skip to Main Content

TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC

30.1.2022 Chúa Nhật thứ Tư Mùa Quanh Năm

Gr 1:4-5,17-19; Tv 71:1-2,3-4,5-6,15-17; 1 Cr 12:3113; 1 Cr 13:4-13; Lc 4:21-30

TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC

Hôm nay: các ngôn sứ chỉ là một phác thảo cho Lời Chúa và Thánh thần trợ giúp họ dùng lời nói của mình mà trình bày trước Lời đích thực của Thiên Chúa là Chúa Giê su. Do đó, chính Chúa Giê su là đấng đã nói bằng các lời sấm của hộ; và hôm nay, các người trung gian không còn cần thiết nữa.

Số phận các ngôn sứ hôm nay cũng không khá hơn các vị tiền bối. Những nhà truyền giáo và các nhân chứng sự thật đều phải đối diện với hiện trạng thờ ơ và lạnh nhạt trong đời sống luân lý, đạo đức. Dù trong hoàn cảnh nào, xem ra sự kiện có thực mới vực được đạo hay đi đạo lấy gạo mà ăn vẫn có thể kéo lôi nhiều người. Khi cuộc sống ổn định về kinh tế và tài chính, đời sống đạo cũng nhờ đó mà thăng hoa. Chúng ta chấp nhận rằng thực tế cuộc sống luôn đòi hỏi phải đáp ứng những nhu cầu cụ thể trước. Chính Giáo Hội cũng đang nỗ lực giúp đỡ những vùng truyền giáo xa xôi. Họ thiếu thốn cả tinh thần lẫn vật chất. Nhân chứng sự thật không thể tách rời khỏi những nhu cầu căn bản cuộc sống của người dân.

Một điều rất quan trọng mà thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,3) Đức mến là cốt lõi của việc ra đi làm nhân chứng. Là nhân chứng cho Chúa Kitô, chúng ta không thể thiếu tình yêu chia sẻ. Nếu tất cả mọi việc phục vụ tha nhân với trái tim yêu thương, sẽ mang lại niềm vui và ý nghĩa đích thực. Yêu rồi làm. Tình yêu sẽ thăng hoa tất cả. Phaolô khuyên dạy: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật.” (1 Cr 13,4-6)

Đàng khác, Chúa Giê su không nói: “Ta hoàn tất Lời Kinh Thánh:, nhưng nói: “Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm”. Thể thụ động ở đây là một cách chỉ hành động của Thiên Chúa: chính Người làm cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm. Như thế chúng ta được dẫn vào mầu nhiệm của Chúa Giê su: Ngài là Lời Thiên Chúa (“Này là con Ta yêu dấu; hãy vâng nghe Lời Người”).

“Hôm nay đoạn sách thánh các người vừa nghe được ứng nghiệm.” Dân làng Nadarét hỏi nhau: “đây không phải là con ông Giuse sao?” Nếu người này là con ông thợ Giuse, thì có gì lạ? Liệu ông ta có thể là người đặc biệt sao, vì từ trước đến nay ông ta quá bình thường? Dân làng Nadarét không thể tin được, một người bình thường trong làng ai cũng biết, lại có thể là một người đặc biệt, Đấng Kinh Thánh đề cập tới.

Cái nhìn của người làng Nadarét cũng rất phổ thông đối với con người thời đại này. Phán đoán đánh giá con người qua dáng vẻ bên ngoài, qua qúa khứ. Nếu không dựa vào qúa khứ của một người mà xét đoán, thì dựa vào đâu? Nhưng khi làm như vậy, là đã có thành kiến về người đó. Trong một làng quê, người ta biết nhau từ nhỏ, biết cả tông ti họ hàng, nếu ai phạm một lầm lỗi nghiêm trọng, người đó và họ hàng rất khó sống tại địa phương đó. Chỉ còn cách bỏ làng mà đi. Trong một xã hội thời xưa, không dễ gì bỏ làng đi được, những người đó khổ như thế nào.

Chúa Giêsu trong thân phận con người, Ngài cũng từng cay đắng để thốt lên rằng: “không một tiên tri nào được kính trọng nơi quê hương mình”. Người ta dễ “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Người ta xem thường đồng hương. Dù biết rằng tình đồng hương rất cần vì “tối lửa tắt đèn có nhau”. Dù biết rằng kẻ láng giềng rất cần thiết, cần thiết hơn là anh em ruột thịt mà ở xa, như lời cha ông đã nói: “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Thế nhưng, thực tế cho thấy, người hàng xóm lại dễ mất lòng nhau. Người hàng xóm lại dễ ganh tỵ với nhau. Thay vì sống với nhau để mang lại sự chia sẻ, cảm thông, nhưng lại gây sóng gió cho nhau. Có mấy ai ở bên nhau mà không lời qua tiếng lại? Có mấy ai ở bên nhau mà đùm bọc lấy nhau như là bí với bầu “tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”? Chúa Giêsu cũng từng bị đồng hương tìm cách loại trừ. Đã có lần người ta cho rằng Người đang bị mất trí. Chính vì cái nhìn thiển cận và đầy thành kiến của người đồng hương nên Chúa Giêsu đã không thể làm một phép lạ nào nơi quê hương mình.

Hôm nay, sau thời gian dài, Ngài đi rao giảng và làm nhiều phép lạ, Ngài trở về dưới cái nhìn xem thường của đồng hương. Họ không tin một Giêsu con bác thợ mộc lại có thể làm nhiều phép lạ như lời đồn. Nói đúng hơn, là họ không thể chấp nhận sự thật về con người Giêsu mà họ đã biết từ khi ấu thơ, nay lại có thể có những khả năng phi thường như vậy. Họ đã bị vấp phạm vì Người. Họ đã tìm cách loại trừ Chúa Giêsu, nhưng Người đã băng qua giữa họ mà đi.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giê su dấn thân vào sứ vụ loan báo tin mừng cho người nghèo khó mà Thiên Chúa Cha đã giao phó. Ngài đã đi vào một môi trường hòan toàn bất lợi và xung khắc với Ngài, nhưng Ngài đã không lùi bước, trái lại, Ngài đã trung thành cho đến giây phút cuối cùng. Còn chúng ta, vì đã được rửa tội và thêm sức, tất cả chúng ta được liên kết vào trong sứ vụ ấy. Và cũng như Ngài, có thể chúng ta sẽ gặp chống đối.

Mang trong mình chứng từ của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, ngày nay, người ki tô hữu dễ bị phê phán và bị chế nhạo, và phải đi ngược dòng với tâm tưởng của thế gian. Nhưng nếu chúng ta trung thành với Đức Ki tô, thì không gì có thể tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Ngài. Lời Ngài là lời mang lại sự Sống đời đời. Khi tiếp nhận lời tin mừng, chúng ta có thể giữ được niềm hi vọng trong chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta luôn trung tín trong đức tin và can đảm đối mặt với mọi thử thách của cuộc sống.

Cuộc sống của chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao khi người người biết tôn trọng lẫn nhau, biết cảm thông, tha thứ và nâng đỡ lẫn nhau. Thay cho lời kết án, ghen tỵ là lời chúc mừng, khuyến khích. Thay cho những cái nhìn thiển cẩn, hẹp hòi là những cái nhìn nhân ái, bao dung. Cuộc sống sẽ thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết nhìn cái tốt nơi nhau, để khen ngợi, để khuyến khích nhau, thay vì nhìn điểm yếu của nhau để kết án, xem thường nhau. Cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao khi chúng ta biết trân trọng những thành quả, những đóng góp của anh em, thay vì ghen ghét, dửng dưng.

Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn để nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình. Vợ chồng cần có nhau để bổ túc và mang lại hạnh phúc cho nhau. Con cái cần đến cha mẹ để nương nhờ cậy trông. Hàng xóm cần đến nhau để “tốt lửa tắt đèn có nhau”. Và một khi đã nhận ra sự cần thiết của tha nhân trong đời sống của mình, thì hãy sống tôn trọng và kính trọng lẫn nhau, để cùng nhau xây dựng cuộc sống cho nhau những niềm vui và hạnh phúc.

Back To Top