skip to Main Content

TIN

28.4 Thứ Tư Tuần IV Phục Sinh

– Thánh Phê-rô Cha-nen (Chanel), Linh mục, Tử đạo.

– Thánh Lu-i đơ Mông-pho (Luis Grignion de Montfort), Linh mục.

– Thánh Phao-lô Phạm Khắc Khoan, Linh mục (1840); Thánh Phê-rô Nguyễn Văn Hiếu, Thầy giảng (1840) và Thánh Gio-an Bao-ti-xi-ta Đinh Văn Thành, Thầy giảng (1840), Tử đạo.

– Các bài đọc Lời Chúa: Cv 12,24-13,5a; Ga 12,44-50.

TIN

            Trang Tin Mừng hôm nay có thể tóm lược cách tổng quát về những lời rao giảng công khai của Chúa. Chúa Giêsu đã nhắc đến hai điểm chính yếu là: “Tin Ngài là tin Chúa Cha và thấy Ngài là thấy Chúa Cha”.

            Chúa Giêsu tự định nghĩa mình là người được sai đi của Cha. Thánh Gio-an không giới thiệu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Cha. Hầu như bất cứ điều quan trọng nào đều chỉ về Cha và không chỉ về Con. Tất cả đều tương quan với Cha. Chúa Giêsu thực hiện sứ mệnh do Cha ban, Người làm cho họ nhận biết sứ điệp của Cha. Chúa Giêsu chính là sứ điệp của Cha.

            Thái độ của Đức Kitô luôn luôn bày tỏ sự hoàn toàn tùy thuộc, hoàn toàn vâng lời lúc nào cũng sẵn sàng đối với Cha. Nếu Người cho lời Người là quan trọng vì đó là lời của Cha: “Chính lời Tôi nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết, thật vậy, không phải Tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai Tôi, truyền lệnh cho Tôi phải nói gì và tuyên bố gì”

            Tin Chúa thì sẽ mang lại ánh sáng cho cuộc đời, vì đức tin là ánh sáng, không tin thì sống trong tối tăm. Từ chối không tin Con Người thì tự kết án mình, mặc dù Chúa Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi. Không ai có thể thoát ra khỏi sự xét xử cuối cùng này, và sự xét xử ấy là bởi thái độ do con người tin nhận hay từ chối từ Thiên Chúa: “Ai nghe lời Ta mà không tin giữ thì không phải Ta kết án kẻ đó, nhưng chính Lời Ta sẽ xét xử nó” (Ga 12,47-48), không ai có thể thoát khỏi sự xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết.

            Tin Chúa là tin Thiên Chúa Cha, thấy Chúa là thấy được Thiên Chúa Cha. Tin Chúa sẽ mang lại ánh sáng soi cho cuộc đời của mình. Ðức tin là ánh sáng, không tin là sống trong bóng tối.

             Từ chối không tin. Con người tự kết án mình. Mặc dầu Chúa Giêsu không đến để kết án mà để cứu rỗi, không ai có thể thoát ra khỏi sự cứu rỗi cuối cùng này, và sự xét xử đến từ thái độ của người đó, đón nhận hay chối từ Thiên Chúa. “Ai nghe lời Ta mà không tuân giữ thì không phải Ta là người kết án kẻ ấy vì Ta không đến để luận phạt thế gian mà đến để cứu rỗi. Ai chê chối Ta và không nhận lời Ta thì sẽ có người xét xử kẻ ấy, tức là lời giảng dạy của Ta sẽ xét xử kẻ ấy trong ngày sau hết. Không ai có thể thoát khỏi sự xét xử này, nhưng sự xét xử đó sẽ đến trong ngày sau hết”.

            Trong hiện tại, Thiên Chúa luôn luôn kêu mời con người hãy trở về lại với Ngài sau những lần sa ngã, chối từ không tin Ngài. Thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta đừng lợi dụng lòng nhân từ này, đừng khinh dễ bỏ qua ơn soi sáng của Chúa. Những trang Phúc Âm cho chúng ta biết rõ ý muốn của Thiên Chúa như thế nào nơi mỗi người chúng ta. Ngài muốn chúng ta tin nhận Ngài, lắng nghe lời Ngài và sống kết hiệp với Ngài.

            Nơi con người Chúa Giêsu có nhiều thứ ánh sáng. Đó có thể là thứ ánh sáng phản chiếu vinh quang quyền năng, thứ ánh sáng mà khi đối diện con người phải cúi đầu. Chúa Giêsu không tỏ lộ ánh sáng này cho các môn đệ và dân chúng theo Ngài, ngoại trừ một lần trên núi Thabor, Ngài biến hình sáng láng trước mặt ba môn đệ: Phêrô, Yacôbê và Gioan.

            Ánh sáng thường gặp nơi Ngài là ánh sáng soi đường dẫn lối, một thứ ánh sáng không làm cho con người sợ hãi, nhưng mời gọi bước theo. Anh sáng phát xuất từ ngọn lửa yêu thương phục vụ xem ra không huy hoàng rực rỡ, nhưng lại hữu hiệu. Đối diện với ánh sáng này, con người sẽ hoặc là tiếp nhận, hoặc là chối từ. Khi chối từ tức là con người còn nằm trong bóng tối và ánh sáng trở thành ánh sáng xét xử. Chúa Giêsu không kết án, vì Ngài đến để cứu chuộc, nhưng chính thái độ cố chấp của con người sẽ kết án họ.

            Không có ánh sáng đồng thời với bóng tối, ở đâu có ánh sáng, ở đó sẽ không còn bóng tối. Nhưng để tiếp nhận ánh sáng, con người phải chấp nhận từ bỏ, tiêu hao chính mình. Chúa Giêsu đã đem lửa xuống trần gian và Ngài ước mong cho nó cháy lên. Gặp gỡ Đức Kitô, con người sẽ gặp được ngọn lửa yêu thương của Ngài. Ngọn lửa càng sáng, càng đòi tiêu hao nhiều nhiên liệu. Ngọn lửa Đức Kitô đã tỏa sáng khắp vũ trụ khi Ngài được giương cao trên Thập giá và hiến thân cho đến giọt máu cuối cùng.

            Trong cuộc sống, Thiên Chúa luôn kêu mời con người trở về với Ngài sau những lần sa ngã hay lúc họ chối từ Ngài, thời giờ chúng ta đang sống là thời giờ của lòng nhân từ thương xót Chúa. Ước gì mỗi người chúng ta đừng lạm dụng lòng nhân từ Chúa, đừng khinh dể bỏ qua ơn soi sáng của Ngài. Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, ta tháy rõ ý Chúa muốn nói với mỗi người, đó là Ngài muốn chúng ta lắng nghe lời Ngài và sống kết hợp với Ngài “biết giới răn Cha Ta là sống đời đời” (Ga 12,50).

            Biết Chúa Giêsu cũng là biết Chúa Cha. Mặc dù chúng ta không có kinh nghiệm nhìn thấy Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt như các môn đệ đầu tiên khi xưa, nhưng chúng ta được diện kiến một Chúa Giêsu thật mỗi khi chúng ta đến trước Thánh Thể. Khi chúng ta bước vào một nhà thờ và ngắm nhìn tôn nhan Chúa trước bàn thờ, điều quan trọng là chúng ta luôn luôn nhận thức được rằng chúng ta đang ở trong sự hiện diện thiêng liêng trọn vẹn của Thiên Chúa Con. Và vì lý do đó, chúng ta cũng ở trong sự hiện diện vẹn toàn và thiêng liêng của Chúa Cha. Sự hiện diện của Ngài là có thật và tuyệt đối, chỉ đơn giản là bị ẩn khỏi giác quan của chúng ta mà thôi.

            Một điều quan trọng để suy ngẫm ở đây là sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Suy tư về sự hiệp nhất của các Ngài khi cầu nguyện là một phương thức rất hiệu quả cho đời sống của chúng ta. Tại sao ư? Bởi vì chúng ta được kêu gọi chia sẻ sự hiệp nhất của các Ngài, và chúng ta được kêu gọi chia sẻ sự hiệp nhất với nhau.

            Để sống hiệp nhất thì thật khó. Nó đòi hỏi phải có một tình yêu thật lớn lao. Nó có nghĩa là sống thật với người khác, tìm cách thấu hiểu trọn vẹn con người của tha nhân, chấp nhận và yêu mến họ. Và Chúa Ba Ngôi là mô hình mẫu mực cho chúng ta noi theo. Dù là cha mẹ, con cái, vợ chồng, bạn bè hoặc bất cứ ai, chúng ta đều được mời gọi đến với sự hiệp nhất sâu xa và luôn mãi.

            Khi chúng ta biết đến Chúa Con, chúng ta tự động biết về Chúa Cha. Và tin tốt là nếu chúng ta biết Chúa, và người khác biết đến chúng ta, thì chúng ta có thể giúp họ biết đến Chúa thông qua chúng ta. Đây là một trong những cách tuyệt vời để truyền giáo và mang Chúa đến với những người mà chúng ta biết và yêu mến.

Back To Top