skip to Main Content

TÌNH TRỜI THẬP TỰ

TÌNH TRỜI THẬP TỰ

Ngày hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu Hiến tế, chịu chết trên Thập giá để cứu chuộc chúng ta. Ngày mà Ngài hoàn tất chương trình cứu chuộc đã được Cha sai đến trần gian. Vì yêu, Ngài đã đến thế gian để ở với chúng ta, chia sẻ kiếp người với chúng ta. Vì yêu chúng ta đến cùng  mà Ngài đón nhận cái chết như là quà tặng Cha ban để cứu chuộc chúng ta. Thật là một tình yêu cao cả và vĩ đại, một tình yêu vượt trên cả sự chết.

Giáo hội, Hiền Thê yêu dấu nhìn lên Thánh Giá nơi treo Chúa Giêsu vị Phu Quân của mình, chân tay đanh nhọn đâm thâu, cạnh sườn lưỡi đòng đâm thủng, máu cùng nước chảy ra làm cho Giáo hội nhớ đến ngày mình được sinh ra từ cạnh sườn Chúa, lúc Chúa ngủ trên Thánh Giá với tất cả tình yêu. Bởi theo thánh Ambrosiô, lúc Ađam đang ngủ Thiên Chúa đã lấy xương sườn của ông để tạo dựng Evà thế nào, thì lúc Chúa Giêsu chết nằm trên Thánh Giá, Giáo hội cũng được sinh ra từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa Giêsu như vậy, và Giáo hội tưởng nhớ đến tình yêu dâng trào ấy.

Nhìn lên Thánh giá, chúng ta thấy vị Thiên Chúa làm người, Ngài chịu trên thập giá để đền tội thay cho chúng ta. Cái chết của Ngài không giống như những cái chết của một con người bình thường chết vì tội lỗi của mình mà cái chết của Ngài là cái chết tự nguyện, chết có mục đích và ý nghĩa. Ngài chết để cứu chuộc chúng ta, để chúng ta được sống và sống dồi dào hạnh phúc. Ngài chết vì Ngài muốn yêu và vì yêu chúng ta, một tình yêu có sức cuốn hút Ngài đi vào con đường hy sinh mạng sống cho toàn thể nhân loại, đúng là tình yêu vượt trên sự chết.

Tình yêu Chúa dối với chúng ta như thế. Nhưng có mấy khi chúng ta đón nhận để rồi chúng ta trao ban lại cho tha nhân. Thế mà nhiều lúc cúng ta còn chối từ, còn phản bội để đi vào con đường tội lỗi.

Chiêm ngắm Thập giá Đức Kitô chính là nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và giúp ta sống tình yêu đó giữa dòng đời lắm đau khổ và nhiều u buồn của ngày hôm nay. Tình yêu là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Tình yêu là nền tảng cho một cuộc sống hướng đến niềm vui và bình an.

Ngắm nhìn Thập giá Đức Kitô để ta ý thức lại tương quan của mình với Thiên Chúa. Mỗi chúng ta đã đáp lại tình yêu của Ngài như thế nào? Hay chính chúng ta lại xúc phạm đến tình yêu đó bằng một đời sống đạo khô khan, tẻ nhạt; hay bằng những việc làm vô luân đi ngược với những giới răn của Ngài.

Nhìn lên Thập giá Đức Kitô để chúng ta học sống tình yêu mỗi một ngày trong đời. Là Kitô hữu, ta được mời gọi sống yêu thương, san sẻ để đốt cháy những băng giá vô cảm, vô tâm nơi xã hội. Là con Thiên Chúa, ta được mời gọi sống bao dung tha thứ để xóa tan những tranh chấp, hận thù đang xảy ra trên khắp thế giới và ngay trong con người chúng ta. Là con người với nhau, ta được mời gọi sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh xung quanh mình.

Thập giá Đức Kitô chính là tâm điểm cho hành trình Đức tin, là biểu tượng niềm tin cho mỗi một người Kitô hữu. Thật vậy, nó không chỉ dừng lại ở hình ảnh của sự thất vọng nhưng là dấu chỉ của niềm hy vọng. Nó không chỉ dừng lại ở sự đau khổ và tội lỗi nhưng là bằng chứng sống động về tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Và nó không chỉ dừng lại ở cái chết khốn khổ ấy nhưng sẽ hướng đến sự Phục sinh viên mãn.

Thứ Sáu Tuần Thánh một lần nữa mời gọi chúng ta ngước nhìn Thập giá Đức Kitô – Thập giá tình yêu, để nơi đó chúng ta có một niềm cậy trông, một viễn cảnh hy vọng và một bài học lớn lao về tình yêu.

Thánh Giá là cờ vua cả toàn thắng đã cứu chúng ta cho khỏi tay ma quỉ, là vũ khí chông lại tội lỗi, là thanh gươm sắc bén Chúa Giêsu dùng để chiến thắng con rắn xưa. Thánh Giá là ý Chúa Cha, là vinh quang của Chúa Con độc nhất, là chiến thắng của Thánh Thần Thiên Chúa, là niềm vinh dự của các thiên thần, là sự an toàn của Giáo hội, là bức tường thành của các vị thánh, niềm tự hào của thánh Phaolô, là ánh sáng chiếu soi trên toàn thế giới. Từ đây, “sự chết đã bị vùi trong toàn thắng. Tử thần hỡi, đắc thắng của ngươi đâu? Tử thần hỡi, nọc của ngươi đâu?” (1Cr 15, 54-55).

Thế giới khi nhìn xem Con Thiên Chúa chịu đóng đinh, rùng mình, trời đất động địa, đã vỡ ra ; nhưng trái tim của những người Do Thái, cứng hơn đá vẫn không động đậy. Các màn trong đền thờ bị xé ra; nhưng các âm mưu phạm tội vẫn không bị phá vỡ. Tại sao màn che bị xé ? Phải chăng đền thờ đau đớn khi chứng kiến cảnh Thiên Chúa bị giết bên ngoài trên bàn thờ Thập Giá; và khăn che trong đền thờ xé ra như muốn nói với mọi người rằng: sẽ có nhiều đền thờ trở nên hoang vắng và bị bỏ rơi. Chúng ta hãy học để chiến thắng mà không phải chiến đấu, không phải dàn trận, vũ khí không dính máu, chúng ta không bị thương vong nhưng lại giành chiến thắng : Thiên Chúa chiến đấu, còn vương niệm chiến thắng chúng ta nhận.

Thứ Sáu tuần Thánh này, ta chiêm ngắm Ngài để thông phần nỗi đau với Ngài. Chính Ngài cũng đã và đang chung phần nỗi đau cụ thể với nhân loại. Trên thập giá lúc này, Ngài cũng đang nhìn xuống biết bao người phải chống chọi với con virus khiến người ta khó thở. Nhất là những ai đã có những căn bệnh trước đó, virus lại khiến họ suy hô hấp nhanh hơn. Nhiều người hỏi Thiên Chúa ở đâu trong khi con người đang chiến đấu với căn bệnh này? Ngày hôm nay, chiều Thứ Sáu Tuần Thánh này, Chúa đang cho chúng ta câu trả lời: trên thập giá. Hóa ra, để cứu ta khỏi chết, Thiên Chúa đã thực hiện một sứ mạng nguy hiểm: hiến tế con của Người trên thập giá.

Hôm nay, giáo Hội mời gọi ta suy tôn thánh giá. chúng ta hãy thật sự thinh lặng cõi lòng mình. Hãy mở con mắt đức tin để chiêm ngắm Chúa. Chiêm ngắm tình yêu thương tha thứ vô biên của Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu vượt trên cả sự chết. Vì“không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga,13)

Do đó, chúng ta hãy sống cho xứng đáng với tình yêu Chúa dành cho ta bằng cách diệt trừ tội lỗi trong ta mà mau quay gót trở về bên tình yêu dịu hiền của Chúa. Hãy sống thánh thiện, như Cha trên trời là đấng hoàn thiện .và hãy yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng ta, một tình yêu vị tha, quảng đại và quên cả chính mình.

Vậy bạn có quyết tâm sống thế nào khi tham dự nghi lễ suy tôn Thánh giá. tưởng nhớ Mầu Nhiệm tình yêu cứu chuộc của Chúa, một tình yêu vượt trên cả sự chết?

Back To Top