skip to Main Content

THÀNH KIẾN

Thứ tư tuần IV thường niên

2 Sm 24, 2. 9-17   Mc 6,1-6

THÀNH KIẾN

Cha ông ta vẫn thường nói “Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói cho vừa lòng nhau không phải để lấy lòng nhau hay lừa dối lòng mình. Nhưng là lựa lời để nói đừng làm tổn thương nhau. Nói để xây dựng con người. Nói để giúp họ thăng tiến. Đừng dùng lời nói để kết án hay hạ bệ anh em. Một lời nói có thể thay đổi cả đời người. Hãy trao tặng cho anh em những lời nói thật chân tình và đầy ắp yêu thương. Lời nói không mất tiền mua, không phải để chúng ta phung phí bừa bãi, nhưng biết quý trọng từng lời. Lời nói thể hiện nét đẹp văn hóa nơi con người. Hãy biết chắt lọc ngôn ngữ. Hãy làm cho lời nói của ta có giá trị bằng cách, biết dùng lời cho vừa lòng nhau.

Sau khi đi rao giảng Tin Mừng một thời gian ngắn, hôm nay Chúa Giê-su trở về Na-gia-rét quê hương của Người. Người vào giảng dạy trong hội đường. Ai nấy đều cảm phục vì bao phép lạ Người làm, vì giáo lý của Người rất cao siêu và giảng dạy rất khôn ngoan. Nhưng vì họ cứ nghĩ Người là một anh thợ mộc tầm thường trong làng, mà không nhìn nhận Người là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, nên không chịu tin Lời Người. Họ có thành kiến lớn lao đối với Người. Thế nên Người không làm phép lạ nào để cứu giúp họ, mà chỉ chữa vài người bệnh, vì Người không muốn tỏ quyền năng của Người cho những kẻ đóng kín tâm hồn.

Đức Giê-su trở về quê nhà, Người giảng dạy trong hội đường, mọi người đều sửng sốt về giáo lý của Người, nhưng sau cùng, họ lại vấp phạm vì Người. Theo lẽ thường, khi ngạc nhiên sửng sốt về những lời rao giảng và sự khôn ngoan của Đức Giê-su, họ sẽ tin tưởng và yêu mến Người hơn chứ! Nhưng đây dân thành Na-da-rét lại nghi ngờ, đố kỵ, cứng lòng và vấp phạm vì Đức Giê-su. Điều gì đã xảy ra vậy?

Đã có những mâu thuẫn nội tại trong tâm trí họ. Họ đã bị các ký ức và nhận thức về Đức Giê-su trong quá khứ điều khiển cảm xúc và nhận thức của họ về Đức Giê-su trong hiện tại. Tâm trí của họ quá ồn ào! Cho nên, họ không thể tin được, một “bác thợ mộc con bà Ma-ri-a”, lại có sự khôn ngoan như vậy! Họ đã vấp phạm vì chính những kinh nghiệm về Đức Giê-su trong quá khứ của họ. Họ đã vấp phạm vì không chịu thay đổi lối suy nghĩ của mình, không chịu loại trừ những định kiến trong quá khứ. Họ đã vấp phạm vì không thực sự lắng nghe.

Dân làng Na-gia-rét không thể chấp nhận một người mà họ đã quen biết: thân thế tầm thường, gia đình nghèo nàn, họ hàng chẳng có danh giá gì. Biết rõ như thế thì làm sao người đó có thể là Vị Cứu Tinh, là Đấng giải thoát cho dân tộc mình được? Quả thực, họ đã bị thành kiến về giầu nghèo, về giai cấp trong xã hội làm mù quáng, không thể nhận ra bản tính Thiên Chúa, nhận ra sứ mạng cứu chuộc nơi con người Đức Giê-su. Từ thành kiến sai lầm đó họ đâm ra hoài nghi và yêu cầu Ngài làm phép lạ như đã làm những nơi khác.

Trước sự cứng lòng và khinh thường của dân làng Na-gia-rét, Chúa Giê-su chẳng biết làm gì hơn ngoài việc đưa ra nhận xét chua cay: ”Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Dân làng Na-gia-rét không tin Chúa thì cũng vì họ đóng khung Thiên Chúa và tôn giáo vào trong những định kiến hẹp hòi có sẵn của họ. Đấng Cứu Thế phải hiện nguyên hình như định kiến của họ, nghĩa là Đấng Cứu Thế phải có đầy quyền lực theo nghĩa thế gian, họ không thể tin nhận được một Đấng Cứu Thế như một con người đơn sơ khiêm hạ như họ thấy được.

Với mỗi người chúng ta hôm nay cũng thế! Nếu chúng ta không biết bỏ đi những định kiến, không biết thay đổi cách suy nghĩ, không biết trống rỗng chính mình, để có thể thực sự lắng nghe, chúng ta cũng sẽ vấp phạm vì Lời Chúa và ngăn cản những điều kỳ diệu Chúa đang muốn thực hiện cho chúng ta trong đời sống hằng ngày. Nếu không biết trống rỗng chính mình để lắng nghe và thấu hiểu, chúng ta sẽ trở nên cớ vấp phạm và ngăn cản sự hiệp thông với Chúa và với nhau.

Người dân Nadarét đã không ngờ mình có người làng cao trọng đến thế: một ngôn sứ, một Đấng Kitô, một Thiên Chúa làm người, ở với họ. Và họ cũng không ngờ sự cao trọng đó lại được gói trong lớp áo tầm thường, không ngờ Đức Giêsu sẽ là người làm cho cả thế giới biết đến Nadarét. Làm thế nào chúng ta tránh được sai lầm của người Nadarét xưa? Cần tập nhận ra Chúa đến với mình trong cái bình thường của cuộc sống. Cần thấy Chúa nơi những người tầm thường mà ta quen gặp mỗi ngày.

Thành kiến là một tật xấu nằm sâu trong tâm khảm con người. Chính tật xấu này làm cho khả năng đón nhận và loan truyền Lời Chúa bị giới hạn lại. Các Kitô hữu cần học lấy bài học của thánh Phaolô: “vui khi thấy điều chân thật” (1 Cr 13,6). Đấy là khả năng nhận ra sự thiện hảo tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện, và sẵn sàng nêu lên.

Back To Top