Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
Thật và giả
14 09 X Thứ Năm Tuần XXVIII Thường Niên.
(Đ) Thánh Ca-lit-tô I (Callistus I), Giáo hoàng, Tử đạo.
Rm 3,21-30a; Lc 11,47-54.
Thật và giả
Cuộc đời của một vị thánh luôn đan xen những may mắn với thử thách, khó khăn.Xem ra,các thánh càng gặp chông gai,càng vác Thập giá, các Ngài càng vui vẻ vì càng lúc các Ngài càng giống Chúa Giêsu cứu thế. Dù rằng, có nhũng vị thánh làm tới những chức vị cao trọng trong Hội Thánh, cuộc đời của các Ngài ít người được thong thả, thoải mái và dễ chịu như quan niệm đời thường. Thánh Ca-li-tô I, giáo hoàng không đi ra ngoài cái vòng đó: Ngài gặp đau khổ trên ngai Giáo hoàng, bị bắt,bị hành hạ và cuối cùng bị chết để làm vinh danh Chúa Kitô.
Ca-li-tô là một phó tế .Vào những thế kỷ đầu tiên,chỉ có 7 phó tế trong Giáo T Triều Roma mới có quyền bầu chọn Giáo hoàng. Thầy sáu Ca-li-tô là cộng sự viên rất thân tín của Ðức Thánh cha Zêphyrinô.Ðức Giáo Hoàng Zêphyrinô tín cẩn thầy phó tế Ca-li-tô và Thầy sáu Ca-li-tô đã giúp đỡ rất nhiều cho Ðức Giáo Hoàng.
Chính vì thế,khi Ðức Thánh Cha Zêphyrinô tạ thế,phó tế Ca-li-tô đã được bầu chọn lên kế vị Ngài vào năm 217. Ðức Giáo Hoàng Ca-li-tô I đã điều khiển Hội Thánh,đã chèo lái con thuyền Giáo Hội thời Hoàng đế Antonin Heliogabale. Thời kỳ lãnh đạo Giáo Hội Chúa Kitô, thánh Ca-li-tô I đã cho sửa sang lại những nghĩa trang đầu tiên của cộng đoàn tín hữu Roma trên đường Appia. Ngài noi gương vị Giáo hoàng tiền nhiệm muốn làm cho những nơi an nghỉ của hầu hết các vị Giáo hoàng và các thánh tử đạo trở nên những chỗ xứng đáng,sạch sẽ,khang trang để làm sáng danh Chúa Kitô vì các thánh tử đạo đã xây đắp nền tảng Hội Thánh trần gian vững chắc.
Dòng máu của các vị Giáo hoàng và các thánh tử đạo đã tô xây Giáo Hội tươi xinh,tốt đẹp.Trên ngôi vị Giáo hoàng, thánh nhân đã bênh đỡ Giáo Hội, củng cố lòng tin của mọi người,bảo vệ đức tin của Hội Thánh trước vấn đề Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Ngài đã bị linh mục Hippolyte, một nhà tư tưởng nổi tiếng lúc đó chống đối kịch liệt.Thánh nhân đã luôn cương quyết chống lại các bè rối,những bọn lạc giáo làm hại Giáo Hội. Thánh nhân đã bị bọn lạc giáo và bè rối bắt bỏ tù,đánh đập tàn nhẫn, bỏ đói, bỏ khát và cuối cùng chúng ném Ngài xuống giếng sâu để Ngài phải chết. Năm 222,thánh Ca-li-tô I, giáo hoàng đã được phúc tử đạo và được Chúa ban triều thiên ân thưởng tại Transtévère dưới thời vua Alexandre.
Ðược phúc tử vì đạo,thánh Ca-li-tô I,đã giương cao ngọn cờ đức tin.Ngài đã làm rực sáng bầu trời Thiên quốc khi đổ những giọt máu cuối cùng để minh chứng cho Chúa phục sinh vì trách nhiệm và bổn phận của Ngài là củng cố đức tin của các anh em. Thánh Ca-li-tô I, đã minh chứng rằng chỉ có Chúa mới là gia nghiệp,là cứu cánh của đời sống con người. Dưới giếng sâu,chấp nhận cái chết đau thương,thánh nhân đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô vì chính nơi Thập giá,chịu chết,Chúa Giêsu đã hoàn toàn hài lòng,hân hoan và hoàn tất ơn cứu chuộc theo ý Thiên Chúa Cha. Ðức Chúa Cha đã tôn vinh Ngài.Thánh Ca-li-tô cũng được Chúa tôn vinh và xứng đáng lãnh nhận triều thiên của Chúa
Trong cuộc sống, có những đồ vật hình thức bên ngoài rất đẹp nhưng chất lượng bên trong lại kém. Cũng có những đồ vật hình dáng bên ngoài xem ra xù xì cũ kỹ nhưng chất lượng bên trong lại tốt và bền. Giữa một thế giới “vàng thau lẫn lộn”, hình thức bên ngoài và nội dung bên trong không đồng nhất nên chúng ta rất khó phân biệt giữa đâu là thật và đâu là giả. Phân biệt sự vật hiện tượng đã khó, nhận biết lòng dạ con người càng khó hơn biết bao.
Tin mừng hôm nay giúp chúng ta nhận thức rõ tâm tư của con người qua lời nói và việc làm của họ. Thánh sử Luca thuật lại rằng: trong khi Chúa Giêsu rao giảng, có một số Pharisêu và các nhà thông luật cũng đến nghe để lên án gài bẫy xem Người có vi phạm lề luật không. Họ trách Chúa Giêsu thường hay la cà ăn uống với người tội lỗi và không rửa tay trước khi ăn. Nhóm Pharisêu và các luật sĩ thường tự mãn về việc họ giữ tỉ mỉ các điều luật của tiền nhân. Họ cầu nguyện mỗi ngày, ăn chay hàng tuần, nộp thuế thập phân và làm nhiều việc đạo đức khác nhưng với thái độ khoe khoang tự mãn mà thiếu lòng yêu mến.
Biết được tâm địa gian dối của người Pharisêu, Chúa Giêsu lên tiếng nguyền rủa họ sống giả dối như những mồ mả bên ngoài tô vôi nhưng bên trong đầy sự xấu xa. Họ xây lăng mộ cho các ngôn sứ mà cha ông họ đã sát hại. Hành động ấy tố cáo họ chính là kẻ đồng lõa với cha ông để làm những sự xấu xa. Chúa Giêsu tiên báo họ sẽ bị đòi nợ máu của các Ngôn sứ và Tông đồ, một món nợ từ thời cha ông họ để lại. Điều này cho thấy án phạt của Thiên Chúa rất công thẳng, Người không dung thứ cho những hành động xấu xa dù điều ấy xảy ra từ thời xa xưa.
Chúa Giêsu nhắc đến cái chết của ông Aben và Dacaria như để nhấn mạnh sự gian ác đã hoành hành trong trần gian từ thuở tạo thiên lập địa và còn kéo dài mãi gây bao oan trái cho con người. Sự gian ác xấu xa của người Pharisêu lên đến tột độ khi họ bắt giết các Ngôn sứ và Tông đồ là những người đến để rao giảng tình thương của Thiên Chúa. Họ giết những người được Thiên Chúa sai đến nghĩa là họ gián tiếp từ chối tình thương của Thiên Chúa. Không chỉ dừng lại ở đó, họ còn “cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết”, ngăn cản người công chính không thể đến nghe về Mầu Nhiệm Nước Trời.
Lời Chúa Giêsu khiển trách Pharisêu cũng chính là lời khiển trách đối với mỗi người chúng ta. Đôi lúc chúng ta cũng sống giả dối, làm việc bác ái nhưng để che đậy tâm địa xấu xa. Chúng ta giữ luật để khoe khoang tự mãn và để đánh bóng tên tuổi. Chúng ta đặt ra nhiều khoản luật nhưng lại sống phóng túng tự do. Thiên Chúa sẽ cật vấn lương tâm mỗi người và “đòi nợ” nếu chúng ta gây tổn thương cho người khác, đặc biệt những người được Chúa sai đến.
Mỗi ngày, chúng ta hãy khiêm tốn nhìn lại mình để thấy tình thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta là kẻ tội lỗi. Nhìn lại chính mình để khiêm tốn sửa lỗi, để quyết tâm sống hoàn thiện. Thiên Chúa sẽ trả lại cho ta tất cả những gì ta đã làm cho tha nhân. Vì thế chúng ta hãy tích cực gieo tình thương để gặp ơn tha thứ, gieo sự quan tâm chia sẻ để gặp niềm vui an hòa.
Luật Chúa không phải là thứ ngôn ngữ trong sách vở nhưng là hơi thở của cuộc sống. Luật ấy đã được kiện toàn qua Chúa Giêsu. Người đã thực hiện bằng tất cả sự yêu thương và khiêm tốn. Đó là sự hài hòa giữa việc chu toàn các điều luật và việc phục vụ tha nhân. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ luật Mosê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17).
Nhóm người Pharisêu Chúa Giêsu vi phạm luật trong ngày Sabát nhưng chính họ lại là người phá hủy lề luật qua hành động sát hại các các Ngôn Sứ và Tông Đồ. Khi lên án Pharisêu, Chúa muốn khẳng định cho họ biết không có giới luật nào lớn hơn luật yêu thương. Bao trùm tất cả việc giữ luật là sự yêu thương và cứu rỗi nhân loại. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về thái độ giữ luật, phải mặc lấy tâm tình cởi mở khi gánh lấy tất cả những chứng đau bệnh của con người, mang lấy số phận hay hư nát của con người mà treo lên cây thập giá. Người đã sống cho Sự Thật và đã chết để làm chứng cho Sự Thật.
Việc thờ phượng Thiên Chúa không tách rời khỏi việc yêu thương và tôn trọng tha nhân.
Ước gì chúng ta biết đi ra khỏi con người ích kỷ của mình để tự do thi hành việc bác ái. Việc giữ luật không chỉ đóng khung trong nhà thờ nhưng được mở rộng để đến tha nhân để cảm thông chia sẻ mọi nỗi buồn vui với họ. Giáo hội của Chúa không phải là giáo hội của những thành quách, đền đài với tháp chuông cao vút. Giáo hội của Chúa là từ bỏ địa vị cao sang, cúi xuống để phục vụ. Một giáo hội luôn song hành và ưu tư với những buồn vui của phận người. Việc sống đạo không chỉ dừng lại ở những lễ hội tiệc tùng nhưng là ở cuộc gặp gỡ và đối thoại, là việc nâng dậy những ai yếu đuối vấp ngã, đưa dẫn những ai lầm đường lạc lối trở về.