skip to Main Content

SỨC MẠNH CỦA LỜI

31 tháng 1

Chúa nhật 4 TN B

SỨC MẠNH CỦA LỜI

Cách giảng dạy và hành động của Chúa Giêsu trong hội đường Caphácnaum cho thấy sức mạnh của lời phát xuất từ môi miệng Người; lời có sức mạnh trổi vượt so với lời của các ngôn sứ trong Cựu Ước.

Thánh Máccô tường thuật cho chúng ta hai hoạt cảnh diễn ra trong hội đường Caphácnaum. Một mặt, thánh ký bận tâm phác thảo diện mạo của Chúa Giêsu, nêu bật uy quyền đặc biệt mà người ta nhận ra ở nơi Ngài: Chúa Giêsu xuất hiện không chỉ với uy quyền của Ngôi Lời Thiên Chúa, chủ tể của Kinh Thánh, nhưng cũng với uy quyền của một con người thanh khiết và hoàn hảo đến nổi không bất kỳ sự thâm hiểm gian ác nào có thể chịu đựng nổi sự hiện diện của Ngài. Mặt khác, ngay từ đầu, thánh Mác-cô cũng nêu bật hai phương cách tiến hành thường hằng mà Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong suốt sứ vụ của Ngài: giảng dạy và dấu chỉ kèm theo, qua đó người ta nhận ra mầu nhiệm của Ngài: Đấng có uy quyền trong lời nói và việc làm.

“Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư”. Các kinh sư thường nhất là những người có bằng cấp học vị, được đào tạo trường lớp về những cách thức giải thích Kinh Thánh một cách tinh tế và uyên bác. Vì thế, những giáo huấn của họ dựa trên những truyền thống của các bậc tôn sư danh tiếng của họ. Riêng Chúa Giêsu, Ngài không xuất thân từ bất cứ trường lớp nào và cũng không quy chiếu đến bất kỳ “kinh sư” hay “bậc tôn sư” nào. Ngài giải thích và khai triển Kinh Thánh từ uy quyền của riêng Ngài và loan báo rằng mọi điều Kinh Thánh loan báo đều được ứng nghiệm ở nơi Ngài.

Không ai có thể buộc tội Ngài về bất cứ điều gì, đây là một sự mới lạ khiến Xatan phải tò mò muốn biết. Rồi, trong hoang địa, nó đã thử hiểu mầu nhiệm của con người nầy; ở Caphanaum, nó bày tỏ qua một người bị quỷ ám khốn khổ. Đối mặt với Chúa Giêsu, tên hiểm ác phải công khai nói lên sự thật và sự thật khiến nó phải nao lòng chột dạ: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Tuy nhiên, Chúa Giêsu buộc nó phải câm lặng.

Hoạt cảnh Caphanaum không là duy nhất, nhưng còn xảy ra nhiều lần ở những nơi khác nữa. Chính thánh ký nói với chúng ta: “Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai” (Mc 1, 34).

Chúa Giêsu vẫn còn muốn giữ riêng bí mật về con người Ngài, vì sợ người ta hiểu lầm sứ mạng của Ngài. Thánh Máccô nhấn mạnh nhiều lần Chúa Giêsu muốn bảo vệ mầu nhiệm của Ngài. Đó là điều mà các nhà chú giải gọi “bí mật Thiên Sai” theo Tin Mừng Máccô. Quả thật, trong suốt Tin Mừng này, Chúa Giêsu kiên quyết bắt ma quỷ không được vén mở chân tính của Ngài, cũng như Ngài cấm những người được chữa lành và ngay cả các môn đệ của Ngài không được tuyên xưng phẩm tính Thiên Sai của Ngài.

Thật không khó để hiểu được thái độ nầy của Chúa Giêsu. Đấng Thiên Sai mà dân chúng biết bao mong đợi khác với hình ảnh mà Ngài sắp thể hiện: hình ảnh của một Đấng Thiên Sai “nhân hậu và khiêm hạ tận mức”, hình ảnh của một Người Tôi Trung chịu đau khổ. Mầu nhiệm nầy chỉ có thể bày tỏ một cách rực rỡ ở nơi biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài.

Lời của Chúa Giêsu có thẩm quyền từ Thiên Chúa. Dù Chúa Giêsu không tự xưng mình là ngôn sứ, nhưng phần lớn sứ mạng công khai của Người dành cho việc giảng dạy dân chúng. Điểm khác biệt trong cách giảng dạy của Chúa Giêsu được dân chúng ghi nhận vì “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền” (Mc 1,22; 2,10; 11,33). Trong khi các ngôn sứ là những người nói lời Thiên Chúa, Đức Giêsu chính là “Con Thiên Chúa” (Mc 1, 1.11), nên lời của Người đích thực là lời Thiên Chúa, lời có thẩm quyền của chính Thiên Chúa, chứ không như lời giảng dạy của các kinh sư (Mc 1, 22).

Lời của Chúa Giêsu có sức mạnh khuất phục thần ô uế.

Quả vậy, lời uy quyền của Chúa Giêsu được biểu lộ qua việc Người ra lệnh cho thần ô uế và nó phải chịu khuất phục (Mc 1, 25). Chính thần ô uế cũng biết và thừa nhận thẩm quyền của Chúa Giêsu qua việc tuyên xưng Người là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1, 24; Lc 4, 34). Trong toàn bộ Tân Ước, lời tuyên xưng này chỉ một lần nữa được đặt trên môi miệng của ông Phêrô (Ga 9, 69). Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, Đấng đã nhận lấy Thánh Thần (Mc 1,9-11) và sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần (Mc 1, 8), Máccô muốn nhấn mạnh rằng Đức Kitô thật sự được Thiên Chúa thánh hiến. Vì được “thánh hiến” nên Người ở trong thế đối nghịch với “thần ô uế”; Người dùng lời quyền năng không chỉ trong việc giảng dạy mà còn để xua trừ thế lực sự dữ.

Lời của Chúa Giêsu mang lại giáo huấn mới mẻ. Thật vậy, Tin Mừng Máccô ghi nhận sự kinh ngạc và thán phục của dân chúng khi lắng nghe lời giảng dạy đầy uy quyền của Chúa Giêsu vì lời Người thực sự là “giáo lý mới mẻ” (Mc 1, 27); lời giáo huấn của Người mở ra một thời đại mới, trong đó con người được lắng nghe và chứng kiến lời uy quyền của Thiên Chúa cách trực tiếp và hoàn toàn mới mẻ, chứ không còn cần qua trung gian gián tiếp là các ngôn sứ nữa.

Tin Mừng Máccô một lần nữa làm nổi bật Chúa Giêsu như là Đấng có lời thẩm quyền của Con Thiên Chúa, lời có sức mạnh khuất phục thần ô uế, lời mang lại giáo huấn mới mẻ và trực tiếp.

Sứ mạng của Chúa Giêsu là giải thoát con người khỏi mọi hình thức vong thân và tha hóa. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ.

Mỗi ngày, chúng ta vẫn thành tâm nguyện xin: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ.

 

Back To Top