Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
TÔI ĐÃ LÀM GÌ VỚI ƠN CHÚA
05Thứ Sáu Tuần II Mùa Chay
– Thứ Sáu đầu tháng, ngày đền tạ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giê-su.
– Các bài đọc Lời Chúa: St 37,3-4.12-13a.17b-28; Mt 21,33-43.45-46.
TÔI ĐÃ LÀM GÌ VỚI ƠN CHÚA
Qua trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử Matthêu cho chúng ta lắng nghe dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về sự phản bội của một số người trong dân Chúa chọn, trước lời mời gọi: “Hãy làm cho hồng ân Chúa ban được trổ sinh nhiều hoa trái”. Thiên Chúa cho ai nhiều, thì sẽ đòi nhiều. Chúa ban cho con một đời sống, Ngài cũng ban tự do để con chọn lựa sống một đời sống thánh thiện, cao đẹp, bổ ích hay phá tán thành một đời sống cằn cỗi, phản bội, độc hại, đê hèn. Phải! Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần hỏi ý kiến. Nhưng Ngài không thể cứu chuộc chúng ta, nếu không có sự cộng tác của chúng ta.
Với tự do của mỗi người, bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể thưa không đối với chương trình của Chúa. Nhưng lúc đó người bị thiệt hại không phải là Thiên Chúa, mà kẻ thiệt hại chính là chúng ta. Lúc đó, chúng ta làm cho cuộc sống mình trở thành cằn cỗi, phản bội, độc hại và đê hèn.
Sự đáp trả của con người trước mầu nhiệm và lịch sử cứu độ của Thiên Chúa cho con người được Chúa Giê-su phác họa qua dụ ngôn chủ vườn nho và các tá điền trong bài Tin Mừng hôm nay. Thiên chúa thi hành quyền bính và cách thức chúng ta sử dụng những ân huệ và tự do đã nhận lãnh.
Lòng dạ con người độc ác và lộng quyền, hay con người không thấu hiểu nổi ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa trong chương trình cứu độ, nên đã “ngộ sát” hàng loạt? khởi đi từ cái chết của các ngôn sứ là những đầy tớ của Thiên Chúa được sai đến với dân Itraen, rồi đến chính Con một của Thiên Chúa là Chúa Giesu, và hàng loạt những người khác nữa sau cái chết của Con Thiên Chúa…
Thế nhưng, tất cả cái chết của những người tôi tớ của Thiên Chúa không phải là dấu chấm hết, mà là nền tảng “đá gốc” để Thiên Chúa sử dụng mở ra những chương trình cứu độ con người. Cũng giống như câu chuyện của Giuse bị anh em ruột của mình bán sang Ai Cập với giá 20 đồng, chỉ vì sự ghen tức và họ đã lộng quyền tự do một cách thiếu trách nhiệm. Chúa Giesu, người con duy nhất của ông chủ vườn nho đã bị những tá điền thuê vườn giết chết (Mt 21,38-39). Chúa Giêsu cũng bị bán bởi sự ghen ghét của các quan chức muốn loại trừ Chúa ra khỏi lòng người.
Chính viên đá bị loại bỏ bởi con người, Thiên Chúa với uy quyền của Ngài đã biến nó trở nên nên viên đá nền tảng của góc tường. Viên đá bị lạo trừ này là cánh cửa mở ra một trang mới của lịch sử, không phải chỉ là lịch sử của dân tộc Ítraen, mà còn của cả nhân loại.“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá đầu góc.
Thế giới vẫn luôn tồn tại những bạo động và loại trừ bởi những cách thế sử dụng quyền lực, nhất là đối với những người nắm giữ quyền. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn là niềm hy vọng, Thiên Chúa vẽ đường thẳng trên những đường cong. Nhiều điều thế gian cho là khờ khạo, điên rồ và mất giá trị…thì là điều khôn ngoan trước mắt Thiên Chúa (1Cr 1, 22-23).
Chúa Giêsu đã nói dụ ngôn này trước biến cố khổ nạn xảy ra cho Ngài. Sau khi mầu nhiệm vượt qua được hoàn tất, đó là việc Chúa đã chịu chết và Phục Sinh để hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại của Ngài. Chúng ta nghe lại dụ ngôn này và lĩnh hội thấm thía hơn ý nghĩa của nó. Vì tình yêu đối với con người, Thiên Chúa có sáng kiến thực hiện chương trình cứu độ, nhưng con người đã sử dụng tự do của mình để chống lại chương trình của Ngài, không cộng tác với chương trình của Thiên Chúa.
Thật tệ hại hơn nữa là đã và đang còn có những người dám lộng ngôn tuyên bố Thiên Chúa đã chết, và nếu Ngài chưa chết thì họ dám hành động giết Ngài. Nói thế hay làm thế, họ tưởng rằng mình có thể phá đổ được chương trình của Ngài. Nhưng thực sự thì họ đã làm hư hỏng cuộc đời của họ và gây thiệt hại cho anh em xung quanh.
Ðã 2,000 năm qua, nước Thiên Chúa vẫn tiếp tục lan rộng, Giáo hội Chúa vẫn tiếp tục phát triển cách lớn mạnh. Chúa Giêsu Kitô vẫn còn gặp được những tâm hồn chân thành yêu mến Ngài, và kiên trì dấn thân làm lợi những hồng ân lãnh nhận từ tình yêu Chúa để phục vụ anh em đồng loại.
Có những người Công giáo đợi chờ, khoanh tay mong đợi niềm hy vọng đến. Có những người Công giáo thụ động, trốn tránh, vô trách nhiệm. Họ chỉ biết nhìn lên để kêu cứu mà không biết nhìn tới để tiến, và nhìn quanh để chia sẻ gánh vác cho nhau. Niềm hy vọng đang ở giữa họ mà họ không hay. Người ích kỷ tránh trách nhiệm, tránh mệt nhọc, tránh hy sinh. Họ muốn tạo hạnh phúc, tạo một thiên đàng dành riêng cho họ giữa trần gian, nhưng họ sẽ mất thiên đàng vĩnh viễn.
Vườn nho đó chính là hình ảnh của Nước Thiên Chúa, nơi qui tụ mọi người tin vào Đức Giêsu Kitô để được cứu độ nhờ Danh Ngài. Nước Chúa đã khởi đầu và sẽ hoàn tất trong ngày cánh chung mà Giáo Hội trên trần gian chính là dấu chỉ hữu hình của Nước đó. Mỗi kitô hữu vừa là thành phần trong “vườn nho của Chúa” vừa được đặt làm người chăm sóc vườn nho đó. Hẳn là sai lầm khi chúng ta nói mình đang phục vụ Nước Thiên Chúa mà lại hành động như “những tá điền chiếm đoạt vườn nho” và “giết hại” những sứ giả Chúa sai đến. Đúng hơn, Chúa mời gọi chúng ta làm việc trong vườn nho của Chúa không phải như người làm thuê mà là như người con thảo đi làm vườn nho cho cha mình.
Chúng ta không cần nói nhiều đến thái độ của kẻ khác trước ơn cứu rỗi Chúa ban cho, nhưng mỗi người chúng ta cần nhìn đến chính cuộc sống của mình. Tôi đã cộng tác với ơn Chúa ban như thế nào? Tôi có thể nói được như Thánh Phaolô không: “Nhờ ơn Chúa, tôi được như thế này”, và ơn Chúa đã không trở nên vô ích đối với tôi.
Lời Chúa hôm nay đã chỉ rõ cho chúng ta biết về nếp sống phải có ở trong vườn nho của Ngài, là dân của Ngài, là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Không những chúng ta phải kết hiệp mật thiết với Ngài mà còn phải sống sự kết hiệp ấy một cách cụ thể, khi chúng ta yêu mến nhau, để Hội Thánh của Chúa là cộng đoàn huynh đệ bác ái. Vườn nho của Ngài sẽ được tốt tươi và đơm hoa kết trái.