Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Tích Cực Sống Ðức Tin
27 20 Tr Thứ Sáu Tuần XXI Thường Niên.
Thánh nữ Mô-ni-ca, lễ nhớ.
1Tx 4,1-8; Mt 25,1-13.
Tích Cực Sống Ðức Tin
Người phụ nữ luôn kiên vững trong Niềm Tin vào Chúa và liên lỉ cầu nguyện giữa bao gian truân khốn khó trong đời sống Gia Đình.
Thánh Nữ Monica sinh năm 331 tại thành phố Tagaste, Phi Châu (bây giờ thuộc nước Algeria), trong một gia đình Công Giáo. Khi cò là một thiếu nữ, vâng lời cha mẹ, Monica lập gia đình với Ông Patricius, một người không công giáo. Ông Patricius là một viên chức hành chánh ở Tagaste. Monica sống với chồng và mẹ chồng. Ông Patricius hơn Thánh nữ nhiều tuổi. Hai ông bà sinh được ba người con: Augustinô, Navigio, và Perpetua. Mặc dầu thánh nữ muốn các con được chịu phép Thánh Tẩy theo lễ nghi Công Giáo, nhưng Patricius nhất định không chịu. Ông là một người tốt bụng, nhưng tính tình nóng nảy và thích sống đời sống ăn chơi phóng khoáng.
Vì thế, mặc dầu vẫn kính nể đời sống tốt lành của Monica, những lại không thích lối sống mà ông cho là quá đạo đức, nhiệm nhạt. Hơn nữa mẹ của Patricius cũng bênh vực chủ trương không tôn giáo và đời sống phóng khoáng, tự do của Patricius, con bà. Vì những lý do đó, cuộc sống gia đình của Monica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ.
Tuy nhiên, vì có đời sống đức tin vững mạnh và luôn sống theo tinh thần Phúc Âm theo tình thương của Chúa Kitô, Monica vẫn kiên trì chịu đựng mọi sự khó hằng ngày theo thánh ý Chúa. Monica vẫn một lòng yêu mến và kính trọng chồng và mẹ chồng; trong cách sống bà luôn nêu gương sáng cho các con và giáo dục các con theo tinh thần Phúc Âm của Chúa, dậy các con biết làm Dấu Thánh Giá, đọc kinh và cầu nguyện. Vì có lòng thương người và hay giúp đõ những nười nghèo khó, Monica được mọi người trong vùng yêu mến; hơn nữa, mọi người lại nể phục Monica như một người vợ và người mẹ rất gương mẫu.
Monica phải sống những chuỗi ngày trong đau khổ cả về tinh thần lẫn thể xác, trong nước mắt và cầu nguyện tha thiết với Chúa. Sau cùng, chính Ông Patricius và bà mẹ chồng cũng ăn năn hối hận và xin lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy và trở nên người Công Giáo vào năm 371. Ít lâu sau trong năm 371, ông Patricius qua đời trong niềm tin nơi Chúa Giêsu Kitô. Hai người con là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập giáo hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.
Nhưng Chúa vẫn để Monica tiếp tục vác Thánh Giá theo chân Chúa. Thánh Giá đó là chính người con trưởng của bà, ông Augustinô. Augustinô là một người rất thông minh, lanh lợi và hoạt bát, lại thích giao du bạn bè và thích sống đời sống tự do, phóng khoáng như người bố trước đó. Vì thế, dù mẹ nói mấy mặc lòng, Augustinô nhất định không chịu gia nhập đạo thánh Chúa, vì ông không thích lối sống theo lề luật của Chúa và Giáo Hội. Trái lại ông thích sống theo các quan niệm của các triết thuyết và giáo phái có quan điểm sống tự do và buông thả hơn.
Sau khi học xong, Augustinô trở nên một Giáo Sư và càng ngày càng nổi tiếng tại quê hương Tagaste của ông. Sau một thời gian Augustinô di chuyển đến thành phố phồn thịch là Carthage ở Bắc Phi, cũng là nơi Augustinô đã theo học trước đó (Carthage là phần đất gần thủ đô Tunis của nước Tunnisia bấy giờ).
Thế rồi vào năm 383, lúc Augustinô 29 tuổi, vì muốn bay nhảy cho “thỏa chí tang bồng”, muốn thăng tiến đường công danh sự nghiệp, muốn nghiên cứu và học hỏi thêm, lại muốn xa cách người mẹ cúc lúc nào cũng theo sát bên mình khuyên nhủ, Augustinô quyết định rời bỏ quê hương Phi Châu để đi Rôma (thủ đô của Đế Quốc Rôma thời đó, cũng là trong tâm văn minh của thế giới đương thời).
Nhưng dù đi đâu xa xôi mặc lòng, Augustinô cũng không thể xa được người mẹ quyết tâm đi theo con mình đến bất cứ chân trời góc biển nào. Vừa đi theo tìm con, vừa khóc lóc, cầu xin Chúa cho con mình hồi tâm ăn năn trở về với chúa và Giáo Hội.
Khi Augustinô rời bỏ Rôma để đến Milan (ở miền Bắc nước Ý và là một Thành Phố cũng nổi tiếng thời đó về văn chương và nghệ thuật), Monica cũng đi theo.
Trên đường đi theo con, Monica thường đến gặp các linh mục và tu sĩ, và bất cứ ở đâu cũng xin các Ngài cầu nguyện người con “cứng lòng” của mình. Nhiều người lúc đó quen biết tính tình của Augustinô, thì coi như đã “hết thuốc chữa”. Nhưng bà Monica thì không bao giờ thất vọng, luôn vững tin rằng Chúa sẽ cứu vớt con mình. Một ngày kia, Bà gặp một linh mục để xin cầu nguyện. Cha này đã nói với Monica: “Không thể nào có một ngưòi con mà bà mẹ đã đổ ra bao nước mắt để khóc thương và cầu nguyện cho, lại có thể hư mất được!” Nhờ lời khuyến khích của vị linh mục này mà Monica càng vững lòng trông cậy nơi Chúa và cứ tiếp tục cầu nguyện, cầu nguyện và cầu nguyện với nước mắt và hy sinh hãm mình.
Cuối cùng sau 17 năm trường, sống trong khóc lóc, hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện nhiệt tình với Chúa, Monica đã cứu được người con “vô hy vọng” của mình. Vào năm 386, lúc 33 tuổi, Augustinô đã nhận ra “chân lý vĩnh cửu” và tin vào Phúc Âm tình thương của Chúa là chân thật và là con đường cứu rỗi.
Augustino đã từ bỏ tất cả chủ trương sai lạc, quyết tâm gia nhập Giáo Hội Chúa và xin chịu phép Thánh Tẩy do chính tay Đức Tổng Giám Mục thành Milan lúc đó là Ambrosio, cũng là một người gia nhập đạo Thánh Chúa lúc 34 tuổi, ngay khi đươc bầu lên làm Tổng Giám Mục Milan và là Thánh Ambrosio, một vị Thánh Giáo Phụ thời danh của Giáo Hội, mà chúng ta mừng kính Ngài vào ngày 7 tháng 12.
Sau khi gia nhập Giáo Hội Chúa, Augustinô đã từ bỏ mọi tham vọng và vui thú trần gian, trở về quê hương Phi Châu, bước vào cuộc đời tu trì khổ hạnh, rồi được chọn làm Giám Mục thành phố Hippo. Sau 34 năm tận tụy chăn dắt đoàn chiên Chúa, Ngài đã được Chúa gọi về Nước Chúa vào năm 430, lúc Ngài 76 tuổi.
Thánh Augustinô viết nhiều tác phẩm về thần học và triết học. Ngài được kính như một Thánh Giáo Phụ thời danh và là Thánh Tiến Sĩ trong Giáo Hội. Chúng ta kính lễ Ngài vào ngày 28 tháng 8 hằng năm (ngay sau lễ kính Thánh Monica 27 tháng 8). Thánh Augustinô cũng nổi danh là nhà triết học nhân bản, các tác phẩm có tính cách triết học của Ngài vẫn được các Giáo sư và sinh viên trong các trường đại học ngày nay trên thế giới nghiên cứu. Ôi sự kỳ diệu của ơn Thánh Chúa!
Riêng Monica, sau khi con mình trở về với Chúa và Giáo Hội, bà vô cùng vui mừng tạ ơn Chúa và đã cùng các con trở về Phi Châu. Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu, trên đường trở về quê hương, Chúa đã cất Monica về với Chúa tại Ostia, một hải cảng gần cửa sông Tibre ở Roma, vào năm 387, hưởng thọ 56 tuổi.
Thánh Nữ Monica đã được Chúa thương thực hiện những gì bà cầu xin, mà nhiều người cứ cho là vô vọng. Bà thật là một tấm gương tuyệt diệu cho mọi người chúng ta, nhất là các Bà Mẹ Công Giáo, để tất cả chúng ta luôn biết kiên trì hãm mình cầu nguyện trong niềm tin tưởng và tuyệt đối phó thác mọi sự trong tình thương và sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa là Cha nhân từ của mọi người chúng ta.
Dụ ngôn mười trinh nữ chờ đợi chàng rể đến lúc bắt đầu tiệc cưới mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, làm nổi bật thái độ tỉnh thức đợi chờ, nghĩa là các trinh nữ hướng về chàng rể với tâm hồn yêu thương, với đèn dầu để cháy sáng.
Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ, tức là việc Chúa Kitô đến trong vinh quang vào lúc cuối cùng lịch sử là điều bất ngờ, không ai có thể đoán trước được. Các trinh nữ được bước vào tiệc cưới với đèn cháy sáng. Ðèn cháy sáng là dấu chỉ của một đức tin sống động. Các trinh nữ khôn ngoan đã lãnh lấy và chu toàn trách nhiệm của mình để giữ đèn của mình được luôn cháy sáng, cho đến khi chàng rể là Chúa Kitô đến, dù chàng rể có đến chậm.
Những chi tiết của dụ ngôn cho hiểu thêm trách nhiệm của cá nhân trong việc giữ cho đèn đức tin được luôn cháy sáng. Mỗi Kitô hữu phải tích cực sống đức tin, chứ không thể vay mượn hay nhờ người khác làm thay được; mỗi Kitô hữu cần đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa để vượt qua mọi thử thách trong cuộc đời, để luôn sống trong hy vọng, sống theo ánh sáng sự sống, chứ không bị mê hoặc bởi những cám dỗ của thời đại đã bị trần tục hóa và đầy tinh thần hưởng thụ.
Ðời người là một cuộc đợi chờ và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó. Ðợi chờ chính là một cuộc thử nghiệm tình yêu, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hoặc điều gì mà mình hết lòng yêu thương hoặc quí chuộng. Với ý nghĩa đó, đợi chờ phải là một cuộc chuẩn bị thực sự.
Xin Chúa mở rộng đôi mắt chúng ta để nhận ra sự hiện diện của Chúa trong lịch sử. Xin ban sức mạnh để chúng ta chu toàn bổn phận cho phù hợp với thánh ý Chúa.