skip to Main Content

THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG

15.1.2022

Thứ Bảy trong tuần thứ Nhất Mùa Quanh Năm

1 Sm 9:1-4,17-19; Tv 21:2-3,4-5,6-7; Mc 2:13-17

THIÊN CHÚA TOÀN NĂNG

Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Sự toàn năng nơi Ngài có sức biến đổi và cứu độ. Và sự toàn năng nơi Ngài xuất phát từ lời nói đến việc làm. Quả thế, “ngôn hành” của Ngài luôn có ý hướng và mục đích. Ý hướng của Ngài gợi hứng từ sự yêu thương vô điều kiện. Mục đích Ngài nhắm đến chính là chia sẻ ơn cứu độ cũng như mong mỏi hết thảy mọi người đều được tham dự vào bàn tiệc Thiên Quốc.    Đọc lại hành trình lịch sử cứu độ dân Chúa, chúng ta nhận ra rằng từ trong Cựu Ước cho đến Tân Ước, Thiên Chúa vẫn dùng “ngôn hành” của mình để dẫn dắt, dạy dỗ và biến đổi từng cá nhân trong dân tộc của Ngài. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã kêu gọi, đồng hành và hướng dẫn Mô-sê thành một người chỉ huy tài ba, thành cầu nối giữa dân và Chúa. Mặc dầu Mô-sê không phải là người tài ăn, khéo nói, thậm chí nhút nhát. Nhưng Chúa muốn và Mô-sê vâng phục, Mô-sê trở thành thủ lãnh trong dân, thành người kéo ơn Chúa xuống cho dân và thông truyền mong mỏi của dân đến với Chúa. Đó là sự toàn năng và tuyệt hảo nơi Chúa thực hiện qua Mô-sê cũng như dân của Ngài.

Còn trong Tân ước, có rất nhiều những con người, những nhân vật đã được Thiên Chúa gọi mời và biến đổi thành người cộng tác đắc lực với Chúa trong công cuộc rao giảng Tin mừng. Cụ thể, trong bài Tin mừng ngày hôm nay, tác giả Mác-cô trình bày cho chúng ta, một Mát-thêu, kẻ làm nghề thu thuế, bị coi là người tội lỗi, bị dân chúng khinh bỉ, là người cộng tác với ngoại bang để hành hạ đồng bào. Thế nhưng, chính “ngôn hành” của Chúa đã biến đổi và giúp ông trở thành Tông đồ cho Ngài.

Một trong những điểm đáng lưu ý trong trong bài Tin mừng thứ Bảy tuần I Thường Niên hôm nay đó là hành động dứt khoát của ông Lêvi khi được Chúa kêu gọi làm môn đệ. Khi Chúa đi ngang bàn thu thuế của ông và mời gọi: “Anh hãy theo tôi,” thì chẳng chần chừ hay đắn đo suy nghĩ, ông Lêvi lập tức đứng dậy đi theo Ngài.

Thái độ dứt khoát ấy cho thấy rằng trước đó ông đã suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống của một người thu thuế như ông, một cuộc đời bị liệt vào hàng tội lỗi công khai.

Khi can đảm đứng dậy theo Chúa như vậy, ông như từ một kẻ bị coi là đã chết trong tội, nay được chỗi dậy và hồi sinh trong đời sống mới. Động từ anastas – đứng dậy – phát xuất từ động từ anistemi, vừa diễn tả một hành động thể lý của một người từ trạng thái ngồi bất động sang trạng thái hoạt động, nhưng đồng thời cũng vừa ám chỉ đến sự phục sinh như Chúa (x. Mc 8, 31; 9, 31; 10, 34; 12, 23. 25; Cv 2, 24. 32; 13, 32, 34).

Quả vậy, Thiên Chúa không chấp nhất quá khứ, Ngài kêu gọi Mát-thêu từ bỏ quá khứ tội lỗi và hướng tới tương lai. Không phụ lòng tin tưởng nơi Chúa, Mát-thêu đã rũ bỏ tất cả, tiền tài, địa vị, quyền bính và thậm chí cả những dị nghị, nghi nan. Chính sự đáp trả, niềm tin và sự phó thác vào Thiên Chúa đã biến đổi ông. Nói cách khác, chính tình yêu Chúa đã thay đổi và nâng ông dậy. Từ một con người chỉ biết tích cóp, ăn chặn và bóc lột đồng bào.

Giờ đây Mát-thêu trở thành kẻ “lưới người”, kéo những “mẻ cá người” về cho Chúa, cho Hội thánh bằng sự nhiệt thành và hăng say. Bên cạnh đó, Mát-thêu còn trở thành tác giả Tin mừng viết về dòng dõi và sứ mạng của Ngôi Hai Thiên Chúa. Ông dùng chính đôi tay thu thuế trước đây của mình, giờ đây cũng với đôi bàn tay ấy, ông chia sẻ cho đồng bào và hậu thế về sứ mạng của Đấng Tình Yêu. Sở dĩ Mát-thêu có đặc ân ấy là vì sự toàn năng và yêu thương của Chúa dành riêng cho ông. Ngài muốn, Ngài yêu và Ngài tin tưởng vào sự thay đổi nơi ông và biến ông thành người cộng tác đắc lực trong sứ mạng rao giảng Tin mừng.

Thiên Chúa toàn năng và rất mực yêu thương nhân loại như vậy. Thế nhưng, hôm nay chứng kiến việc Chúa Giêsu kêu gọi Mátthêu và Ngài còn về nhà ông để mừng tiệc, để được ông thiết đãi, những người kinh sư thuộc nhóm Biệt phái tỏ vẻ không hài lòng, nghi kị và muốn kết án. Suy nghĩ và cái nhìn của những  người Biệt phái ngày xưa, dường như cũng đang là não trạng và cách hành xử của con người thời nay. Trong một xã hội vô cảm, đặt nặng những giá trị bên ngoài nhưng thiếu ý thức nhân bản và chiều sâu đời sống nội tâm. Dường như con người hiểu nhau qua vật chất, qua vẻ hào nhoáng của địa vị mà bỏ quên giá trị và ý nghĩa nhân bản hay đời sống đức tin.

Khác hẳn với cách cư xử và hành động của con người. Thiên Chúa hứa là Ngài giữ lời. Ngài chậm giận và giàu tình thương. Thiên Chúa không giữ quá khứ của chúng ta nhưng Ngài kêu gọi chúng ta hướng tới tương lai, từ bỏ tội lỗi và tín thác nơi Ngài. Như một bác sĩ rành nghề, hôm nay Chúa Giê-su biết rõ bệnh tình của Mát-thêu, Ngài đã trị dứt cơn bệnh của ông, đồng thời Ngài sử dụng tài năng linh hoạt có sẵn nơi ông để dùng ông trong sứ vụ rao giảng Tin mừng.

Đức Kitô được sai đến trần gian là để kêu gọi người tội lỗi. Ngài là Đấng Thánh, là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian. Ngài đến để kêu gọi. “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Hội Thánh và mỗi người chúng ta, cũng được Ngài sai đến để kêu gọi: sống và làm chứng cho muôn dân về Ơn Cứu Độ. Trước tiên là sống Ơn Cứu Độ cho chính mình, nghĩa là phải ý thức mình là người tội lỗi và cần được cứu độ; sau là làm chứng về chương trình này của Thiên Chúa trong Đức Kitô.

Chắc chắn rằng chúng ta đã chọn Chúa, nhưng trong cuộc sống, rất nhiều lần ta đã chọn thế gian, ma quỷ và xác thịt. Nhìn nhận mình là người tội lỗi, đó là điều kiện tiên quyết. Trong phần sám hối Thánh lễ, chúng ta đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi. Bạn có ý thức điều đó không? Chỉ có người tội lỗi đích thực, mới cầu xin ơn tha thứ; và khi được thứ tha, tâm hồn mới bình an và cuộc sống mới đổi thay. Ngược lại, hình thức máy móc đó sẽ dẫn đến tình trạng “vẫn như cũ”.

 

Back To Top