14.11 Thứ Năm trong tuần thứ Ba Mươi-Hai Mùa Quanh…
TỈNH THỨC
Ngày 2 tháng 12
Thứ 7, đầu tháng, Tuần 34, Thường Niên. Các bài đọc: Đn 7,15-27; Lc 21,34-36.
TỈNH THỨC
Trong ngày cuối cùng của năm Phụng vụ, Giáo Hội muốn chúng ta nghĩ đến lúc cuối cùng của lịch sử và của đời mình như Chúa dạy: để có thể bình an khi ngày cuối cùng ấy đến, chúng ta phải luôn nghĩ tới ngày đó và phải cầu nguyện luôn.
”Hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời”: những thú vui vật chất và những lo lắng sự đời làm cho lòng con người ra nặng nề và quên đi điểm cuối của cuộc hành trình đời mình.
Kết thúc diễn từ về ngày tận thế, Chúa Giêsu đưa ra hai thái độ sống cụ thể trong khi chờ ngày của Chúa. Thứ nhất là thái độ sống thanh thoát: “Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con, vì ngày ấy sẽ ập tới mọi dân cư trên khắp mặt đất”. Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin Mừng, không để mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, qua lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà lãng quên những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.
Ðể khỏi rơi vào tình trạng thiếu chuẩn bị trong ngày của Chúa, Chúa Giêsu nêu ra điều kiện tiên quyết, đó là tỉnh thức và cầu nguyện: “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người”. Cầu nguyện là nhìn nhận Chúa là tất cả, là đặt thánh ý Chúa trên hết. Ðồng thời, cầu nguyện là nhận biết mình yếu đuối và cậy trông vào ơn Chúa. Nhờ cầu nguyện, chúng ta sẽ có thái độ tỉnh thức trong đời sống thường ngày, sẽ nhạy bén với tiếng gọi của Chúa qua những biến cố cuộc sống để luôn tìm đẹp lòng Chúa.
Ngày mai chúng ta không biết sẽ ra sao, ngày cuối đời lại càng mù mịt. Xin Chúa cho chúng ta biết sống từng giây phút hiện tại, sao cho luôn được Chúa chúc lành và được tình thương Chúa che chở, để ngày Chúa đến sẽ là ngày hạnh phúc cho chúng ta.
Cái chết thường đến một cách bất ngờ. Trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu đã nói rõ điều ấy ”Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đành rằng có nhiều người bệnh một thời gian khá lâu rồi mới chết, nhưng chẳng ai ngờ mình sẽ chết vào ngày này, giờ này.
Tuy bất ngờ nhưng không phải hoàn toàn bất ngờ, vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp chuẩn bị. Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; một chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu. Và quan trọng hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gởi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị.
Nếu còn ngày cuối cùng thì hẳn chúng ta đừng lo lắng điều gì trần thế, mà hãy chuẩn bị cho tâm hồn thật thanh thoát để được vào chung hưởng hạnh phúc Nước Trời: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức Công chính của Người, còn tất cả những cái khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Chiếc lưới bất thần chụp xuống cho chúng ta thấy cái chết và số phận của mọi người: không ai thoát được nó. Tuy nhiên, sau đó được đem đi đâu mới là điều quan trọng. Vì thế, nó sẽ trở nên vui mừng cho những ai được đem vào nơi hạnh phúc và bình an. Ngược lại, sẽ là điều kinh hoàng và bất hạnh cho những ai bị loại ra ngoài.
Nếu chúng ta chỉ còn có một ngày cuối cùng để sống, hẳn sẽ có nhiều điều trăng trối được nhắn gửi tới mọi người. Cũng vậy, nếu còn một ngày để làm việc, người ta sẽ làm nhiều chuyện tốt đẹp để lại cho đời và cho người.
Hôm nay, ngày cuối cùng của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cũng muốn nhắn gửi chúng ta một thông điệp căn bản và quan trọng khi dùng đoạn Tin Mừng theo thánh Luca để nói về sự tỉnh thức và cầu nguyện.
Tỉnh thức và cầu nguyện là thái độ cần thiết cho ngày Chúa đến, ngày đó là ngày cuối cùng của cuộc đời con người và nhân loại.