KINH MÂN CÔI, CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT SINH TỬ …
Thiên Chúa tỏ mình
2.1.2022 Chúa Nhật
Lễ Hiển Linh
Is 60:1-6; Tv 72:1-2,7-8,10-11,12-13; Ep 3:2-3,5-6; Mt 2:1-12
Thiên Chúa tỏ mình
Lễ Hiển Linh được gọi là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho riêng dân tộc Do Thái mà còn cho muôn dân khác nữa. Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng sáng lên ánh sáng đã xuất hiện từ Phương Đông. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tiên tri Isaia đã mở ra cả một viễn tượng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi phương hướng sẽ cùng qui về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa. (x Is 60, 1 – 6)
Lễ Hiễn Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra. Chúng ta biết được qua bài Tin mừng, Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho muôn dân. Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa nào có ai thấy Ngài bao giờ, và làm sao thấy Ngài được? Nhưng người Con duy nhất của Ngài đã làm người, và cho ta thấy được Thiên Chúa mang bản tính con người, làm người như chúng ta và ở giữa chúng ta” (Ga 1, 18; 6, 46). Từ khi Ngôi Lời nhập thể, ai tin nhận Đức Kitô là tin nhận Thiên Chúa, ai từ khước Đức Kitô là từ khước Thiên Chúa.
Ngày hôm nay Thiên Chúa tỏ mình ra cho ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông, nghĩa là những người ở ngoài dân Chúa và bị người Do Thái xếp vào hàng dân ngoại. Chính vì thế lễ Hiển Linh có thể được coi như là lễ Giáng sinh của người ngoại. Tuy nhiên, qua phụng vụ chúng ta thấy được tính cách bi đát của chương trình cứu độ như thánh Gioan đã diễn tả: Ngài đã đến nơi nhà Ngài mà các người thân đã không tiếp nhận Ngài.
Thiên Chúa tỏ mình ra cho mọi người. Thiên Chúa không chỉ tỏ mình ra cho riêng Dân của Ngài mà còn cho muôn dân. Bởi đó, mọi người trong chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng sáng lên ánh sáng đã xuất hiện từ Phương Đông. Chúng ta phải là ánh sao dẫn đường cho mọi người đến với Chúa. Tiên tri Isaia trong bài đọc thứ nhất hôm nay đã mở ra cả một viễn tuợng lớn lao: đó là ngày và thời vinh quang của Thiên Chúa chiếu trên Dân Chúa và biến Dân Chúa thành điểm thu phục muôn dân. Mọi người từ mọi phương hướng sẽ cùng quy về một mối trong tiếng ngợi ca Thiên Chúa.
Thực vậy, Isaia đã đưa ra những lời tiên đoán đầy phấn khởi về Giêrusalem vào ngày Đấng cứu thế xuất hiện. Ngày ấy, Giêrusalem sẽ trở thành trung tâm ánh sáng và mọi người từ bốn phương trời sẽ tiến về đó với muôn vàn lễ vật. Nhưng trớ trêu thay, vào ngày Con Thiên Chúa giáng sinh làm người, theo như lời tiên tri Isaia loan báo, ánh sáng đã chiếu trên Giêrusalem, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới nhận ra ánh sáng ấy, còn dân trong thành thì vẫn tiếp tục sống trong u tối. Giêrusalem đã có thể chỉ rõ nơi vua dân Do Thái mới sinh ra, nhưng lại chỉ có những người ở ngoài mới tới thờ lạy Ngài.
Các mục đồng được Thiên Chúa cho biết về Đấng Cứu Thế, Đấng là qùa tặng của Thiên Chúa cho tất cả loài người, qua các thiên thần. Còn những người học thức, được Thiên Chúa cho biết về Đấng Vua đặc biệt của người Do Thái qua ánh sao, qua những dấu chỉ tự nhiên. Các mục đồng đơn sơ được gặp Đức Giêsu cách dễ dàng và giản dị, còn ba nhà đạo sĩ uyên thâm đã phải trải qua khoảng đường dài, những cuộc truy tìm qua những trung gian, chẳng hạn với vua Hêrôđê, mới có thể gặp được Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Tất cả đều nhờ ân sủng của Thiên Chúa, nhờ sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa để các vị đạo sĩ có thể tìm được và nhận ra vị Vua đặc biệt nhưng bình thường này. Vì làm sao chỉ với ánh sao, các vị đạo sĩ có thể biết đâu là em bé giữa bao nhiêu em bé ở Bêlem? Vua Hêrôđê không thể nhận ra đâu là vị vua đặc biệt này, nên đã giết tất cả các em bé, còn các vị đạo sĩ làm sao nhận ra được “chính là Ngài”? Dù là người đơn sơ hay người có học, nhận ra được Thiên Chúa, đều là ân sủng.
Thánh Mátthêu đề cập đến ánh sáng của Thiên Chúa đã bừng lên qua hiện tượng ánh sao. “Chúng tôi thấy ngôi sao của Người xuất hiện” (Mt 2, 2).
Theo ánh sao chỉ dẫn, các nhà chiêm tinh đã lên đường tìm kiếm Đức Vua của dân Do Thái. Rất có thể, ba nhà chiêm tinh chưa hình dung ra ngôi vị Thiên Chúa nơi Hài Nhi Giê-su. Có chăng, họ mới mường tượng về một vị vua mới ra đời và họ phải đến triều bái theo nghi thức ngoại giao. Nhưng dù sao, sự hiện diện của ba nhà chiêm tinh bên máng cỏ Bê-lem cũng đủ nói lên phép ứng cử ngay lành và thiện chí khát khao kiếm tìm chân lý và sự thật nơi các ngài.
Thiên Chúa đã dùng hiện tượng thiên nhiên (ánh sao), đã dùng ngôn ngữ, cách sử thế của con người (vị vua) để từng bước tiệm tiến mạc khải về Người cho nhân loại.
Trong đời sống đức tin của chúng ta, chính lời Chúa và những chỉ dẫn của Giáo hội là Ngôi sao dẫn đường cho ta đến Thiên đàng. Những lúc cảm thấy như Ngôi sao biến mất là những lúc Chúa muốn thử thách lòng tin của chúng ta. Xin cho chúng ta luôn biết kiên trì và thật lòng như các Vị Hiền sĩ để mỗi ngày theo sự hướng dẫn của Chúa và Giáo hội đi về Thiên đàng.
Hôm nay, Chúa muốn mỗi người chúng ta là một ngôi sao lạ. Chúa mời gọi ta loan báo tình thương của Chúa, đưa dẫn những tâm hồn thiện chí đến với Chúa. Và như vậy, ta hãy là ngôi sao sáng trong đời sống công bình. Hãy chiếu sáng đức thương yêu của Chúa. Hãy toả ánh sáng ấm áp tình người. Qua những luồng sáng tự nhiên phát ra từ ta ấy, chắc chắn mọi người sẽ nhận biết và tìm về với Thiên chúa là ánh sáng chân thật.