skip to Main Content

THI HÀNH Ý CHÚA

16  07  X  Thứ Sáu Tuần XV Thường Niên.

(Tr) Đức Mẹ núi Ca-mê-lô.

Xh 11,10-12,14; Mt 12,1-8.

THI HÀNH Ý CHÚA

Núi Camêlô là nơi ngôn sứ Êlia ẩn trú trong cơn bách hại, để bảo vệ niềm tin cho mình và cho những người muốn trung thành với Chúa.

Dần dần những người muốn dâng mình cho Chúa tụ họp về đây, tập sống đời nhiệm nhặt, ăn chay hãm mình, cầu nguyện. Năm 38, họ xây cất một nhà nguyện dâng kính Đức Mẹ Maria và chọn Đức Mẹ làm Đấng Bảo trợ cho cả cộng đoàn. Dòng Đức Mẹ Núi Camêlô xuất hiện từ đó, và được Đức Giáo Hoàng Hônôriút thứ 3 chuẩn nhận năm 1226.

Trong thời gian người Hồi giáo tấn công Thánh địa, tàn sát người Công giáo, các đan sĩ dòng phải rời bỏ núi Camêlô, chạy về nước Pháp, thành lập nhà dòng ở đây và cũng đến lập dòng tại nước Anh. Chính nơi đây, nhà dòng được tiếp nhận Thánh Simon Stóckô vào dòng. Và năm 1245, Thánh nhân nhận làm bề trên dòng. Ngài chỉnh đốn lại nếp sống các đan sĩ, đặc biệt củng cố lại lòng sùng kính Đức Mẹ.

Thánh nhân tha thiết kêu xin Đức Mẹ ban cho nhà dòng một ân huệ. Tương truyền ngày 16 tháng 07 năm 1251, Đức Mẹ đã hiện ra với Ngài. Đức Mẹ mặc áo Dòng Camêlô, xung quanh có thiên thần hầu cận, nét mặt tươi cười tay cầm chiếc “áo Đức Bà Camêlô” trao cho Ngài và bảo: “Hãy nhận lấy bộ áo dòng này Mẹ ban cho dòng và cho tu sĩ như dấu chỉ của lòng ưu ái và sự săn sóc Mẹ dành cho các con. Đây là dấu hiệu cứu rỗi. Giải thoát mọi hiểm nguy. Ai chết mà mang biểu hiện bình an này, sẽ khỏi bị lửa thiêu đời đời và Mẹ sẽ cứu họ khỏi lửa luyện tội vào ngày thứ bảy sau khi họ qua đời”.

Ngày lễ kính Đức Mẹ Camêlô hôm nay nhắc lại việc Đức Mẹ ban ân huệ đó. Và gốc tích Áo Đức Bà Camêlô phát xuất từ đây.

Ngoài ra, Đức Mẹ cũng cho Đức Giáo Hoàng Gioan 22 biết: những ai sống theo tinh thần Dòng Camêlô thì sẽ được Đức Mẹ cứu ra khỏi luyện ngục, ngày thứ bảy sau khi chết.

Từ đó, những ai không có điều kiện gia nhập Dòng mà tin tưởng lời hứa của Đức Mẹ, đều xin nhận áo Đức Bà Camêlô và mang trong mình hằng ngày cho đến chết. Việc sùng kính Đức Bà Camêlô ngày càng lan rộng khắp nơi trong Hội thánh. Có thể nói tất cả những ai có lòng mộ mến Đức Mẹ và mong được ơn chết lành đều mang áo nầy!

Năm 1726, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô thứ 13 ban hành sắc lệnh mừng lễ Đức Mẹ Núi Camêlô trong toàn thể Giáo hội, để kính nhớ ngày Đức Mẹ hiện ra ban cho áo đặc biệt nầy.

Mừng kính trọng thể Lễ Đức Mẹ Núi Cát-minh là một trọng trách và vinh dự của dòng Cát –minh. Nhưng, qua dòng tu nầy, Đức Mẹ nhiều lần đã hiện ra dạy bảo, nhắc nhở, và qua Hội Thánh, nhiều đời Đức Giáo Hoàng, nhất là Đức Gioan 22, Đức Mẹ đã ban áo Đức Bà Núi Cát –minh cho những ai tôn sùng Mẹ, hầu phượng thờ Thiên Chúa các chân thành,thì Đức Mẹ sẽ cứu người đó khỏi luyện hình ngay ngày thứ bảy của tuần đầu tiên người ấy qua đời.Như vậy, đủ lý do để cho thấy Hội Thánh lập lễ kính nhớ “sự kiện“ Đức Mẹ Núi Carmelo là có ý nhắc  nhở con cái mình tôn kinh Đức Mẹ qua một “ đặc ân “ diễm phúc, vì vậy, được gọi là :”Đức Trinh Nữ Maria diễm phúc núi Cát Minh”.

Vâng, từ Car-me-lo được dịch sang Việt Ngữ là: Cát –minh, có nghĩa là : Ánh sáng tốt lành. Vâng, ánh sáng vốn dĩ là tốt lành, nhưng ánh sáng nhờ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa can thiệp, thì quả nhiên, ánh sáng ấy thật tốt lành, nhờ bởi sự diệu hiền và Từ Mẫu của Mẹ, đấng hằng chăm sóc Đức Kitô, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật.

Như vậy, mỗi dòng tu đều có một đặc sủng riêng của dòng tu đó,(vì: “con đường thiêng liêng”của mỗi người mỗi khác,nhưng đích điểm chính là Thiên Chúa), theo linh đạo của đấng sáng lập dòng, nhưng dòng tu nào cũng nhận Đức Trinh Nữ Maria là bổn mạng thứ nhất hoặc, nhì của dòng tu đó. Theo đó, dòng Cát-minh là dòng tu kín được nhận Đức Mẹ là đệ nhất bổn mạng của dòng mình. Theo đó, qua dòng Cát-minh, nhờ bởi lời cầu nguyện và hy sinh, tức vác Thánh giá hằng ngày của các tu sĩ Cát-minh, Đức Mẹ sẽ tích cực chuyển cầu lên Thiên Chúa,để tình yêu và ân sủng của Ngài sẽ tuôn đổ trên Hội Thánh và chúng ta.

Tin mừng hôm nay Mt 12, 46-50, như muốn làm rõ hơn đặc tính chiêm niệm nơi tâm hồn của Đức Mẹ. Mẹ không những là Mẹ của Chúa Giêsu thật trong thể lý, nhưng cả trong tinh thần, trong tương quan với Thiên Chúa Cha “ Ai thi hành ý muốn của Cha tôi, người ấy là mẹ tôi” ( x. c.50) và Mẹ Maria là mẫu gương sáng chói điển hình về phẩm tính này.

Chúa Giêsu đang giảng thuyết cho đám đông một bài thật dài vì người Do Thái cho rằng Chúa Giêsu dùng quyền quỷ vương mà trừ quỷ. Bài giảng này nêu bật mặt trong tâm hồn của họ : lòng đầy mới nói ra hoặc cây xấu thì sinh trái xấu. Trước sự cứng lòng của người Do Thái Chúa Giêsu khẳng định : họ chỉ còn thấy một dấu lạ của tiên tri Giona nữa mà thôi. Ấy chính là tiên báo về cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu.

Chúa cũng cảnh báo nếu tâm hồn họ trống rỗng không để Lời Chúa lấp đầy, thì sẽ là nơi cư trú thuận lợi của ma quỷ mà thôi. Đang say sưa với những tư tưởng trên, chợt có người đến báo cho Chúa Giêsu biết : mẹ và anh em Ngài đang chờ bên ngoài, muốn nói chuyện với Ngài ( c. 46-47). Lời nhắn gọi này nói lên sự khẩn thiết mong gặp mặt và cũng có thể là muốn lôi kéo Ngài thoát khỏi đám đông để tìm chỗ nghĩ ngơi, ăn uống… kẻ thưa lời nhắn gọi này cũng nghĩ rằng : Ngài sẽ bỏ dở bài giảng để đi gặp người thân trong gia đình.

Ở đây, chúng ta thấy nổi lên một sự giằng co giữa bổn phận thi hành sứ vụ và tình cảm gia đình. Đôi khi trên bước đường phục vụ. Nước Trời, chúng ta phần lớn bị ngăn cản bởi những người thân. Có người không giữ được ơn gọi tu trì cũng vì vâng lời cha mẹ. Có người không thể tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng là do công việc gia đình, tình cảm…. làm trì trệ.

Ở đây, chúng ta xem Chúa Giêsu có phản ứng thế nào trước lời mời gọi của gia đinh, sau bao ngày xa gia đình để dong duổi trên bước đường loan báo Tin Mừng. Ngài trả lời thẳng thắn với kẻ vừa thưa Ngài rằng : “ Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ? ( c.48). Nghe câu hỏi này, chúng ta chợt sửng sờ. Phải chăng Ngài mất trí, không nhớ ra ai là mẹ, là anh em mình ? Nhưng ở đây Người không mất trí, Người vừa giảng xong một bài giảng đầy khôn ngoan và có logic mà. Lúc đó không biết Đức Mẹ và các anh em họ hàng bà con kia, nghe thấy lời này thì nghĩ gì ? Phản ứng ra sao ? Nhưng có lẽ chúng ta cũng thấy nhói tim, đau lòng… nếu một người chúng ta thương yêu phủ nhận như không quen biết chúng ta. Và kìa cánh tay Ngài giơ ra, hướng về các môn đệ và nói : Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Chắc hẳn các môn đệ hạnh phúc lắm khi nghe những lời này. Thật bõ công theo Thầy bấy lâu, nay được xếp vào những người thân thuộc của Ngài.

Chúa Giêsu nói tiếp : “ Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” ( c.50). Thế đã rõ câu trả lời của Chúa Giêsu khi xác nhận ai là họ hàng với Ngài : đó là những người thi hành ý Chúa Cha, là những người nghe Lời Chúa và đem ra thực hiện. Chắc hẳn lúc đó Mẹ Maria vui lắm, vì Mẹ biết không những Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu trong máu huyết nhưng còn được Chúa ưu ái đón nhận là Mẹ của Ngài, khi Mẹ “ ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong lòng” ( Lc 2,19). Khi Mẹ ghi nhớ và suy niệm thì chắc hẳn Mẹ đã sống tận căn Lời Chúa, đến nỗi Mẹ đã đứng hiên ngang dưới cây thập giá, đồng công cứu chuộc với con của Mẹ.

Theo đó, Đoạn Tin Mừng hôm nay ( Mt 11, 20-24) là Đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu quở trách những người cứng lòng tại thành Kho-ra-din và Bét-sai-đa. Còn thành Ca-phac-na-um thì cũng bị quở sẽ bị phạt nặng hơn thành Sô-đô-ma.

Theo đó, chúng ta thấy, sự kiện Đức Mẹ Núi Cát-minh và Mẹ đã ưu ái ban áo Đức Bà cho hội dòng nầy quản lý, là Đức Mẹ tuyên bố sẽ “can thiệp” và giúp đỡ cho kẻ cứng lòng biết mềm lòng, ăn năn trở lại cùng Chúa. Như vậy, Đoạn Lời Chúa hôm nay được lên đọc trong Lễ Đức Mẹ Núi Cát –minh, cho thấy một ý nghĩa tiên tri đối với nhân loại hôm nay, trong đó có chúng ta. Thật là có ý nghĩa,mong thay ! Xin cho chúng ta biết chạy đến với Đức Mẹ Núi Cát –minh qua “Áo dòng Đức Bà”, để được sự che chở của Đức Mẹ đấng Từ Mẫu của Con Thiên Chúa và của chúng ta. Amen

Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa, để tôn kính Đức Mẹ Núi Cát –minh và tri ân toàn thể tu sĩ dòng Cát – minh trong sự thờ phượng và cảm tạ Thiên Chúa, vì nhờ sự cầu nguyện và hy sinh liên lỉ của hội dòng nầy suốt hơn tám thế kỷ qua, con thuyền Hội Thánh bớt nghiêng ngã.

Back To Top