Cầu nguyện liên ANRÊ tiếng Hy lạp có nghĩa là…
SỐNG NGAY CHÍNH VÀ ĐỪNG SỢ
15 10 Tr Thứ Sáu Tuần XXVIII Thường Niên.
Thánh Tê-rê-sa Giê-su (thành Avila), Trinh nữ, Tiến sĩ Hội Thánh, lễ nhớ.
Rm 4,1-8; Lc 12,1-7.
SỐNG NGAY CHÍNH VÀ ĐỪNG SỢ
Thánh Têrêsa Avila sống trong thời kỳ nhiều khai phá cũng như nhiều biến động chính trị, xã hội và tôn giáo. Ðó là thế kỷ 16, thời của hỗn loạn và cải tổ. Cuộc đời của thánh nữ bắt đầu với sự cực thịnh của phong trào cải cách Tin Lành, và chấm dứt sau Công Ðồng Triđentinô ít lâu.
Ơn sủng mà Thiên Chúa ban cho Têrêsa mà qua đó ngài trở nên thánh thiện, để lại gương sáng cho Giáo Hội và hậu thế gồm có ba điểm: Ngài là một phụ nữ; ngài là người chiêm niệm; ngài là người tích cực sửa đổi.
Là một phụ nữ, nhưng Têrêsa giữ vững lập trường của mình trong một thế giới “trọng nam khinh nữ” vào thời đó. Ngài là người cương quyết, gia nhập dòng Camêlô bất kể sự chống đối kịch liệt của cha mình. Ngài không phải là một con người chìm trong sự thinh lặng cũng như sự huyền bí. Ðẹp, có tài, giỏi giao tế, dễ thích ứng, trìu mến, can đảm, hăng say, ngài thực sự là một con người. Cũng như Ðức Giêsu, ngài có những mâu thuẫn lạ lùng: khôn ngoan, nhưng thực tế; thông minh, nhưng đi đôi với kinh nghiệm; huyền bí, nhưng là người quyết liệt cải cách. Một phụ nữ thánh thiện, nhưng cũng đầy nữ tính.
Têrêsa là một phụ nữ “vì Chúa”, một phụ nữ của cầu nguyện, kỷ luật và giàu lòng thương. Tâm hồn ngài thuộc về Chúa. Sự hoán cải của ngài không chỉ là một công việc tức thời, nhưng đó là một tranh đấu gian khổ suốt cả đời, bao gồm sự trường kỳ thanh luyện và đau đớn. Ngài bị hiểu lầm, bị đánh giá sai, bị chống đối khi ngài nỗ lực cải cách.
Tuy nhiên ngài vẫn tiếp tục, vẫn can đảm và trung tín; ngài chống trả với chính bản thân, với bệnh tật. Và trong cuộc chiến đấu ấy, ngài luôn bám víu lấy Thiên Chúa trong lời cầu nguyện. Những văn bản của ngài về sự cầu nguyện và chiêm niệm là chính những kinh nghiệm bản thân của ngài: thật mạnh mẽ, thật thiết thực và thanh cao. Một phụ nữ của cầu nguyện, một phụ nữ vì Chúa.
Têrêsa cũng là một phụ nữ “vì tha nhân.” Qua sự chiêm niệm, ngài dành nhiều thời giờ và sức lực để tìm cách thay đổi chính ngài và các nữ tu Camêlô, để đưa họ trở về với những quy tắc ban đầu của nhà dòng. Ngài sáng lập trên sáu tu viện mới. Ngài đi đây đó, viết lách, chiến đấu — luôn luôn để canh tân, để cải tổ. Trong chính bản thân ngài, trong lời cầu nguyện, trong đời sống, trong nỗ lực cải tổ, trong tất cả mọi người ngài gặp, ngài là người phụ nữ vì tha nhân, người phụ nữ làm phấn khởi cuộc đời.
Vào năm 1970, Giáo Hội ban cho ngài một danh hiệu mà người đời đã nghĩ đến từ lâu: Tiến Sĩ Hội Thánh. Ngài là người phụ nữ đầu tiên được vinh dự này.
Ngày nay chúng ta sống trong một thời đại nhiều xáo trộn, thời đại cải tổ và thời đại giải phóng. Các phụ nữ thời đại có thể nhìn đến Thánh Têrêsa như một thách đố. Thúc giục canh tân, thúc giục cầu nguyện, tất cả đều có trong con người Thánh Têrêsa là người đáng khâm phục và noi gương.
Thánh Têrêsa hiểu rõ giá trị của sự đau khổ liên tục (bệnh tật thể xác, không muốn cải tổ, khó khăn cầu nguyện), nhưng ngài đã luyện tập để có thể chịu đau khổ, ngay cả khao khát đau khổ: “Lạy Chúa, hoặc là đau khổ hoặc là chết.” Cho đến gần cuối đời, ngài đã kêu lên: “Ôi lạy Chúa! Thật đúng là bất cứ ai làm việc cho Ngài đều được trả bằng những khó khăn! Và đó thật đáng giá cho những ai yêu mến Ngài nếu chúng con hiểu được giá trị của nó.”
Đức Ki-tô là người anh trưởng luôn quan tâm dạy dỗ chúng ta. Hôm nay người dạy chúng ta tránh những men xấu trà trộn trong cuộc sống. Người cũng tỏ cho chúng ta thấy, Chúa sẽ quan phòng bảo vệ chúng ta, đừng sợ! Trong phần suy niệm hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu với nhau xem chúng ta phải tránh những men xấu nào? Chúng ta phải sống ngay thẳng trong sự thật và đừng sợ ai ? Sau cùng là giá trị con người chúng ta cao quí như thế nào?.
Các tông đồ đồng hành với Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường rao giảng của Ngài. Ngài luôn tìm giờ để tâm sự, an ủi, chỉ vẽ cho các ông phải sống thế nào để Tin Mừng được loan báo. Hôm nay, Chúa căn dặn các ông phải coi chừng các khuynh hướng xấu của nhóm Pharisêu và Hêrôđê. Thái độ cũa họ gây phản loạn chống lại Chúa Giêsu. Bộ mặt giả hình,Ý tưởng xấu xa ẩn dấu trong lòng họ sẽ bị lộ ra trước mặt mọi người.
Ngày nay, xã hội chúng ta đang bị thác loạn vì khủng bố, hận thù gây chiến tranh, nạn đói kém xảy ra trên thế giới mỗi ngày thêm trầm trọng, những chiêu bài giả dối lường gạt con người. Môi trường thiên nhiên bị tàn phá, mẹ trái đất mang thân phận mong manh, phập phồng, có thể bị nổ bung bất chợt vì bầu khí quyển bị con người làm ô nhiễm đang nóng dần mỗi ngày. Vô tình, con người đang phá hủy sinh thái. Lòng người đang khủng hoảng giữa chân lý và thực tại. Điểm quan trọng là con người ngày nay đang tìm cách chối bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Thiên Chúa là sự sống, chối bỏ sự sống là chối bỏ Thiên Chúa.
Tất cả những gì chống lại sự sống như giết người, diệt chủng, phá thai, làm chết êm dịu, tự tử. Tất cả những gì xúc phạm đến toàn thể con người như cưa cắt phần thân thể, những cuộc tra tấn thể xác hay tinh thần, tìm cách cưỡng bách tâm lý, giam tù, lưu đày biệt xứ, bắt làm nô lệ, cảnh mãi dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tất cả những điều làm hạ phẩm giá con người, biến công nhân ngang bằng với sản phẩm để thu lợi. Tất cả chúng đã làm cho nền văn minh đồi bại. Những ai thi hành những điều ấy là xúc phạm đến vinh quang Đấng Tạo Dựng. Chúng ta những Kitô hữu phải tỉnh thức và tránh xa những loại men độc hại ấy. Hãy lắng nghe Giáo huấn của Giáo Hội để sống đúng vai trò của người Kitô hữu trong thế giới hôm nay.
Là con người, ai ai cũng muốn sống trong sự tự do đích thật, nhưng không phải chuyện dễ, nhiều tình huống làm con người không dám can đảm nhận lãnh sự thật, trốn tránh sự thật, họ đã tìm cách áp đặt sai sự thật lên người khác. Chính Đức Kitô là nạn nhân trong hoàn cảnh này. Người là sự thật nhưng đã bị chối từ. Người đã trả lời Tổng trấn Philatô: “Tôi sinh ra để làm chứng cho sự thật, ai đứng về phía sự thật thì nghe tôi” Tất cả những ai muốn tham dự vào cuộc sống trong Vương Quốc đều phải đón nhận sự thật đã được tỏ bày nơi Đức Kitô. “Phần Đức Kitô qua việc nhập thể, Con Thiên Chúa một cách nào đó đã kết hợp chính mình với bất kỳ người nào muốn đón nhận Người”
Đây là vinh dự của mỗi người chúng ta được thông chia với Người trong công cuộc cứu chuộc thế giới. Đón nhận Đức Kitô là đón nhận sự thật. Sự thật là nền tảng của đạo đức, là nơi chỉ dẫn chúng ta trong cuộc sống. Sự thật làm cho con người được tự do. Đức Kitô mời gọi chúng ta làm chứng cho sự thật.
Đừng sợ, dù có phải chết cho sự thật như Thầy Chí Thánh của chúng ta, thì “chúng ta hãy xác tín rằng chỉ có Đức Kitô mới là tầm vóc mẫu mực cho con người và chúng ta phải biết rằng chính nơi Người chúng ta tìm được sức mạnh cần thiết để đương đầu với mọi thử thách. Tôi mong muốn loan báo với các bạn: Chúa Giêsu với tư cách là Đường là sự Thật và là sự Sống. Nơi Người tất cả chúng ta sẽ tìm thấy sự tự do trọn vẹn, thấy được ánh sáng để hiểu biết được thực tại từ trong sâu thẳm và biến đổi thực tại thế giới này bằng sức mạnh đổi mới của tình yêu.”
Ngay trong bài giảng khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô ngày Chúa nhật 22-10-1978, tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi toàn thể Hội Thánh và mọi người trên thế giới“Đừng sợ”:
“Anh chị em đừng sợ! Hãy mở ra, mở toang mọi cánh cửa đón lấy Chúa Kitô! Hãy mở mọi biên giới các quốc gia, các hệ thống chính trị, những lãnh vực bao la của nền văn hóa, văn minh, phát triển cho quyền năng cứu độ của Chúa bước vào”.
“Đừng sợ! Chúa Kitô biết rõ “mọi điều trong lòng người”! Và chỉ một mình Người biết rõ” (Gioan Phaolô II – Bài giảng lễ khai mạc sứ vụ Tông đồ Phêrô).Thái độ “không sợ” được Đức Gioan Phaolô II nói đến vượt trên ý nghĩa thông thường là sự bất khuất, không nao núng trước bạo lực, bạo quyền. Không sợ là thái độ vượt thắng sự thủ thế, co về mình, không dám mở ra đón lấy sự cao cả, siêu việt, linh thánh của Tin Mừng Cứu độ và cũng không đủ nghị lực và sự kiên trì đưa Tin Mừng trở thành hiện thực nơi trần gian, xây dựng Nước Chúa ngay trong thực tại trần thế.
Hãy can đảm nhận lãnh sứ mệnh Thiên Chúa đã sai chúng ta trên trần gian, dầu khi chúng ta phải bắt bớ, tù đày hay bị giết chết, chúng ta cũng đừng sợ, vì họ chỉ giết chết được phần xác mà không làm gì được phần linh hồn. Vậy chúng ta phải sợ ai ? Phải sợ một mình Thiên Chúa, Đấng đã giết chúng ta lại có quyền ném chúng ta vào hỏa ngục. Đấng thấu suốt tâm can chúng ta sẽ thưởng phạt chúng ta theo việc chúng ta làm.