sách Thánh, và căn cứ vào đó để linh mục dọn bài giảng (FC 67);

• Chọn hình thức đôi bên tỏ bày sự ưng thuận;

• Chọn công thức làm phép nhẫn, những ý nguyện của Lời nguyện Chung và các bài hát (NTHN 29);

• Chào đón bạn bè, gia đình, họ hàng thân thuộc và những vị khách khác ở cửa nhà thờ.

2] Về phía linh mục

Trong những cuộc gặp gỡ và bàn thảo với đôi hôn phối trước khi thành hôn, linh mục có nhiệm vụ:

• Tổ chức những khóa giáo lý tiền hôn nhân nhằm giúp họ hiểu rõ giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân, giúp họ biết làm thế nào để vợ chồng sống chung với nhau một cách hạnh phúc, đào sâu mối tương quan thiêng liêng với nhau cũng như đảm nhận tốt nhất vai trò làm cha làm mẹ và làm vợ làm chồng trong tương lai (NTHN 1-11; 14; 17) cũng như khám phá lại đức tin, nuôi dưỡng đức tin và đưa đức tin đến chỗ trưởng thành vì bí tích này đòi hỏi đức tin (NTHN 16; FC 7. 68). Ngoài ra, nên trang bị thêm cho họ những hiểu biết về y khoa, tâm – sinh lý và tâm linh cần thiết để họ có thể “trung thành gìn giữ và bảo vệ giao ước hôn nhân, hầu có thể sống cuộc sống gia đình mỗi ngày cách thánh thiện và trọn hảo hơn (NTHN 14);

• Cho họ chịu phép thêm sức (nếu chưa lãnh nhận); khuyên họ chuẩn bị tâm linh để lãnh nhận bí tích qua cầu nguyện và thống hối (GLCG 1621-1662), dọn mình xưng tội hầu có thể rước Thánh Thể trong chính lúc cử hành bí tích hôn phối (NTHN 18).

• Giúp họ làm quen với nghi thức bí tích hôn phối một cách chi tiết, đặc biệt là bản văn nghi thức bằng cách trao cho họ các bản sao chép nghi thức và tiến hành tập nghi thức vào những ngày trước khi cử hành hôn lễ để họ có thể hiểu sâu hơn giá trị của nghi thức cũng như tránh tình trạng các đương sự bị bối rối và sai sót khi đang cử hành nghi lễ (GLCG 1632). Việc tập nghi thức nên có sự hiện diện của cả đôi hôn nhân và những người làm chứng.

• Không chỉ tiến hành rao hôn phối mà còn mời gọi các tín hữu tham dự bằng cách thông báo cho giáo dân biết về ngày giờ cử hành bí tích hôn phối vì thánh lễ hôn phối không phải là một biến cố chỉ liên hệ tới những người kết hôn nhưng là một ngày lễ liên kết các gia đình và bạn hữu (FC 68). Bởi  lý do này mà sách “Nghi thức cử hành hôn nhân” hướng dẫn: “Tùy tập tục địa phương và hoàn cảnh, có thể cử hành nhiều đôi hôn phối một lần hoặc cử hành trong những buổi hội họp ngày Chúa nhật” (NTHN 28) để cộng đoàn có thể hiện diện.

• Nếu cử hành hôn lễ vào ngày mang tính chất sám hối, đặc biệt là Mùa Chay, cha sở nên nói cho đôi tân hôn biết trước tính chất riêng biệt của ngày đó. Phải tuyệt đối tránh không nên cử hành hôn phối vào thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh (NTHN 32).

3] Về phía cộng đoàn giáo xứ

• Dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II, cử hành hôn phối không phải là cử hành riêng tư của cô dâu chú rể hay của gia đình họ nhưng là một hành vi phụng tự công cộng của toàn thể gia đình giáo xứ (Giáo Hội địa phương) vì họ thuộc về cộng đoàn này. Qua đó, đôi hôn nhân cử hành bí tích hôn phối với cộng đoàn đức tin, họ hiệp thông với Chúa cũng như với toàn thể Giáo Hội. Đây là dịp quan trọng cho cả đôi hôn nhân lẫn cho cả cộng đoàn và cần phải lôi cuốn cả cộng đồng Kitô hữu tham dự vào biến cố Hội Thánh cử hành quyền năng cứu độ của Thiên Chúa trong đời sống của những người chọn bậc sống này (FC 67). Vì thế lễ cưới phải mang tính cộng đồng, nghĩa là cộng đoàn giáo xứ cố gắng tham dự càng nhiều càng tốt, ít là một số thành viên (NTHN 28) và nên cử hành vào Chúa nhật (NTHN 28; Tông Thư Ngày của Chúa, số 35-41) cộng đoàn có thể hiện diện.

• Toàn thể cộng đoàn sẽ hỗ trợ cho đôi hôn nhân hoàn thành ơn gọi làm người và nên thánh trong bậc gia đình của họ bằng lời cầu nguyện, lời khuyên, gương sáng, chuẩn bị lễ cưới (hoa nến, sách hát, âm thanh ánh sáng…), mọi người đang hiện diện tham dự vào thánh lễ cách trọn vẹn, tích cực và có trách nhiệm tùy theo chỗ đứng và vai trò của mình: đôi bạn, linh mục, các nhân chứng, cha mẹ, bạn hữu, các tín hữu khác (người giúp lễ, độc viên Sách Thánh, thừa tác viên Thánh Thể ngoại thường…), nói tắt là mọi thành phần của một cộng đoàn đang biểu lộ và sống mầu nhiệm Đức Kitô và của Hội Thánh Ngài (FC 67).

4] Chọn bài hát

Khi chọn bài hát cho thánh lễ hôn phối, nên nhớ rằng chúng phải phù hợp với chủ đề bí tích hôn nhân và diễn tả niềm tin của Giáo Hội. Cũng nên để ý tới tầm quan trọng của Thánh vịnh Đáp ca trong phần Phụng vụ Lời Chúa. Điều nói về các bài hát, cũng áp dụng cho việc chọn lựa các bài nhạc đệm (NTHN 30). Nên để cho cộng đoàn tham dự vào âm nhạc càng nhiều càng tốt bằng những bài hát cộng đồng.

5] Môi trường phụng vụ

Tốt nhất, cử hành bí tích hôn phối diễn ra tại nhà thờ giáo xứ của cô dâu hay của chú rể.  Trong việc trang trí thánh đường cho ngày lễ cưới, nên thể hiện một cách thích đáng. Sắp xếp chỗ ngồi không nên có sự phân biệt nào khác cho các cá nhân hay những giai cấp xã hội (NTHN 31; PV 34). Chỗ của cô dâu chú rể nên được sắp xếp thế nào để cộng đoàn có thể hoàn toàn nhìn thấy các nghi thức phụng vụ mà không bị che chắn tầm nhìn khi hướng tới bàn thờ cũng như cộng đoàn có thể nhìn thấy được cả khuôn mặt của cô dâu chú rể suốt trong phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể chứ không chỉ thấy lưng của họ mà thôi. Vì thế, tốt nhất là ghế ngồi và bàn quỳ cho họ nên đặt trong cung thánh, phía bên phải bàn thờ, ngồi theo hướng ngang như những người giúp lễ. Từ đây, cô dâu chú rể có thể hướng vào bàn thờ, nhìn thấy giảng đài và những nơi khác nữa hầu giúp họ tham dự vào cử hành phụng vụ một cách “trọn vẹn, ý thức và tích cực” (PV 14). Tới phần nghi thức hôn phối, để mọi người có thể dễ dàng nghe thấy và nhìn thấy hành vi tỏ bày sự ưng thuận và xỏ nhẫn của họ, đôi hôn phối và hai người làm chứng nên ra đứng phía trước bàn thờ hay lối giữa nhà thờ.

Mỗi giáo xứ nên có quy định rõ ràng cho hoạt động quay phim chụp hình, trong đó nêu rõ ít là ba vấn đề: i] Người quay phim chụp hình phải hạn chế hết mức việc di chuyển; ii] Trong khi tác nghiệp, không làm chia trí người tham dự, không che chắn và gây cản trở các hành vi phụng vụ; iii] Cấm người người nhà nhà tự phát dùng máy chụp hay smartphone riêng quay phim chụp hình.

6] Năm phụng vụ

Không  được cử hành lễ cưới vào thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh (NTHN 32). Có thể cử hành lễ cưới vào những ngày khác trong năm nhưng nếu cử hành vào các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay, mùa Phục sinh, các ngày lễ trọng, bát nhật Phục sinh, lễ cầu cho các tín hữu qua đời (02-11), thứ Tư lễ Tro và Tuần Thánh thì phải chọn bản văn phụng vụ (bài lễ và bài đọc Sách Thánh) theo những ngày lễ đó, chỉ giữ lại lời nguyện chúc hôn, và tuỳ nghi, cũng có thể giữ lại công thức ban phép lành riêng cuối lễ. Nếu cử hành lễ nghi hôn phối trong thánh lễ dành cho cộng đoàn vào Chúa nhật mùa Giáng sinh và Thường niên, thì cũng phải cử hành lễ Chúa nhật (NTHN 54-56).

(còn tiếp)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

Back To Top