skip to Main Content

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN

17  12  X  CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN.

Ca vịnh tuần I.

Chúa Nhật Truyền Giáo.

Hôm nay là ngày truyền giáo trong cả Hội Thánh; các giáo hữu hãy tận tâm hợp ý cầu nguyện và dâng việc lành phúc đức, góp phần mở Nước Chúa cứu rỗi linh hồn anh chị em.

Chúa Nhật III trong tháng. Ngày truyền giáo của giáo phận.

Thánh Phan-xi-cô I-si-đô-rô Ga-de-lin  Kính (Francois Isidore Gagelin), Linh mục (U1833), Tử đạo.

Có thể cử hành Thánh lễ Cầu Cho Việc Rao Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc (Trong Sách Lễ Rôma).

Không cử hành lễ Thánh I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-ki-a, Giám mục, Tử đạo. Và không cử hành lễ cầu cho người qua đời (D2, D3), trừ lễ an táng.

Is 53,10-11; Hr 4,14-16; Mc 10,35-45 (hoặc Mc 10,42-45).

THỰC HIỆN LỆNH TRUYỀN

Vì yêu thương nhân loại, Ngài đã xuống thế làm người và ở giữa chúng ta. Suốt quãng đời công khai, Ngài đã làm biết bao nhiêu phép lạ, cho kẻ què được đi, kẻ mù được sáng, kẻ phong cùi được lành sạch, hầu xoa dịu phần nào những đớn đau và bất hạnh. Chúng ta có thể nói về Ngài như sau: Đi tới đâu, Ngài liền thi ân giáng phúc tới đó.

Và sau cùng để cứu độ chúng ta, Ngài đã phải chịu chết trên thập giá, như lời Ngài đã xác quyết: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Chính Ngài cũng đã đúc kết về cuộc đời của mình: Con người đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.

Đồng thời, Ngài cũng muốn chúng ta noi gương bắt chước Ngài đi vào con đường dấn thân để phục vụ. Trong bữa tiệc ly vào buổi tối ngày thứ năm Tuần thánh, Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ và nói: Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm. Nhưng nếu ta là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau.

Ta thấy  ai cũng muốn có danh vọng, và người ta thường xếp tiền tài danh vọng như một cặp bài trùng. Caphu đã từ chối ngai vàng để phục vụ Chúa đắc lực hơn. Còn Giacôbê và Gioan, hai ông lại tới xin Chúa cho một địa vị trong Nước Chúa, các ông hiểu đây là nước trần gian mà các ông nghĩ Chúa sắp thiết lập.

Nhân dịp này Chúa Giêsu cắt nghĩa cho các ông hiểu thêm về công việc của Người. Người là Chúa Cứu Thế, Đấng Cứu chuộc trần gian bằng đau khổ, bằng thập giá chứ không phải bằng một hoạt động chính trị, Chúa buồn rầu trách nhẹ các ông. Các con chẳng biết mình xin cái gì! Nhưng Chúa thấy các ông chân tình và nồng nhiệt, nên Chúa cũng hé mở cho các ông một vài nét về tương lai: Các con sẽ uống chén đắng Ta uống, và đắm mình trong phép rửa bằng máu như Ta. Còn việc ngồi bền tả hay bên hữu Ta thì lại là chuyện khác. Những lời này làm hai tông đồ hoang mang, nhưng về sau các ông sẽ hiểu và coi đó là một động cơ cho niềm tin trong hoạt động rao giảng Tin Mừng.

Các Tông đồ và những cộng sự của các ngài đã thừa hành mệnh lệnh này một cách xuất sắc. Trải qua bao khó khăn dọc dài lịch sử, các ngài đã đem Tin Mừng Phục Sinh tới nhiều miền và cho nhiều tâm hồn. Hơn hai ngàn năm qua, dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, các thế hệ tông đồ truyền giáo đã nối tiếp nhau mang Tin Mừng đi khắp địa cầu.

Như vậy, truyền giáo xuất phát từ Thiên Chúa, qua Đức Kitô sứ mạng này đã được trao cho Giáo Hội, nhờ Thánh Thần hướng dẫn Giáo Hội trung thành và nhiệt thành chu toàn sứ mạng cho đến ngày tận thế.Thực thi sứ mạng truyền giáo là chia sẻ cuộc sống như chính Chúa Giêsu đã sống, là yêu thương mọi người, yêu thương đến cùng, yêu thương đến nỗi dám chấp nhận hy sinh tính mạng cho những người mình yêu. Truyền giáo là làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống.

Đọc lại câu chuyện hai tông đồ, có lẽ chúng ta mỉm cười. Nhưng trong cuộc đời Kitô hữu, nhiều khi chúng ta cũng chỉ nhằm lợi ích, địa vị cho mình, chúng ta nghĩ tới một bảo đảm cho cuộc sống hiện tại và mai sau. Đáng lẽ chúng ta phải đặt Chúa làm trung tâm đời sống, chúng ta muốn thực thi lòng tôn sùng, muốn dâng lời cảm tạ ngợi khen và phó thác tin tưởng vào Chúa. Còn tương lai của ta hoàn toàn do Chúa xếp định. Đó mới là tâm tình của người con thảo sống bên Cha hiền.

Lời thỉnh cầu của Giacôbê và Gioan đã làm các tông đồ khác khó chịu, vì tất cả các ông đều cùng tâm trạng như nhau, dù chưa dám xin Chúa. Cho tới lúc đó chưa ai hiểu được tư tưởng của Chúa. Chúa đã nói về cuộc khổ nạn của Người tới ba lần (Mc 10, 32-34) với những lời lẽ rõ rệt: Con Người sẽ bị bắt nộp, sẽ bị xử tử, bị chế giễu, người ta khạc nhổ vào mặt, đánh đòn và giết chết… Trong lúc Chúa Giêsu tự chọn chỗ rốt hết, thì các môn đệ lại mơ màng danh vọng, lại nghĩ tới địa vị cao sang. Một lần nữa Chúa nói lại chủ trương của Chúa trong tổ chức Người. Khác hẳn mọi tổ chức trần gian, ở đây người nào muốn lãnh đạo phải là tôi tớ, ai muốn đứng đầu phải trở thành nô lệ cho mọi người. “Vì Con Người không đến để cho người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn dân”. Đó là căn bản Hiến pháp của Giáo hội Chúa.

Mỗi người Ki tô hữu phải là nhà truyền giáo, vì đó là bản chất của Giáo Hội. Khi nói về công việc truyền giáo, chúng ta thường nghĩ ngay đến việc loan báo Tin Mừng. Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay xác định cho chúng ta nội dung của việc loan báo Tin Mừng được cô động ở nơi lời phát biểu của Chúa Giêsu: “Con Người không đến để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Nếu công việc truyền giáo được định nghĩa theo truyền thống Đông Phương “kể cho nhau nghe cuộc đời của Đức Ki tô”, thì mỗi người Ki tô hữu phải kể về cuộc đời của Chúa Giêsu cho anh chị em mình không chỉ bằng lời nói mà bằng chính cuộc sống của mình, nghĩa là, tự đặt mình vào trong tình liên đới với những anh chị em chung quanh mình, biến cuộc đời mình thành cuộc đời phục vụ và những đau khổ của mình thành giá cứu chuộc muôn người. Đó là lời loan báo Tin Mừng cụ thể nhất, sống động nhất và hữu hiệu nhất.

Back To Top