18.9 Thứ Tư trong tuần thứ Hai Mươi-Tư Mùa Quanh…
TỪ BỎ
16 09 X Thứ Hai Tuần XX Thường Niên.
(Tr) Thánh Stê-pha-nô Hungary.
Tl 2,11-19; Mt 19,16-22.
TỪ BỎ
Người Hung, gốc từ Á Châu, đã tiến vào lập cư trên bờ sông Danuble. Họ sống bằng chiến tranh cướp bóc, và dữ tợn như thú hoang. Vào đầu thiên niên kỷ này, Geysa, con cháu dòng Attila cai trị họ.
Hầu tước Geysa cưới Sarolta, một thiếu nữ công giáo và dưới ảnh hưởng của nàng, ông đã trở lại đạo công giáo. Nữ hầu tước rất nhiệt thành với đạo. Tương truyền rằng thánh Stêphanô đã báo cho bà biết rằng người con bà trông đợi sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và sẽ tiêu diệt ngẫu tượng trong xứ.
Vì lòng sùng kính thánh tử đạo, bà thêm tên Stêphanô vào sau tên Vaik của con trẻ. Mười năm sau, Geysa xin thánh Ađalbert rửa tội cho con trẻ và mời các nhà truyền giáo đến. Stêphanô được trao cho các nhà thông thái và thánh thiện giáo dục. 15 tuổi Ngài đã chia sẻ với cha trách nhiệm trị nước và 22 tuổi Ngài kế nghiệp cha sau khi ông qua đời.
Lên cầm quyền chính, thánh Stêphanô tìm thỏa hiệp với các lân bang và hiến thân cải hóa toàn dân. Nhưng các lãnh Chúa theo ngẫu tượng bất mãn vì việc phóng thích nô lệ đã coi dân Hungari là dân phản loạn. Stêphanô chuẩn bị chiến tranh bằng lời cầu nguyện và sám hối cùng thi hành việc bố thí. Trên kỳ hiệu dẫn đầu binh đội, Ngài trưng hình thánh giá Martinô và Grêriô. Thắng trận Ngài cho xây tại chỗ là Vesprem một tu viện kính thánh Martinô.
Để chinh phục các thần dân cứng cỏi Ngài chạy đến các tu sĩ Cluny. Từ các tu viện, chính các tu sĩ mở mang văn hóa cho xứ sở do các trường học cạnh tu viện. Thánh Stêphanô còn đề ra một chương trình ngoạn mục, Ngài sai sứ giả sang triều yết Đức giáo hoàng Sylvester III, xin nhận Hungari vào số các quốc gia Kitô giáo và phong vương cho Ngài. Đức giáo hoàng gởi cho Ngài một triều thiên và một thánh giá vàng, ban cho Ngài đặc ân dành cho các tông đồ. Thánh Stêphanô được công nhận là vua và tông đồ. Thánh Astrik đã phong vương cho vua năm 1001.
Một thời gian sau Ngài đã hoàn thành được 10 giáo phận với một tòa tổng giám mục tại Esztergem. Rất có lòng tôn sùng Đức Mẹ, Ngài xây một thánh đường nguy nga kính Mẹ tại Székes-Féhéwaz.
Lòng bác ái của thánh Stêphanô còn vượt ra ngoài biên giới Hungari. Ngài thiết lập nhiều nhà thương và tu viện ở Roma, Constantinople và Giêrusalem, cũng như các nhà cho khách hành hương Hungary. Trong lãnh thổ mình, Ngài ra các sắc luật chống lại tội ác và lộng ngôn. Rất nghiêm khắc với những người lỗi luật Chúa, Ngài lại rất nhân hậu đối với những bất công Ngài lãnh chịu.
Ngài ân cần săn sóc các người nghèo khổ, để hiểu rõ thực trạng, Ngài hay tàng hình đi tìm kiếm họ. Một lần bọn ăn xin xô tới hành hạ Ngài và cướp của. Tiếng đồn vang xa. Các lãnh chúa cười nhạo Ngài, nhưng Ngài càng hiến thân cho người cùng khốn nhiều hơn nữa. Người ta nói rằng: Ngài được ơn chữa bệnh và nói tiên tri. Đêm kia có tiếng bên trong giục Ngài sai người tới tin cho dân vùng biên giới rút lui khỏi làng mạc của họ để khỏi bị tấn công. Sự việc xảy tới, vì được báo trước kịp thời, dân chúng được cứu thoát.
Conrad, tấn vương Germany muốn xâm chiếm Hungary với một đội quân hùng hậu. Stêphanô truyền cho binh lính ăn chay cầu nguyện. Binh đoàn của Conrad bị lạc giữa rừng cây, đầm lầy sông lạch, không thể tiếp tế được mà phải lui binh. Stêphanô toàn thắng mà không phải chiến đấu. Thánh vương ao ước thanh bình, đã phải chiến đấu nhiều để bảo vệ thần dân. Ngài chiến đấu ở Balan, cùng Balkan. Dầu chiến thắng Ngài không ngừng cầu nguyện cho dân khỏi thảm hoạ chiến tranh. Thắng được hoàng tử Transyvania, Ngài thả tự do cho ông và chỉ đòi điều kiện là ông cho phép các nhà truyền giáo đến xứ ông. Sự Thánh thiện của Stêphanô đã khuất phục được tất cả thủ địch lẫn những người thán phục Ngài.
Các thử thách lớn lao hoàn tất việc thánh hóa nhà vua. Ngài đã lập gia đình với nữ công tước Gisèle, con gái vua Henry II, bá tước miền Bavière. Hoàng hậu Gisèle là người đạo đức đã giúp vua Stêphanô rất nhiều. Nhưng chẳng may con cái họ đều qua đời lúc tuổi còn xanh. Còn một mình hoàng tử Emeric sẽ kế nghiệp cha nhưng lại tử nạn trong một tai nạn lúc đi săn. Thánh Stêphanô vượt cùng mọi đau đớn bằng cách nhiệt tâm với bổn phận. Ngài đã chịu bệnh trong một thời gian dài, lại còn bị ghen tương ám hại. Theo một tường thuật, các lãnh Chúa giận dữ và sự công thẳng của Ngài đã tìm cách sát hại Ngài. Kẻ sát nhân lận dao trong áo lẻn vào phòng Ngài. Nhưng khi vừa thấy Ngài hắn bỗng hối hận và tự thú ý định tội ác của mình. Vua chỉ nói: hãy giải hòa với Chúa và đừng sợ bị tôi trả thù.
Ngày lễ Mông Triệu 15 tháng 8, thánh Stêphanô qua đời và được mai táng trong đền thờ Đức Bà ở Székes-Féhéwaz
Giữa một “rừng luật” tỉ mỉ của Do Thái, người thanh niên muốn Đức Giêsu nhấn mạnh đến điều răn nào cụ thể nhất. Đức Giêsu kể ra một số điều luật căn bản như: không được giết người, không được ngoại tình, không được trộm cắp, không được làm chứng gian. Phải thờ cha kính mẹ và phải yêu đồng loại như chính mình. Sau khi nghe Chúa Giêsu kể ra những điều luật quan trọng nhất, người thanh niên tỏ ra là người “ngoan đạo” vì anh đã giữ tất cả những điều luật ấy. Cuối cùng Đức Giêsu đề nghị một điều đụng chạm mạnh mẽ đến tham vọng thâm sâu nhất của người thanh niên đó là bán tất cả của cải anh có để chia cho người nghèo thì sẽ có một kho tàng ở trên trời. Câu chuyện có một kết thúc đáng buồn, đó là cảnh người thanh niên bỏ đi chỉ vì anh ta có quá nhiều của cải.
Thái độ của người thanh niên cho thấy, của cải như một thứ keo dính đeo bám vào con người khiến họ không thể rời xa được “đồng tiền đi liền khúc ruột” là thế. Của cải tự nó không có gì là xấu, nhưng vì con người bị mê hoặc và tôn thờ nó như một thứ thần thánh, nó có sức lôi cuốn mãnh liệt, là vật cản vô hình khiến người ta không đến được với sự sống đời đời. Của cải có sức trói buộc khiến người ta mất ăn mất ngủ, mất cả mạng sống và linh hồn.
Có câu chuyện kể về hai người hàng xóm nọ sống rất thân thiết với nhau. Một người là nông dân nghèo, còn người kia là một thương gia giàu có. Người nông dân mặc dù nghèo nhưng có cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Mỗi tối, anh ngủ rất ngon và chẳng bao giờ quan tâm tới việc đóng cửa nhà.
Trái lại, người thương gia giàu có thường sống trong trạng thái lo lắng. Mỗi tối, anh luôn chú ý khóa cửa cẩn thận. Anh ngủ không ngon vì sợ kẻ trộm phá cửa vào nhà và lấy hết hũ vàng bạc châu báu. Người giàu có thường hay ghen tị với cuộc sống yên bình của người nông dân. Một hôm, người thương gia gọi người nông dân tới tặng cho anh một chiếc hộp đầy tiền và nói: – Hỡi bạn thân mến, gia tài của tôi rất nhiều trong khi bạn lại đang túng thiếu. Bạn hãy cầm lấy hộp tiền này mà hưởng thụ và sống sung túc. Người nông dân nhận hộp tiền và vui mừng hạnh phúc suốt ngày hôm đó.
Khi màn đêm buông xuống, anh đi ngủ như thường nhưng không tài nào chợp mắt được. Anh trở dậy đóng tất cả các cửa sổ và cửa ra vào mà vẫn không ngủ được. Cả một đêm dài anh canh thức để ý tới hộp tiền của mình.
Qua nhiều đêm như thế, người nông dân quyết định đem hộp tiền tới trả cho người hàng xóm giàu có và nói: – Bạn thân của tôi, quả thật tôi rất nghèo, nhưng tiền của bạn không mang lại cho tôi sự bình yên. Hãy thông cảm cho tôi và nhận lại hộp tiền của bạn.
Câu chuyện về hộp tiền của hai người đàn ông trên đã cho chúng ta một suy nghĩ: Tiền bạc có một giá trị nhất định nhưng không phải là cứu cánh của cuộc đời. Cách chọn lựa của người nông dân thật khôn ngoan, anh đã từ bỏ hộp tiền để có được cuộc sống bình yên. Quả thật, tiền bạc có thể mua được chiếc giường ấm êm nhưng không mua được giấc ngủ ngon. Tiền có thể mua được địa vị, sự nổi tiếng nhưng không mua được lòng kính trọng. Tâm trạng của người nông dân phần nào giống với câu chuyện Người thanh niên giàu có trong Tin Mừng hôm nay. Là một người nhiều tiền, trẻ trung và có địa vị trong xã hội, người thanh niên còn là người mẫu mực, chu toàn mọi lề luật, biết lo xa và mong muốn có cuộc sống hạnh phúc đời sau.
Đôi lúc chúng ta cũng có thái độ giống người thanh niên quyến luyến và nô lệ cho tiền bạc mà từ chối kho tàng Nước Trời. Sống trong một xã hội đề cao sự hưởng thụ, con người bị cuốn hút vào cơn lốc của tiền bạc. Mọi người tranh thủ làm giàu, điên cuồng hưởng thụ nhanh chóng và cũng gánh chịu nhiều nỗi thất vọng ê chề. Trước thái độ ấy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy sử dụng tiền bạc cho đúng mục đích, hãy ưu tiên cho việc tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời.
Niềm tin kitô giáo dạy chúng ta rằng: tất cả những gì chúng ta đang có như tiền bạc, thời gian, tài năng và ngay cả tội lỗi đều do ân sủng Thiên Chúa ban. Người là Đấng quảng đại hào phóng đã ban cho chúng ta đấu đủ lượng đã dằn đã lắc. Những ân huệ Thiên Chúa ban để chúng ta sử dụng và mưu ích cho người khác. Khi đi theo Chúa trên con đường trọn lành, đòi hỏi chúng ta phải có thái độ dứt khoát, từ bỏ mọi sự quyến luyến của tiền bạc và sống nghèo khó theo tinh thần Tin Mừng.
Một khi đã trút bỏ hết sự bảo đảm vật chất thế gian, chúng ta mới phó thác trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Thánh tiến sĩ Augustinô là người đã cảm nghiệm sâu sắc về sự giàu sang và khôn ngoan của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào. Thánh nhân nói: “Ai có nhiều của cải mà không có ơn nghĩa Chúa, ấy là kẻ nghèo nhất. Ai trở nên bần cùng mà có ơn nghĩa Chúa, người ấy có tất cả mọi sự”. Như vậy dù có nhiều tiền mà không có Thiên Chúa, chúng ta vẫn là kẻ tay trắng. Trái lại, khi sống tâm tình của trẻ thơ tin tưởng vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ có Thiên Chúa là gia nghiệp. Muốn được hưởng hạnh phúc dài lâu trong Nước Trời, chúng ta phải tuân giữ các điều răn của Chúa và sống siêu thoát với của cải vật chất. Sống tinh thần nghèo khó, chúng ta thoát được sự lo lắng ở đời và thảnh thơi lo việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Có hai điều kiện để đạt đến sự sống đời đời là tuân giữ những lời Chúa dạy và từ bỏ mọi của cải vật chất trần gian. Thực hiện được hai điều kiện này quả là điều khó vì chúng ta còn mang thân phận yếu đuối. Chúng ta không đủ khiêm tốn và tin tưởng để trao phó cuộc đời cho Thiên Chúa lo liệu nên chỉ lo tìm sự bảo đảm nơi tiền bạc vật chất.