Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
TÌNH ĐÁP TÌNH
16 12 X Thứ Ba Tuần XXXIII Thường Niên.
(Tr) Thánh nữ Ma-ga-ri-ta Scốt-len.
(Tr) Thánh Ghê-tơ-rút, trinh nữ.
2Mcb 6,18-31; Lc 19,1-10.
TÌNH ĐÁP TÌNH
Thánh Margaret ở Tô Cách Lan quả thật là một phụ nữ tự do–trong ý nghĩa tự do để trở nên con người đích thực. Ðối với ngài, điều đó có nghĩa được tự do để yêu mến Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Margaret không phải là người Tô Cách Lan. Ngài là con gái của Công Chúa Agatha Hung Gia Lợi và Thái Tử Edward Atheling của Anglo-Saxon. Thời niên thiếu, ngài sống trong triều đình của người bác là Edward, vua nước Anh, người bảo vệ đức tin. Khi bị William xâm chiếm, trên đường chạy trốn, gia tộc ngài bị đắm tầu ở bờ biển Tô Cách Lan. Vua Malcolm của Tô Cách Lan làm quen với hoàng tộc này và ông đã say mê sự duyên dáng cũng như vẻ đẹp của Margaret. Và họ đã kết hôn ở lâu đài Dunfermline năm 1070.
Vua Malcolm là người tốt bụng, nhưng cộc cằn và không có học thức, cũng giống như quê hương của ông. Vì tình yêu của Malcolm dành cho Margaret mà bà có thể thay đổi tính tình nóng nẩy của ông, cũng như chỉ bảo cách đối xử và giúp ông trở nên một vị vua nhân đức. Bà đã biến triều đình thành một nơi lịch thiệp và mỹ miều. Ông đã để mọi việc trong nước cho bà quản trị và thường hỏi ý của bà khi có vấn đề quốc sự.
Margaret là một ơn huệ Chúa ban cho người dân Tô Cách Lan. Trước khi bà đến đây, có rất nhiều người dốt nát và nhiều hủ tục trong nước. Bà tìm cách cải tiến quê hương chồng bằng cách cổ võ việc giáo dục và nghệ thuật. Về cải cách tôn giáo, bà khích lệ tổ chức các thượng hội đồng và đích thân tham dự các buổi thảo luận nhằm chấn chỉnh những tệ đoan tôn giáo rất phổ thông thời ấy của tu sĩ cũng như giáo dân, tỉ như vấn đề buôn thần bán thánh, cho vay lời cắt cổ và loạn luân. Cùng với đức lang quân, bà xây dựng nhiều nhà thờ trong nước và chính tay bà thêu áo lễ cho các linh mục.
Margaret không chỉ là một hoàng hậu mà còn là một người mẹ gương mẫu. Thiên Chúa đã ban cho ông bà sáu con trai và hai con gái. Ðích thân bà trông coi việc giáo dục cũng như dạy giáo lý cho con. Người con út của bà sau này là Thánh David.
Mặc dù rất bận rộn với công việc nhà cũng như việc nước, bà cố giữ mình khỏi bị ảnh hưởng của thế gian. Ðời sống riêng tư của bà rất khắc khổ. Bà dành thời giờ để cầu nguyện và đọc Kinh Thánh. Bà ăn uống thanh cảnh và ngủ rất ít để có thời giờ suy niệm. Hàng năm, hai ông bà tuân giữ hai mùa Chay, một lần trước Phục sinh và một lần trước Giáng Sinh. Trong thời gian này bà thường thức giấc vào nửa đêm để đi dự Thánh Lễ. Trên đường về, bà rửa chân cho sáu người nghèo và bố thí cho họ. Mỗi khi bà xuất hiện nơi công cộng là bị những người ăn xin vây quanh và không bao giờ bà từ chối họ. Người ta kể rằng, trước khi bà ngồi xuống dùng bữa tối, bà thường dọn thức ăn cho chín trẻ mồ côi và 24 người nghèo.
Năm 1093, Vua William Rufus bất ngờ tấn công vào thành Alnwick. Vua Malcolm và người con cả là Edward bị giết chết. Bà Margaret, cũng bị thương nặng, và bốn ngày sau khi chồng bà từ trần thì bà cũng trút hơi thở cuối cùng.
“Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình” (Tc), câu chuyện Tin mừng hôm nay là câu chuyện hoán cải tận căn của một con người – một con người đã được đụng chạm tới tình yêu Giê-su. Cũng như muôn ngàn định nghĩa về tình yêu thì “tình cho không biếu không” vẫn là định nghĩa triệt để nhất. Tình vốn dĩ là cho không biếu không – bất chấp cả dư luận, bất chấp của cải, bất chấp danh dự, bất chấp tội lỗi, bất chấp xấu xa, khiếm khuyết…bất chấp tất cả. Câu chuyện Tin mừng hôm nay là câu chuyện tình yêu tuyệt vời; người tung, kẻ hứng thật đồng điệu và đã mang lại kết quả tốt đẹp.
Tình yêu luôn có sáng kiến và đi bước trước: Trong trình thuật Tin mừng, chúng ta thấy lòng mộ mến một Rabbi Giê-su lý tưởng đã khiến Ông Gia-kêu, một quan chức đứng đầu thuế vụ, giàu có, chạy lên trước đám đông và trèo lên cây sung để được thấy Người. Ông trèo lên cây, nấp trong đám lá, không biết ông đang đắc ý về diệu kế cho vóc người thấp bé của ông hay đang hồi hộp sợ có ai phát hiện, nhưng có lẽ là cả hai. Ông ngồi trên cao và nhìn xuống. Về hình thức, tưởng chừng như Ông là người đi bước trước, nhưng nội dung câu chuyện đã cho thấy người đi bước trước là Chúa Giê-su – Người đã biết Gia-kêu từ trước. Người đã biết những mặc cảm cũng như những khát khao trong lòng Gia-kêu.
Tình yêu và lòng thương xót đã khiến Chúa Giê-su ngước lên nhìn Ông đang trốn mình trong tán lá – Hai thái độ – hai nội dung trái ngược: Gia-kêu tìm Chúa: thay vì ngước mắt lên trời, Ông lại ở ‘vị trí của mình trên cao’ nhìn xuống. Chúa Giê-su tìm Gia-kêu: Ngài ở dưới ngước nhìn lên; Thực ra, tình yêu và lòng thương xót của Người đã cúi xuống, chiếu cố đến Gia-kêu – con người thấp bé về hình vóc, nghèo nàn về phẩm hạnh trong mắt người Do-thái. Tuy nhiên, xuyên suốt qua cái gì là bề ngoài giới hạn ấy, Chúa Giê-su đã nhìn thấy giá trị đích thực với những phẩm chất cao quí của con người – một con người mang hình ảnh của Đấng Tạo hóa. Chúa Giê-su đã đi bước trước trong việc cởi bỏ những mặc cảm tự tôn, tự ti trong lòng Gia-kêu để Ông mở rộng lòng mình đón nhận Chúa trong tình yêu chân chất. Ngài gọi Ông xuống, trở lại vị trị để sẵn sàng làm một cuộc hoán cải.
Tình yêu luôn cảm thông, bất chấp dư luận: Gia-kêu có thể bất chấp dư luận chê cười, khi ông – một quan chức có thế giá – lại leo lên một cây sung để nhìn trộm như một đứa trẻ. Có lẽ Đức Giê-su cũng rất thú vị với chất trẻ thơ nơi ông (Chúa đã chẳng hứa nước trời cho những ai nên giống trẻ thơ là gì!). Tuy nhiên, cao cả hơn thế, Đức Giê-su đã bất chấp dư luận, không kể gì đến thân phận cao quí của một Rabbi nổi tiếng để kết giao với Gia-kêu – một kẻ tội lỗi, bị gạt ra bên lề trong xã hội Do-thái. Người đến trọ trong nhà Gia-kêu, ngôi nhà mà người Do-thái không dám bước vào vì sợ ‘ô uế’, để viếng thăm, đồng bàn và ăn uống với ông. Bởi vì mục đích của Ngài đến không phải để kiếm tìm người công chính mà là kẻ tội lỗi. Ngài là thầy thuốc không phải tìm chữa những kẻ khỏe mạnh mà là những người đau yếu. (Mt 2,17)
Tình yêu kết trái: Gia-kêu khát khao được nhìn thấy Đức Giê-su có lẽ vì những tiếng tăm tốt lành của Người khiến lòng Ông mộ mến và mong đợi một điều gì đó(?) Chúa Giê-su tìm Gia-kêu như “người chăn chiên đi tìm một con chiên lạc” (Mt 18,12 – 14), như người đàn bà đi tìm đồng bạc đã mất” (Lc 15, 8 -10), như “người cha nhân hậu chờ đợi người con đi hoang trở về” (Lc 15, 11 – 32). Tuy đã được nghe nhiều về Chúa Giê-su, nhưng Gia- kêu không ngờ ông lại được vinh dự và yêu thương như vậy. Và từ trái tim đã đụng chạm đến trái tim. Tình yêu được đáp đền bằng tình yêu đã nảy sinh hoa trái tốt đẹp: “8Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Thật là niềm vui tràn vỡ vì “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Cũng như Phao-lô, ông Gia-kêu đã cảm nghiệm được món lời hậu hĩ vì được biết Chúa Giê-su (Pl 3, 8 – 9).
Vì thế, của cải đối với ông bây giờ không còn quan trọng nữa. Trước đây ông ra tay bóc lột, tích góp bao nhiêu, thì bây giờ ông sẵn sàng cho đi tất cả. Thật là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời! Một bước hoán cải tuyệt diệu!
Thật là niềm vui tràn vỡ vì “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Cũng như Phao-lô, ông Giakêu đã cảm nghiệm được món lời hậu hĩ vì được biết Chúa Giêsu (Pl 3, 8 – 9). Vì thế, của cải đối với ông bây giờ không còn quan trọng nữa. Trước đây ông ra tay bóc lột, tích góp bao nhiêu, thì bây giờ ông sẵn sàng cho đi tất cả. Thật là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời! Một bước hoán cải tuyệt diệu!
Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.
Ta được mời gọi chạy đến với Chúa Giêsu để được giải thoát và chữa lành, cụ thể qua bí tích Giao hòa. Bởi chưng, sứ mệnh của Chúa Giêsu là tha thứ còn việc của chúng ta là sám hối.